(Tản mạn về Worldcup 2014)
Kể từ đêm 13 tháng 6 và trong cả nửa tháng 7, khắp hành tinh sôi sục vì Worldcup. Sáng chúa nhật lễ Chúa Ba ngôi, lễ thứ nhất của xứ mình phía bên các ông vắng hẳn đi. Cha xứ cũng có nhận xét về điều này vì Ngài cũng biết song song với giờ lễ của giáo xứ, tại Braxin đang được trực tiếp trên truyền hình trận cầu mà người hâm mộ không thể bỏ qua: Ý và Anh tranh tài. Chắc là Lễ II và Lễ III số nam giới sẽ tăng lên. Cũng được thôi; cha kết luận: chỉ mong không có hiện tượng cá độ xảy ra khiến cho các gia đình đi đến xào xáo, đổ vỡ, thậm chí nợ nần vì cay cú, ăn thua. Bà xã mình cũng nhắc khéo khi lúc về lễ thấy mình đang ngồi trước truyền hình: “Ông liệu mà xem, cha đã nhắc rồi đó”.
Bóng đá, một môn thể thao được hàng triệu triệu người trên hành tinh này ưa chuộng. Trên sân bóng phản ánh các vấn đề trong cuộc sống, về xã hội, văn hóa, tính cách con người, kể cả chủng tộc, tôn giáo. Một bàn thắng xảy ra, cả cầu trường như dậy sóng. Mỗi cầu thủ ghi bàn thể hiện một lối diễn tả niềm vui khác nhau: Người tin Chúa quì xuống giơ đôi cánh tay lên trời biểu lộ lòng tôn vinh cảm tạ. Có cầu thủ làm dấu Thánh giá một cách tôn kính. Người khác nằm dài trên sân cỏ sấp mình như dấu đi cảm xúc tràn trề hạnh phúc. Cũng có những cầu thủ diễn tả niềm vui theo văn hóa dân tộc mình như nhảy múa một vũ điệu. Có anh chàng đặt ngón trỏ trên đôi môi như ra dấu yêu cầu khán giả thinh lặng để nghe tim mình đang vang những nhịp đập ngập tràn hạnh phúc. Nhưng ngược lại, bên bị thủng lưới có cầu thủ thể hiện thái độ tức tối, sừng sộ với đồng đội, với đối phương và có khi cả với khán giả bằng những hành vi thô tục như giơ ngón tay thối, hay lăng mạ, tế sống trọng tài, sừng sộ với đội bạn… Trên sân cỏ, mỗi cầu thủ chiến đấu vì màu cờ sắc áo, vì cái đẹp (fair-play) nhưng cũng có cầu thủ nặng về ăn thua, thô bạo với đối phương một cách phi thể thao. Rồi những hành vi phân biệt về màu da, về ngôn ngữ thậm chí cả về chính trị đã ít nhiều làm xấu đi môn thể thao ”vua”, khiến cho tinh thần Olympic cao thượng bị hoen ố. Nhiều vị lãnh đạo các quốc gia, thủ lãnh các dân tộc cũng đến tham dự một cách vô tư cổ vũ cho hai đội bóng trên sân, dù có đội tuyển của quốc gia mình thi đấu. Đức Giáo Hoàng Yoan Phao Lô II từng là một người rất ham thích bộ môn thể thao này. Người ta kể lại rằng chính Ngài đã cho dời một Thánh Lễ trọng cử hành tại quảng trường Thánh Phêrô được dự định tổ chức trước đó sau hai tiếng đồng hồ, có truyền hình trực tiếp, vì có một trận cầu quốc tế diễn ra trùng với giờ cử hành Thánh Lễ. Theo Đức Thánh Cha “để người hâm mộ vừa được thưởng thức một trận cầu lớn vừa được tham dự Thánh lễ tại quảng trường và theo dõi trên truyền hình.
Tiện thể mình được dịp thông tin cho bà xã về tóm tắt ý kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới đây về Worldcup 2014. Ngài giải thích rằng: ”Trước tiên thể thao dạy chúng ta điều này: để thắng thì cần phải tập luyện. Nếu để cải tiến một người, cần phải tập luyện khẩn trương và liên tục, thì cần phải dấn thân nhiều hơn để đạt tới cuộc gặp gỡ và hòa bình và giữa các dân tộc được ”cải tiến”.
Bài học thứ hai trong việc thực hành thể thao giúp đỡ chúng ta: chúng ta học cách chơi đẹp trong bóng đá. Để chơi trong đội banh của mình thì trước tiên cần phải chú ý đến ích lợi của cả đội chứ không phải nghĩ đến mình. Theo cá nhân chủ nghĩa trong cuộc sống, cố tình không biết đến những người chung quanh, thì toàn thể xã hội sẽ bị thiệt thòi.
Bài học sau cùng mà thể thao mang lại để giúp đạt tới hòa bình là phải tôn trọng đối phương. Bí quyết của chiến thắng trên sân banh và cả trong cuộc sống, hệ tại việc tôn trọng người đồng đội của mình cũng như đối phương. Không ai có thể chiến thắng một mình trên sân banh cũng như trong cuộc đời. Ước gì không ai tự cô lập mình và cảm thấy bị loại ra ngoài!”
Quả là ”không có sinh họat nào của con người lại xa lạ với sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại“ (HCMV 43).
Đỗ Lộc Hưng
(Trích nhật kí nhà đạo)