Jos. Vinc. Ngọc Biển
(tiếp theo)
4. Phân định Thần Khí (thần khí) để biết mình có ơn gọi tu trì hay không?
Trong cuộc sống, đến tuổi vị thành niên, khoảng 14, 15 hay 16… là tuổi ươm mơ dệt mộng. Vì thế, ở tuổi này, các em hay nói về ước vọng của mình trong tương lai. Có những em muốn sau này mình sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, cô giáo, hay trở thành linh mục, tu sĩ… Tuy nhiên, đây mới chỉ là ước nguyện thủa ban đầu, nhưng dù sao, nó cũng là động lực tốt để các em cố gắng vươn lên trong học hành cũng như tập dần cho mình những đức tính phù hợp với ước nguyện của mình.
Khi đến tuổi trưởng thành, các bạn trẻ không còn có chuyện ước muốn nữa, mà giờ đây, dù muốn, dù không, các bạn phải tìm cho mình một ơn gọi phù hợp với bản thân, sở thích, khả năng của mình. Có hai ơn gọi căn bản là: đi tu hay lập gia đình. Sự lựa chọn này đòi hỏi ta phải biện phân để biết mình hướng chiều và thuận theo ơn gọi nào.
Nếu chúng ta hướng chiều về cuộc sống đôi bạn và những đặc tính mà đời sống hôn nhân đòi hỏi cũng như cảm thấy mình có khả năng đáp ứng những nhu cầu của nó, hẳn đời sống hôn nhân sẽ đem lại cho ta an vui, hạnh phúc, và ta sẽ vượt qua được những thử thách trong cuộc sống.
Còn nếu chúng ta cảm thấy đời tu là một sự cuốn hút, thúc bách đến mức hấp dẫn như: muốn sống độc thân để dành nhiều thời gian cầu nguyện, lo cho mọi người không phân biệt màu da, sắc tộc, quốc gia…, nhất là vượt biên cương, tiến ra “chỗ nước sâu” nơi những vùng ven đô để phục vụ những người khổ đau, nghèo đói, những người bị xã hội coi thường, khinh miệt… Những hấp lực đó được khởi đi từ tình yêu Đức Kitô thúc bách, để rồi đương sự không thể ngồi yên khi còn biết bao người đói khát phần xác, nhếch nhác phần hồn; hay không thể an vui khi cánh đồng lúa đã chín vàng mà thiếu thợ gặt… Tất cả những nhu cầu đó, chúng ta yêu mến và tha thiết được hiện diện, ngõ hầu thi hành những đặc thù của người thừa sai là noi gương Chúa Giêsu, Thầy của mình, đi đến đâu thì thi ân giáng phúc tới đó; đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Ở điểm này, ta gọi đó là ý hướng ngay lành. Bởi vì ta đi tu là vì một ước muốn cao thượng, không phải vì cái bụng, không phải vì danh vọng, không phải vì ông nọ bà kia, không phải vì chức cao vọng trọng, nói chung không phải vì những mục đích rẻ tiền, vụ lợi…
Khi xác định như thế, chúng ta sẽ đứng trên chính đôi chân của mình để tỏa ra với các mối tương quan hàng dọc với Chúa và hàng ngang với anh chị em. Đạt được điều đó, chúng ta không mất phương hướng cũng như ý nghĩa, hay phó mặc cuộc đời cho sự may rủi, và, không để xảy ra tình trạng chạy lòng vòng trên biển cả mênh mông vô định hướng. Ken loughnan đã nói: “Nếu không biết mình đang đi đâu thì mọi ngọn gió đưa đẩy con thuyền đều là ngọn gió đúng và nếu bạn cứ theo mọi hướng gió thì thuyền bạn sẽ bị chạy lòng vòng”.
5. Hệ quả khác nhau để nhận ra mình đang được Thần Khí (thần khí) nào hướng dẫn
Chìa khóa để giúp cho việc phân định Thần Khí (thần khí) được tốt, theo thánh Phaolô đã đề cập thì ngài nhấn đến tính cách hiệp nhất của các ân huệ. Làm sao để mọi suy nghĩ, hành động phải được khởi đi từ sự hiệp nhất của Thiên Chúa Duy Nhất như các chi thể khác nhau trong một thân thể. Cũng thế, các ân huệ tuy khác nhau nhưng đều nhắm đến ích lợi chung là việc xây dựng sự hiệp nhất cộng đoàn (x. 1Cr 12, 4); thánh nhân cũng đưa ra những hoa quả tích cực của Thần Khí Thiên Chúa để mưu cầu hạnh phúc chân thật của con người và hoa quả tiêu cực của thần khí xác thịt chỉ đưa con người vào ngõ bí bất hạnh không lối thoát (x. Gl 5,16-24). Còn trong Thư I của thánh Gioan Tông Đồ lại thẳng thắn cảnh giác các tín hữu: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4,1tt). Và chính Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhở các môn đệ phải luôn cẩn trọng trước các ngôn sứ giả, những người không mang trong mình Thần Khí Thiên Chúa, nhưng là thần khí của tên Phản-Kitô, nên đừng nghe theo những gì họ nói, nhưng hãy tỉnh táo nhìn hoa quả của các việc họ làm, thì sẽ biết ngay họ là ai và họ thuộc thành phần nào (x. Mt 7,15-23).
Trong cuộc sống, dưới mọi chiều kích của con người, chúng ta luôn phải đối diện với nhiều dạng Thần Khí (thần khí) cùng lúc. Cụ thể như điều lành và điều dữ, điều thiện và điều ác, thần lành và thần ác, ma quỷ và Thiên Chúa… Trong những khó khăn, thử thách này, không phải ai cũng dễ dàng để nhận ra và kể cả có nhận ra, với bản năng yếu đuối của con người, chúng ta khó có thể vượt thắng và thường hay bị nhấn chìm bởi điều xấu do thần khí của ma quỷ hay của con người tác động.
Có thể nói, chúng ta luôn bị đặt mình trong một cuộc chiến. Nhưng cuộc chiến này không chỉ ở bên ngoài, mà nó nằm ngay trong nội tâm của ta.
Cuộc chiến này, Satan luôn đeo bám những điểm yếu của ta, để tác động và mang đến cho chúng ta những niềm vui, sự hy vọng giả tạo, hay tạo cho chúng ta một niềm tin, chân lý 50/50%. Nhưng Thần Khí của Thiên Chúa trong Lương Tâm của ta lại luôn thôi thúc và làm cho chúng ta áy náy khi làm điều xấu, và ban niềm vui, bình an khi chúng ta làm điều tốt.
Nói chung, việc phân định thần khí là chuyện không dễ, vì nó luôn tồn tại nhiều dạng Thần Khí (thần khí) khác nhau. Các dạng Thần Khí (thần khí) này lại hoạt động cùng lúc trong cùng một chủ thể. Nó vừa mang tính siêu nhiên, lại vừa mang tính tự nhiên. Nó vừa tác động nội tại, lại vừa tác động ngoại tại. Sự nhập nhằng này khiến chúng ta dễ “tụt dốc hơn là tiến lên”.
Như đã nói ở trên, để phân biệt được đâu là Thần Khí Thiên Chúa, đâu là thần khí của ma quỷ hay con người, chúng ta cứ để ý đến hệ quả của nó thì ắt sẽ biết. Ngoài ra, chúng ta còn phải ngoan ngùy để nhạy bén với các dấu chỉ thời đại được Lương Tâm mách bảo. Mặt khác, đời sống cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa là điều không thể thiếu trong công cuộc phân định này.
Lời Chúa phải là cái la bàn định vị, là kim chỉ nam dẫn đường, là khuôn vàng thước ngọc, là nguồn mạch, lẽ sống của người phân định. Mất đi cột trụ này, người phân định sẽ “tiến thoái lương nan”, sẽ nhùng nhằng, mập mờ, vòng vo và dễ thay đổi… Ngoài ra, người thực hành việc phân định này phải có kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa và các ân huệ của Người. Cuối cùng, thái độ tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa gợi gọi trong Lương Tâm là điều tối cần trong công việc phân định.
Được thế, chúng ta mới dễ dàng trong việc phân định Thần Khí (thần khí), bởi lẽ, không phải chúng ta, mà là chính Chúa Thánh Thần là tác nhân thôi thúc chúng ta hành động theo thánh ý Chúa.
(Còn tiếp)