Home / Chia Sẻ / RƯỢU

RƯỢU

RƯỢUTôi lớn lên trong một ngôi nhà đầy rượu. Là một gia đình Công giáo gốc, rượu được phục vụ cho người lớn trong nhiều dịp khác nhau. Có lẽ rượu đã được phục vụ trong bữa tiệc hoặc buổi tụ họp. Trong nhà tôi, chúng tôi đi quanh một chén rượu chúc tụng để biểu thị một dịp đặc biệt như rửa tội, rước lễ lần đầu, sinh nhật,… Một số người bạn không theo Công giáo của tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rượu trong tủ lạnh của chúng tôi. Vì thế, cách giải quyết vấn đề với rượu là gì? Kinh Thánh rõ ràng: Chúa quý rượu!

Thời Cựu Ước, rượu được sử dụng như một biểu tượng mạnh mẽ. Rượu tượng trưng cho trí tuệ. (Cn 9:1-5; Hc 17-21) Rượu tượng trưng cho luật pháp và các nghi lễ kết hôn. (Dc 1:2-4; 4:10; 5:1; 7:2) Ngôn sứ Isaia nói về một cuộc tụ họp của tất cả mọi người để dùng bữa tiệc rượu thịnh soạn, khi Thiên Chúa đến cứu họ. (x. Is 25:6-9) Ngôn sứ Amốt báo trước về những ngày Thiên Chúa sẽ phục hồi Nước Đavít: “Này đây sắp đến những ngày thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy.” (Am 9:13)

Chúa Giêsu dùng rượu trong các sách Phúc Âm. Phép lạ đầu tiên của Ngài được thực hiện trong bối cảnh nổi tiếng của tiệc cưới tại Cana. Trong khi Chúa Giêsu và Đức Mẹ dự tiệc cưới, chàng rể bắt đầu cạn rượu để phục vụ khách. Trong thế giới ngày nay, việc hết đồ uống giải khát trong một bữa tiệc hoặc buổi tụ tập có thể gây bực bội hoặc bất tiện cho chủ nhà và khách. Hết rượu trong một bữa tiệc cưới theo truyền thống Do Thái xưa là hành động “thảm khốc” rất có thể phá hủy địa vị xã hội của một gia đình trong cộng đồng địa phương.

Mary nhận thấy tai họa đang tích tụ này khi cô nói với anh ta: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2:3) Lời tuyên bố này khởi động phép lạ công khai đầu tiên của Chúa Giêsu. Đức Mẹ nhận ra nhu cầu của người ta, và Mẹ đã can thiệp thay cho họ. Sau khi thảo luận ngắn với Con Yêu, Đức Mẹ nói với những người phục vụ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2:5) Sự tương tác giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu rất giống khuynh hướng cầu nguyện của Công giáo, liên quan đến sự chuyển cầu của Đức Mẹ. Cũng giống như các khách dự tiệc cưới, chúng ta đến gần Đức Mẹ với lời cầu xin của chúng ta. Đức Mẹ trực tiếp chuyển lời cầu nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa với hy vọng được phúc lành dồi dào. Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng ban phúc lành cho chúng ta với lòng quảng đại tràn đầy. (x. 2 Cr 8:2)

Sau khi nghe lời cầu xin của Đức Mẹ, Chúa Giêsu tỏ vẻ ưu ái với yêu cầu của Đức Mẹ, và Ngài đã làm rất nhiều rượu. Những chiếc chum đá được sử dụng cho nghi lễ của người Do Thái thường chứa được 20 đến 30 gallon nước. (x. Ga 2:6) Như vậy Chúa Giêsu đã làm khoảng 120 gallon rượu (chừng 500 lít) một cách kỳ diệu! Chúng ta biết rằng đó là loại rượu hảo hạng, có vị ngon nhất, bởi vì khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ!” (Ga 2:9-10)

Chúa Giêsu đã tạo ra loại rượu ngon nhất từ ​​trời cho tiệc cưới Cana. Điều này không có nghĩa là Kinh Thánh dung túng cho việc say xỉn. Ngược lại, Kinh Thánh nói rõ rằng nên tránh uống rượu quá nhiều bất kỳ lúc nào. Khi pha rượu, ông Nôê đã bị say và té ngã (tương đương với ông Ađam), làm cho chu kỳ thất bại của con người kéo dài suốt Cựu Ước. (x. St 9:21) Trong Tân Ước, Thánh Phaolô cảnh báo về việc uống rượu quá mức. (x. 1 Tm 3:8; 1 Cr 5:11) Tốt nhất nên uống rượu có chừng mực, phải biết “tiết độ và tỉnh thức.” (1 Pr 5:8)

Với sự báo trước về cái chết của Ngài, rượu chứng tỏ là một biểu tượng hữu ích để hướng sự chú ý của chúng ta đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh. Hãy cân nhắc sự so sánh điển hình giữa Lễ Vượt Qua (Quá Hải, Pesah) trong sách Xuất Hành và Cuộc Khổ Nạn của Chúa trong Phúc Âm. Khi cứu dân Israel khỏi ách nô lệ, ông Môsê được Thiên Chúa hướng dẫn cách tổ chức bữa ăn vĩnh viễn theo các chỉ dẫn cụ thể: Thiên Chúa bảo ông Môsê sát tế một con cừu non 1 tuổi, tinh tuyền và không có xương gãy. Sau đó, Thiên Chúa bảo ông Môsê lấy máu của Chiên Con và dùng nhánh hương thảo quét lên cửa ngõ của dân Israel. (Xh 12:21-23) Khoảnh khắc lịch sử này đã trở thành truyền thống của người Do Thái được ghi vào truyền thống Do Thái với việc cử hành Lễ Vượt Qua hằng năm.

Điều thú vị cần lưu ý là bữa ăn Seder ngày xưa có bốn chén rượu, tượng trưng cho sự giải thoát của dân Israel khỏi ách nô lệ: (1) Chén của sự thánh hóa: Ta sẽ đưa các ngươi ra ngoài; (2) Chén của sự giải thoát: Ta sẽ giải cứu thoát ngươi; (3) Chén của sự cứu độ: Ta sẽ cứu chuộc ngươi; (4) Chén của sự chúc tụng: Ta sẽ chọn các ngươi là dân của Ta. Chén thứ năm đã được dành cho Êlia với hy vọng rằng ông sẽ đến thăm trong dịp lễ. Chén này được để nguyên.

Chúa Giêsu Kitô, Đấng được Gioan Tẩy Giả tuyên bố là “Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1:29) Ngài là Chiên hiến tế mới, cử hành bữa tiệc Vượt Qua với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.” (Mt 26:27-29)

Chúa Giêsu tuyên bố rằng Ngài sẽ không uống chén rượu cuối cùng cho đến khi Nước Trời của Cha Ngài hoàn tất. Ngay ngày hôm sau, trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu không uống chút rượu nào: “Chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống.” (Mt 27:34) Rồi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá: “Sau đó, Chúa Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ‘Tôi khát!’ Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.” (Ga 19:28-29)

Cuối cùng, sau khi nếm rượu trên một nhành hương thảo, Chúa Giêsu nói: “Τετέλεσται” (Tetelestai) – Thế là đã hoàn tất. (Ga 19:30) Những gì đã được hoàn tất? Đêm trước, Chúa Giêsu đã bỏ qua chén thứ tư trong bữa ăn Lễ Vượt Qua, và biến nó thành bữa ăn Lễ Vượt Qua của Giao Ước Mới: Bí tích Thánh Thể. Chúa Cứu Thế của chúng ta đã uống Chén Cuối Cùng – chén dành cho Êlia. Một giải thích hấp dẫn của tiến sĩ Scott Hahn, học giả Kinh Thánh Công giáo, gợi ý rằng Lễ Vượt Qua Mới kết thúc khi Chúa Giêsu nếm rượu trên Thập Giá. Đức Kitô uống Chén Cuối Cùng, chén của Giao Ước Mới. Chén Cuối Cùng này có sẵn cho tất cả những ai kêu cầu Ngài, đó là Bí tích Thánh Thể.

Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được trình bày qua việc ăn bánh và uống rượu. Cầu mong chúng ta mãi mãi “ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi.” (Gv 3:13)

MARK HAAS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Mùa Chay – 2021

✠ Hướng Về Tuần Thánh – https://youtu.be/kMDno2LXL00

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …