Home / Chia Sẻ / PHỤC VỤ

PHỤC VỤ

Ai cũng biết rằng phục vụ là giúp đỡ người khác, có thể đó là việc phải làm theo bổn phận, theo trách nhiệm, hoặc có thể là việc muốn làm vì tự nguyện, vì quý mến, yêu thương, đặc biệt là vì Chúa. Tinh thần phục vụ làm cho người ta nên cao quý, vì phục vụ là dâng hiến chính con người bé nhỏ của chúng ta cho Thiên Chúa, Đấng tối cao tuyệt đối.

PhucvuHằng ngày, các công ty, các cửa hàng, các quán ăn hoặc giải khát,… luôn có những đợt tuyển nhân viên phục vụ. Công việc của người phục vụ rất bình thường, đôi khi bị coi là tầm thường, nhưng thực ra lại rất cần thiết. Có thể nói rằng không có họ thì các sinh hoạt xã hội khó tồn tại. Không có các công nhân thì giám đốc chỉ bó tay, và xã hội sẽ không có sản phẩm để tiêu thụ. Cách phân biệt “cao – thấp” là do quan niệm của những người ích kỷ, hợm mình, khinh người. Đó là thiển cận, nông cạn, và cũng là một dạng “thiểu não” vậy.

Chắc chắn rằng chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu, cũng không có nghề nào hơn nghề nào. Tiền nhân nói: “Nhất sĩ, nhì nông; hết gạo chạy rông… nhất nông, nhì sĩ.” Ảnh hưởng “cao – thấp” là do quan niệm thời xưa: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh. Kẻ sĩ được coi là “dân ngon.” Nhưng hết gạo ăn thì “ngon” cái nỗi gì? Ai hơn ai? Xét cho cùng, mọi người đều bình đẳng.

Mọi người đều phục vụ lẫn nhau, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc bằng cách nào đó. Đừng tưởng tôi tớ mới phải phục vụ chủ nhân, mà chính chủ nhân cũng phải phục vụ tôi tớ bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có nhân viên mới phải phục vụ giám đốc, mà chính giám đốc cũng phải phục vụ nhân viên bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có đệ tử mới phải phục vụ sư phụ, mà chính sư phụ cũng phải phục vụ đệ tử bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có giáo dân mới phải phục vụ linh mục quản xứ, mà chính linh mục cũng phải phục vụ giáo dân bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có bề dưới mới phải phục vụ bề trên, mà chính bề trên cũng phải phục vụ bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có người nhỏ mới phải phục vụ người lớn, mà chính người lớn cũng phải phục vụ người nhỏ bằng cách nào đó;… Rất nhiều mối quan hệ trong xã hội, mọi mối quan hệ đều liên đới với nhau. Vợ chồng đối với nhau, cha mẹ và con cái đối với nhau, anh chị em đối với nhau, bạn bè đối với nhau,… Nói chung, tất cả chỉ là con người đối với con người. Chúa Giêsu đã có quy luật sống: “Ai làm đầu phải hầu thiên hạ.” (x. Mt 20:25-28; Mc 10:40-45)

Một hôm, sau khi được Chúa Giêsu chữa khỏi chứng sốt nặng, nhạc mẫu của ông Phêrô liền chỗi dậy phục vụ Ngài. (x. Mc 1:29-31; Lc 4:38-39) Chính Chúa Giêsu cũng đã minh định: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22:27) Thật vậy, ngay tại Bữa Tiệc Ly, trước khi bị bắt, chính Chúa Giêsu đã đích thân hạ mình bằng cách quỳ xuống mà rửa chân cho các môn đệ, Ngài muốn làm gương và giáo huấn về tầm quan trọng của sự phục vụ. (x. Ga 13:3-20) Chúng ta không thể không noi gương Ngài.

Đề cập vấn đề phục vụ cũng có liên quan thái độ “chảnh.” Thông thường, người ta thích “sai” người khác làm cái này, việc nọ, và cứ tưởng thế là uy tín và oai lắm. Chỉ là ảo tưởng và dại dột – thậm chí là ngu xuẩn, vì đó là đi ngược lại đường lối của Chúa mà lại hãnh diện. Chết thật chứ chẳng chơi!

Phục vụ là việc bình thường mà lại nhiêu khê. Phục vụ là dấn thân, rất cần phải khiêm nhường mới có thể phục vụ. Không dễ chút nào! Phục vụ còn liên quan nịnh bợ, tâng bốc, ranh mãnh. Cứ thấy “ông to, bà lớn” thì họ tìm mọi cách để “đưa đón” và “đẩy đưa,” đãi bôi, tâng bốc,… cốt để tỏ ra mình “có giá,” rồi tìm mọi cách “nịnh trên, đạp dưới.” Thật ra họ chỉ là “cáo mượn oai hổ,” chứng tỏ đầu óc kém cỏi, ngu dốt với cái đầu rỗng tuếch. Họ tự thú với người khác rằng “ông ơi, tôi ở bụi này,” ngu dại mà cứ tưởng mình giỏi giang, thâm độc mà tưởng mình nhân đức. Kinh khủng thật! Có câu tục ngữ Đức rất đáng suy nghĩ: “Người ta bắt thỏ rừng bằng chó săn, bắt đàn bà bằng bạc tiền, và bắt kẻ ngu si bằng lời khen dối trá.”

Việc phục vụ là chuyện có vẻ đơn giản, kiểu nói ngày nay gọi là “chuyện nhỏ,” thế nhưng lại vô cùng phức tạp. Đơn giản vì “dễ nói suông” và dễ chỉ tay năm ngón, nhưng lại quá nhiêu khê vì khó hành động. Quả thật, “ngôn hành song đôi” sao khó quá đi thôi! Có lẽ cụm từ “sống phục vụ” và “sống nghèo” thật đáng sợ! Nhưng ai làm được thì thật đáng nể, vì họ đã nên giống Đức Giêsu Tình Yêu, Vua Phục Vụ và Vua Nghèo.

Từ trời cao, Chúa Giêsu giáng sinh làm người để CƯ NGỤ giữa chúng ta, (Ga 1:14) để YÊU THƯƠNG chúng ta, để CHIA SẺ mọi nỗi vui buồn với chúng ta, nói chung là để PHỤC VỤ chúng ta. Một vị Chúa Tể càn khôn mà khiêm hạ tột cùng. Ngài không nói suông, không ra lệnh, mà Ngài làm thật, và làm tới cùng.

Như vậy, phục vụ là “điểm son” của đức tin. Vị Khai Sinh Đức Tin của chúng ta (Dt 12:2) đã hoàn toàn phục vụ người khác bằng mọi cách. Cuộc đời Ngài luôn từ bỏ tất cả vì vinh quang Nước Trời và phục vụ mọi người. Ngài không tìm ý riêng mà tìm ý của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài (x. Ga 5:30). Các tông đồ, từ Thánh Phêrô tới Thánh Phaolô, cũng đều là những người phục vụ. Gương của Chúa Giêsu, của các tông đồ và các môn đệ thời sơ khai đều coi trọng sự phục vụ.

Sự phục vụ là điều tự nhiên đối với các Kitô hữu khi họ bắt đầu đánh giá cao những gì đã được làm cho họ. Khi chúng ta dành tình yêu cho Đức Kitô càng sâu đậm, chúng ta càng mong muốn phục vụ Ngài – phục vụ tha nhân là phục vụ chính Ngài. Chính đức tin trưởng thành khiến chúng ta bắt chước Đức Kitô mọi cách. Ngài đã yêu thương và phục vụ để chúng ta noi gương. Chúng ta cần hành động vì người khác trước, ngay cả trong những việc chúng ta cảm thấy không thoải mái.

Chương 2 trong sách Công Vụ nói nhiều đến việc phục vụ. Người ta phục vụ nhau bằng cách bán những gì mình sở hữu để giúp người nghèo. (Cv 2:42-47) Động thái đó vẫn tiếp tục trong thời kỳ đầu của Giáo hội: “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 4:32, 34-35) Đó là “đặc điểm” để nhận biết các tông đồ. Thời gian trôi qua, Giáo Hội phát triển và vẫn luôn được khuyến khích phục vụ. (x. Rm 12:11; Gl 5:13; Dt 12:28; 1 Pr 4:10)

Tự bản chất, phục vụ là hy sinh, là đồng hành với người khác. Thật lợi ích cho các Kitô hữu biết coi việc phục vụ là điều cần thiết, Chúa Giêsu đã phục vụ chúng ta hết mình thì rất đáng để chúng ta phục vụ người khác. Những vĩ nhân được thế giới khâm phục và ca tụng cũng đều là những người biết sống vì người khác, luôn sẵn sàng phục vụ người khác bất cứ khi nào cần.

Chắc hẳn chúng ta đã nhiều lần tự vấn: “Chúa Giêsu muốn gì ở tôi?” Và Ngài chỉ trả lời chân thật, ngắn gọn, thẳng thắn: “Mọi thứ. Đừng giữ lại thứ gì cho riêng mình.” Chính Ngài thể hiện tới cùng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8:20; Lc 9:58) Phục vụ là như thế. Không quên mình để dấn thân thì không thể phục vụ!

Chúa Giêsu luôn mời gọi hướng lên chứ không hướng xuống: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ khác, Ngài sẽ thêm cho.” (Mt 6:33) Vì nghe quen nên chúng ta thấy bình thường, thậm chí có thể là “vô tác dụng.” Chúng ta cũng “quá biết” chuyện người thanh niên giàu có muốn nên trọn lành, anh ta đã giữ mọi giới luật từ nhỏ, Chúa Giêsu nói: “Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10:21) Nghe vậy, anh ta “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10:22)

Chúa Giêsu luôn nói rất thật, không hề bóng gió, và Ngài cũng nói riêng với từng người chúng ta như vậy. Chính của cải và gia đình vẫn có thể là “chướng ngại vật.” (x. Mc 10:29-31; Lc 14:26) Những thứ đó cần thiết và “bất khả ly” nhưng có thể khiến chúng ta không phục vụ Thiên Chúa đúng mức, đúng ý Ngài. Lợi bất cập hại!

Lời Chúa có lúc làm chúng ta vui, nhưng thường thì Lời Chúa làm chúng ta “đau” và khiến chúng ta “khó chịu” lắm! Bởi vì Lời Chúa “cản trở” công việc của chúng ta, “cản lối” những hoạch định tương lai của chúng ta, “cản mũi kỳ đà” những dự tính của chúng ta. Rồi chúng ta lý luận là phải có thời gian dành riêng cho mình, cho rằng Chúa đòi hỏi quá đáng. Chúng ta nghĩ rằng tham dự những buổi phụng vụ ở nhà thờ, đọc kinh ở nhà, thăm viếng bệnh nhân, tham gia các hội đoàn, đi làm từ thiện, dâng cúng tiền xây dựng nhà thờ, học Kinh Thánh, tìm hiểu Giáo huấn Xã hội Công giáo, học thần học,… Thế là đủ lắm rồi! Vì thế, chúng ta có thể ảo tưởng, tự mãn nguyện với những gì mình làm mà hóa kiêu ngạo, đôi khi có thể chỉ vì mình mà cứ tưởng là vì Chúa!

Chắc chắn rằng phục vụ Đức Kitô quan trọng hơn mọi thứ khác. Đó là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta đối với Ngài, nghĩa là phải “ưu tiên số một.” Bởi vì chúng ta đều là tôi tớ, tước vị hay chức vị chỉ mang tính xã hội, ai cũng chỉ là người mắc nợ qua Máu Thánh mà Ngài đã đổ ra để cứu độ chúng ta thoát khỏi ách tội lỗi và sức mạnh của bóng tối. (x. Cl 1:13) Chúng ta đã được cứu thoát bằng giá rất đắt, (1 Cr 6:20; 1 Cr 7:23) vì đó là “giá máu” của chính Đức Kitô, Thiên Chúa Ngôi Hai. (Cv 20:28) Mục đích của chúng ta là trở thành “đầy tớ tài giỏi và trung thành,” (x. Mt 25:21) là những người sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng. (x. 2 Tm 4:6-8)

Từ Belem tới Canvê, cuộc đời Chúa Giêsu trải dài và in đậm dấu ấn phục vụ: “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28; Mc 10:45) Phục vụ là tự hoàn thiện theo lệnh truyền: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)

Đức Phanxicô đã nhắc nhở các giám mục và linh mục phải cẩn thận tránh xa cám dỗ, để có thể trở nên mục tử hữu hiệu, và bảo vệ đàn chiên khỏi nguy hiểm. Ngài nói: “Nếu chúng ta đi với người giàu, là chúng ta đang đi về phía hư vô, chúng ta sẽ trở thành chó sói, chứ không phải người chăn chiên. Ngài cũng thúc giục tín hữu Công giáo cầu nguyện cho giám mục và linh mục.” Đúng vậy, vì chính Chúa Giêsu cảnh báo: “Hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai làm gì có nho mà hái? Trên cây găng làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.” (Mt 7:15-17; Lc 6:43-45)

Đức Phanxicô là người sống nghèo và sống phục vụ. Ngài đang tích cực canh tân Giáo Hội. Cách hành động của ngài khiến nhiều người phải tự “sờ gáy” mình, và ngài cũng có những câu nói rất thẳng thắn khiến nhiều người cảm thấy “nhột” lắm. Chẳng hạn, ngài nói: “Tôi muốn một Giáo Hội ra khỏi chính mình và gặp tai nạn, hơn là một Giáo Hội bị thối mục từ bên trong.”

Phục vụ là can đảm, là khiêm nhường, là đồng hành với tha nhân. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa, và Ngài sẽ trọng thưởng, vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12:26)

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thấy xấu hổ lắm! Xin Ngài tha thứ và biến đổi, giúp chúng con không ba hoa, không lẻo mép, nhưng làm nhiều hơn nói, can đảm sống phục vụ và sống nghèo theo gương Ngài. Không có Ngài, chúng con không làm gì được. Xin soi sáng, hướng dẫn và nâng đỡ chúng con suốt cuộc lữ hành trần thế. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

mqdefault (1)

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Hóc Môn, 09/11/2024 tại nhà thờ Trung Mỹ Tây

BTT CĐLCTX TGP SG