Trong toán học, dù tính nhân hay tính cộng thì hai với hai vẫn là bốn. Nhưng trong hôn nhân, hai với hai chỉ là MỘT, không thể và không bao giờ là bốn. Chắc hẳn “bài toán hôn nhân” là bài toán kỳ lạ nhất, đơn giản nhất, khó giải nhất, và cũng ngược đời nhất: 1 + 1 = 1. Bài toán này hoàn toàn đúng: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mt 19:5)
Không như trần tục hoặc các tôn giáo khác, hôn nhân Công giáo có đặc điểm khác hẳn: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19:6) Đó là hôn luật thánh do Thiên Chúa thiết lập. Khó nhưng cần thiết, khó vậy mới là hy sinh, chung thủy trong mọi hoàn cảnh, và mới là “nên một xương thịt,” vì chẳng ai lại xẻ thân mình bao giờ!
Mãi từ thuở hồng hoang, sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa xác định: “Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2:18) Thiên Chúa có cách quan phòng và tiền định kỳ diệu. Điều đó cho thấy Ngài muốn con người sống hài hòa với nhau, liên kết với nhau, cùng chia vui sẻ buồn và tận hưởng hạnh phúc với nhau.
Rồi Ngài “lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế.” (St 2:19) Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, nhưng Ngài muốn con người “góp công” nên cho con người quyền đặt tên mọi loài, chứng tỏ con người có giá trị. Hạnh phúc quá! Tuy nhiên, sau khi “con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” (St 2:10) Vì thế, Ngài “cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi, rồi Ngài rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào.” (St 2:21) Nghe kể việc Chúa làm mà ngạc nhiên, ngày nay người ta thấy vậy sẽ cho là “ma thuật,” nhưng điều đó hoàn toàn là quyền năng vô song của Thiên Chúa, và chỉ một mình Ngài làm được mà thôi.
Khi “con người” ngủ, Ngài rút lấy cái xương sườn và làm thành một “sinh vật lạ,”rồi Ngài dẫn đến với con người. Thấy vậy, con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” (St 2:23) Bởi thế, “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2:24) Và Ađam gọi vợ là Êva.
Kể cũng kỳ cục, có những đàn ông “tự đề cao” mình và “lý luận” rằng Thiên Chúa dựng nên đàn ông trước, đàn bà là “sản phẩm” của đàn ông, là cấp dưới nên phải “lệ thuộc” đàn ông. Thậm chí người ta còn quan niệm là “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai kể là có, mười nữ coi như không). Lối suy nghĩ thật là ấu trĩ, thiển cận, nông cạn và kiêu ngạo! Càng nói càng lòi cái… ngu, ngu kinh niên. Tại sao vậy?
Nhóm Sađốc là những người không tin có sự sống lại, họ hỏi Chúa Giêsu để “gài bẫy” Ngài về chuyện bảy anh em trai, lần lượt mỗi người đều cưới cùng một cô vợ, vì luật Môsê nói rằng anh lấy vợ mà chết trước khi có con thì chú em phải cưới chị dâu làm vợ. Cả bảy anh em đều cưới cô ta mà không có con. Nhóm Sađốc hỏi Chúa Giêsu rằng khi sống lại thì phụ nữ đó sẽ là vợ của người nào trong bảy anh em. Bọn họ chắc mẩm Chúa Giêsu sẽ “bó tay.” Nhưng Chúa Giêsu thản nhiên và nói: “Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mt 22:29-30; Mc 12:24-25; Lc 20:34-36) Hố to! Đã vậy họ còn bị Chúa Giêsu trách là “lầm” và chê là “ngu dốt,” chẳng biết Kinh Thánh chi hết.
Ngay từ đầu, Thiên Chúa dựng nên con người tốt lành, không hề có khái niệm nam hay nữ, khác giới hay đồng giới. Vì thế, người ta “vô tư” mà không cần trang phục: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.” (St 2:25) Chỉ sau khi phạm tội, con người mới nhận ra mình trần truồng và xấu hổ nên muốn… độn thổ! Bởi vì “bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3:7)
Nam và nữ “thu hút” nhau như hai cực nam châm trái dấu, nhờ đó mà phát sinh tình yêu, tình yêu dẫn đến hôn nhân. Hôn nhân là sự liên kết tạo nên một gia đình mới – tế bào cơ bản của xã hội. Hôn nhân đòi buộc sự chung thủy một vợ, một chồng, có vậy mới không sinh những hệ lụy rắc rối khác. Ca dao Việt Nam có nhiều câu nói về sự chung thủy trong tình yêu và hôn nhân, chẳng hạn:
Bao giờ cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền
Sự chung thủy ấy được thể hiện qua lời tâm sự của phụ nữ – người yêu hoặc người vợ:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Sự chung thủy ấy cũng được thể hiện qua lời tâm sự của đàn ông – người yêu hoặc người chồng:
Tay cầm quyển sách bìa vàng
Sách bao nhiêu chữ, thương nàng bấy nhiêu
Chung thủy là “chén nước được giữ thăng bằng,” không hề sóng sánh. Luật chung thủy không chỉ “bắt buộc” ở người vợ mà cả ở người chồng. Vì khi hai người cùng nhau cử hành bí tích hôn phối trước mặt vị đại diện Giáo Hội và cộng đoàn Dân Chúa, ai cũng vui vẻ thề hứa công khai: “Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Vậy đó, “mình với ta tuy hai mà một,” vì thế mà không ai lại tự “xẻ” mình ra. Chắc hẳn chẳng ai dám!
Tục ngữ nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.” Hôn nhân Công giáo là một ơn gọi, là bí tích, là hôn nhân thánh. Hôn nhân là một hành trình gian khó, đầy trọng trách, nhưng bù lại cũng có nhiều niềm vui, có thể gọi đó là “nỗi đau ngọt ngào,” và là niềm hạnh phúc độc đáo. Thật vậy, trầu cau xanh kết hợp với vôi trắng tạo nên nước đỏ tươi và vị cay cay, chính vị cay đó khiến người xưa nghiện ăn trầu.
Mục đích của hôn nhân không chỉ là sinh con đẻ cái theo lệnh Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất.” (St 1:28) Quan trọng hơn, mục đích của hôn nhân là giúp nhau nên thánh: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)
Trình thuật Mc 10:2-12 cho biết rằng, một lần nọ có mấy người Pharisêu đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi cho ra vẻ thân thiện chứ thực tế họ chẳng tốt lành gì, họ muốn thử Ngài để “gài bẫy” Ngài. Nhưng Ngài thản nhiên: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ vẫn trơ trẽn trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Chúa Giêsu nói thẳng với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” Và Ngài quả quyết: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10:9)
Biệt Phái quá “chảnh,” đã “dốt đặc cán mai” mà vẫn tỏ ra thông thái, ngu truyền kiếp mà tưởng mình thông minh. Gậy ông lại đập lưng ông, thế nên họ đành ngậm bồ hòn và câm như hến. Ngay cả các môn đệ cũng lơ ngơ như bị “chạm mạch,” thế nên khi về đến nhà, các ông lại hỏi Ngài về điều ấy. Ngài nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10:11-12) Quá rõ, không phân biệt nam hay nữ chi cả. Ai làm sai là phạm tội.
Đừng tưởng đã là vợ chồng thì hiểu nhau mọi thứ. Không đâu! Vì thế, chuyện to hay việc nhỏ vẫn cần bàn luận để có thỏa thuận chung. Khi có sự đồng tâm nhất trí rồi, việc “tát cạn biển Đông” chẳng khó khăn chi. Hãy cùng Alexandre Mercereau “sẵn sàng hy sinh để chứng minh là mình biết sống,” biết CỘNG những niềm vui, NHÂN niềm hạnh phúc, TRỪ bớt đau khổ, không ngừng CHIA sẻ và không bao giờ CHIA rẽ hoặc CHIA ly.
Lạy Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, xin giúp những người sống đời hôn nhân luôn trung thành với lời hứa yêu thương, sống giản dị và đơn sơ, đặc biệt là luôn sống trung tín với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU