Home / Chia Sẻ / NƠI TRẢM QUYẾT GIOAN TẨY GIẢ

NƠI TRẢM QUYẾT GIOAN TẨY GIẢ

unnamedTrình thuật Mc 6:17-29 (≈ Mt 14:3-12) cho biết: Số là vua Hêrôđê đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Bữa tiệc sinh nhật “khét tiếng” của Hêrôđê Antipas, với đỉnh điểm là vụ chém đầu Thánh Gioan Tẩy Giả, đã diễn ra tại thành phố Machaerus, phía đông Biển Chết – hiện nay là Jordan.

Bị thất lạc hơn một nghìn năm sau khi bị người La Mã phá hủy vào cuối Cuộc Nổi Loạn Do Thái lần thứ nhất năm 71-72 sau Công Nguyên, địa điểm cung điện của Hêrôđê đã được xác định chính xác vào năm 1968, khi một học giả người Đức phát hiện di tích bức tường bao vây do quân La Mã dựng lên.

Trong hơn một thập niên, kiến trúc sư và nhà khảo cổ người Hungary là TS Győző Vörös đã chỉ đạo các nỗ lực khai quật và bảo tồn tại Machaerus sau khi giành được hợp đồng từ Sở Cổ Vật Hoàng Gia Jordan. Trong cuộc phỏng vấn của Vatican News, TS Vörös cho biết: “Họ đã liên lạc với tôi năm 2009 như một câu trả lời cho mong muốn của ĐGH Bênêđíctô XVI, vì trong một chuyến tông du, ngài đã bày tỏ quan tâm Machaerus… bối cảnh Phúc Âm quan trọng nhất ở Jordan. Họ muốn khai quật nghiêm túc và cũng muốn khám phá các cơ hội để trình bày và bảo tồn các di tích.”

TS Vörös đã nhận Huy Chương Vàng danh giá của giáo hoàng, do Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng trao tặng, ghi nhận công trình xuất sắc của ông về Machaerus, đã được xuất bản thành ba tập. Ông giải thích ý nghĩa lịch sử về cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả: “Đoạn Phúc Âm duy nhất có câu chuyện song song từ cùng thời đại được viết bởi một tác giả không phải là Kitô hữu, đó là sử gia Do Thái Josephus. Địa điểm hành quyết Gioan đã được xác nhận khoảng 250 năm sau đó bởi văn sĩ Kitô giáo Eusebius ở Pamphilia.”

TS Vörös cho biết: “Ngoài giá trị lịch sử độc đáo, Machaerus còn có hai đặc điểm độc đáo. Đây là di tích khảo cổ đã tồn tại… thật không thể tin được. Đúng là một phép lạ khi bạn có một cảnh Phúc Âm vẫn tồn tại như thế.” Địa điểm này còn độc đáo ở chỗ nó mang đến cho các sử gia – cũng như du khách – cơ hội có được bức tranh thực sự chính xác về một sự kiện trong Phúc Âm.

TS Vörös và nhóm của ông có thể trình bày bản tái hiện cung điện của Hêrôđê, nơi con gái của Hêrôđia đã múa biểu diễn cho Hêrôđê Antipas và thực khách, rồi được hứa cho thủ cấp của Thánh Gioan Tẩy Giả. TS Vörös cho biết: “Đây là những minh họa Kinh Thánh về thực tế, và đây là trọng tâm của sứ mệnh khảo cổ tại Marchaeus. Không có lịch sử nếu không có địa lý, không có các di tích lịch sử có thể nhìn thấy và tham quan. Việc nghiên cứu khảo cổ có thể cung cấp khuôn khổ và bối cảnh thực sự cho các Phúc Âm ở Thánh Địa.”

Nhớ lại lời của ĐGH Phanxicô đã nói rằng Thánh Địa là “Phúc Âm thứ năm” giúp chúng ta hiểu bốn Phúc Âm kia, TS Vörös nói rằng các địa điểm của Thánh Địa cung cấp bối cảnh lịch sử không chỉ cho chúng ta mà còn cho con cháu chúng ta, cho thế hệ tiếp theo mà chúng ta có thể cung cấp những cuốn sách tôn giáo được minh họa bằng hiện thực lịch sử. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng đối với cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả, mà Chúa Giêsu đã so sánh với Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Ngài.

TS Vörös cho biết: “Vì vậy, khi chúng ta nói về việc giam cầm và chém đầu Thánh Gioan Tẩy Giả, đó cũng là điềm báo trước sự kiện Canvê, bằng cách nào đó. Thánh Gioan Tẩy Giả cũng là điềm báo trước Chúa Giêsu Kitô với cuộc khổ nạn của Ngài, và đó không phải là sự tưởng tượng thần học. Chính Chúa Giêsu đã trao “chìa khóa” về Machaerus cho chúng ta, khi Ngài nói về đau khổ của Thánh Gioan Tẩy Giả rằng Con Người sẽ phải chịu đau khổ tương tự. Vì vậy, đó là một đoạn rất quan trọng của các Phúc Âm, khi có nó trong tay với thực tế lịch sử của nó thì đó là… Tôi sẵn sàng nói rằng, đó là một loại quà tặng của Thiên Chúa toàn năng dành cho thế kỷ 21.”

Chúng ta sắp kỷ niệm 2.000 năm ngày tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả (mất năm 28 hoặc 29 sau Công Nguyên), TS Vörös hy vọng rằng địa điểm khảo cổ Machaerus sẽ sẵn sàng được trình bày một cách rõ ràng và xác thực, đó là điều quan trọng nhất. Và ông hy vọng rằng, cùng với các nhà chức trách Jordan, Machaerus sẽ lại xuất hiện trên bản đồ Thánh Địa khi giáo hoàng tiếp theo của Rôma đến thăm địa điểm khảo cổ linh thiêng này.

CHRISTOPHER WELLS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Vatican News)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …