Home / Chia Sẻ / SỐNG BÉ NHỎ

SỐNG BÉ NHỎ

SongbenhoBao Nhiêu Khiêm Hạ Vẫn Chưa Đủ

Một Chút Tự Kiêu Là Quá Thừa

Thánh “Bông Hoa Nhỏ” Têrêsa cho biết: Sống khiêm nhu bé nhỏ là nhận biết mình hư vô nên không ngã lòng trước tội lỗi của mình, vì trẻ nhỏ thì thường ngã.” Có những cái bé nhỏ mà quan trọng, có những cái to lớn mà bình thường – thậm chí là tầm thường.

Kinh Thánh cho biết: “Trên mặt đất có bốn loài bé nhỏ, nhưng rất mực khôn ngoan: Loài kiến là đám dân yếu ớt, nhưng mới mùa hè đã biết chuẩn bị thức ăn. Loài ngân thử là đám dân nhược tiểu, nhưng lại biết làm nhà nơi hốc đá. Châu chấu nào có vua đâu, thế mà vẫn di chuyển theo hàng ngũ. Thằn lằn, ta bắt được bằng tay, nhưng nó sống cả nơi đền đài vua chúa.” (Cn 30:24-28) Con người tuy to lớn mà chưa chắc khôn khéo hơn chúng!

Bé nhỏ cũng có nghĩa là khiêm nhường, to lớn cũng có nghĩa là kiêu căng. Mặc dù Đức Maria cao trọng hơn mọi người nhưng chỉ nhận mình là nữ tỳ. Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả là nhân vật quan trọng nhưng sống rất giản dị, muốn nhỏ lại để Chúa lớn lên. Khiêm nhường là nhân đức nền tảng, rất quan trọng nhưng thực sự khó thể hiện, vì “cái tôi” chẳng là gì mà lại rất cồng kềnh, không dễ đè bẹp nó. Thật vậy, khi có vài người ngồi với nhau, ai cũng muốn nói nhiều để thể hiện “bản lĩnh” của mình. Những người không nói thì lại bị chê trách này nọ. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Nhiêu khê!

Cầu nguyện có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, Thánh Isaak Syria phân tích: “Cầu nguyện là một chuyện, chiêm niệm trong cầu nguyện là chuyện khác. Cầu nguyện là gieo vãi, chiêm niệm là gặt hái, khi người thợ ngỡ ngàng nhìn thấy cảnh tượng tuyệt vời mở ra trước mắt: những quả bắp xinh đẹp trổ ra từ những hạt giống trần trụi bé nhỏ mà họ đã gieo vãi.”

Cầu nguyện không chỉ là xin. Chúa Giêsu đã dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, và hơn thế nữa, Ngài nêu gương: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11:25-26) Ngài là Sư Phụ hiền lành và khiêm nhường (Mt 11:29) nên Ngài chỉ thích những con người “bé nhỏ.”

Sau khi dâng lời tạ ơn, Chúa Giêsu cho biết: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11:27) Ai khiêm tốn thì Ngài mặc khải cho những điều bí ẩn. Ngài luôn mời gọi mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:28-30)

Trong cuộc sống không ai lại không vất vả và có những gánh nặng nề, không cách này thì cách khác, dù theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen, chắc chắn không có ai không cần Ngài nâng đỡ. Cuộc đời có rất nhiều thứ chúng ta phải “gồng mình” mà chịu đựng, thậm chí có những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và hầu như kiệt sức. Cái ách thô ráp và cái gánh nặng trĩu ở đâu cũng có, dù trong gia đình hoặc cộng đoàn tu trì. Có lẽ chúng ta chưa thực sự kề vai vào gánh vác Ách và Gánh của Chúa Giêsu nên chúng ta vẫn thường than thở đủ thứ, rồi trách mình hoặc trách người. Thế mới biết phàm nhân yếu hèn lắm, vậy mà lúc nào cũng rình nổi loạn. Cái tôi thật tồi tệ!

Được sinh ra làm người là một đại ân, có vóc dáng và tâm trí bình thường lại là đặc ân khác, được lành lặn và khỏe mạnh lại thêm đại ân nữa. Hơn nữa, chúng ta lại được Chúa Giêsu cứu độ, đó là một đặc ân cao cả khác nữa. Ơn chồng lên ơn. Quá nhiều. Như vậy, chúc tụng và tạ ơn là một trong các bổn phận ưu tiên hàng đầu mà chúng ta phải thực hiện đối với Thiên Chúa. Có nhiều cách thể hiện, một cách đơn giản là tránh tội: “Hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa, trên giường nằm, suy nghĩ và lặng thinh.” (Tv 4:5) Một cách khác đơn giản là ca hát: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.” (Ep 5:19)

Con cái không thể nào trả hiếu cho cha mẹ, và cha mẹ cũng không đòi hỏi gì, chỉ cần con cái ngoan ngoãn là trả hiếu rồi. Ca dao nhắn nhủ thật chí lý: “Ai mà phụ nghĩa quên công / Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.” Lòng biết ơn rất quan trọng, dù chúng ta đang ở trên Tabor hoặc Canvê. Thật dễ tạ ơn khi phấn khởi đứng trên đỉnh Tabor, nhưng rất khó tạ ơn khi ủ rũ sầu thảm trên đỉnh Canvê. Hằng ngày, một lời cảm ơn rất đơn giản nhưng lại rất thường bị lãng quên. Cuộc đời tín nhân phải là bản “trường ca tri ân” vô tận. Trong đó có những “nốt tình” khác nhau về trường độ và cao độ, mỗi “nốt” có vị trí khác nhau nhưng vẫn luôn hài hòa để tạo thành bản tổng phổ hoàn chỉnh để ca tụng Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa dành cho mình, cho gia đình và mọi người.

Biết ơn là biết hạ mình, nhận biết mình bé nhỏ. Theo nghiên cứu tâm lý, người ta cảm thấy hạnh phúc hơn nếu biết ơn về những điều tích cực trong cuộc sống (tức là những gì mình có) hơn là cứ lo lắng về những gì mình không có. Biết ơn là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất mà con người khả dĩ có được trong cuộc sống hằng ngày. Điều đó liên quan việc đền ơn đáp nghĩa bằng một cách nào đó. Cựu nghị sĩ Hạ viện Les Brown (sinh 1945, Hoa Kỳ) có cách ví von đơn giản mà thú vị: “Người ngồi trong bóng râm ngày hôm nay là nhờ đã trồng cây từ lâu về trước.” Người trồng đó có thể là chính mình hoặc một người nào đó, thường là người khác trồng và chúng ta được hưởng lúc này.

Luật yêu của Chúa Giêsu khác Cựu Ước – tương đương mà dị biệt, có vẻ “ngược đời” lắm, nhưng đó lại là nghịch-lý-thuận. Cựu Luật dựa trên nền tảng công bằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, mạng đền mạng.” (Xh 21:24; Lv 24:20; Đnl 19:21) Đó là luật báo phục tương xứng. Thế là “huề vốn,” như vậy là thụ động tiêu cực. Còn Tân Luật dựa trên nền tảng yêu thương, mà yêu thương thì phải tha thứ. Tân Luật chủ động và tích cực. Hiểu cho sâu xa thì ai cũng là ân nhân của chúng ta, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, nghĩa là chúng ta luôn phải biết ơn người khác, đặc biệt là với Thiên Chúa. Biết ơn thì phải biết tạ ơn.

Tự vấn và tự trả lời, Thánh Vịnh gia nói: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa.” (Tv 116 [114-115]:12-13) Tạ ơn Thiên Chúa là bổn phận của chúng ta, và công việc chúng ta thể hiện đó chẳng thêm gì cho Ngài nhưng lại sinh ơn cứu độ cho chính chúng ta. Đề cập việc tạ ơn, chúng ta có thể nhớ lại chuyện mười người phong hủi. Cả mười người đều được sạch, nhưng chỉ có một người ngoại bang trở lại tạ ơn Chúa Giêsu. (Lc 17:11-19) Như vậy, chắc chắn chín người kia là “đạo gốc,” chính đạo chứ không tà đạo, thế nhưng họ vẫn vô ơn vì có lẽ tưởng mình là “đệ nhất phàm nhân.” Câu chuyện này vừa “nhắc khéo” vừa “nguyền rủa” chúng ta về việc vô ơn bội nghĩa đối với Thiên Chúa và tha nhân. Kinh dị thật!

Những người khiêm nhường biết mình và biết người, vui vẻ nhớ ơn chứ không miễn cưỡng, chiếu lệ. Thánh Vịnh gia mời gọi: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” (Dcr 9:9) Lý do để chúng ta vui mừng rất rõ ràng. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng nhiều cách, dạng phổ biến nhất là Hồng Ân. Thánh Ân của Ngài cũng lạ “phép lạ” luôn xảy ra trong cuộc đời hằng ngày của mỗi chúng ta – đơn giản mà cần thiết là không khí. Không cần phải tìm đâu xa.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài là Đấng cứu thoát chúng ta khỏi kẻ thù và làm cho chúng ta được sống bình an và an cư lạc nghiệp: “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.” (Dcr 9:10) Vả lại, “chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Có những thứ người ta gọi là ngẫu nhiên nhưng thực ra đó là Chúa cho phép chúng ta gặp điều này hoặc sự nọ, theo quan phòng mầu nhiệm của Ngài.

Thánh Gióp là tấm gương điển hình. Sau khi bị mất tất cả, từ tài sản tới con cái, chính ông cũng bị bệnh tật, bị mọi người xa tránh, cả vợ ông cũng nguyền rủa ông, nhưng ông vẫn tận trung với Thiên Chúa. Ông minh định: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21) Cả đời chúng ta cũng không thể so sánh với một góc nhỏ của Thánh Gióp. Đau khổ (tinh thần hoặc thể lý) là “visa” để nên thánh đấy. Thật vậy, Thánh Inhaxio Loyola nói “Nếu Thiên Chúa để anh em phải chịu nhiều đau khổ, đó là dấu Người đã có những chương trình lớn lao dành cho anh em, và chắc chắn Người muốn biến đổi anh em thành một vị thánh.”

Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, chẳng có thần linh nào khác, chính Ngài “đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên,” (1 Sm 2:6; Kn 16:13) Ngài “bắt phải nghèo và cho giàu có, hạ xuống thấp và nhắc lên cao.” (1 Sm 2:6-7) Nghe có vẻ “oải” quá, nhưng không phải vậy, Ngài vẫn “thành tín trong mọi lời Ngài phán, và đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm. Ai quỵ ngã, Ngài đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Ngài cho đứng thẳng lên.” (Tv 145:13-14) Thánh Vịnh gia đã trải nghiệm: “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.” (Tv 30:4) Hồng ân chồng lên hồng ân nhờ đức tin quyện vào đức mến và đức cậy.

Thánh Phaolô nói: “Vì tính xác thịt ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.” (Gl 5:17) Thần Khí Chúa rất quan trọng trong đời chúng ta, vì chính Chúa Thánh Thần tác động và biến đổi chúng ta, như Thánh Phaolô nói: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô.” (Rm 8:9)

Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ hơn: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống.” (Rm 8:11-13) Chúng ta luôn là “con nợ” của Thiên Chúa và tha nhân. Mặc dù vậy cũng vẫn phải biết ơn, bởi vì mắc nợ cũng là một dạng mang ơn vậy. Thọ ân thì phải tri ân.

Hồng ân lớn nhất mà chúng ta mắc nợ Chúa Giêsu là ơn cứu tử, điều mà chính Ngài đã minh định: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:15) Chính cái chết của Ngài là Hồng Ân vô giá, chẳng bao giờ chúng ta có thể đền đáp cân xứng. Nhưng Ngài không đòi hỏi gì nhiều ở chúng ta, Ngài chỉ cần chúng ta thật lòng tin yêu Ngài và cảm tạ Ngài trong mọi hoàn cảnh. Đơn giản vậy mà sao khó quá vậy? Vì tôi tồi tệ lắm!

Cuộc sống vốn dĩ nhiêu khê vì bao nỗi khổ, người ta càng cần khiêm nhường hơn. Cứ đơn giản hóa và đi xuyên qua đau khổ thì sẽ an tâm vui sống, và rồi sẽ gặp được Thiên Chúa – Nguồn Hạnh Phúc duy nhất. William Clement Stone (1902-2002, nhà từ thiện Hoa Kỳ) đặt vấn đề: “Nếu thực sự có lòng biết ơn, bạn sẽ làm gì? Hãy CHIA SẺ với mọi người.” Bà Betty Smith (1896-1972, tác giả Hoa Kỳ) xác định: “QUAN TÂM mọi việc xung quanh cho dù đó là gặp lần đầu hay lần cuối, rồi cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc.” Đó là sống hòa đồng, không kỳ thị hoặc dị ứng với bất kỳ ai.

Lạy Thiên Chúa uy quyền, xin đè bẹp “cái tôi” của chúng con xuống để chúng con có thể vươn tới Ngài. Xin ban thêm cho chúng con được dồi dào ba đức đối thần và các đức đối nhân để đủ can đảm vượt lên chính mình và vượt qua mọi bất trắc đời này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

  

Xem thêm

5-1-2025 8-57-51 PM

Lời Chúa – Chúa Nhật Lễ Hiển Linh Năm C | 05/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN