Home / Chia Sẻ / NIỆM THÁNH THỂ

NIỆM THÁNH THỂ

NIỆM THÁNH THỂMột lần đến Bêtania, Chúa Giêsu ghé nhà ba chị em Mácta, Maria và Ladarô. Mácta lo làm bữa đãi Ngài, còn Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy. Mácta than phiền với Chúa về Maria, nhưng Chúa Giêsu nói rằng Maria đã làm chuyện cần thiết, đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi. (x. Lc 10:38-42)

Động thái của Maria gợi nhớ tới việc Chầu Thánh Thể hoặc Viếng Thánh Thể. Khi đó cần sự thinh lặng. Thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng là ý thức, thinh lặng là nhận biết mình, thinh lặng là chịu đựng, thinh lặng là tha thứ, thinh lặng là quên mình, thinh lặng là tự hạ và tôn trọng người khác,… Thiên Chúa chỉ mặc khải khi người ta thinh lặng.

Trong thư gởi giám mục GP Liège, Thánh Gioan Phaolô II đề cập sự cần thiết của việc tham dự Thánh Lễ, Rước Lễ và dành thời gian cho Chúa trong giờ chầu Thánh Thể. Ngài giải thích: “Thật là vô giá khi được trò chuyện với Chúa Giêsu và tựa vào ngực Chúa Giêsu như môn đệ yêu dấu của Ngài, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của Thánh Tâm Ngài. Chúng ta học biết sâu sắc hơn về Đấng đã hiến thân trọn vẹn, trong những mầu nhiệm khác nhau của cuộc sống thần tính và nhân tính của Ngài, để chúng ta có thể trở thành môn đệ và đáp lại bằng hành động hiến dâng cao cả này, vì vinh quang của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của thế giới.”

Giáo Hội dành Tháng Tư để biệt kính Thánh Thể. Điều khác biệt của người Công giáo đối với những người thuộc các giáo phái Kitô giáo khác là người Công giáo tin Chúa Giêsu hiện diện thật trong Thánh Thể, nghĩa là bánh và rượu đã được Thiên Chúa thánh hóa để thực sự trở thành Mình và Máu Đức Kitô, Ngôi Lời làm người ở giữa chúng ta.

Sau khi rước lễ, rất cần thinh lặng để có thể lắng nghe và tâm sự với Chúa Giêsu, như Maria ngồi bên chân Chúa vậy. Thường xuyên cầu nguyện với Thánh Thể là con đường phát triển tâm linh. Khi chầu Thánh Thể, chúng ta tạ ơn Đức Kitô đã và đang tiếp tục hiện diện giữa chúng ta, không chỉ qua ân sủng mà còn qua chính Mình Máu Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Mình thánh là Bánh của các Thiên thần tăng thêm sức mạnh và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Thánh Inhaxiô Loyola, vị sáng lập Dòng tên, là người rất yêu thích cầu nguyện trước Thánh Thể.

Chúng ta là phàm nhân yếu đuối, thế nên khi hiện diện trước Thánh Thể, chúng ta cũng rất dễ chia trí, lo ra vì công việc, vì bổn phận và nhiều thứ khác trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta luôn phải cố gắng cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể đổ đầy tình yêu Ngài vào tâm hồn chúng ta và luôn tín thác vào Ngài. Thánh TS Tôma Aquinô là tác giả bộ Tổng Luận Thần Học bất hủ, những bài suy niệm về Kinh Thánh, những bài thánh ca (hymn) và những lời cầu nguyện. Những lời cầu nguyện của ngài giúp chúng ta biết cách tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Tình Chúa quá bao la, ngay cả khi chúng ta rước lễ bất xứng mà Ngài vẫn trao ban chính Ngài cho chúng ta. Do đó, chúng ta càng phải ý thức nhiều hơn nữa. Thánh Thể rất cần thiết cho đời sống Kitô hữu, đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Tôn sùng Thánh Thể và Thánh Tâm Chúa Giêsu là cách thể hiện lòng biết ơn đối với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta cần cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể thanh tẩy tâm hồn chúng ta nên giống Thánh Tâm Ngài hơn.

Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trước khi bị giao nộp và chịu khổ nạn. Ngài nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26:26-27) Thánh Thể là chính Chúa Giêsu ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Con mắt phàm nhân chúng ta chỉ thấy bánh và rượu, nhưng đức tin cho chúng ta biết bánh và rượu được thánh hóa trở nên Thánh Thể Đức Kitô. Bằng niềm tin vào Thánh Thể, chúng ta nhận biết sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể và mong chờ ngày chúng ta được diện kiến Ngài trên Thiên Đàng mai sau.

Trên đường đời cần có lương thực. Trên đường lữ hành cũng cần có lương thực. Đó là “của ăn đàng” Thánh Thể, rất cần thiết cho phần rỗi của tín nhân. Thật vậy, chính Chúa Giêsu xác định: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:54, 56) Tuy nhiên, nếu chúng ta bất xứng với Thánh Thể thì nguy hiểm, như “Satan đã nhập vào Giuđa” (Lc 22:3) và trở nên án phạt đời đời cho chính mình.

Khi hiện diện trước Thánh Thể, chúng ta được chuyện vãn thân mật với chính Chúa Giêsu như các tông đồ trực tiếp nói chuyện với Ngài ngày xưa vậy. Khi không thể rước lễ thật, nên rước lễ thiêng liêng, điều này có thể làm bất cứ lúc nào và làm nhiều lần trong ngày. Theo Thánh Phanxicô Assisi, rước lễ thiêng liêng là hành động yêu mến Chúa. Theo Thánh Tôma Aquinô, rước lễ thiêng liêng cũng giá trị như rước lễ thật.

Trong xã hội đời thường, khi đón tiếp nhà vua, nguyên thủ, nhân vật quan trọng,… chúng ta vui mừng và hãnh diện, chuẩn bị chu đáo, huống chi khi chúng ta đón tiếp Vua các vua, Chúa các chúa, Chúa tể càn khôn và Ngôi Hai Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ đón tiếp Ngài mà còn được tâm sự và hòa tan vào Ngài. Thật kỳ diệu và hạnh phúc biết bao!

Vì thế, đừng coi việc rước lễ hằng ngày như một thói quen. Chúng ta làm cho Chúa Giêsu cô đơn hơn nếu chúng ta rước lễ vì thói quen hoặc vì lý do nào đó, chứ không vì yêu mến và không tâm sự với Ngài. Hãy ý thức mỗi khi rước lễ, hãy đắm mình trong Chúa Thánh Thể, hòa tan vào Ngài và tâm sự Ngài về mọi sự, có thể chỉ cần thinh lặng cảm nghiệm và lắng nghe Ngài, và xin Ngài cư ngụ trong linh hồn chúng ta suốt đời này.

Hãy ghi nhớ lời Thánh Phaolô nhắc nhở: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11:28-29)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cảm tạ Ngài ban chính Mình Máu Ngài làm Thần Lương cho chúng con để chúng con được sống và sống dồi dào, xin ân ban cho chúng con sự sống đời đời, xin thắp Lửa Yêu để chúng con xứng đáng đón nhận Ngài và kết hiệp với Ngài, Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Thánh Phụ, hiệp nhất với Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Chiêm Niệm Thánh Thể – https://youtu.be/CCJxb7X8qyo

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN