Home / Chia Sẻ / Quang Húc, giáo họ bình yên

Quang Húc, giáo họ bình yên

   

   Những ngày dọn Lễ Giáng Sinh, có dịp về Quang Húc, một họ đạo ven thị xã Sơn Tây, tôi cảm nhận được không khí bình an, yên ả nhưng đầy sức sống mới của những người đồng đạo quê tôi.

   Khởi hành từ trung tâm Hà Nội, đi theo đường cao tốc Thăng Long, một đại lộ đẹp và lớn nhất Việt Nam, tôi nhận ra sự thay đổi lớn lao của vùng đất từ lâu như ngủ yên, nay đang được đánh thức vươn mình cho xứng tầm với thủ đô mở rộng. Hết xa lộ, rẽ phải qua thị trấn Hòa Lạc là thị xã Sơn Tây – Hà Nội, nơi trước đây là thành phố thuộc tỉnh Hà Tây. Ra khỏi thị xã, theo đường lên Trung Hà khoảng hơn 2 km là ngã ba Chùa Mía, rẽ trái là vào làng cổ Đường Lâm. Nơi đây có ngôi đình nổi tiếng và ngôi nhà thờ của họ giáo cùng mang tên MÔNG PHỤ. Ngôi đình và làng cổ được xếp hạng di tích văn hóa quốc gia. Đi thẳng thêm khoảng 3km, từ xa nhìn bên phải đường đã thấy thấp thoáng ngọn tháp ngôi nhà thờ nhỏ. Gần đó, những lò gạch luôn đỏ lửa với hàng chục thiên gạch thành phẩm xếp bên ngoài, cho thấy sự phát triển của vùng đất đang được đô thị hóa với tốc độ chóng mặt.

   Đường vào làng nay đã được bê tông hóa, nhộn nhịp người, xe đi lại. Dọc đường phía trái, trước là ruộng lúa, ít năm gần đây được qui hoạch là vùng giãn dân. Nhiều ngôi nhà mới đã mọc lên, chả mấy chốc nơi đây sẽ thành phố thị. Bà Đỗ thị Qui, giáo dân họ giáo đón tôi ngay tại nhà. Bà cho biết những người được chia đất làm nhà hai bên đường cái là những người có đất ruộng, sau khi nhà nước giải tỏa đền bù đất ruộng làm khu dân cư, được ưu tiên nhận một phần thổ cư. Phần đất ruộng còn lại, thôn phân bổ cho những gia đình đông con, không có đất mở rộng nhà. Phía bên phải đường, dành mở các cơ sở dịch vụ du lịch, kinh doanh, các cửa hàng  buôn bán… Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư đang xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thôn có họ giáo mang tên QUANG HÚC. Ông Ngô văn Tuyết, nguyên trưởng họ giáo bồi hồi nhớ lại, những năm 90, nhà thờ họ lâu ngày hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ. Bà con giáo dân được sự hỗ trợ của Tòa Giám Mục và các ân nhân xa gần, đồng hương trong nước cũng như hải ngoại, đã xây dựng lại nhà thờ họ, trải qua rất nhiều khó khăn tưởng như không vượt được. Nhà thờ hiện nay tuy nhỏ nhưng khang trang, với ngọn tháp vươn cao thật đẹp. Số giáo dân giáo họ hôm nay khoảng độ trên trăm người, nhưng lòng đạo rất nhiệt thành. Có những người vì hoàn cảnh trước đây phải xa nhà thờ lâu năm, lãng quên với kinh nguyện, lễ lạy nay cũng đã hòa nhập trở lại, cùng với cộng đồng những người tin vào Cha trên trời. Ngày ngày khi chiều xuống, theo tiếng chuông nhà thờ, mọi người vẫn qui tụ nhau trong nhà thờ họ giáo để làm giờ cầu nguyện, tôn vinh Lòng Thương xót của Thiên Chúa, cầu ơn bình an cho thôn xã, cho giáo họ, giáo xứ. Cuộc sống vật chất cũng đã được cải thiện nhiều, không còn hộ đói kém.

   Trong thôn, hầu như nhà nào cũng có xe máy đi lại, có các phương tiện thông tin, giải trí… Nhiều gia đình trẻ, có vợ hay chồng làm công chức, giáo viên, nhân viên nhà nước. Hộ ông Ngô văn Quỳnh, nguyên trưởng họ mở xưởng cơ khí, giúp giải quyết công ăn việc làm cho một số bà con trong thôn. Hộ bà Qui và con gái mở nhà trẻ tư thục, chăm sóc nuôi dạy con em được tín nhiệm vì học phí phù hợp với hoàn cảnh địa phương, lại có hiệu quả giáo dục cao. Các ông Thụ, ông Thọ và nhiều giáo dân có con trưởng thành đi làm ở Hà Nội, hay buôn bán tại thị xã hay chợ Tràng nên cuộc sống có phần dễ thở hơn mươi năm về trước.

   Về đời sống đạo, nhất là dịp đang chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh, bà Qui cho biết năm nào họ giáo cũng dọn hang đá, trang trí trong ngoài nhà thờ trước cả tuần lễ. Các ông trong Ban hành giáo chiều lễ Vọng đều mở đèn, phát nhạc Thánh ca nên không khí ngày lễ rất rộn ràng. Ngày chính lễ, các vị trong xã, thôn đến chúc mừng Cha xứ, Ban hành giáo, phát quà bánh cho các cháu thiếu nhi, tặng quà cho các cụ già, người ốm đau tạo tình đoàn kết giữa đồng bào lương giáo trên địa bàn. Đêm 24, bà con bên lương trong thôn cũng rủ nhau đến nhà thờ xem hang đá, các bạn trẻ lương giáo rủ nhau đi nhà thờ chính tòa trên thị xã Sơn Tây, cùng chung vui ngày lễ hội, không có gì là ngăn cách nhau. Ngày 25 giáo dân trong họ giáo về nhà thờ chánh xứ Yên Khoái mừng lễ buộc. Sang đến ngày 27, lễ Thánh Gioan, quan thầy họ giáo, Cha xứ cùng giáo dân trong các họ giáo cùng xứ, về họ Quang Húc mở lễ long trọng.

   Tiện dịp về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, ban hành giáo dẫn tôi tham quan ngôi nhà thờ, sân đã được tôn nền và đổ bê tông sạch sẽ. Các vị dẫn tôi xem phần đất nhà thờ đang bị xói lở xuống ao nhà dân liên kế và dự kiến sau lễ sẽ xây bờ kè. Các vị còn hướng dẫn tôi thăm Vườn Thánh (trong Nam ta gọi là nghĩa trang) họ giáo, nơi an nghỉ của bao thế hệ những người tin Chúa… Giáo họ đã xây móng gạch bó chu vi, với sự cho phép của chính quyền và sự đồng thuận của bà con canh tác xung quanh.

   Về thăm Quang Húc lần này, tôi được bà con dẫn ra thăm đình Quang Húc. Tôi không ngờ quê mình lại có ngôi đền cũng được xếp vào hạng di tích cần được bảo tồn, ngôi đình to, đẹp, cổ kính không kém đình Mông Phụ đang được nhà nước đại tu bằng ngân sách thủ đô. Những cột gỗ, vì kèo chạm trổ công phu đúng như nguyên gốc đang được những nghệ nhân tài ba tôn tạo lại, nhưng không thay đổi kiến trúc cổ. Xã Đông Quang nơi có ngôi đình tọa lạc được đưa vào danh sách xây dựng xã nông thôn mới của Hà Nội.

   Rồi đây Quang Húc hẳn sẽ là một điểm đến du lịch, cùng với ngôi nhà thờ nhỏ xinh xắn, ngôi đình cổ, cộng với cuộc sống trọng nghĩa, trọn tình của người dân quê tôi chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách phương xa đến thưởng lãm và tìm hiểu. Chia tay xóm đạo tôi ghi nhớ tâm tình của vị mục tử: ”Quang Húc neo người neo của, nhưng giàu lòng mến, sống hết mình với xóm thôn“ và lòng dạt dào cảm xúc. Thương biết mấy những người đồng hương, đồng đạo đang sống niềm tin của mình nơi vùng đất bình yên này.

Fx Đỗ Công Minh

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN