Home / Chia Sẻ / SẮC MÀU CỦA TÌNH YÊU

SẮC MÀU CỦA TÌNH YÊU

 

sacmaucuatinhyeuNhững ngày cuối Mùa Chay, tiếng gọi từ thập giá càng tha thiết hơn.  Nhìn lên Thánh giá, hơn hai ngàn năm rồi một thân xác bị kéo căng hình chữ ‘Y’, nằm trên “chiếc giường” chữ ‘T.’  Hai mẫu tự đó là bản di chúc Tình Yêu của Con Thiên Chúa để lại cho trần gian.  Thiên Chúa có nhiều sáng kiến để bày tỏ tình yêu với nhân loại, khi thì như cha mẹ yêu thương con cái, lúc lại như người chồng yêu thương vợ.  Ngược lại tình yêu con người dành cho Thiên Chúa chỉ là sự hời hợt, hay thay đổi.  Sở dĩ nói thế, vì đọc Kinh thánh họa hiếm lắm mới thấy tình yêu Thiên Chúa được đáp trả thay vì luôn bị bội phản.  Chúng ta cùng tìm hiểu điều này.

Thiên Chúa thương yêu con người như cha mẹ yêu thương con

Trong Kinh thánh ta thấy nhiều lần Thiên Chúa đến với con người bằng tư tưởng, hành động như cha mẹ trần gian cư xử với con cái: “Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11, 4).  Hay lúc khác ta bắt gặp hình ảnh ân cần: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.  Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66, 12-13)Vì yêu thương, muốn gần gũi con người Thiên Chúa đã cúi xuống, tìm đến chăm sóc cho con người như bao cha mẹ vẫn yêu chiều: nựng trẻ thơ, nâng lên, áp má, đút cho ăn, bồng ẵm… những cử chỉ đầy tính biểu cảm, thân thương và gần gũi đối với bất cứ ai trong chúng ta.

Cũng bằng tâm tình cha mẹ trần gian yêu thương con mình sinh ra, nhưng tình yêu của Cha trên trời là khối tình phổ quát: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao” (Tv 103, 11).  Hình ảnh người Cha là sự vững chắc, an toàn, nâng đỡ con trước gió mưa cuộc đời.  Còn tình yêu của mẹ thì dịu dàng, bao dung, nhẫn nại.  Mỗi khi con lỗi phạm, lỡ bỏ nhà đi và muốn trở về thì người nó tìm gặp trước tiên luôn là mẹ.  Vì nó biết, một khi thốt ra lời xin lỗi mẹ sẽ mở rộng vòng tay ôm con vào lòng.  Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (x. Lc 15, 1-32) là bằng chứng minh nhiên cho tình yêu vô điều kiện của Cha trên trời.  Thiên Chúa còn thể hiện tình yêu đối với con người theo cách nào nữa?

Thiên Chúa yêu con người tựa tình yêu nam nữ

Đối với người trẻ cách bày tỏ tình yêu rất phong phú và khi yêu họ cũng thích đưa ra những triết lý, quan niệm độc lạ: “Yêu là thành toàn, yêu là hy sinh, yêu chính là con thiêu thân lao vào lửa…”  Nhìn lên Thập giá chúng ta cũng nhận thấy rõ sự thành toàn, sự hy sinh Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Chỉ khác một điều, Ngài lao vào lửa chính là để kéo những con thiêu thân dại khờ ra khỏi cái chết vô nghĩa.

Tình yêu Thiên Chúa đôi khi cũng lãng mạn lắm! “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16) và nếu cần mạnh mẽ thì cũng khó ai sánh bì: “Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần” (Dc 8, 6).  Đôi lúc Kinh thánh diễn tả Thiên Chúa yêu con người như người chồng yêu vợ, khi ân cần, nhẹ nhàng, lúc dữ dội tưởng không gì ngăn được: “Nước lũ không dập tắt được tình yêu” (Dc 8, 7) nhưng lại có lúc lạnh lùng dứt đoạn tình nghĩa chỉ vì ghen.  Thiên Chúa là vị thần hay ghen (Xh 20, 5).

Trong tình yêu ghen tuông vừa phải sẽ là gia vị khiến tình cảm hai người thêm sâu sắc và qua đó biết trân trọng nhau hơn.  Còn dưới con mắt các nhà tâm lý, ghen là biểu hiện của sự lo sợ, sợ cho mình, sợ người mình yêu đi theo người khác.  Tính ghen nơi Thiên Chúa thì khác.  Điều Ngài lo sợ hơn cả là sợ bản tính con người yếu đuối, không đủ khôn ngoan phân biệt chính tà mà theo lầm chủ xấu.

Trường hợp Giuđa It-ca-ri-ốt là một điển hình.  Chắc chắn Đức Giêsu không lầm, vì trước khi chọn ông Ngài đã lên núi cầu nguyện suốt đêm (x.Lc 6, 12-16).  Vậy cái sai chỉ có thể là do sự chọn lựa của Tông đồ Giuđa mà thôi.  Được Thầy và anh em tín nhiệm trao cho làm quản lý, nhưng thay vì chứng tỏ cho mọi người thấy mình xứng đáng với tình yêu của Thầy.  Giuđa lại có hành động của kẻ cắp (x.Ga 12, 5-6), một sự phản bội trắng trợn.

Thế nên ta cần hiểu cái ghen của Thiên Chúa không là dấu chỉ sự bất toàn, nhưng diễn tả sự cao sâu trong tình Ngài yêu.  Mỗi lần con người phản bội, Thiên Chúa giáng phạt ‘ba bốn đời’, nhưng phần thưởng cho ai trung tín lại là ‘nhân nghĩa đến ngàn đời.’  Thiên Chúa yêu con người vì tình yêu chính là thuộc tính của Ngài.  Cũng như ngọn lửa, bản chất của nó là tỏa sáng và phát ra hơi nóng, nếu không như vậy nó không còn là lửa nữa.

Nếu nghĩ rằng tình yêu Thiên Chúa là cái gì đó huyền nhiệm khó hiểu, bạn có thể nhờ đến Kinh Thánh.  Quả thực Kinh thánh luôn là nơi cung cấp những chất liệu tốt nhất giúp ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.  Tình yêu ấy đã được hiện tại hóa trên thập giá từ ngàn xưa không cần chứng minh.  Về phần con người cần đáp trả lại tình yêu ấy thế nào để không trở thành kể bội nghĩa, bất trung.  Chúng ta hãy dùng hành động thay cho mọi ngôn từ, trong tương giao với mọi người luôn: vui vẻ khi người khác làm phiền, lạc quan trước thử thách, giữ vững niềm tin trước thất bại, biết nói không với tên phản trắc, dối lừa luôn rình rập lôi kéo…  Đó cũng là ta đã vác thập giá mình hàng ngày mà bước theo Thầy Giêsu vậy.

Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …