Home / Chia Sẻ / Phong trào “Lòng Chúa Thương Xót” và Năm Thánh Lòng Thương Xót

Phong trào “Lòng Chúa Thương Xót” và Năm Thánh Lòng Thương Xót

Năm Thánh Lòng Thương Xót

Ngày 08-12-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót với chủ đề: “Thương xót như Chúa Cha”.

Khi công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô cho thấy ý nghĩa và mục đích của Năm Thánh như sau:

“Đây là một Năm Thánh ngoại thường, để chúng ta thực thi trong cuộc sống hằng ngày lòng thương xót mà Chúa Cha không ngừng ban cho chúng ta. Trong Năm Thánh này, hãy để Thiên Chúa tạo bất ngờ cho chúng ta. Ngài luôn để cánh cửa trái tim Ngài rộng mở, và không ngừng lập đi lập lại rằng, Ngài yêu thương chúng ta và muốn thông truyền sự sống của Ngài cho chúng ta. Giáo hội phải cấp thiết loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Đời sống Giáo hội sẽ trở nên xác thực và đáng tin khi công bố lòng thương xót với trọn niềm xác tín. Giáo hội biết rằng, trong một thời đại vừa chất chứa những niềm hy vọng to lớn vừa có đầy những mâu thuẫn nghiêm trọng, trách vụ hàng đầu của Giáo hội là dẫn đưa tất cả mọi người đi vào mầu nhiệm cao cả của Lòng Thiên Chúa Xót Thương, bằng cách chiêm ngưỡng dung mạo của Đức Kitô. Giáo hội được mời gọi trước tiên trở nên chứng nhân đáng tin cậy của lòng thương xót, bằng cách tuyên xưng và sống lòng thương xót như là chủ điểm trong mặc khải của Chúa Giêsu Kitô. Từ Trái tim của Ba Ngội, từ mầu nhiệm cao cả và thẳm sâu nhất của Thiên Chúa, dòng chảy dạt dào của lòng thương xót trào dâng và liên lỉ tuôn tràn. Suối nguồn này không bao giờ khô cạn, bất kể có bao nhiêu người đến kín múc. Bất cứ ai cần, đều có thể tìm đến, vì lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô cùng vô tận. Sự thẳm sâu của mầu nhiệm thì không thể dò thấu, trong khi sự phong phú của lòng thương xót thì không sao múc cạn” (Dung mạo lòng thương xót, số 25).

Năm Thánh Lòng Thương Xót quả là một hồng ân lớn lao cho Giáo hội và là một nhịp mạnh trong tiến trình hoán cải mục vụ và truyền giáo như ĐTC Phanxicô mong ước (x. Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 25, 27). Thật ra sự hoán cải mục vụ và truyền giáo này đã được khởi xướng bởi thánh giáo hoàng Gioan XXIII và từ Công đồng Vatianô II:

“Các Nghị phụ Công đồng đã nhận thức thật rõ ràng, như hơi thở thực sự của Thánh Thần, nhu cầu phải nói về Thiên Chúa cách sáng tỏ hơn cho con người thời đại ngày nay. Những bức tường đã từng vây khép Giáo hội trong một thứ pháo đài yên ổn, nay đã bị phá bỏ, và đã đến lúc phải loan báo Tin Mừng cách mới mẻ. Đây là lối đi mới của công cuộc Phúc-Âm-hóa vẫn được thực hiện từ lâu. Đây là phận vụ mới của tất cả các Kitô hữu nhằm làm chứng cho đức tin cách nhiệt thành và xác tín hơn. Giáo hội sẽ quan tâm hơn đến trách nhiệm trở nên dấu chỉ sống động cho tình yêu của Chúa Cha giữa trần thế”.

“Ngày nay, Hiền thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Trong khi giơ cao ngọn đuốc chân lý đức tin nơi Công đồng này, Giáo hội Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và tình nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ” (Dung mạo lòng thương xót, số 4).

Lòng thương xót không chỉ là ngôn ngữ rao giảng dễ hiểu và mang tính khẩn thiết đối với con người của thời đại hôm nay, trong bối cảnh của một thế giới có quá nhiều thương đau, mà quan trọng hơn, đó chính là cốt lõi của mặc khải Kitô giáo:

“Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thuơng xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (Dung mạo lòng thương xót, số 2).

Như vậy, mọi sinh hoạt của Giáo hội không thể đi ra ngoài quỹ đạo của lòng thương xót. Hơn nữa, chính mục vụ của lòng thương xót tạo nên tính khả tín của Giáo hội, nhất là trong bối cảnh của công cuộc tân Phúc-Âm-hóa mà Giáo hội đang nỗ lực thực hiện cách đặc biệt từ bốn thập niên qua:

“Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo hội” (Dung mạo lòng thương xót, số 10).

“Thời đại ngày nay, khi Giáo hội đang thực thi công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và canh tân các hoạt động mục vụ. Điều tối quan trọng đối với Giáo hội cũng như với tính cách đáng tin của lời Giáo hội rao giảng chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Giáo hội cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (Dung mạo lòng thương xót, số 12).

Có hai văn kiện về lòng thương xót của Thiên Chúa có tầm quan trọng đối với đời sống đức tin và mục vụ của Giáo hội: thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót do thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II ban hành ngày 30-11-1980, và tông chiếu Dung mạo lòng thương xót do ĐGH Phanxicô ban hành ngày 11-4-2015.

Phong trào “Lòng Chúa Thương Xót”

Trong Giáo hội hiện nay, phong trào “Lòng Chúa Thương Xót” được nhiều người nhiệt thành hưởng ứng, cách riêng ba vị sau đây: chân phước Micae Sopocko (1888-1975), thánh Helene Maria Faustina (1905-1938), và thánh Gioan-Phaolô II (1920-2005).

Ngày 30-4-2000, ĐGH Gioan-Phaolô II đã thiết lập lễ kính Lòng Chúa Thương Xót (Divina Misericordia) vào Chúa nhật II Phục Sinh cho toàn thể Giáo hội, đồng thời đã phong thánh cho chân phước Faustina. Từ đó, hình thành các cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót khắp nơi, với hai ngày lễ bổn mạng: Kính Lòng Chúa thương xót (Chúa nhật II Phục Sinh), và Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Phong trào Lòng Chúa Thương Xót khởi đầu là một mặc khải tư của Chúa dành cho thánh Helene Maria Faustina như một linh đạo thuần túy, rồi được Giáo hội công nhận và dần dần trở thành một linh đạo phát triển với hình thức sống động như một phong trào.

Có nhiều tên gọi: Phong trào Lòng Chúa Thương Xót, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Hiệp hội (Hội) Lòng Chúa Thương Xót…

A. LINH ĐẠO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THÁNH FAUSTINA

1) Đạo lý cốt yếu

Linh đạo “Lòng Chúa Thương Xót” của thánh Faustina không có gì khác ngoài chân lý căn bản của mặc khải Kitô giáo: “Thiên Chúa là tình yêu”. Mặc khải cho thánh Faustina là mặc khải tư, được công nhận là phù hợp với mặc khải trong Kinh Thánh và với giáo lý của Hội Thánh Công giáo.

Tóm tắt đạo lý cốt yếu của linh đạo “Lòng Chúa Thương Xót”:

  1. Đức Giêsu Kitô mặc khải tình yêu-xót thương của Thiên Chúa; cao điểm là cuộc khổ nạn và cái chết trên thánh giá;
  2. Đức Giêsu Kitô dùng tình yêu-xót thương để hướng dẫn dân Chúa;
  3. Tín thác vào lòng thương xót của Chúa Giêsu để sám hối và cầu nguyện cho thế giới.

Sứ điệp này nhấn mạnh đến tính khẩn thiết của thời điểm bây giờ là thời của lòng thương xót, thời của hoán cải và tha thứ. Linh đạo của thánh Faustina không đi ra ngoài con đường thánh thiện của Dân Chúa: tùng phục Thánh ý Chúa, vâng lời vị linh hướng và các bề trên, sống khiêm tốn, năng lãnh nhận bí tích Hòa giải, tôn sùng Thánh Thể, chịu đau khổ để cộng tác vào việc cứu độ thế giới, tận hiến cho Đức Trinh Nữ Maria.

Một khi đã kín múc lòng thương xót của Chúa, chúng ta cũng làm cho lòng thương xót ấy tràn ra ngoài cho tha nhân: “Anh em hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6, 36). Lòng thương xót đối với mọi người được thể hiện qua: hành vi – lời nói – cầu nguyện.

2) Những điểm thực hành

Linh đạo Lòng Chúa Thương Xót được thực hành qua các việc cụ thể sau đây:

  1. Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót (Chúa nhật II Phục sinh): rước lễ, thực hành các công việc thương xót, viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá.
  2. Tuần chín ngày trước đại lễ kính Lòng Thương Xót, bắt đầu từ thứ Sáu Tuần Thánh, giảng về lòng thương xót Chúa, dọn mình xưng tội rước lễ, làm các công việc thương xót.
  3. Tôn kính tượng/ảnh Đấng Cứu độ thương xót, với lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
  4. Lần hạt Lòng Thương Xót, đặc biệt để cầu cho các tội nhân và những người hấp hối.
  5. Cầu nguyện lúc 3g chiều, là giờ Chúa chịu chết trên thánh giá, giờ Chúa biểu lộ lòng thương xót và tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Vào giờ này, làm một việc đạo đức như: nếu có thể thì ngắm Đàng Thánh giá hoặc tôn thờ Trái Tim Chúa nơi bí tích Thánh Thể, hoặc chỉ cần âm thầm cầu nguyện vắn tắt. Xin cho thế giới được ơn hoán cải.

3) Linh đạo Lòng Chúa Thương Xót và Năm Thánh Lòng Thương Xót

Linh đạo Lòng Chúa Thương Xót hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Tuy nhiên, có thể thấy được điểm nhấn có chút dị biệt:

– Giáo huấn của tông sắc Dung mạo lòng thương xót (và của thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót) nói nhiều đến cội nguồn của lòng thương xót nơi Chúa Cha được biểu lộ cụ thể qua dung mạo lòng thương xót là Chúa Giêsu; còn linh đạo Lòng Chúa Thương Xót tập trung vào mầu nhiệm Khổ nạn của Chúa Giêsu.

– Năm Thánh Lòng Thương Xót nhấn mạnh nhiều đến việc thực thi lòng thương xót, không những qua việc cầu nguyện, mà hơn nữa, một cách cụ thể qua các sinh hoạt mục vụ của Giáo hội cũng như qua các tương giao cá nhân và tập thể.

B. LƯU Ý MỤC VỤ

1) Cơ chế và linh đạo

Khi một phong trào sống đạo hay một linh đạo phát triển và được nhiều người theo, thì đồng thời cũng xuất hiện nhu cầu tạo cho phong trào hay linh đạo ấy một cơ chế tổ chức.

Hiện nay một số giáo phận và giáo xứ đã hình thành một tổ chức mang tính cơ cấu là “Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót”, với những đặc tính của một đoàn thể “Công giáo tiến hành” như đã có trong truyền thống của Giáo hội và được Công đồng Vaticanô II tái khẳng định. Tạo được sự quân bình tổng hợp giữa linh đạo và cơ chế là một điều khó, nhưng là điều phải làm. Nếu không có một định chế mang tính khách quan trong tổ chức của Giáo hội, sẽ rơi vào tình trạng chủ quan, nặng cảm tính, cá nhân chủ nghĩa, và có nguy cơ đưa đến lạm dụng và sai lệch. Ngược lại, nếu quá bận tâm đến bình diện cơ cấu tổ chức, dần dần sẽ rơi vào bệnh hình thức và làm suy yếu chiều kích linh đạo, sức năng động và hơi thở sống động của Chúa Thánh Thần.

2) Một vài lưu ý thực tế trong sinh hoạt giáo xứ

Phong trào Lòng Chúa Thương Xót đang được nhiều người tham gia. Tại nhiều xứ đạo, các cộng đoàn hoặc nhóm người tham dự các giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót vào lúc 3 giờ chiều mỗi ngày. Với linh đạo Lòng Chúa Thương Xót, nhiều người đã góp phần vào việc thánh hóa thế giới và thực thi lòng thương xót trong cuộc sống hằng ngày, và như thế họ đang thực thi sứ mệnh tân Phúc-Âm-hóa của Giáo hội. Điều quan trọng là luôn đặt nền tảng trên Lời Chúa và tuân theo giáo huấn của Giáo hội.

Trên bình diện mục vụ, một vài sự kiện được ghi nhận như sau:

– Một số người lợi dụng giờ cầu nguyện Lòng Chúa thương xót để phổ biến “Sứ điệp từ trời” trong đó có nhiều điểm sai giáo lý Công giáo và đã bị Giáo hội cấm. (Lưu ý: các tài liệu in ấn của Công giáo phải có phép của Bản quyền, tức là imprimatur).

– Một số hoạt động được thêm vào, không có trong linh đạo Lòng Chúa Thương Xót, như giang tay khi lần hạt, đặt tay chữa bệnh, làm phép nước, nói tiếng lạ, ngất trí, té ngã… (Cần cầu nguyện với lòng chân thành phó thác. Không thể ép Chúa Thánh Thần chiều theo cảm tính cá nhân)

– Tiền bạc dâng cúng được quản lý độc lập và đôi khi mờ ám.

– Một số tín hữu sùng kính Lòng Chúa Thương Xót nhưng lại coi nhẹ các cuộc cử hành phụng vụ.

– Nhiều người yêu cầu đặt thêm ảnh/tượng Lòng Chúa Thương Xót, làm cho cung thánh rườm rà, không đúng luật phụng vụ.

– Một số cộng đoàn Lòng Thương Xót có những dấu hiệu thiếu sự hiệp thông trong Giáo hội, như thiếu gắn kết hài hòa với các mục tử và các đoàn thể khác.

Cần chấn chỉnh những sai lệch để trở về với linh đạo nguyên tuyền của thánh Faustina. Không theo cảm tính cá nhân để thêm thắt và làm sai lệch, nhưng luôn theo nguyên tắc: đặt nền tảng trên Lời Chúa và theo giáo lý của Hội Thánh, hiệp thông trong bí tích Thánh Thể, hiệp thông với Hội Thánh qua sự vâng phục và duy trì hiệp nhất [1].

Các cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót cần các mục tử đón nhận và hướng dẫn để sinh hoạt cho đúng. 

Tác giả: + DGM Giuse Nguyễn Năng

—————————————

[1] Hiện nay hình như đang gia tăng hiện tượng chạy theo mê tín, dị đoan, phong thủy, ngoại cảm…. Không ít tín hữu Công giáo cũng đi nước đôi trong đời sống tôn giáo: một đàng vẫn thực hành những việc đạo đức, nhưng đồng thời cũng khấn vái các thần, tin vào một quyền năng mơ hồ với mong ước được thuận lợi trong đời sống vật chất, nghe theo lời khuyên của một số ‘thầy’ để tìm hài cốt, tin vào chuyện mang bầu lạ lùng kéo dài nhiều tháng, tin vào ngoại cảm và phong thủy một cách mù quáng…. Đây không chỉ là những lệch lạc trong đời sống đức tin của các cá nhân, mà còn là dấu hiệu của một sự biến chuyển trong văn hóa thời đại. Điều xem ra nghịch lý đó là trong một thế giới khoa học kỹ thuật, nhiều người-trong đó có cả người vô thần-lại tin vào một điều gì đó huyền bí, vu vơ. Người Công giáo cũng bị lây nhiễm thái độ này, hình như ngày càng nhiều.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN