Kinh Thánh cho biết: “Chúa Giêsu khóc.” (Ga 11:35) Một câu ngắn gọn mà đầy ý nghĩa. Chúa Giêsu đã thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy hai người chị khóc thương cậu em trai Ladarô. Và khi đến mộ Ladarô, Chúa Giêsu đã bật khóc vì thương một người bạn.
Là Kitô hữu, chúng ta phải biết cố gắng noi gương Ngài – nên giống Ngài trong Nhiệm Thể Đức Kitô, vác thập giá của mình và phục vụ tha nhân, đặc biệt là lãnh nhận Thánh Thể. Chúa Giêsu khóc, chúng ta cũng phải khóc.
Trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã nhấn mạnh: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.” (Lc 6:21) Không khóc thì không tốt: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.” (Lc 6:25)
Thánh Luca cho biết rằng đám đông đó có nhiều người đến để được chữa lành bệnh tật và thoát khỏi thần ô uế. Nhiều người đã khóc, Chúa Giêsu cứ để cho họ khóc. Nước mắt là thành phần trong quá trình chữa lành.
Chẳng ai thích khóc, thế nhưng khóc lại là một hành động tốt. Trên tạp chí Psychology Today, bác sĩ Judith Orloff cho biết: “Nước mắt có lợi ích đặc biệt đối với sức khỏe, vì nước mắt chứa loại hormone làm giảm căng thẳng, loại hormone này tiết ra từ cơ thể qua việc khóc. Khóc làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn, ngay cả khi sự khó khăn cứ dai dẳng.” BS Orloff cho biết thêm rằng khóc giúp kích thích sản sinh endorphins, loại hormone làm giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Chúa Giêsu đã khóc trước cái chết của Ladarô. Sự chết là nỗi mất mát lớn, gây căng thẳng và đau buồn. Nhưng Thiên Chúa bù đắp cho chúng ta trong sự mất mát đó bằng sự lợi ích của nước mắt với khả năng chữa lành. Đó là tặng phẩm, là hương thơm, là biệt dược. Khi cần phải khóc thì cứ khóc, đừng đè nén! Ai tìm kiếm thì sẽ thấy được sự khuây khỏa.
Mùa Chay về, và lời khuyến cáo của Thiên Chúa lại vang lên: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” (Ge 2:12) Sám hối, sám hối, và sám hối…
TRẦM THIÊN THU
Thứ Ba Béo, 25-02-2020