Home / Chia Sẻ / NỖI SỢ BỊ BỎ LỠ

NỖI SỢ BỊ BỎ LỠ

NoilosobiboloThật khó cho một đứa trẻ phải đi ngủ lúc buổi tối mới bắt đầu, lúc cả nhà còn ăn tiệc.  Không ai muốn đi ngủ lúc mọi người đang còn thức.  Chẳng ai muốn bỏ lỡ gì đó trong đời.

Ai rồi cũng nhớ khi còn nhỏ, dù đã quá mệt, hai mắt đã díu lại, chúng ta vẫn cố cự lại bất cứ ai bắt mình đi ngủ.  Dù mệt mỏi hay không, chúng ta cũng không muốn bỏ lỡ bất kỳ điều gì.  Chúng ta không muốn đi ngủ khi đời sống vẫn đang tiếp diễn.

Và chẳng bao giờ chúng ta bỏ được chuyện này.  Sự kháng cự đó là bẩm tại và nó vẫn còn trong chúng ta cho đến giờ lâm tử.

Một trong những nỗi băn khoăn day dứt nhất của chúng ta là ý thức rằng mình luôn mãi bỏ lỡ gì đó trong đời.  Đây cũng là một trong những yếu tố lớn nhất của nỗi sợ chết.  Với hầu hết mọi người, sự nặng nề và tăm tối của cái chết không hẳn đến từ nỗi sợ những điều sẽ gặp ở đời sau, sự phán xét và hình phạt, cho bằng đến từ nỗi sợ bị tiêu vong.  Hơn nữa, nỗi sợ này không hẳn là sợ thân phận của mình sẽ tiêu tan không còn gì, cho bằng sợ mình sẽ bị tước đi mọi phần cuộc đời mình đã có.  Nỗi buồn khi phải từ bỏ gì đó, khi biết rằng cuộc đời sẽ tiếp diễn mà không có mình, sợ phải đi ngủ khi tiệc vui chưa tàn.  Và nỗi sợ này nằm sâu, rất sâu trong lòng chúng ta, đến nỗi chúng ta khó mà hình dung nổi làm sao thế giới có thể tiếp tục công việc mà không có chúng ta.

Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu về một vấn để bất ổn trong chúng ta, nó không phải là một thứ cần được sửa chữa, cũng không phải là một vấn đề luân lý hay tôn giáo cần phải lưu tâm.  Nó là bản chất con người, đơn giản là thế, và Thiên Chúa là Đấng tạo nên nó.  Nói tóm lại, chúng ta được dựng lên để dự phần trong cả tấm vải chứ không phải để làm một sợi chỉ đơn độc.

Năm 23 tuổi, tôi chứng kiến cha tôi mất trong phòng bệnh viện.  Ông chưa lớn tuổi, chỉ mới 62 và lẽ ra cha tôi phải được sống thêm nhiều năm nữa.  Nhưng ông sắp chết, ông biết thế, và dù đức tin đã giúp ông xoa dịu nhưng ông vẫn rất buồn.  Điều ông phải đấu tranh không phải nỗi sợ đời sau hay còn chuyện đền tội nào ông cần làm trong đời này.  Không phải thế.  Ông không có chuyện gì còn dang dở với Chúa hay với những vấn đề luân lý và tôn giáo.  Ông cũng không có những nỗi sợ không lành mạnh về đời sau.  Việc duy nhất ông còn đang dang dở với đời này, chính là (một cách trừu tượng) bị bắt đi ngủ khi tiệc chưa tàn.  Hơn nữa, với ông, bữa tiệc đó đang lúc vui nhất.  Các con lớn đã bắt đầu an cư lập nghiệp, sinh cho ông nhiều đứa cháu, các con nhỏ cũng đang hăng hái bước vào cuộc sống trưởng thành.  Ông sẽ không còn đó để xem mọi chuyện sẽ thế nào, và ông sẽ không còn đó để thấy hầu hết các cháu của mình.  Quan trọng hơn nữa, ông còn người vợ, người tri kỷ mà ông phải bỏ lại.  Thật sự, bị bắt đi ngủ vào lúc như thế không vui gì.

Hơn nữa, cha tôi vẫn còn các anh chị em ruột, hàng xóm, bạn bè, giáo xứ, cộng đồng, các đội bóng và vô số các mối dây khác trong đời.  Và ông ý thức trong đau đớn rằng, những chuyện này đều sẽ kết thúc, ít nhất là ở đời này.

Tại sao ông không nên buồn chứ?  Thật sự là, tại sao có ai trong chúng ta không nên buồn khi đối diện với cái chết như thế, khi chúng ta bị bắt đi ngủ lúc cuộc đời còn đang mở tiệc?

Chúng ta được cấu thành với tính cộng đồng.  Như chính Thiên Chúa đã nói khi Ngài tạo dựng gia đình nhân loại: con người ở một mình thì không tốt.  Chúng ta phải là một phần của gia đình và cộng đồng, một phần của tấm vải cuộc đời, một tấm vải được dệt nên bởi vô số sợi chỉ riêng lẻ.  Do đó, cũng không có gì lạ khi chúng ta buồn lúc sợi chỉ mỏng manh, riêng lẻ của mình bị kéo ra khỏi tấm vải.  Chẳng lạ gì khi trẻ con không muốn đi ngủ lúc mọi người vẫn đang chơi vui.

Hơn nữa, điều này không chỉ đúng khi chúng ta thấy buồn vào lúc lâm tử.  Cũng động năng đó bùng lên mỗi khi chúng ta trải qua những cái chết nho nhỏ trong lòng khi chúng ta bước vào tuổi già, mất đi sức khỏe, mất đi công việc dù là do nghỉ hưu hay bị sa thải, mất đi những người chúng ta yêu thương, mất đi hôn nhân, chuyển đổi chỗ ở, hay bất kỳ cách thức nào khác làm cho chúng ta bị đẩy ra rìa cái chúng ta gọi là dòng chảy chính của cuộc đời.

Vậy nên, sẽ tốt nếu chúng ta biết rằng cảm giác đó không có gì sai.  Giờ lâm tử khó khăn mà.  Buông bỏ khó khăn mà.  Bị đẩy ra rìa khó khăn mà.  Biến mất khỏi cuộc đời càng khó khăn hơn nữa.  Chính vì thế mà trẻ con chẳng muốn bị bắt đi ngủ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Xem thêm

mqdefault (1)

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Hóc Môn, 09/11/2024 tại nhà thờ Trung Mỹ Tây

BTT CĐLCTX TGP SG