Home / Chia Sẻ / NÔ NỨC VỀ ĐÂY TRONG NGÀY ĐẠI LỄ

NÔ NỨC VỀ ĐÂY TRONG NGÀY ĐẠI LỄ

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề

Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”

(Mt 11, 28)

h-2Và muôn người đã nô nức về đây để được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong Lòng Thương Xót vô biên của Chúa. Về đây trong Năm Thánh Lòng Thương Xót để hưởng thụ hồng ân bao la của Ngài. Về đây trong ngày đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót để lãnh nhận ơn Toàn Xá với Phép Lành Tòa Thánh.

Quảng trường Trung Tâm Mục Vụ thực sự đang nóng lên. Nóng vì thời tiết Sài Gòn mùa này trưa chiều nắng gắt. Nóng vì xe cộ nườm nượp, người người lũ lượt tuôn đổ từ ngoài đường đi qua hai cổng chính vào trong. Và chắc hẳn ai ai về đây cũng đang nóng lòng chờ đợi những gì sẽ diễn ra trong ngày lễ hội Lòng Chúa Thương Xót lần thứ 9 này.

Tôi và anh bạn đồng hành rảo bước vào trong. Vẫn là những hình ảnh thân quen của các anh chị em hướng đạo sinh Công giáo và các em Thiếu Nhi Thánh Thể tôi bắt gặp mỗi lần về Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn tham dự một lễ hội. Tôi cảm nghiệm tức thời hơn ai hết họ đang thể hiện lòng thương xót của mình qua những nụ cười tươi vui, những cử chỉ ân cần khi tiếp đón, hướng dẫn các giáo hữu thập phương, có cả những người già yếu và khuyết tật. Tôi bước đến dãy bàn bỏ các phiếu xin khấn, các nữ hội viên Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP. Sài Gòn trong trang phục áo dài đỏ thắm đang ngồi chăm chút các thùng phiếu. Tôi mang theo phiếu xin khấn của một nữ giáo dân giáo xứ Nhân Hòa không thể về dự vì đã định trước đi hành hương cha Diệp. Tôi không biết chị ghi những ý xin khấn gì ở mặt sau tấm thiệp mời tôi trao cho chị cách đây vài ngày. Tôi chỉ biết nguyện xin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót khứng nhậm những lời khấn xin của chị. Tôi nguyện xin Chúa chúc lành và ban phúc cho chị, một tín hữu Công giáo sốt sắng mỗi chiều tham dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Nhân Hòa.

Lúc này đã gần 3 giờ chiều. Tiếng trống dồn dập bên trong thúc giục tôi nhanh bước. Giờ cầu nguyện tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót sắp điểm. Cung kính ngước mặt lên, đôi mắt tôi chạm phải linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót uy nghiêm vời vợi trên cao khán đài. Tôi cảm nghiệm lúc này cõi lòng tôi trở nên thư thái, nhẹ nhõm, an lành khi chiêm ngắm cặp mắt trìu mến, dịu dàng của Chúa Giêsu Kitô toát ra từ linh ảnh. Bên trên linh ảnh gắn logo Năm Thánh Lòng Thương Xót. Tôi nhớ một đoạn trong kinh Năm Thánh: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời, và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha. Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa và chúng con sẽ được cứu độ. Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Dakêu và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền…”. Phía thấp bên trái và bên phải linh ảnh Chúa là linh ảnh thánh nữ tu Maria Faustina và linh ảnh thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, hai vị tông đồ Lòng Chúa Thương Xót gương mẫu chói sáng. Tôi đọc được câu Tin Mừng của Thánh sử Matthêu gắn dọc hai bên: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7). Đây là câu Tin Mừng trích trong đoạn Tin Mừng “Bài giảng trên núi” của Thánh sử Matthêu (xem thêm Tám mối Phúc: Mt 5, 1-12).

Đúng 3 giờ chiều, giờ tưởng niệm Chúa Giêsu Kitô trút hơi thở cuối cùng trên cây thập giá vì thương xót nhân trần tội lỗi, bầu không khí trở nên nghiêm trang. Tôi đảo mắt một vòng. Các hàng ghế trong khuôn viên trung tâm mục vụ gần kín người đứng, những cánh dù trương lên che nắng cho nhau. Đằng sau và bên trái dưới mái hiên trung tâm hầu như chật kín người. Bước vào giờ kinh tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, kẻ đứng, người quỳ, tràng chuổi nơi tay xoay lần từng hạt, đối đáp cao rao những lời nguyện xin: “- Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha… – Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới – Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô – Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới – Lạy Đấng Chí Thánh là Thiên Chúa Toàn Năng, Hằng Hữu – Xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Trời vẫn nắng gắt. Thỉnh thoáng có làn gió nhẹ phe phẩy lay động những cánh dù. Những bàn tay cầm chuổi tràng hạt vẫn nhịp nhàng mở ra, khép vào, nâng lên, đưa xuống theo chuỗi kinh cầu Lòng Chúa Thương Xót. Tôi nhìn thấy một cụ ông đứng tựa gốc cây, cặp mắt say mến nhìn lên linh ảnh Chúa trên khán đài, miệng say sưa đọc kinh, đôi tay liên hồi lần chuỗii tràng hạt màu xanh lơ đưa lên trước ngực. Ôi! linh thiêng Lòng Chúa Thương Xót. Ôi! nhiệm mầu Lòng Chúa Xót Thương.

3 giờ 30 chiều, nắng dần chuyển màu nhạt nhòa. Các anh chị thân quen trong CĐ LCTX. giáo xứ Nhân Hòa kịp đến tham dự đại lễ sau khi thực thi giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót tại nguyện đường giáo xứ. Hai nữ hội viên Legio Mariae Nhân Hòa cùng theo. Giọng dẫn ngọt ngào cuốn hút của cha Giuse Nguyễn Phát Tài giới thiệu phần diễn nguyện thánh ca của các ca sỹ Công giáo và kịch phẩm “Người Cha Giàu Lòng Thương Xót” do quý Sr. Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi dàn dựng. Vở kịch lấy cảm hứng trong đoạn Tin Mầng “Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu” chương 15, từ câu 11 đến 32 của thánh sử Luca. Tôi quá ấn tượng với những diễn xuất của chàng trai đóng vai người con trai thứ hoang đàng và rất xúc động khi theo dõi cảnh hai nữ nô tì, một mập, một ốm, tìm gặp được cậu chủ, nài nỉ, níu kéo cậu về với cha mình…

Tới phần chia sẻ về “Lòng Chúa Thương Xót” do hai linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng và Giuse Đào Nguyên Vũ trình bày. Với chủ đề “Cần Có Một Tấm Lòng”, mượn câu “Sống trên đời cần có một tấm lòng” trong bài hát “Để Gió Cuốn Đi” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cha Giuse Hoàng chia sẻ: “Mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được mạc khải qua những hành động cụ thể trong lịch sử cứu độ, Giáo hội dạy thực hành lòng thương xót qua ‘Kinh Thương Người Có 14 Mối’. Mọi người cần phải thương người như thể thương thân, cần có một tấm lòng…”. Với câu chuyện “Ông Nhà Giàu Đi Chơi Phố”, ngài kết luận: “Chúng ta có bổn phận ứng xử, sống tử tế hẳn hoi với nhau, giàu lòng thương xót như Cha trên trời”.

Về phần mình, cha Giuse Vũ cho biết ngài là một trong số bốn linh mục thừa sai Lòng Thương Xót ở Việt Nam được Đức Thánh Cha Phanxicô trao năng quyền giải bốn tội: – Xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa. – Tấn công thể lý Đức Thánh Cha. – Đồng phạm giới răn thứ sáu. – Tiết lộ ấn tín tòa giải tội. Cha chia sẻ: “Các Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót không nên giới hạn trong các buổi đọc kinh tại giáo xứ mà hãy bước ra ngoài thế giới để chia sẻ Lòng Thương Xót của Chúa với mọi người… Chúng ta nhận ra vết thương nơi người khác là chúng ta thấy Chúa Phục Sinh. Làm sao để niềm vui phục sinh chan chứa trên cuộc đời của người khác. Hãy dâng cho Chúa những khổ đau và uẩn khúc trong cuộc đời mình…”. Kết thúc phần chia sẻ, Cha Giuse Vũ chúc CĐ LCTX. TGP. trong Năm Thánh này được Chúa thánh hóa và thể hiện lòng xót thương trong từng suy nghĩ, từng ánh mắt, từng cử chỉ, từng hành động, từng đường đi, nước bước.

Thay mặt cộng đoàn dân Chúa tham dự đại lễ, anh Gioan Baotixita Nguyễn Thế Vịnh, trưởng ban chấp hành CĐ LCTX. TGP. Sài Gòn, dâng lên Chúa những ý xin khấn. Và rồi những ca từ thắm thiết, êm đềm của bài hát “Ngợi Ca Lòng Thương Xót” dìm tôi vào “dòng suối yêu thương chan hòa từ trái tim Cha tuôn trào tẩy xóa đi bao tội lỗi tái sinh đời” tôi…

Giây phút long trọng đến. Mọi người khẽ cúi đầu hướng nhìn linh tượng Chúa Thương Xót được kiệu cung nghinh lên cung Thánh lễ đài, uy nghiêm trong tiếng trống và tiếng kèn tây hòa tấu bài “Lên Đền Thánh”, chuẩn bị Thánh lễ đồng tế do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, tổng giám mục giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, chủ sự. Bước vào thánh lễ, Đức Tổng Phaolô mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ trong đời sống Kitô hữu của họ. Ngài cầu xin “Chúa thương an ủi, chúc phúc cho họ và chúc phúc cho cộng đoàn phụng vụ chúng ta”. Trong bài giảng, ngài chia sẻ: “Đức Giêsu là vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu, giàu lòng thương xót, ngay cả đối với người cứng lòng như Tôma mà Chúa vẫn thương xót. Chúng ta hãy tin chắc chắn rằng Chúa Giêsu đón nhận chúng ta dù chúng ta yếu đuối, mỏng dòn, đức tin còn yếu kém…”. Vị cha chung tổng giáo phận khuyên bảo: “Chúng ta phải sống ra sao để người ta nhận ra tình yêu phục sinh của Chúa, hãy là những người đầy tràn thần khí phục sinh, đầy tràn tình yêu, đầy tràn Lòng Thương Xót của Chúa.” Kết thúc thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục long trọng ban Phép Lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá cho mọi người.

Tôi nhìn đồng hồ. 7 giờ tối. Tôi và anh bạn đồng hành len lỏi dòng người đi ra. Trong ánh đèn điện trưng sáng của Trung Tâm Mục Vụ, tôi thấy rõ những nét mặt hân hoan, những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười tươi vui như là biểu lộ những tâm hồn đã được đong tràn Lòng Thương Xót của Chúa. Phố đêm Sài Gòn nhộn nhịp. Ngồi chung xe với anh bạn trên đường về nhà, tôi hỏi bạn ta cảm nghĩ ra sao khi lần đầu tiên đến đây tham dự đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót? Bạn tôi không trả lời, dường như tâm tưởng đang suy tư, cảm nghiệm gì đó! Tôi đành nín lặng, lắng đọng lòng mình, thầm khấn nguyện từ nay phải sống làm sao cho xứng đáng với Lòng Thương Xót của Chúa đã trao ban cho mình từ muôn thuở. Tôi nguyện phải chia sẻ Lòng Thương Xót của Ngài với mọi người. Nguyện cao rao Lòng Chúa Thương Xót bằng lời văn, nét chữ. Nguyện làm tròn phận sự “ký giả” Lòng Chúa Thương Xót.

Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa.

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …