Home / Tiêu Điểm / Nội dung bài viết về lịch sử Giáo Hội Hàn quốc của Linh Mục Rossi De Gasperis, dòng Tên

Nội dung bài viết về lịch sử Giáo Hội Hàn quốc của Linh Mục Rossi De Gasperis, dòng Tên

1_0_818201Chỉ còn một tuần nữa Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Hàn quốc để tham dự Ngày Giới Trẻ Á châu và chủ sự lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo nước này.

Chúng tôi xin giới thiệu với qúy vị và các bạn nội dung bài viết của cha Rossi de Gasperis, dòng Tên, về lịch sử Giáo Hội Hàn quốc.

Giáo Hội tại Hàn quốc đã nảy sinh từ một sáng kiến của các giáo dân vào năm 1784, mà không có sự trợ giúp trực tiếp nào của các thừa sai. Thời đó Đại Hàn tùy thuộc Trung Quốc, nơi triều đình tiếp đón nhiều người Âu châu chuyên viên địa lý, thiên văn và các khoa học thời bấy giờ, kể cả tôn giáo. Trong số các chuyên viên ấy cũng có các linh mục công giáo. Tuy nhiên, trên bình diện văn hóa Đại Hàn là ”vương quốc ẩn cư”, đóng kín với mọi ảnh hưởng từ bên ngoài. Thời đó có một nhóm các nhà trí thức, văn sĩ và triết gia thành lập tổ chức ”Gang-Hak-Hwe, Diễn đàn khoa học”, và trong các cuộc thảo luận họ đưa ra vấn nạn liên quan tới chiều kích tôn giáo của cuộc sống và khát vọng của trí tuệ con người liên quan tới sự thật. Họ sang Bắc Kinh và nghe nói tới một niềm tin mới, mà họ tìm hiểu bằng cách đọc một cuốn giáo lý và vài sách kitô do cha Matteo Ricci và một vài tu sĩ dòng Tên đã viết bằng tiếng Hoa, hai thế kỷ trước đó. Như thế một giáo dân Đại Hàn là ông Hong Yu-Han đã say mê các sách này và tuy không gặp kitô hữu nào cũng không nhận được bí tích Rửa Tội, ông vẫn có thói quen cầu nguyện theo một cách nào đó, và hằng tuần cử hành một ”Ngày của Chúa” và biến nó thành gia tài của mình.

Thật ra, hai thế kỷ trước đó đã có vài thừa sai ngoại quốc sang Đại Hàn theo cuộc xâm lăng của Người Nhật, và đã ban bí tích Rửa Tội cho vài người dân, nhưng các tín hữu đầu tiên này biến mất không để lại dấu vết nào. Như thế trong vòng hơn 50 năm hàng trăm giáo dân nam nữ đã phổ biến Tin Mừng trên quê hương của họ mà không có sự trợ giúp của các linh mục, trừ sự hiện diện ngắn của vài linh mục người Hoa, cho tới khi có các thừa sai người Pháp đến Hàn quốc vào năm 1863. Các vị dâng hiến mạng sống cho Chúa Kitô và đương đầu với cái chết vì đạo trong thanh thản và niềm vui như các tín hữu kitô trong vài thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội.

Thật ra người thành lập Giáo Hội Đại Hàn là ông Lee Byeok. Ông đặc biệt chú ý tới Kitô giáo và xin một người bạn là ông Lee Seung-Hun khi sang Bắc Kinh mua cho ông các sách kitô bằng tiếng Hoa và khích lệ ông lãnh bí tích Rửa Tội. Ông bạn này là người tháp tùng thân phụ ông Lee Byeok như là thư ký tòa đại sứ Hàn quốc ở Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh ông Lee Seung-Hun gặp ba linh mục dòng Tên, một người Bồ Đào Nha và hai người Pháp, mà ông có thể trao đổi bằng chữ Tầu. Sau một tháng dậy giáo lý vỡ lòng cho ông, cha Grammont ban bí tích Rửa Tội cho ông và đặt tên thánh là Phêrô.

Vào tháng giêng năm 1784 ông Phêrô Lee Seung-Hun trở về nước mang theo các sách thiên văn, toán học, hình học và tôn giáo. Cùng với các bạn mình ông Lee Byeok bắt đầu hết sức học đạo Kitô và có vài người được ông Phêrô Lee Seung Hun ban phép Rửa tội. Rồi những người đầu tiên được rửa tội ấy dậy đạo cho những người khác và rửa tội cho họ. Các sách đặc biệt là các sách kinh được dịch ra tiếng Đại Hàn và được phổ biến rộng rãi với tinh thần truyền giáo hăng say. Ông Lee Byeok soạn một cuốn tóm tắt Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước trong thể thơ phú, trong khi ông Jeong Yak Jong sáng tác ”Bài thơ Mười Điều Răn”. Họ cũng soạn một cuốn lịch phụng vụ ghi các ngày lễ của Chúa, dành cho lời cầu nguyện, việc chiêm niệm và ăn chay.

Tuy nhiên các vụ bắt bớ bắt đầu gây ra các nạn nhân đầu tiên. Ông Gioan Baotixita Lee Byeok bị gia đình bắt giam tại nhà, nhưng ông đã tuyên xưng đức tin bằng cách ăn chay nhiều ngày, sau đó ông qua đời năm 1785 như vị tử đạo đầu tiên tại Đại Hàn.

Số các tín hữu gia tăng và họ tuyển lựa các linh mục và cả một vị giám mục. Nhưng khi được hỏi ý kiến thì cộng đoàn kitô và Giám Mục Bắc Kinh nói là không được làm như thế. Nhưng Đức Giám Mục Bắc Kinh hứa sẽ gửi một linh mục đến. Vào năm 1794 một linh mục trẻ người Tầu là cha Giacôbê Chu lén lút vào Hàn quốc và bí mật ban các bí tích cho giáo dân và trợ giúp họ ban đêm. Và trong vòng sáu năm bốn tháng số tìn hữu từ 4.000 tăng lên 10.000. Vì cảnh sát bắt giữ và tra tấn các kitô hữu bắt họ phải khai vị linh mục ở đâu, cha Chu thương giáo dân nên tự ra đầu thú. Ngài bị tra tấn và giết chết năm 1801. Đức Giám Mục Bắc Kinh ra lệnh cho tín hữu Đại Hàn phải vâng lời không đươc thờ kính tổ tiên. Đậy đã là hy sinh rất lớn đối với họ. Trong vòng 30 năm kitô hữu Đại Hàn đã 20 lần sang Bắc Kinh vượt đoạn đường đài 1.200 cây số để xin các thừa sai. Tin này sau cùng đến tai Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI ở Roma, và ngài đã xin các cha thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris gửi các thừa sai sang Đại Hàn. Sau cùng vào năm 1836 Giáo Hội Hàn quốc có một Giám Mục, các linh mục và 50.000 giáo dân.

Cuộc bắt đạo năm 1839 đã khiến cho vài thừa sai người Pháp và các giáo dân lãnh đạo cộng đoàn kitô Đại Hàn chịu tử đạo, như ông Phaolô Jeong Ha-Sang và ông Agostino Yoo Jin-Ghil, là hai người đã thành lập giáo phận Cho Seon năm 1831. Các thừa sai Pháp cũng gửi vài người trẻ sang Macao tu học để làm linh mục. Vị đầu tiên được thu phong là cha Anrê Kim Dae-Gheon, bị tử đạo khi trở về nước năm 1845. Các cuộc bách hại tiếp tục kéo dài cho tới năm 1866 đã khiến cho 20.000 kitô hữu Đại Hàn phải chết vì đạo giữa hai thế kỷ XVII-XIX. Nhất là giáo dân đã giữ vững đức tin, phổ biến Lji Chúa làm cho Giáo Hội Hàn quốc lan nhanh. Mọi tín hữu công giáo ngày nay đều xác tín rằng các tiền nhân tử đạo đã nâng đỡ họ trong cuộc sống đức tin.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nam Hàn với cuộc gẵp gỡ giới trẻ Á châu xem ra thực hiện chương trình của ngài bắt đầu từ các vùng ngoại biên. Không phải chỉ trong nghĩa địa lý và cả trong nghĩa thần học nữa. Thật thế Giáo Hội Hàn quóc đã không bắt đầu từ hàng giáo sĩ, từ các bí tích, lại càng không phải từ giáo lý và các cuộc rước lễ lần đầu của trẻ em, mà từ niềm tin của người lớn nơi Lời Chúa, được khẳng định trong cái chết tử đạo của họ và trong tình bác ái. Rồi Lời Chúa tìm ra con đường để đến với các lương tâm người lớn ”không lời” (1 Pr 3,1). Giữa các thừa sai dòng Tên cùng với cha Matteo Ricci, hồi cuối thế kỷ XVI có ai đã tưởng tượng rằng một vài tác phẩm của các vị đã mở đường cho đức tin nơi các nhà trí thức Đại Hàn của thế kỷ XIX?

Người ta là thành phần của Giáo Hội với đức tin tiền rửa tội, chứ không phải vì một ghi chép trong các sổ của giáo phận. Và từ Giáo Hội người ta đi ra vì lòng tin, cả khi người ta giữ lại nhiều lễ nghi bí tích long trọng và các thực hành đạo đức đã hết ý nghĩa đối với các người cử hành chúng.

Á châu của các đám đông dân chúng, của các đầu óc thông minh sâu xa và của các nhậy cảm tinh thần tinh tế, của các bậc thầy tư tưởng có khả năng đối thoại trên khoa học, của các nhà gieo hạt lớn của Giáo Hội Nestriana, là Giáo Hội công giáo thánh thiện tông truyền Assiri của Đông phương – trong các thế kỷ thứ IV và thứ V, và của công cuộc truyền giáo của các tu sĩ dòng Phanxicô trong hai thế kỷ XIII-XIV… có lẽ là vùng đất văn hóa ngoại biên, nơi người ta có thể hiểu Chúa Thánh Thần là cơ cấu riêng của Giáo Hội Chúa Giêsu phục sinh chừng nào, trước và hơn tất cả các lễ nghi bí tích và các cơ cấu giáo hội của Tây Phương hay Phi châu, và là nơi hạt giống của Thần Khí có thể được tìm kiếm và tái họp bên cạnh nhiều truyền thống tôn giáo mà trong đó nó đã được gieo vãi qua các thế kỷ.

Trong lịch sử hiện đại mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt trên thế giới, nhưng Đại Hàn vẫn còn là vùng ghi đậm dấu vết hậu qủa của nó với chiến tranh Triều tiên và sự kiện đất nước chia đôi lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Ngày 15 tháng 8 năm 1948 Cộng Hòa Nam Hàn khai sinh, trong khi ngày mùng 9 tháng 9 cùng năm, Bắc Hàn được tuyên bố là Cộng hòa dân chủ nhân dân Bắc Hàn. Ngày 25 tháng 5 năm 1950 Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn. Chiến tranh mau chóng trở thành toàn diện và bị quốc tế hóa với sự tham dự của Hoa Kỳ trợ giúp Nam Hàn, và Trung Quốc yểm trợ Bắc Hàn. Ba năm nội chiến đã khiến cho khoảng 400 ngàn người dân Nam Hàn bị giết, 55.000 lính Mỹ thiệt mạng và khoảng 1 triệu người dân Bắc Hàn và Trung quốc chết và bị thương. Ngày 27 tháng 7 năm 1953 Liên Hiệp Quốc chấp nhận nghị quyết chia đôi Triều Tiên lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới và là vùng phi quân sự. Nó là ”bức tường Berlin của Á châu” ngăn cách và phân rẽ hàng trăm ngàn gia đình ”người bắc kẻ nam”.

Trong hơn nửa thế kỷ qua chế độ cộng sản vô thần Băc Hàn đã tiêu diệt tôn giáo. Giáo Hội công giáo không còn linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân nữa. Tuy nhiên, Giáo Hội Nam Hàn đã không bao giờ coi bức tường ngăn cách hiện hữu, và đã liên tục dấn thân hoạt động cho việc thống nhất đất nước, qua các công tác bác ái cứu trợ nhân dân Bắc Hàn, đặc biệt là cứu đói.

Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn đã thành lập một Ủy ban hòa giải nhắm nhiều mục đích khác nhau. Cha Timoteo Lee Eun-Hyung thành phần Ủy ban cho biết ngoài việc rao truyền Tin Mừng cho Bắc Hàn là nơi không có tự do tôn giáo, Ủy ban tìm mọi cách để trao đổi tin tức giữa hai miền, cũng như chia sẻ tình yêu thương liên đới, trong đó có việc trợ giúp các anh chị em Bắc Hàn định cư tại Nam Hàn. Ngoài ra còn có việc cầu nguyện chung. Gần biên giới có vài giáo xứ, trong đó vào mỗi ngày thứ tư tín hữu tụ tập nhau cầu nguyện cho người dân Bắc Hàn.

Hồi tháng 5 vừa qua ĐHY Andrew Yeom Soo-Jung, TGM Seoul đã sang thăm vùng kỹ nghệ Kaesong nằm trên đất Bắc Hàn. Đây là vùng có các hãng xưởng kỹ nghệ tạo công ăn việc làm cho 55.000 dân Bắc Hàn và là vùng đầu tư rất có triển vọng trong tương ái, đặc biệt khi hai miền Nam Bắc Hàn thống nhất với nhau. Hiện nay Nam Hàn là quốc gia phát triển kỹ nghệ đứng hàng thứ 11 trên thế giới. Nếu từ đây cho tới năm 2015 hai miền Bắc và Nam Hàn có thể thống nhất, thì với 70 triệu dân Đại Hàn vào năm 2050 Đại Hàn sẽ cỏ thể trở thành cường quốc kỹ nghệ thứ 8, vượt cả Đức và Anh quốc và với lợi tức đầu người lớn hơn của cả Nhật Bản. Vì thế chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô vào trung tuần tháng 8 này sẽ có thể góp phần mở ra các viễn tượng mới đầy hy vọng cho cả hai miền Bắc và Nam Hàn.

(SD 4-8-2014)

Linh Tiến Khải

nguồn: Vietvatican.net

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …