Home / Chia Sẻ / NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG

NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG

“Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” (Kh 12:1)

Thế kỷ XX đã chứng kiến sự hồi sinh lớn lao về lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Vài thập niên trước thế kỷ đó, ngày 8-12-1854, ĐGH Piô IX đã tuyên bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bốn năm sau, Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadette Soubirous, một cô bé nông dân 14 tuổi, tại Lộ Đức (Lourdes), Pháp. Trong lần hiện ra này, khi Bernadette hỏi Bà Trời là ai, Bà đã trả lời: “Ta là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Sự xác nhận thần bí này về tín điều mà Đức Giáo Hoàng đã khơi dậy lòng sùng kính lớn lao đối với Mẹ Thiên Chúa, và Lộ Đức đã trở thành địa điểm hành hương thường xuyên, nơi có nhiều phép lạ đã xảy ra.

Năm 1916, ba trẻ chăn cừu ở Fátima, Bồ Đào Nha đã được thấy Thiên Thần Hòa Bình (Thiên Thần Bản Mệnh của Bồ Đào Nha) hiện ra ba lần. Năm 1917, ba trẻ đã được thấy Đức Mẹ hiện ra sáu lần và tự nhận là Mẹ Mân Côi. Lần hiện ra cuối cùng, khoảng 70.000 người đã tụ tập và tất cả đều chứng kiến phép lạ như Mẹ đã hứa. Một trận mưa như trút nước mà dừng lại ngay lập tức, mặt trời nhảy múa và lao xuống đất, mọi thứ và mọi người đều khô ráo. Lần hiện ra này và phép lạ này tiếp tục thúc đẩy lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa.

Năm 1950, ĐGH Piô XII đã ban hành một tông hiến trong đó ngài tuyên bố như một tín điều của đức tin chúng ta rằng “Đức Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, Đức Maria Đồng Trinh trọn đời, sau khi hoàn tất cuộc sống trần thế, đã được đưa cả hồn xác lên Thiên Đàng vinh quang.” Vì Chúa Giêsu là Vua của các vua, và vì Ngài ngự trên ngai tòa bên hữu Chúa Cha trên Thiên Đàng, và vì Mẹ Ngài đã được đưa cả hồn xác lên Thiên Đàng thì kết luận hợp lý xuất phát từ những chân lý này tất yếu dẫn chúng ta đến việc mừng lễ này.

Các Giáo Phụ thời kỳ đầu đã sử dụng cái được gọi là “hình thái học” (typology) để thiết lập rõ ràng tính liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ví dụ, mặc dù Vua Salômôn đã phạm tội, ông cũng là hình bóng hoặc “kiểu mẫu” của Chúa Kitô vì ông là người kiến tạo hòa bình, tràn đầy sự khôn ngoan và đã xây dựng Đền Thờ Giêrusalem. Trong lời chú giải Tv 127, Thánh Augustinô nói rằng Chúa của chúng ta là “Salômôn đích thực” và “Salômôn là hình ảnh của “người tạo hòa bình” này. Người Tạo Hòa Bình đích thực là Chúa Kitô, và cũng giống như Salômôn đã xây dựng Đền Thờ, Chúa Giêsu cũng đã xây dựng Đền Thờ đích thực của Nhiệm Thể Ngài – Giáo Hội.

Theo hình thức phân loại này, Kinh Thánh cho biết: Bà Bát Seva vào yết kiến vua Salômôn để thưa chuyện với vua giúp Ađônigiahu. Vua đứng lên, ra đón và sấp mình chào bà; đoạn vua ngồi trên ngai, đồng thời cũng truyền đặt một ngai cho bà thái hậu, bà ngồi bên hữu vua. Bà nói: “Có một điều nhỏ mọn mẹ xin với con; con đừng ngoảnh mặt đi.” Vua nói với bà: “Thưa mẹ, mẹ cứ xin, vì con sẽ không ngoảnh mặt từ chối mẹ.” (1 V 2:19-20) Nếu Vua Salômôn, một hình mẫu của Đức Kitô trong Cựu Ước, đã tôn trọng những yêu cầu của Thái Hậu và cho bà ngồi trên ngai vàng bên cạnh mình, thì Chúa Giêsu, Vua của các vua thực sự, còn làm như vậy với Mẹ của Ngài hơn thế nữa. Do đó, Lễ Đức Mẹ Lên Trời kỷ niệm sự kiện rằng, trên Thiên Đàng, Mẹ của Chúa Giêsu đang ngồi trên ngai vàng bên cạnh Ngài, và giống như Salômôn, Chúa Giêsu cũng nói một cách chắc chắn với Đức Maria: “Mẹ cứ xin, vì Con sẽ không từ chối Mẹ đâu.”

Chính vì những lý do đó mà ngày 11-10-1954, bốn năm sau khi công bố Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ĐGH Piô XII đã thiết lập Lễ Tưởng niệm Đức Mẹ Nữ Vương bằng thông điệp Ad Caeli Reginam (Nữ Vương Thiên Đàng). Lễ Mông Triệu ban đầu được ấn định ngày 31-5, sau Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Tuy nhiên, năm 1969, ĐGH Phaolô VI đã chuyển lễ này sang ngày 22-8 – tám ngày sau Lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Phần lớn, điều này được thực hiện để tạo một quãng tám mong đợi và để cho thấy rằng Lễ Mông Triệu nhất thiết dẫn đến việc Mẹ Thiên Chúa cũng là Nữ Vương Trời Đất.

Với tư cách là Nữ Vương, Đức Maria không chỉ cầu bầu cho chúng ta, mà còn hành động như người trung gian của Con Mẹ. Từ ngai tòa trên trời, Nữ Vương Trời Đất được trao phó ân sủng của Thiên Chúa. Mẹ không phải là nguồn, nhưng Mẹ được đặc ân trở thành công cụ phân phối. Là một người mẹ yêu thương, không gì làm Mẹ vui lòng hơn là ban phát mọi điều tốt lành cho con cái của Mẹ trên trái đất. Mẹ mong muốn tập hợp tất cả con cái của Mẹ lại với nhau trên Thiên Đàng, với Con Yêu Dấu của Mẹ.

Mặc dù sự phát triển phụng vụ và thần học của lễ này có vẻ phức tạp, nhưng cốt lõi lại rất đơn giản. Chúng ta không chỉ có một người mẹ trên Thiên Đàng, mà còn có một Nữ Hoàng Mẹ. Vì Đức Maria là Nữ Hoàng Mẹ của Thiên Chúa, chúng ta phải hướng về Mẹ với đức tin và sự đơn sơ của trẻ thơ. Như một đứa trẻ chạy đến với người mẹ yêu thương khi cần thiết, đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu, sự bảo vệ và chăm sóc của Mẹ. Vì vậy, chúng ta phải chạy đến với Đức Mẹ, vì Mẹ là người bảo vệ, nơi ẩn náu, niềm hy vọng và niềm vui ngọt ngào của chúng ta. Tình cảm của Mẹ hoàn hảo và tình mẫu tử của Mẹ vô song.

Khi chúng ta tôn vinh Nữ Vương Thiên Đàng, hãy suy ngẫm về sự hiểu biết ngày càng sâu sắc của Giáo Hội về vai trò của Đức Mẹ. Khi Giáo Hội đã gia tăng hiểu biết về vai trò cao cả của Đức Mẹ qua nhiều thế kỷ, chúng ta cũng phải tự khám phá ra điều này trong suốt đời mình. Hãy hướng về Mẹ, tìm kiếm lời cầu bầu của Mẹ, tin tưởng vào sự chuyển cầu của Mẹ và tôn vinh Mẹ như là Mẹ và là Nữ Hoàng của bạn.

Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa và Nữ Vương Thiên Đàng, hôm nay con chạy đến với Mẹ như một đứa trẻ với lòng tin tưởng và phó thác. Mẹ là Nữ Vương vinh quang, ngự trị trên tất cả con cái Mẹ bằng tình yêu và lòng thương xót. Xin cầu thay nguyện giúp cho con và ban cho con mọi điều con cần. Con mở lòng đón nhận ân sủng của Con Mẹ, mà Mẹ được giao phó để ban phát. Xin làm cho con nên thánh và thoát khỏi tội lỗi, để Mẹ có thể giới thiệu con không tì vết và tinh khiết trước Con Yêu Dấu của Mẹ, Đấng là Vua Vũ Trụ.

Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, xin nguyện giúp cầu thay cho con. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài!

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ MyCatholic.Life)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …