(tiếp theo)
3. Tại sao cần phải phân định Thần Khí (thần khí)?
Trong thực tế, có rất nhiều người cảm thấy hạnh phúc và vui tươi trên hành trình dâng hiến của mình, bởi lẽ, khi lựa chọn và sống ơn gọi này, họ bình an, khao khát sự thánh thiện từng ngày và được gần Chúa hơn để mong muốn vươn tới sự trọn lành trong đời tu. Những người này đã chọn Chúa là mục đích của cuộc đời.
Nhưng lại có những người cảm thấy bi đát, bất an và phải nín thở từng ngày để mong sao “qua cầu”; “lướt ván…”. Bởi vì, vẫn còn đó những người luôn theo ý chủ quan của mình nhằm hy vọng bước chân vào đời tu để được an nhàn, hay như một bước đệm để thỏa mãn ý riêng và mong đạt được những “mục đích tầm thường”; hay “rẻ tiền…”. Khi đạt được chức nọ, tước kia, họ coi đó như là điều “đương nhiên”, là một phần thưởng tất yếu trong quá trình xây dựng sự nghiệp. Như thế, hậu quả là: họ tự cho mình được “miễn nhiễm”; được biệt đãi trong một vỏ bọc bởi chức cao vọng trọng. Khi rơi vào tình trạng đó, đương sự dễ bị lãng quên một điều cần thiết là: đời tu chỉ có giá trị khi được mặc lấy Đức Kitô, Đấng đến để phục vụ, tự hủy hầu cứu chuộc nhân loại qua chính cái chết trên Thánh Giá.
Nếu ai đó đi tu và đã bám rễ nơi những thứ “hạ đẳng”; với quan niệm “ăn sổi ở thì”; hay một kiểu đi tu “tốc độ”, thì cuộc đời và lời loan báo của họ trở thành “tin buồn” thay cho “Tin Mừng”. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì Tin Mừng là chính Chúa và Giáo Huấn của Ngài chứ không phải một ai khác hay một lời nào đó của một vĩ nhân! Tuy nhiên, Đấng là nguồn cội của mọi điều thiện hảo; Đấng là Chân, Thiện, Mỹ thì họ lại không hề có kinh nghiệm sâu đậm về Ngài, vì thế, tự thân, họ không hề có điều họ đang muốn trao tặng. Như vậy, trong vòng luẩn quẩn đó, họ đành phủ lấp khoảng trống bằng cách nhắm mắt làm ngơ để giới thiệu chính họ và sự choáng ngợp của những thành công sẽ làm cho đương sự tự kiêu, ích kỷ, bảo thủ…
Nếu thật là thế, có lẽ không sớm thì muộn, họ trở thành người mất phương hướng. Và như một lẽ tất yếu, đường họ đi và đang dẫn người khác đi với họ sẽ đến “ngõ cụt”chứ không mở ra cánh cửa cứu độ. Và đương nhiên, đương sự khó có thể trở nên chứng nhân để trả lời cho những câu hỏi về niềm hy vọng của nhân loại! Những người này đã mất quá nhiều công lao và tìm mọi cách để mua cho thật nhiều những thứ không cần thiết, để rồi sau đó, họ đành phải bán đi thứ cần thiết nhất là mục đích của cuộc đời. Đây là một thực trạng đáng buồn và đang thường trực nơi tâm hồn rất nhiều người.
Khi rơi vào tình trạng như thế, đương sự cảm thấy xa lạ với sự nghịch lý của hạt lúa, của “Cây Sự Sống” là Thánh Giá Đức Kitô, họ có những lý lẽ do sự khôn ngoan trần tục thúc đẩy, họ sẵn sàng chọn công việc của Chúa chứ không phải chọn Chúa làm lẽ sống, gia nghiệp của cuộc đời.
Tại sao lại có hai trạng thái đối lập nhau như vậy? Thiết nghĩ, tất cả đều do đương sự thuận theo, hướng chiều và đi theo Thần Khí tốt hay thần khí xấu! Khi tự do lựa chọn và quy chiếu cuộc đời cũng như hành động của mình theo Thần Khí (thần khí) nào thì sự hiện hữu, lối suy nghĩ, mọi hành vi của mình sẽ bị Thần Khí (thần khí) đó tác động cũng như thúc đẩy, và, như một lẽ tất yếu, khiến cho người đang tiếp bước trên lộ trình dâng hiến có thể được bình an, hạnh phúc hoặc ngược lại!
Như vậy, khi đứng trước một vấn đề nào đó, đòi hỏi đương sự phải tỉnh táo, khôn ngoan và can đảm cắt tỉa những gì không phù hợp với Tin Mừng. Người sống đời tu không thể quên trách nhiệm của mình là phải phân định (biện phân). Phân định để biết được điều đó nên hay không nên, được phép làm hay không được phép, nó có phù hợp với ơn gọi và thiên chức của mình hay không…! Trong đời tu không thể chấp nhận “dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt”; cũng không chấp nhận kiểu nhân danh ông nọ bà kia để làm “bình phong” cho hành vi xấu xa của mình, hầu “đánh lận con đen”, hòng lôi kéo người khác về phe mình, dẫu vẫn biết rằng đó là điều bất chính!
Tuy nhiên, đôi khi vì quá tin tưởng vào khả năng cá nhân, do lối suy nghĩ chủ quan dẫn đến tình trạng: thiên vị, bảo thủ, kiêu ngạo, cố chấp, thiển cận, hay bối rối, lo lắng thái quá, hoặc thờ ơ, từ đó dẫn đến những hành động và quyết định sai lầm.
Thật vậy, có những điều tốt, nhưng nó lại chỉ tốt với một người hay nhóm người, hoặc công việc, môi trường mang tính đặc thù nhất định, chứ không phải là phổ quát cho mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Khi trải qua thực nghiệm của chính bản thân và rảo quanh để đưa mắt nhìn những sự phân định của người khác, chúng ta thấy: ngày nay, có nhiều tình huống rất đơn giản, nó chỉ có cách nhau một lằn ranh rất mong manh! Nếu ta không có thói quen tốt, mập mờ nguyên tắc và không vững vàng lập trường thì cuộc đời của chúng ta sẽ mất đi sự hạnh phúc mà lẽ ra chúng ta được tận hưởng. Thật vậy, nếu không nhạy bén với thực tiễn của xã hội hoặc cảm thức tâm linh, thì chúng ta rất dễ ngộ nhận. Chẳng hạn như: nửa ly sữa; chút mẩu bánh mì… thì bản chất nó vẫn là sữa và bánh mì, nhưng nếu nửa sự thật thì không phải luôn luôn là sự thật!
Câu chuyện Nguyên Tổ là một chứng minh: khi hai ông bà nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, chúng chỉ cung cấp cho ông bà nửa sự thật và nói rằng: ông bà cứ ăn trái cấm đi, không sao cả, vì khi ăn vào, mắt của ông bà sẽ sáng ra. Ông bà đã thuận theo, và quả thực, khi trái cấm được đưa vào miệng, thì cũng là lúc mắt họ sáng ra và hậu quả là nhận thấy mình trần truồng chứ không phải là ngang bằng Thiên Chúa! (x. St 3, 1-7). Một sự ngộ nhận xót xa, dẫn đến hậu quả khôn lường!!!
Cũng thế, nếu không có khả năng phân định tốt, ta sẽ rơi vào tình trạng nhập nhằng, lúng túng và sẽ dễ dẫn đến tình trạng “gió chiều nào che chiều đó”; “ai sao tôi vậy”; “ai làm bậy, tôi cũng làm theo…”. Đây là những hệ quả của người chưa trưởng thành và thiếu lập trường, do không có khả năng phân định đúng – sai và họ không dựa trên tiêu chuẩn luân lý Kitô Giáo hay do Lương Tâm thúc đẩy. Những người đó, nhiều khi câu chuyện hay tình huống rất đơn giản, nhưng họ lại làm cho sự kiện, công việc trở nên phức tạp, rối ren do nhận thức bị mập mờ, thiếu chuẩn mực, dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan…”. Nhưng đôi khi có những công việc cần đến sự cẩn trọng, thì họ lại cho rằng: “Chuyện đó thường thôi, làm gì phải ầm ĩ”, nên có thái độ giảm khinh và không cần quan tâm…
Như vậy, nếu không có sự phân định hoặc phân định sai lạc, chúng ta rất dễ dẫn đến tình trạng “mù mờ” hay “hỗn mang” (x. St 1, 1- 28).
Muốn trở thành một người có khả năng phân định tốt, trước tiên phải do ân sủng của Thiên Chúa ban cho ai thì người đó được, chứ không phải hoàn toàn thủ đắc do quá trình nhận thức tri thức của con người theo kiểu từ chương.
Hẳn chúng ta không thể chấp nhận nuôi chó dưới nước, hay nuôi cá trên bờ… Tuy nhiên, người không phân định đúng thì cũng sẽ có nguy cơ như chú khỉ. Chú khỉ con thấy mình được ở trên bờ, tưởng rằng những con cá mà nó trông thấy đang ở dưới nước là do bị đày ải, nên thương tâm, nó bèn tìm mọi cách vớt cá lên bờ để cho cá được hạnh phúc, ai ngờ con cá chết cách nhanh chóng vì không có môi trường tương hợp để sống.
Vậy, phân định Thần Khí (thần khí) là việc cần thiết, bởi vì nó như một điều kiện cần phải có để làm nên điều tốt hay xấu qua hành vi lựa chọn của chúng ta. Tuy nhiên, đây là việc làm khó, không phải là chuyện dễ như bao người đã lầm tưởng!
Jos. Vinc. Ngọc Biển
(còn tiếp)