Năm Thánh là năm tha thứ, được Đức Phanxicô khuyến khích làm nghĩa cử tha thứ, nhiều người đã quay về với việc xưng tội. Cả ở trong cũng như ở ngoài nhà thờ.
Các tòa giải tội hiện đang hoạt động mạnh. Người công giáo thường có truyền thống đi xưng tội trong dịp lễ Giáng sinh. Năm nay lễ Giáng sinh trùng hợp với Năm Thánh lòng thương xót, một năm được đặt dưới dấu hiệu hòa giải và đã được Đức Giáo hoàng khai mạc vào ngày 8 tháng 12. Vì không có sổ ghi chính thức, nên khó biết việc thì thầm vào tai cha giải tội có thật sự tăng vào đầu thế kỷ 21 này không. Nhưng có một điều chắc chắn, giáo dân đã quay về với tòa giải tội.
“Từ hai mươi năm nay, song song với sự thành công của Ngày Giới Trẻ, các người trẻ đã quay về tòa giải tội. Còn các tín hữu thì họ vẫn có thói quen đi xưng tội. Ngày xưa? Ngày xưa xưng tội mang tính cách hình thức và răn bảo. Một vài tín hữu nản lòng. Họ không còn thích xưng tội nhưng bây giờ thời thế đã thay đổi”, xơ Bénédicte Drouin phân tích, xơ là chủ biên của trang Gia đình công giáo Pháp, Famillechrétienne.fr.
Bây giờ xưng tội ít mang tính răn bảo mà có chiều sâu thiêng liêng hơn. “Ngày nay giáo dân đi xưng tội rất nhiều. Quanh năm, tôi thấy họ đi xưng tội, họ muốn đời sống của mình mang một ý nghĩa”, cha Denis Lecompte nhận xét, cha là cha xứ ở địa phận Cambrai (miền Bắc nước Pháp). “Xã hội của chúng ta bị mặc cảm tội lỗi đè nặng, giáo dân khó nhận định đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Vì thế bí tích hòa giải là phương cách để họ hóa giải mặc cảm này, một mặc cảm không lành mạnh”, Đức ông Olivier Ribadeau-Dumas phân tích, Đức ông là phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF).
“Các tội lỗi thường phạm là các tội đã có từ thuở tạo thiên lập địa. Nơi người lớn thì thiếu cầu nguyện, gây gỗ trong gia đình, giận dữ, phê phán. Nơi trẻ con thì không vâng lời”, linh mục Philippe Vigneron ở giáo xứ quận 10, Paris tóm tắt như trên.
Một vài tội đã tiến hóa theo xã hội. “Tất cả những gì dính đến đời sống vợ chồng, các quan hệ tình dục trước hôn nhân thì ít. Tiêu chuẩn đạo đức đã du di”, linh mục Denis Lecompte nhấn mạnh. Ngược lại, có những tội khác xuất hiện trong tòa giải tội như “không khai thuế đủ”. Cha Christian Lancrey-Javal thuộc giáo xứ Đức Bà Thương Xót ở Paris (quận 17) cũng giải các “tội của thời buổi này” như các “vấn đề bất trung, lang thang trên Internet và xem phim khiêu dâm trên mạng”, ngoài ra còn cả “lái xe quá tốc độ và vi phạm khi lái xe gây tội phạm”. Tội nào có hình phạt đó, tùy theo nặng nhẹ: “Chẳng hạn đi một cuộc hành hương nhỏ trong thành phố, viếng thăm một Nhà thờ Chính tòa”. Trong đời linh mục của mình, cha Christian có khi gặp tội “giết người bỏ trốn”. “Tôi xin họ: Con có nghĩ đến công chính cho người khác, con có nghĩ đến gia đình các nạn nhân…” Không bao giờ cha tố cáo họ, cha tôn trọng luật bí mật tuyệt đối của tòa giải tội. “Về vấn đề này, tôi không có chút e sợ, ngay cả với những chuyện kinh hoàng.”
Đức Giáo hoàng cũng xưng tội
Đối với 1.200.000 tín hữu, gương tốt từ trên cao xuống. Đức Giáo hoàng xưng tội một tháng hai lần. “Tôi là kẻ có tội, tôi cảm thấy mình là người có tội. Chúa nhìn tôi với lòng thương xót và Ngài tha thứ cho tôi. Ngày hôm nay tôi vẫn còn phạm các lỗi lầm và phạm tội”, Đức Jorge Bergoglio trả lời cho một tờ báo chính thức của Năm Thánh lòng thương xót. Từ khi được bầu chọn, Ngài luôn mời gọi giáo dân giải thoát cho mình khỏi gánh nặng của tội, “đừng sợ khi đi xưng tội”. “Đúng là khi mình đi xưng tội, mình cảm thấy xấu hổ một chút. Ở đó mình không bị phê phán nghiêm khắc và Chúa Cha thì giàu lòng thương xót và đừng quên, không có một tội nào mà Chúa không tha!” Các giám mục, các linh mục cũng đi xưng tội. Cũng như Đức Phanxicô, linh mục Philippe Vigneron cũng đi xưng tội một tháng hai lần. Cha đi xưng tội với một linh mục bạn, người cha thiêng liêng của mình. Các giám mục không được quyền giải tội cho các linh mục trong địa phận của mình, vì, dù cho có luật tuyệt đối bí mật tòa giải tội, nhưng các tội họ thú nhận có thể ảnh hưởng đến quyết định khi bổ nhiệm họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn: phanxico