Home / Chia Sẻ / SAO NHÁT THẾ

SAO NHÁT THẾ

 

Trình thuật “Đức Giê-su dẹp yên sóng gió” được cả ba Tin Mừng Nhất lãm ghi lại, và không khác biệt nhau nhiều.  Tuy vậy, chỉ có Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô ghi lại lời quở trách của Chúa Giê-su: “Sao nhát thế.”  Lời này cũng có nghĩa: “Tại sao lại sợ?”; “Đức tin nơi các anh còn yếu lắm” và: “Các anh nghĩ tôi là ai mà lại sợ hãi như vậy?”

 SAO NHÁT THẾ

 

Chắc chắn cơn cuồng phong này phải mạnh mẽ và dữ dằn lắm.  Bởi lẽ các môn đệ là những người dân chài chuyên nghiệp, được luyện từ nhỏ để quen với sóng gió, mà lúc này các ông hoảng sợ, tưởng chừng như sắp chết đến nơi.  Lời van nài của các ông đã cho thấy nỗi sợ hãi lớn lao thế nào.  Tuy vậy, khi các ông chấm dứt nỗi hoảng sợ vì bão tố, thì lại là lúc các ông hoảng sợ trước quyền năng của vị Thầy.  Vì vậy, các ông run rẩy nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”  Trong truyền thống Kinh Thánh, biển tượng trưng cho quyền năng của ma quỷ và sự dữ.  Biển như một con quái vật, có thể nuốt chửng và hủy diệt tất cả.

 

Thiên Chúa có quyền năng trên biển cả, vì Ngài là Đấng sáng tạo mọi loài, trong đó có đại dương.  Sức mạnh của biển cả dù có ghê gớm đến đâu cũng nằm trong sự kiểm soát của Đấng Tạo Dựng.  Bài đọc I nói với chúng ta về nhân vật Gióp.  Đang an lành sung sướng đầy đủ, ông bỗng mất hết.  Những người bạn đến thăm đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích cho những đau khổ mà ông đang gánh chịu.  Ông Gióp không bằng lòng với cách lý luận đổ lỗi cho quá khứ của ông.  Ông đã muốn đưa cả Thiên Chúa ra tòa!  Mặc dù ở trong tâm trạng đó, ông không hề xúc phạm đến Ngài.  Đoạn văn chúng ta nghe hôm nay là lập luận của Thiên Chúa.  Đúng hơn là lời giáo huấn của Ngài.  Qua đó, Ngài muốn khẳng định với ông Gióp và các người bạn: Ngài là Đấng Sáng tạo quyền năng, có quyền ra ranh giới cho đại dương.  Bài Sách thánh này được đọc cùng với trình thuật Chúa Giê-su dẹp yên sóng gió, sẽ nêu bật nội dung giáo huấn chứng minh Đức Giê-su là Thiên Chúa.  Người có quyền năng trên mọi sự, như Người đã chứng tỏ qua các phép lạ.

 

Cuộc sống của chúng ta được so sánh như cuộc vượt đại dương.  Cuộc đời này là chốn khách đày, là biển cả mênh mông.  Dù ở bậc sống nào và trong hoàn cảnh nào, mỗi người phải chống chọi với bão tố phong ba.  Chẳng có ai từ khi sinh ra đến khi qua đời đều được hoàn toàn yên hàn thư thái.  Những cơn cuồng phong đang nổi lên xung quanh chúng ta, đó là bệnh tật, tang tóc, chia lìa, tai nạn, bạo lực, khó khăn tài chính, ô nhiễm môi trường…  Chúng ta có cảm tưởng như tất cả đều đang đổ xô về phía chúng ta.  Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giê-su nói với chúng ta như Người đã nói với các môn đệ năm xưa: “Sao nhát thế?  Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”  Các môn đệ là những người trước đó đã chứng kiến các phép lạ Chúa Giê-su làm.  Tuy vậy; vào giữa cơn phong ba, lòng tin của các ông vẫn bị chao đảo.  Đức tin của chúng ta đôi khi cũng bị chao đảo như vậy.  Chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa trong những lúc bình an hạnh phúc, nhưng khi gặp thử thách gian nan, chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự vấn lương tâm: đức tin của tôi vào Chúa ở mức độ nào?  Lòng xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi như thế nào?  Làm thế nào để tôi sẵn sàng đón nhận những biến cố đau thương của cuộc đời với tinh thần đức tin?  Tin Mừng hôm nay khẳng định với chúng ta: mặc dù cuộc sống đầy thử thách phong ba, chúng ta vẫn có thể sống bình an thanh thản, nếu chúng ta tin Chúa Giê-su đang hiện diện trong cuộc đời.  Lời Chúa đem lại cho chúng ta niềm hy vọng giữa những chông gai của cuộc sống.  Tuy vậy, để tìm được bình an, một điều kiện quan trọng là phải mời Chúa Giê-su đến hiện diện trên “chiếc thuyền cuộc đời” của chúng ta.  Giữa sóng gió phong ba, Người đang hiện diện ở đây, giữa cuộc sống này.

 

Trong những lời giáo huấn của cho cộng đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô cho thấy niềm xác tín nơi bản thân ngài.  Một khi cảm nhận sâu xa sự hiện diện của Đức Giê-su trong cuộc đời, thánh nhân không còn lo lắng sợ sệt gì nữa.  Không có gì trên trần gian có thể làm cho ngài buông rời Chúa Giê-su.  Nếu ngài còn sống ở trần gian, là vì ngài sống cho Chúa và sống vì Chúa.

 

Xin Chúa Giê-su giúp chúng ta luôn kiên vững đức tin, nhất là những lúc bi đát đau buồn của cuộc sống.  Amen!

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Xem thêm

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

  Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng thể kính hai thánh …