“Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13:1)
Chúa Giêsu với các môn đệ tụ họp ở Phòng Tiệc Ly để mừng Lễ Vượt Qua, cũng như các gia đình Do Thái khác vẫn làm. Đó là bữa ăn cuối cùng Ngài chia sẻ với “gia đình” của Ngài. Ngài biết điều này và Ngài biết số phận đang chờ đợi Ngài trong 24 giờ tới. Chắc chắn lòng Ngài trĩu gánh nặng của thập giá sắp đến, nhưng Ngài mang điều gì đó còn hơn cả nỗi buồn. Ngài mang tấm lòng yêu thương đối với những người đi theo Ngài. Ngài đã cười với họ, dạy dỗ họ, sửa phạt họ, làm những phép lạ cùng với họ, đồng thời mở mang tâm trí họ trước những điều kỳ diệu của Vương Quốc. Bây giờ mọi chuyện đã kết thúc, và Ngài có biểu hiện cuối cùng để họ thấy.
Chương 13 Phúc Âm theo Thánh Gioan cho biết nơi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trước bữa ăn, một công việc thường được thực hiện bởi người đầy tớ. Đó không phải là công việc dễ chịu, mà là công việc cần thiết và là dấu hiệu tiếp đón theo truyền thống. Tuy nhiên, không có người hầu nào sắp rửa chân cho các môn đệ, và rõ ràng các môn đệ đều nghĩ mình không phải làm công việc tầm thường và khó chịu như vậy. Chắc chắn họ nhìn người khác và nghĩ: “Chính anh phải là người rửa chân cho chúng tôi.” Họ chưa hề tưởng tượng được ai sẽ làm việc đó.
Chúa Giêsu đứng dậy, rời khỏi chỗ, cởi áo ngoài, lấy khăn và chậu nước. Hãy tưởng tượng sự im lặng choáng ngợp khi thấy Thầy yêu quý của họ quỳ gối trước người đầu tiên, cởi đôi dép đầy bụi và chạm vào đôi chân bẩn thỉu đó. Chắc chắn tất cả những gì có thể nghe thấy là tiếng nước bì bõm khi Ngài di chuyển quanh căn phòng. Phêrô không muốn Thầy làm vậy nên đã rút chân lại, nhưng Chúa Giêsu không chịu. Khi rửa chân cho họ xong, Chúa Giêsu bảo họ hãy noi gương Ngài và sống tốt bằng cách thể hiện sự khiêm nhường và phục vụ.
Tôi đã suy nghĩ về cảnh tượng này trong tâm trí nhiều ngày qua, và có điều gì đó làm tôi rất ấn tượng. Thánh Gioan là người duy nhất ghi lại cảnh này, và không nói rằng có người rửa chân Chúa Giêsu vào ngày hôm đó. Nếu có một môn đệ đã làm vậy thì chắc chắn Thánh Gioan sẽ không bỏ qua chi tiết quan trọng như vậy.
Sẽ đến một ngày, dù sớm hay muộn, khi tôi được tận mắt nhìn thấy Ngài vinh hiển. Khi tôi cúi đầu trước Ngài với lòng tôn thờ biết ơn, tôi muốn rửa chân cho Chúa Giêsu của tôi. Tôi muốn được ôm đôi chân xinh đẹp đó trong tay. Tôi muốn té nước từ Sông Sự Sống (Kh 22:1) lên chân Ngài.
Các Phúc Âm ghi lại hai lần phụ nữ rửa và xức dầu chân Chúa Giêsu. Nhưng đôi chân mà họ vuốt ve không mang những vết sẹo của Thập Giá. Những dấu ấn quý giá đó sẽ đến sau những hành động yêu thương của họ. Họ rửa chân Chúa Giêsu, Thầy của họ. Tôi muốn rửa chân Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của tôi. Tôi muốn chạm vào dấu vết do móng tay để lại và hôn lên những vết sẹo đã chuộc tội cho tôi. Ngài mang dấu ấn tình yêu của Ngài dành cho tôi trên thân thể, đôi tay, đôi chân, cạnh sườn và trên trán. Tôi muốn bày tỏ “tình yêu trọn vẹn của tôi” cho Ngài, rằng tôi sẽ yêu Ngài mãi mãi – yêu cho đến cùng.
Tôi muốn rửa chân cho Đấng Cứu Độ duy nhất của tôi và của nhân loại. Đôi bàn chân ấy đã đạp vào tã lót nơi máng cỏ Belem. Đôi bàn chân ấy đã đưa Ngài đến bờ biển Galilê, bước đi trên Con Đường Thập Giá gập ghềnh và bụi bặm. Đôi bàn chân ấy đã chịu sức nặng thân thể Ngài và sức nặng tội lỗi của chúng ta trên Thập Giá. Đôi bàn chân ấy đầy vết sẹo xinh đẹp và vinh quang đã nói về tội nhân chúng ta – những người được trả tự do.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của con, trên thân thể hoàn hảo của Ngài vẫn còn những vết sẹo cứu chuộc con. Con cầu xin đặc ân rửa chân cho Ngài để bày tỏ tình yêu của con dành cho Ngài – cho đến cùng. Amen.
BETH ANDREWS
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ dbethandrews.wordpress.com)