Home / Chia Sẻ / PHẦN THƯỞNG

PHẦN THƯỞNG

PhanThuong“Kẻ nào tiếp đón một tiên tri vì danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri” (Mt 10:41).

Thời nay, mỗi lần đi đâu xa, người ta có thể ghé vào quán cóc bên đường hay tiệm ăn trong phố để mua chút gì lót dạ; người ta cũng có thể thuê một quán trọ bình dân hay khách sạn hạng sang để trú ngụ qua đêm.  Nhưng trong thời tiên tri Elisa, làm gì có được chuyện đó, dù rằng người du hành có nhiều tiền mấy chăng nữa, cũng khó kiếm được hàng quán để ăn uống và nghỉ ngơi.  Thế nên ai khởi sự đi xa, ra khỏi phạm vi gia đình hoặc làng xóm là bắt đầu lệ thuộc vào lòng hiếu khách của những người xa lạ để sống còn.

Elisa vô cùng may mắn khi gặp được người phụ nữ ngoại bang ở thành Sunam đón tiếp và mời dùng bữa với danh nghĩa là một tiên tri, “vị thánh của Thiên Chúa.”  Người phụ nữ này vốn giàu có và đạo đức.  Thấy Elisa thường qua lại thành Sunam nên bà mới bàn với chồng cất một căn phòng trên gác cao, có “một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cái đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó.”  Trước lòng hiếu khách cao quí đó, tiên tri Elisa muốn thưởng công cho hai vợ chồng.  Thế rồi khi biết người chồng đã già mà vợ lại chưa con, Elisa liền hứa cho bà được “sinh một cậu con trai vào năm tới.”

Đây quả là phần thưởng vượt quá ước mơ.  Nhưng đó cũng mới chỉ là phần thưởng dành cho những người đón tiếp tiên tri.  Còn phần thưởng của Thiên Chúa dành cho những người xử tốt với chính môn đệ Ngài còn đáng mong đợi hơn nhiều.

Ngày xưa, khi dân chúng của một làng hay thành nào đón tiếp Đức Giêsu, lập tức nơi đó nhận được phần thưởng của Thiên Chúa: bệnh nhân được chữa lành, tội nhận được tha thứ, người nghèo được loan báo Tin Mừng.  Còn với nơi nào từ chối đón tiếp Ngài hay các môn đệ, phần dành cho nơi đó chỉ là chút bụi bàn chân.

Người Do thái thường cảm nhận: khi tận tâm đón tiếp vị đại diện của ai là như chân thành đón tiếp chính người đó.  Thành ra khi đón nhận các môn đệ Đức Kitô thì không khác gì đón nhận chính Ngài, mà đón nhận chính Ngài cũng có nghĩa là đón nhận chính Thiên Chúa.

Trong một thế giới, khi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ khép kín lòng người, Tin Mừng của Đức Giêsu lại vang lên lời mời gọi mở lòng, hiếu khách.  Nói đúng hơn, Ngài kêu mời con người bước vào hành trình yêu thương mà hình thức đơn giản nhất là việc đón tiếp.  Một nhà tư tưởng đã viết: “Tiếp đón niềm nở chính là hình thức vui tươi của lòng yêu thương.”

Lắm khi người ta dễ dàng tiếp đón các nhân vật nổi tiếng như các đấng tiên tri, người công chính, vị tư tế…, và chắc chắn họ sẽ nhận được ân phúc mà Thiên Chúa ban thưởng cho những con người dấn thân cao cả đó.  Thế nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn khi mời gọi người ta nới rộng sự tiếp đón đến các kẻ bé mọn, người bị bỏ rơi, người già đau yếu, thai nhi vô tội….  Những con người này cũng cần được ân cần tiếp đón như sứ giả của Đức Kitô.  Và chỉ “một bát nước lã” cho họ uống thôi cũng đủ cầm chắc phần thưởng Thiên Chúa trao ban rồi.

Tiếp đón không chỉ thuần túy là mở cửa nhà, mở hầu bao, mở chum nước, nhưng đúng hơn là mở rộng con tim.  Chỉ khi rộng mở tâm hồn, con người mới thật sự lớn lên trong cảm thông, tương quan, tình thân, và hiệp nhất.  Một tác giả đã nhận định: “Sống là phải mở ra.  Như cánh hoa mở ra với mặt trời, như dòng sông mở ra với biển khơi, như cơ thể mở ra với khí trời và ánh nắng.  Mở ra như thế là đòi hỏi thiết yếu của sự sống.”  Phương diện thể chất còn cần mở ra để được sống, huống chi là phương diện tâm linh.

Mở ra nào cũng có nguy cơ tiêu hao mất mát.  Khi can đảm mở rộng con tim là sẵn sàng chấp nhận đau thương rướm máu.  Thế nhưng nếu chỉ lo khép kín trong ích kỷ là tự đi vào huỷ diệt, còn khi biết rộng mở cho yêu thương là bắt đầu tìm gặp sự sống: “Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất.  Ai dám mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó” (Mt 10:39).

Yêu thương phải là nền tảng của mọi dâng hiến.  Bởi vì nếu tôi đem cả gia tư vốn liếng mà phát chẩn; và nếu như tôi nộp mình chịu thiêu, nhưng lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích cho tôi (1 Cor 13:3).

Yêu thương làm nên sự sống, nhưng yêu thương nào cũng mời gọi hy sinh hiến dâng.  Hy sinh không phá huỷ con người, cũng không là cách tự tử cuồng tín, song là lối đường tạo nên những người đàn ông và đàn bà cao cả nhất (Noel Question).

Yêu thương khiến người ta tha thiết mở cửa tâm hồn ra với thế giới (dù cửa nhà có đang khép kín) để dám đón nhận tất cả và hy sinh cho tất cả.  Alain Cavalier, người thực hiện cuốn phim về Chị Thánh Têrêsa và được giải thưởng Cannes cao quí đã phát biểu như sau: “Rút mình khỏi thế giới, một mình trong phòng kín… đóng kín lại để mở ra nhiều hơn, tốt hơn.”  Và rồi, nhờ mở ra trong khát mong yêu thương tròn đầy, nên tuy không đi truyền giáo đâu xa hơn bốn bức tường tu viện, Têrêsa vẫn là quan thầy của các vùng truyền giáo, không làm linh mục để hoán đổi một linh hồn tội lỗi, nhưng đã vực dậy bao cõi lòng lao đao lạc lối, không giảng một bài nảy lửa làm rúng động tâm linh, nhưng lại là tiến sĩ của con đường thơ ấu dẫn bao tâm hồn đến với Tình Yêu.

Chị Thánh đã mở trái tim mình để đón tiếp Tình Yêu nên đã lãnh được phần thưởng của Tình Yêu.

Thế ra, tuy không phải là tiên tri hay nhà thừa sai truyền giáo, tuy không phải là linh mục hay thành viên trong các tu viện đó đây, nhưng nếu biết mở lòng cho yêu thương, kính trọng, cầu nguyện và đỡ nâng những bước chân rao giảng Tin Mừng, tôi sẽ có được phần thưởng mà Đức Kitô sẽ dành ban cho các sứ giả kiên trung của Người.

Sưu tầm

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …