Home / Chia Sẻ / Rước Lễ

Rước Lễ

 

Ruoc-LeNgày 8-10-1910, ĐGH Piô X đã công bố Tông sắc “Quam Singulari Christus Amore” (Tình Đức Kitô Lạ Lùng Biết Bao) nói về vấn đề trẻ em nên được rước lễ ở độ “tuổi khôn” (7 tuổi).

Rước lễ là sống trong Đức Kitô

Bí tích Thánh Thể là bí tích thứ ba trong các bí tích khai tâm. Mặc dù chúng ta phải giữ luật rước lễ mỗi năm ít nhất 1 lần (luật buộc, nhiệm vụ mùa Phục Sinh), và Giáo hội khuyến khích chúng ta thường xuyên rước lễ (nên rước lễ hằng ngày, nếu có thể), đây là bí tích khai tâm – giống như Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, vì Thánh Thể ban cho chúng ta sự sống dồi dào trong Đức Kitô.

Khi rước lễ, chúng ta ăn chính Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô, nếu không thì chúng ta sẽ “không có sự sống nơi mình” (Ga 6:53).

Chuẩn bị Rước lễ

Vì Bí tích Thánh Thể nối kết chúng ta với sự sống của Đức Kitô, chúng ta phải sạch tội trọng mới được đón nhận Mình Máu Thánh, như Thánh Phaolô giải thích: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:27-29). Đón nhận Thánh Thể một cách bất xứng là tự chuốc lấy án phạt.

Nếu chúng ta phạm tội trọng, chúng ta phải đến với Bí tích Hòa Giải trước. Giáo hội coi hai bí tích này có liên kết với nhau, cho nên Giáo hội thúc giục chúng ta thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể.

Giao tiếp tâm linh

Nếu không thể rước lễ thật, không thể tham dự Thánh Lễ, hoặc chúng ta cần phải xưng tội trước, chúng ta có thể đọc kinh Ăn Năn Tội, khao khát được kết hiệp với Chúa Giêsu và cầu xin Ngài ngự vào linh hồn chúng ta. Như vậy gọi là rước lễ thiêng liêng. Hằng ngày, mọi nơi và mọi lúc, chúng ta nên thường xuyên rước lễ thiêng liêng. Rước lễ thiêng liêng không là bí tích nhưng là lòng đạo đức tốt lành, chúng ta vẫn nhận được ân sủng làm cho chúng ta thêm vững mạnh trên hành trình đức tin.

Hiệu quả của việc Rước lễ

Rước lễ làm cho chúng ta nhận được ân sủng về cả tâm linh và thể lý.

Về tâm linh, linh hồn chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu hơn, nhờ ân sủng chúng ta lãnh nhận và nhờ tác động của ân sủng mà chúng ta thay đổi cách sống. Thường xuyên rước lễ làm cho chúng ta thêm yêu mến Chúa và tha nhân, tình yêu đó được thể hiện bằng hành động cụ thể, và làm cho chúng ta nên giống Đức Kitô hơn.

Về thể lý, thường xuyên rước lễ làm cho chúng ta bớt tức giận, giảm đam mê – đặc biệt là nhục dục. Nhờ lãnh nhận Thánh Thể, thân xác chúng ta được thánh hóa, chúng ta càng nên giống Chúa hơn. Thật vậy, như Lm John Hardon cho biết trong cuốn “Modern Catholic Dictionary” (Tự điển Công giáo Hiện đại), Giáo hội dạy: “Hiệu quả của việc rước lễ là loại trừ các tội nhẹ, đồng thời tha các hình phạt tạm [đời này và đời sau] vì tội chúng ta trót phạm, cả tội nhẹ và tội trọng”.

Mắt chúng ta nhìn thấy Bánh và Rượu, nhưng đức tin cho chúng ta biết rằng Lễ Vật đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa để trở nên Mình Máu của Đức Kitô, Thiên Chúa Ngôi Hai. Vì thế, Giáo hội dạy: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Tin kính Thánh Thể

Ngày nay, người Công giáo đã quen với bài Thánh ca “Pange Lingua” (Pange Lingua Glorioso), mới đầu bài này dùng để hát trong khi rước Thánh Thể từ bàn thờ chính sang bàn thờ phụ trong Thánh Lễ tưởng nhớ việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, khi Ngài cùng các môn đệ ăn Bữa Tiệc Ly, chiều Thứ Năm Tuần Thánh.

“Tantum Ergo” là những từ mở đầu của trong bài Pange Lingua, một bài Thánh ca Thánh Thể (Eucharistic hymn) quen thuộc vẫn được sử dụng khi chầu Mình Thánh Chúa. Đây là bài Thánh ca thời Trung cổ, thể loại bình ca. “Tantum Ergo” là câu mở đầu của bài Thánh ca Pange Lingua, nhưng khi nói tới thì người ta vẫn nói là bài “Tantum Ergo”. Bài này được hát khi tôn kính và chúc tụng Thánh Thể trong Giáo hội Công giáo – và các Giáo hội có thực hành việc sùng kính này. Bài này thường được hát, nhưng cũng có thể đọc.

Lời La ngữ:

Tantum ergo Sacramentum, Veneremur cernui: Et antiquum documentum, Novo cedat ritui: Praestet fides supplementum Sensuum defectui.

Genitori, Genitoque, Laus et jubilatio, Salus, honor, virtus quoque, Sit et benedictio: Procedenti ab utroque, Compar sit laudatio. Amen.

Lời Anh ngữ:

Down in adoration falling, Lo! the sacred Host we hail, Lo! o’er ancient forms departing, Newer rites of grace prevail; Faith for all defects supplying, Where the feeble senses fail.

To the everlasting Father, And the Son Who reigns on high, With the Holy Ghost proceeding Forth from Each eternally, Be salvation, honor, blessing, Might and endless majesty. Amen.

Bài Thánh ca này ngắn gọn nhưng chân thành diễn tả sự thờ lạy Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể. Đây là bài Thánh ca mà Giáo hội yêu thích được dùng để tôn kính Thánh Thể.

Tại Việt Nam, trước đây dùng bản Lantin, nhưng sau đó hầu như không dùng, nếu có cũng rất hiếm, và thường thay thế bằng bài “Đây Nhiệm Tích” (Đây nhiệm tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ….). Ngày nay, “Tantum Ergo” thi thoảng được dùng khi chầu Mình Thánh Chúa – ví dụ, một số nơi đã dùng bản Latin trong giờ hiệp nhất Chầu Thánh Thể của toàn Giáo hội Công giáo trong đêm lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi, Corpus Domini), ngày 2-6-2013. Và lâu lắm rồi tôi mới có dịp cùng cộng đoàn hát lại bài Thánh ca bất hủ này. Đây là một trong những bài Thánh ca cổ nổi tiếng còn tồn tại tới ngày nay.

Có thể ít người biết rằng tác giả của bài Thánh ca “Pange Lingua” bất hủ lại chính là Thánh Thomas Aquinas (1225–1274), linh mục Dòng Đa-minh, Tiến sĩ Giáo hội Công giáo. Thật vậy, ngài không chỉ là Tiến Sĩ Thiên Thần mà còn là một Nhạc Sĩ tài năng. Chính sự thanh khiết như thiên thần và sự thánh thiện của ngài đã đưa ngài tới rất gần Thiên Chúa.

Theo yêu cầu của ĐGH Urban IV, người đã ấn định Lễ Mình Máu Chúa (Corpus Christi) được kính mừng trên toàn thế giới, Thánh Thomas Aquinas đã sáng tác bài Thánh ca này và được dùng làm Thánh ca chính thức của Giáo hội Công giáo.

Một linh mục khác là bạn thân của Thánh Thomas Aquinas cũng đã cố gắng sáng tác một bài Thánh ca để chầu Thánh Thể. Khi Thánh Thomas Aquinas hoàn tất, ngài chia sẻ bài Thánh ca đó với anh bạn linh mục kia, người bạn linh mục đã kinh ngạc về sự sang trọng và cách diễn tả lạ lùng của bài Thánh ca. Linh mục này liền xé bài hát của mình, vì nghĩ rằng bài mình viết chẳng là gì so với bài của anh bạn Thomas Aquinas.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN