Home / Chia Sẻ / NỘI TÂM CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

NỘI TÂM CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

NỘI TÂM CHÚA GIÊSU THÁNH THỂRất ít người Công giáo từng suy ngẫm về những gì Chúa Giêsu làm suốt ngày trong Bí tích Thánh Thể. Ngoài việc chờ đợi chúng ta đến thăm Ngài, Ngài còn đốt cháy tình yêu thương đối với Cha của Ngài. Thánh Phêrô Julian Eymard, Tông Đồ Thánh Thể, cung cấp những hiểu biết sâu sắc đáng kinh ngạc về Đời Sống Nội Tâm Thánh Thể của Chúa Giêsu bằng những lời này:

Trong Bí Tích Cực Thánh, Chúa Giêsu sống đời sống hoàn toàn nội tâm. Cuộc đời Ngài là sự tôn kính vĩnh viễn đối với tình yêu và vinh quang của Chúa Cha, Đấng mà linh hồn Ngài chiêm ngưỡng sự hoàn hảo. Trong trạng thái bí tích, Chúa Giêsu tiếp tục các nhân đức tự hạ mình trong cuộc sống trần thế, sự khiêm nhường đã khiến Ngài hạ mình xuống làm một nô lệ, ở đây Ngài tự hạ mình xuống dưới hình bánh, Ngài kết hợp chính mình với vẻ ngoài của hữu thể, Ngài đạt đến giới hạn cuối cùng của hư vô. [1]

Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục đời sống cầu nguyện. Hơn thế nữa, cầu nguyện trở thành công việc duy nhất của linh hồn Ngài. Chúa Giêsu chiêm ngắm Chúa Cha, sự cao cả và lòng nhân lành của Chúa Cha. Ngài tôn thờ Chúa Cha bằng sự hạ mình sâu sắc của Ngài, điều mà Ngài liên kết với trạng thái vinh quang của Ngài. Ngài không ngừng cảm tạ Chúa Cha về các tặng phẩm và lòng nhân từ của Chúa Cha dành cho loài người. Ngài cầu xin Chúa Cha ban ân sủng của lòng thương xót và sự kiên nhẫn dành cho các tội nhân. Ngài liên tục cầu xin lòng nhân ái của Chúa Cha cho những người được cứu chuộc nhờ Thập Giá. [2]

Trạng thái bị che phủ này đem lại vinh quang lớn nhất cho Chúa Cha, vì Chúa Giêsu đổi mới và tôn vinh mọi điều kiện của cuộc sống trần thế của Ngài. Những gì Ngài không thể làm trong vinh quang Thiên Đàng thì Ngài làm bằng trạng thái bị hủy diệt trên bàn thờ. Cái nhìn đầy yêu thương của Chúa Cha hướng xuống trần gian, nơi Ngài nhìn thấy Con Ngài, Đấng mà Ngài yêu thương như chính Ngài, đang trong tình trạng nghèo khó, khiêm nhường và vâng phục.

Chúa chúng ta đã tìm được phương tiện để duy trì và không ngừng đổi mới hy lễ trên Đồi Canvê. Ngài mong muốn Cha Ngài luôn luôn để mắt đến hành động anh hùng mà qua đó Ngài thể hiện vinh quang vô tận của Ngài, bằng cách hy sinh để tiêu diệt triều đại Satan, kẻ thù của Ngài.

Chúa Giêsu Kitô vẫn tiếp tục đặt niềm hãnh diện vào cuộc đấu tranh chinh phục nó. Vì không có gì đáng ghét đối với Thiên Chúa bằng sự kiêu ngạo, nên không có gì tôn vinh Ngài bằng sự khiêm nhường. Vinh quang của Chúa Cha là lý do đầu tiên cho trạng thái ẩn mình của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. [3]

Một trong những thực tại Thánh Thể đáng ngạc nhiên nhất và bị lãng quên nhất là điều này: “Chúa Giêsu chiêm ngưỡng Chúa Cha.” Trong Nhà thờ Công giáo có Chúa Giêsu đang tôn vinh Chúa Cha từ Bí tích Thánh Thể giống như Ngài đã làm trên trái đất. Thật không thể tin được! Chúa Thánh Thể của chúng ta sống cuộc đời không ngừng tạ ơn và ca tụng Chúa Cha. Thánh Tâm Chúa Giêsu đập vì Chúa Cha.

Khi chiêm ngắm Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có nhận ra tình yêu sâu xa của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha hay không? Ngài hoàn toàn quên chính mình và hạ mình xuống “giới hạn của hư vô.” Khi chiêm ngưỡng Bí tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ phải nhìn thấy Chúa Giêsu mà còn phải nhìn thấy Chúa Cha, Đấng mà Ngài đang tôn vinh qua Chúa Thánh Thần.

Khi thấy Chúa Con Thánh Thể vâng phục, nghèo khó và khiêm nhường như vậy, Chúa Cha đã từ trời lên tiếng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17:5) Người ta có thể lập luận rằng Chúa Giêsu tôn vinh Chúa Cha nhiều hơn trong việc hạ mình trong Thánh Thể – bởi vì Ngài hầu như không còn gì cả – hơn là trong trạng thái vinh quang của Ngài trên Thiên Đàng. Trong Bí tích Thánh Thể, Canvê được tồn tại vĩnh viễn, nơi Chúa Giêsu vẫn ngự trên Thập Giá một cách huyền nhiệm, để tôn vinh Chúa Cha.

Bạn có nhận ra rằng công việc duy nhất của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là cầu nguyện, thậm chí còn hơn cả cuộc sống trần thế của Ngài (theo Thánh Phêrô Julian Eymard) hay không? Trên trái đất, Chúa Giêsu có nhiều sứ mệnh, bao gồm giảng dạy, rao giảng và chữa lành, nhưng trong Bí tích Thánh Thể, sứ mệnh duy nhất của Chúa Giêsu là cầu nguyện. Nếu chúng ta đến gần Thánh Thể, Chúa Giêsu sẽ dạy chúng ta những bí mật của Thánh Tâm Ngài và những bí mật của việc chiêm niệm, vì Ngài là Thầy của Đời Sống Nội Tâm. Để trở nên giống Chúa Giêsu, gương mẫu của việc cầu nguyện, đời sống nội tâm của chúng ta phải là nền tảng của đời sống bên ngoài. Chúng ta phải tìm cách quên chính mình và cầu nguyện với lòng biết ơn sâu sắc, ca ngợi và chuyển cầu bằng cách bước vào việc Chúa Giêsu chiêm ngưỡng Chúa Cha. Cầu nguyện phải là sứ mệnh lớn nhất của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được đánh mất sự hư vô của mình trước sự uy nghiêm của Thiên Chúa. Trên hết, chúng ta phải đánh mất chính mình trong vẻ huy hoàng của vinh quang, sự tốt lành, sự cao cả và lòng thương xót của Thiên Chúa được tìm thấy trong Thánh Thể, đó là tham dự vào Thiên Đàng rồi.

Ngoài việc tôn vinh Chúa Cha, Chúa Giêsu Thánh Thể còn “cầu xin ân sủng của lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa cho các tội nhân. Ngài liên tục cầu xin lòng nhân ái của Chúa Cha cho những người được cứu chuộc nhờ Thập Giá.” Thánh Tâm Thánh Thể của Ngài đập vì các tội nhân khi Ngài không ngừng theo đuổi chúng ta mọi lúc bằng cách dâng công nghiệp Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Ngài lên Chúa Cha. Quả thật, Nhà Tạm là ngai của Lòng Chúa Thương Xót. Ngài mời gọi chúng ta cầu xin cho tội nhân hoán cải.

Có một bài học quan trọng khác. Chúng ta dâng lên Chúa Cha vinh quang lớn nhất khi chúng ta giống Con Ngài trong Bí tích Thánh Thể: “Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3:3) Chúa chúng ta đã dành 30 năm, phần lớn cuộc đời Ngài, ẩn giấu khỏi con mắt loài người để mặc khải cho chúng ta sự cần thiết của đời sống nội tâm và việc trở nên nhỏ bé. Bây giờ và cho đến tận thế, Chúa Giêsu vẫn ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể. Trong khi sự kiêu ngạo bảo chúng ta phải nên cao cả và được người ta chú ý, thì Chúa Giêsu Thánh Thể nhắc nhở chúng ta phải trở nên bé nhỏ và bị người khác lãng quên, chỉ được Chúa Cha biết đến. Đúng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn vinh Chúa Cha hơn là được loài người tôn vinh bằng cách đi theo con đường sống nội tâm.

PATRICK O’HEARN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

[1] St. Peter Julian Eymard, Eucharistic Handbook (New York: The Sentinel Press, 1958), 126.

[2] St. Peter Julian Eymard, Eucharistic Handbook (New York: The Sentinel Press, 1958), 127.

[3] St. Peter Julian Eymard, The Real Presence (New York: Fathers of the Blessed Sacrament, 1907), 118-119.

Xem thêm

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

  Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng thể kính hai thánh …