Home / Chia Sẻ / ÔNG CÓ PHẢI LÀ ĐẤNG CỨU THẾ KHÔNG?

ÔNG CÓ PHẢI LÀ ĐẤNG CỨU THẾ KHÔNG?

OngcophailaJim Bishop có viết một tác phẩm nhan đề “Ngày Đức Kitô đến.”  Tác phẩm đó có một đoạn văn rất hay mô tả những gì người Do thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến.  Đoạn văn đó như sau:

“Việc Đấng Cứu Thế đến là một nỗi ám ảnh dịu ngọt của một quốc gia.  Đó là một niềm vui ngoài sức tưởng tượng, một hạnh phúc vượt khỏi niềm tin.  Đó là niềm an ủi cho những nông dân làm việc cực nhọc cả ngày đang cùng với gia đình nằm trên giường chờ giấc ngủ đến.  Đó là giấc mơ của người tóc đã hoa râm.  Đó là điều mà trẻ em mong được nhìn thấy từ trên ngọn núi phủ mây trắng hiện đến.  Đó là niềm hy vọng của dân xứ Giuđêa đang bị xiềng xích tủi nhục.  Đấng Cứu Thế luôn luôn là một sự hứa hẹn cho buổi sáng ngày mai.”

Vì thế nên khi Gioan tẩy Giả xuất hiện bên giòng sông Giođan, dân chúng rất là phấn khởi.  Gioan bắt đầu sứ mạng của ông tại một địa điểm không xa biển chết.  Đó là tụ điểm bình dân của những đoàn hành hương và các du khách từ khắp nơi trên thế giới đến.  Đó là một nơi tuyệt hảo để mọi người gặp gỡ nhau và trao đổi những tin tức thế giới.  Vì thế đó là một nơi lý tưởng để Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng và làm phép rửa.  Sứ điệp Gioan rất đơn giản và rõ ràng: “Hãy từ bỏ tội lỗi mình… Hãy dọn đường cho Chúa đến, hãy làm một lối thật thẳng để Người đi” (Lc. 3,3-4).

Chẳng mấy chốc, tin tức về hoạt động của Gioan tẩy giả đã đến tai những nhà lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem.  Vì thế họ cử một phái đoàn gồm các tư tế và các thầy Lêvi đến nói chuyện với Gioan.  Các tư tế đặc biệt lưu ý đến Gioan vì ông là con của Zacaria, cũng là một tư tế.  Trong Do Thái giáo, điều kiện duy nhất để có thể làm tư tế là phải thuộc dòng dõi tư tế.  Nếu có ai là con cháu của Aaron, thì không ai có quyền cấm người ấy thực hiện chức năng tư tế của mình.  Do đó các tư tế tại Giêrusalem đặc biệt lưu tâm tới Gioan, và chắc chắn không hiểu tại sao Gioan lại hành xử một cách dị thường như thế.

Khi phái đoàn các tư tế đến, họ đi thẳng vào vấn đề và hỏi Gioan: “Ông là ai?”  Gioan biết trong tâm trí họ nghĩ gì, nên ông nói: “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế.”  Các tư tế hỏi: “nếu ông không phải là Đấng Cứu Thế, vậy ông là ai?  Ông có phải là Êlia không?”  Đối với chúng ta, câu hỏi sau cùng này có vẻ khó hiểu.  Nhưng chúng ta nên nhớ rằng Êlia là một vị tiên tri đã được cất lên trời bằng một chiếc xe lửa vào cuối đời.  Nhiều người Do Thái tin rằng Êlia sẽ trở lại vào thời Đấng Cứu Thế đến.  Ngay cả thời nay cũng có một số người Do Thái dành cho tiên tri Êlia một ghế trống trong bữa ăn Vượt Qua của họ.  Họ cầu mong năm nay là năm Êlia trở lại để loan báo Đấng Cứu Thế đến.  Nhưng Gioan nói thẳng rằng ông không phải là vị tiên tri đã được cất lên trời trên chiếc xe lửa trước đó mấy thế kỷ.

Họ hỏi: “Vậy ông có phải là một vị tiên tri không?”  Gioan lại trả lời: “Không!  Tôi không phải là một vị tiên tri giống như Giêrêmia hay Êzêkiel.”  Họ hỏi tiếp: “Vậy thì ông là ai?”  Gioan trả lời bằng câu nói của Isaia: “Tôi là tiếng kêu gào trong sa mạc: “Hãy dọn đường cho ngay thẳng để Chúa đến.”  Muốn hiểu rõ câu nói đó của Gioan Tẩy Giả, ta nên nhớ rằng những con đường ngày xưa chỉ có một ít là trải sỏi hoặc đá, còn đa số là những con đường lầy lội.  Khi một vị vua muốn đi thăm một tỉnh nào đó trong vương quốc của mình, ông sẽ sai một người “tiền hô” tới đó trước để báo cho dân chúng lấp đầy những hố, những vũng bùn, và làm cho những con đường thẳng thắn lại.  Người “tiền hô” còn có một điều nữa phải làm là dạy cho dân chúng những nghi thức tiếp tân thích hợp để đón nhà vua tới. Gioan Tẩy Giả cũng lưu ý tới thái độ tiếp tân cần phải có để đón Chúa tới.  Ông nói: “Hãy ăn năn hối cải tội lỗi mình và hãy lãnh nhận phép rửa.” (Mc.4).

Tóm lại chúng ta có thể diễn đạt toàn bộ sứ điệp của Gioan như sau: Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng tôi là người “tiền hô” cho Ngài.  Hãy chuẩn bị, vì Ngài sắp đến.  Gioan đã làm những gì mà mọi vị lãnh đạo tôn giáo phải làm.  Ông không để cho người ta chú ý tới ông, mà hướng mọi sự chú ý của họ vào Đức Giêsu.

Đó chính là những gì Giáo Hội làm suốt Mùa vọng.  Giáo Hội tập trung mọi chú tâm của chúng ta vào Đức Giêsu.  Giáo Hội hành động giống như vị “Tiền hô” của Ngài.  Và cuối cùng Giáo Hội giải thích cho chúng ta biết chuẩn bị đón Ngài như thế nào.

Mùa vọng nói với chúng ta về việc Đức Giêsu đến.  Ngài không phải chỉ đến trong giòng lịch sử như chúng ta vẫn mừng và kỷ niệm vào ngày Giáng Sinh, mà Ngài còn đến lần chót vào cuối dòng lịch sử nữa.

Tin Mừng Matthêu có nói về lần đến cuối cùng đó: “Khi Con Người đến với tư cách một vị vua, Ngài sẽ ngồi trên ngai vàng của Ngài, và toàn dân thiên hạ sẽ qui tụ trước mặt Ngài.  Lúc đó Ngài phân chia họ ra làm hai nhóm, y như người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê…  Nhà vua sẽ nói với những người ở bên phải: Hãy đến hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc!  Hãy đến và hãy lãnh lấy nước trời làm cơ nghiệp…  Rồi Ngài nói với những người ở bên trái: Hãy đi khỏi Ta và vào lửa đời đời” (Mt.25,34-41).

Những bài đọc trong Thánh lễ Chúa Nhật này muốn nói: Gioan không phải là Đấng Cứu Thế, Ông chỉ là người “Tiền hô” của Ngài.  Gioan dạy cho chúng ta cách chuẩn bị ngày Ngài đến vào cuối lịch sử để làm quan án xét xử chúng ta.

Để kết thúc, chúng ta hãy ăn năn thống hối như khi lãnh nhận bí tích hoà giải.  Xin các bạn hãy thinh lặng và cùng cầu nguyện với tôi:

“Lạy Cha chí nhân, con xin trở về với Cha và nói giống như người con hoang đàng: con đã lỗi phạm đến Cha, con không đáng gọi là con Cha nữa.  Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc nhân loại, con cầu nguyện với Chúa như người trộm lành mà Chúa đã hứa nước thiên đàng ngày xưa: Lạy Chúa xin hãy nhớ đến con trong nước của Chúa.  Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu, con thành tâm cầu khẩn Ngài, Xin hãy thanh tẩy tâm hồn con và giúp con bước đi như con cái của sự sáng.

 

Lm. Mark Link

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …