Home / Chia Sẻ / SIÊNG NĂNG VÀ BIẾNG NHÁC

SIÊNG NĂNG VÀ BIẾNG NHÁC

SiengNangvaBiengNhacGiữa những toan tính bon chen của cuộc sống hằng ngày, vào lúc cuối năm, Phụng vụ nhắc chúng ta đừng quên tính sổ với Chúa, để “kết toán” những gì chúng ta đã sống, đã hành động, đồng thời đừng quên ơn mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa.  Những ơn đó cũng chính là số vốn mà Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi.  Có những người sử dụng ơn Chúa ban một cách siêng năng và sinh lợi gấp nhiều lần, nhờ vậy mà được ban thưởng; nhưng cũng có những người biếng nhác, chẳng chịu làm gì, để rồi bị chúc dữ và chịu án phạt.  Vào lúc năm cùng tháng tận, chúng ta cần suy xét cuộc đời, nhờ đó, xác định hướng đi, với hy vọng đạt tới hạnh phúc vào lúc cuối cuộc đời.

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt vào ngữ cảnh một chuỗi những bài giảng về cánh chung, tức là ngày tận thế.  Chúa Giêsu đã giáo huấn bằng 5 dụ ngôn liên tiếp, đó là dụ ngôn về đại hồng thủy (Mt 24,37-42); về kẻ trộm ban đêm (Mt 24,43-44); về người đầy tớ trung tín (Mt 24,45-51); về mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13).  Như vậy, dụ ngôn những nén bạc (Mt 25,14-30) là dụ ngôn cuối cùng của chuỗi dụ ngôn này, trước khi Chúa nói về cuộc phán xét chung (Mt 25,31-46).

Thật hiếm thấy tác giả Tin Mừng dùng ngôn ngữ của thương mại để diễn tả giáo huấn của Chúa Giêsu.  Nên lưu ý, trong tiếng Anh và tiếng Pháp, chữ “Talent” vừa có nghĩa là “yến bạc” hoặc đơn vị tiền tệ, vừa có nghĩa là “tài năng.”  Một tác giả đã nghiên cứu lịch sử và lượng giá một “Talent” hay một yến bạc thời Chúa Giêsu tương đương với thu nhập của 15 năm đối với một người lao động bình thường.  Dụ ngôn muốn nói với chúng ta, những gì chúng ta có được, kể cả tài năng và của cải, đều là Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi.  Sẽ đến lúc chúng ta phải tường trình về cách sử dụng những tài năng và của cải đó.

Ông chủ trong dụ ngôn vừa khôn ngoan và vừa quảng đại.  Ông khôn ngoan vì biết khả năng của mỗi đầy tớ.  Ông quảng đại vì không hề ra điều kiện buộc phải sinh lợi bao nhiêu với số vốn đã trao.  Ông chủ chính là hình ảnh Thiên Chúa.  Ngài ban cho chúng ta những yến bạc, những tài năng để chúng ta sinh lợi.  Người ban nhiều hay ít là tùy theo khả năng của mỗi người.  Chúa trao cho chúng ta sức khỏe, trí thông minh, hoàn cảnh gia đình, bạn bè và những điều kiện thuận lợi.  Đó là vốn liếng chúng ta được nhận từ Chúa và chúng ta có bổn phận phải sinh lợi.  Sau khi trao phó của cải cho các đầy tớ, ông chủ đi xa lâu ngày.  Thiên Chúa cũng dường như vắng bóng trong cuộc đời của chúng ta.  Chúng ta không nhìn thấy Ngài.  Nhưng chắc chắn có ngày Ngài đến để thanh toán sổ nợ với chúng ta.  Người Kitô hữu tin rằng đó là lúc sau hết của cuộc đời con người.  Khi ấy, Thiên Chúa sẽ đến gặp gỡ chúng ta và chúng ta phải trả lời trước mặt Chúa về số vốn được trao.

Người đầy tớ thứ nhất và thứ hai được ông chủ khen là “tài giỏi và trung thành,” vì họ đã làm lợi gấp đôi số vốn được trao.  Khi tuyên bố: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh,” ông chủ đã đưa anh từ địa vị đầy tớ lên ngang hàng với ông chủ, không còn phân biệt “chúa-tôi” nữa.  Nói cách khác, nhờ sự trung thành và cần mẫn, hai người đầy tớ đã thoát khỏi thân phận nô lệ mà trở nên như con cái của ông chủ, được cho hưởng niềm vui và vinh quang.  Đây cũng là mạc khải Kitô giáo về ý nghĩa và phẩm giá con người.  Những ai tin vào Chúa Giêsu và thực hành giáo huấn của Người sẽ trở nên những nghĩa tử của Thiên Chúa.  Sau khi kết thúc cuộc sống đời này, họ được đón nhận vào nhà Chúa để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.  Họ không còn phải than khóc, buồn sầu, nhưng được hưởng niềm vui trọn vẹn mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến và phụng sự Ngài.

Thân phận của người đầy tớ thứ ba thì lại không được như thế.  Anh bị ông chủ mắng là “vô dụng, xấu xa và biếng nhác.”  Anh không thật tâm với ông chủ.  Bằng chứng là mặc dù anh chịu ơn ông chủ, nhưng trong đầu óc của anh luôn nghĩ xấu về chủ mình.  Những nhận định của anh về ông chủ vừa thiếu thiện chí vừa mang tính vu khống: “Tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi…”  Tại sao lại nói ông chủ là người “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” trong khi chính ông chủ đã trao tận tay anh ta một yến bạc để làm vốn?  Hơn nữa, trong khi hai người đầy tớ trước rất tự tin nói với ông chủ: “Ông đã trao cho tôi năm (hai) yến, tôi đã gây lời được năm (hai) yến khác đây,” thì anh đầy tớ lười nhác này lại nói với ông chủ: “Của ông vẫn còn nguyên đây này!”  Cách nói “Nén bạc của ông” và “Của ông vẫn còn nguyên” ở câu 25 cho thấy người đầy tớ xấu xa và lười nhác chưa bao giờ coi số vốn đó là như của mình, để rồi anh quan tâm làm cho sinh lợi.  Anh là người vô trách nhiệm và thiếu thiện chí.  Một điều nhỏ nhất anh có thể làm được mà anh cũng bỏ không làm, đó là đem gửi số bạc đó vào ngân hàng để hưởng lợi.  Anh đáng khiển trách không phải vì đã làm điều xấu, nhưng vì anh biếng nhác không chịu làm gì.  Hơn thế nữa, anh còn có lối suy nghĩ không tốt về chủ mình, người chủ đã tin tưởng trao vốn cho anh một yến bạc, dù biết khả năng anh khiêm tốn.  Hình phạt cho anh đã rõ ràng và thích đáng: anh bị tước mất một yến bạc được trao phó và bị tống ngục.  Ngục giam ở đây được trình bày như một nơi tăm tối và khóc lóc, là nơi thiếu vắng tình yêu.  Đó chính là cách diễn tả hỏa ngục theo niềm tin của Do Thái giáo.

Siêng năng là một đức tính cần thiết trong đời sống Đức Tin cũng như trong đời sống xã hội.  Tác giả sách Châm ngôn diễn tả sự siêng năng qua chân dung một người phụ nữ đức hạnh.  Nàng biết miệt mài làm việc trong gia đình.  Nơi nàng, người chồng đặt niềm tin tưởng hoàn toàn.  Nàng luôn biết quan tâm đến những người xung quanh, mang cho họ niềm vui và nụ cười (Bài đọc I).  Đó là vẻ đẹp nội tâm, vượt xa những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài.

Siêng năng cũng mang một khuôn mặt khác là tỉnh thức.  Vâng, chúng ta cần tỉnh thức, vì cuộc sống này chính là một cuộc chờ đợi không ngừng.  Chúa sẽ đến vào giờ chúng ta không ngờ, ngay cả lúc người ta nghĩ là yên ổn và an bình.  Hãy tỉnh thức và sống tiết độ, đó là lời khuyên của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thessalonica (Bài đọc II).  Đó cũng là thông điệp mà Giáo Hội gửi đến chúng ta trong những ngày cuối năm này.

Bốn điều mà thế hệ trẻ nên suy gẫm:

– Thất bại là gì?  Bỏ cuộc là thất bại lớn nhất.

– Kiên cường là gì?  Một khi bạn đã kinh qua gian khó, uất hận và thất vọng, chỉ khi đó bạn mới hiểu được kiên cường là gì.

– Nghĩa vụ của bạn là: Siêng năng hơn, chăm chỉ hơn, và tham vọng hơn người khác.

– Chỉ kẻ ngu muội mới dùng miệng để nói.  Người thông minh dùng trí óc, và người sáng suốt dùng trái tim (Samuel Johnson).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …