Home / Chia Sẻ / NIỆM ĐỜI

NIỆM ĐỜI

Giàu Hoặc Nghèo Đều Sinh Ra Tay Trắng

Sướng Hay Khổ Cũng Chết Vẫn Trắng Tay

NIỆM ĐỜIViệt ngữ rất độc đáo, chỉ cần đảo tự thì ý nghĩa hoàn toàn khác: Tay Trắng – Trắng Tay. Đó là nói về số kiếp con người. Chính Chúa Giêsu đã từng cảnh báo rằng “không nên tích trữ của cải đời này, mà hãy lo làm giàu đời sau” (x. Lc 12:16-21) Thật vậy, Kinh Thánh xác định: “Mọi xác phàm như chiếc áo, thảy đều mòn hao, vì quy luật muôn đời là: chắc chắn con sẽ phải chết. Như cành lá trên cây rậm rạp: lá rụng xuống, lá lại mọc ra, thì các thế hệ người phàm cũng vậy: lớp kết thúc, lớp lại sinh ra.” (Hc 14:17-18)

Cuộc sống rất cần kinh nghiệm, vì nhờ dày kinh nghiệm mà có thể nên khôn. Người ta có thể có nhiều thứ kinh nghiệm, nhưng không ai có được “kinh nghiệm chết” – dù đó là loại kinh nghiệm cần thiết hơn mọi thứ kinh nghiệm khác. Thế mới khó. Thật tiếc!

  1. SINH TỬ

Một cuộc đời, một lần sinh và một lần chết. Đối với con người, khái niệm về khoảng thời gian là 1 năm – trong đó có 12 tháng, 52 tuần, 365 ngày, 8.760 giờ, 525.600 phút, 31.356.000 giây. Đời người có ba “khoảng” chính: Hai mươi năm, bốn mươi năm, rồi sáu mươi năm. Mỗi khoảng “hai mươi năm” là một thế hệ, cái “khoảng” ấy có vẻ lâu dài nhưng lại rất mau: “Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu, đã qua rồi là không còn trở lại, ấn đã niêm, ai quay về được nữa!” (Kn 2:5)Chắc chắn không có kiếp luân hồi nên không thể có kinh nghiệm để mà còn cơ hội… rút kinh nghiệm. Vì thế mà rất cần sự khôn ngoan.

Người ta có thể nên khôn nhờ những cái khốn. Không khốn đốn thì khó khôn ngoan. Cái giá của cuộc sống rất đắt. Thế nên không lúc nào hết lo: “Kể từ khi từ lòng mẹ sinh ra cho đến lúc trở về lòng đất mẹ, mang thân phận con người, ai cũng canh cánh bên lòng một nỗi lo, là con cháu A-đam, nợ phong trần đương nhiên phải trả.” (Hc 40:1) Dù có vay hay không thì ai cũng vẫn phải trả xong “món nợ” đó.

Có những thứ tưởng như vô hại, bởi vì cơn gió nhẹ cũng có thể cuốn bay hết, thế nhưng lại không phải như vậy: “Con người phải chịu hậu quả lời mình nói và được hưởng những gì môi miệng họ thốt ra. Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả.” (Cn 18:20-21) Con người chẳng là gì cả, nếu phân chất ra thì chẳng đáng giá gì. Thật vậy, Kinh Thánh đặt vấn đề: “Con người là chi? Nó có ích lợi gì? Đâu là cái hay cái dở của nó? Số ngày đời của con người nhiều lắm là một trăm năm.” (Hc 18:8-9)

Đúng như vậy. Thánh Vịnh gia cho biết: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90:10) Nghe mà não lòng, nhưng đó là sự thật minh nhiên và bất biến. Người ta nói gọn là trăm năm. Kiếp người chỉ thế thôi. Cuộc đời phàm nhân “được khoanh vùng” trong khoảng đó, hiếm có người sống ngoài “khoảng trăm năm”.

Vì phạm tội mà con người phải đau khổ và phải chết. Chính cái chết là nỗi khổ lớn nhất và là thất vọng ê chề của phàm nhân. Cái chết là “án chung thân” mà con người phải chịu vì tội lỗi, đặc biệt là thói kiêu ngạo, vì “cái tôi” quá lớn, dám coi trời bằng vung.

Thiên Chúa nhân từ và giàu long thương xót, Ngài không có ý “chơi ép” chúng ta, mà chỉ vì “lỗi tại tôi” mà thôi. Thật vậy, Kinh Thánh xác định: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1:13) Thật vậy, Chúa Giêsu đã từng bồi hồi thổn thức khi thấy đám tang con trai của bà góa ở Nain (Lc 17:13), Ngài cũng đã khóc thương Ladarô (Ga 11:35), thậm chí Ngài còn khóc thương thành Giêrusalem vì biết nó sẽ có ngày bị cướp phá (Lc 19:41-44).

Mỗi người có một cuộc đời, nhưng số phận có thể khác nhau, tùy vào cách sống. Chuyện kể rằng có hai con hổ, một con sống trong chuồng và một con sống nơi hoang dã. Chúng cho rằng hoàn cảnh sống của mình không tốt, con này muốn có cuộc sống như con kia, thế là chúng quyết định thay đổi thân phận với nhau.

Lúc đầu, cả hai đều thoải mái và vui vẻ, nhưng không lâu sau, cả hai đều chết. Một con chết vì đói, nguyên nhân là nó sống trong chuồng lâu ngày, quen được người nuôi ăn,mất khả năng tự săn mồi. Còn một con chết vì u sầu, nguyên nhân là nó được sống tự do trong rừng từ nhỏ, bây giờ dù được nuôi cho ăn mỗi ngày, nó vẫn cảm thấy mình đang bị giam cầm.

Lá có thể rụng bất cứ lúc nào, không cứ gì mùa Thu, sáng sớm hoặc chiều tối. Tương tự, mọi phàm nhân có thể “nghỉ thở” bất cứ lúc nào, bất kể còn trẻ hay già. Ngôn sứ Isaia đã thốt lên: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.” (Is 38:12) Thiên Chúa đến “bất ngờ” và “như kẻ trộm.” (Mt 24:44; Lc 12:40 và 46; 1 Tx 5:2 và 4; 2 Pr 3:10; Kh 3:3; Kh 16:15)

  1. NGỤ NGÔN

Ngụ ngôn là một câu chuyện ngắn gọn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn chứa bài học có giá trị về luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh. Về sự chết, người ta cũng kể chuyện ngụ ngôn thế này…

  1. Ba Người Bạn

Một người kia có ba người bạn. Người bạn thứ nhất và thứ hai rất thân, còn người bạn thứ ba không thân lắm. Ngày kia, bị toà xử án, anh liền xin ba người bạn đi theo để biện hộ cho mình. Người bạn thân thứ nhất từ chối, viện cớ mắc việc không đi được. Người bạn thân thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại sợ, nên rút lui, không dám vào toà án để biện hộ cho anh.

Chỉ có người bạn thứ ba, tuy không được anh ta yêu thích, nhưng lại tỏ ra hết sức trung thành, vào tận toà án biện hộ cho anh, làm cho anh không những được trắng án mà còn được thưởng nữa.

Ba người bạn đó là ai? Đó là TIỀN BẠC, THÂN NHÂN và THIỆN CỬ (tức là các việc lành, gọi là “Thiện Cử” để dễ nhớ với 3 mẫu tự T).

Người bạn thân thứ nhất trong đời sống của chúng ta là TIỀN BẠC. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta ngay để vào tay người khác, họa may nó chỉ để lại cho chúng ta một bộ quần áo và một chiếc quan tài.

Người bạn thân thứ hai trong đời sống của chúng ta là THÂN NHÂN (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, hàng xóm,…). Khi ta chết, họ khóc lóc tỏ ra thương tiếc, nhưng cũng chỉ đưa ta đến huyệt mộ rồi về, may ra còn nhớ đôi chút vài năm sau.

Người bạn thứ ba trong đời sống của chúng ta là THIỆN CỬ. Tuy chúng ta ít thích nhưng các việc lành theo chúng ta đến tận Toà Phán Xét của Chúa, biện hộ cho và làm cho chúng ta được Chúa trao phần thưởng là vào Thiên Đàng.

Hành Trang Cuộc Đời

Một người hấp hối thấy Chúa vừa ưu ái trao cho chiếc va-li vừa nói:

–Đến giờ con ra đi rồi!

Người này ngạc nhiên:

–Bây giờ sao Chúa? Sớm quá, con còn nhiều việc chưa làm!

–Rất tiếc vì tới giờ con phải ra đi thôi!

–Có gì trong va-li vậy, thưa Chúa?

–Hành trang của con đó.

–Sở hữu của con, y phục, tiền bạc?

–Các vật đó không phải của con,chúng thuộc về trái đất!

–Vậy có phải ký ức của con?

–Không phải của con, của thời gian!

–Phải chăng tài năng của con?

–Không phải của con, của hoàn cảnh!

–Có phải bạn bè hay gia đình con?

–Rất tiếc cũng không phải của con,chỉ là tiến trình cuộc đời.

–Phải chăng vợ và con của con?

–Không phải của con, mà là tâm tư con!

–Có phải là thân xác của con?

–Cũng không phải của con, nó là cát bụi!

–Phải chăng tâm linh con?

–Không, đó là của Ta!

Người này nhận chiếc va-li Chúa trao và liền mở ra xem. Bên trong hoàn toàn trống rỗng, không có gì cả. Người này bàng hoàng và nói:

–Không có cái gì là của con cả sao?

–Đúng thế, tất cả THỜI GIAN CON SỐNG là của riêng con.

Trong khoảng thời gian sống đó, ai cũng nhận được những nén bạc. (Mt 25:14-30 ≈ Lc 19:12-27) Thiên Chúa không xét nó to hay nhỏ, dài hay ngắn, mà Ngài chỉ xét vấn đề quan trọng là các nén bạc đó có được sinh lời hay không. Tùy ý mỗi người.

III. THỰC TẾ

Chắc hẳn nhiều người biết Steve Paul Jobs (1955–2011) là là ai. Ông là người Mỹ, một doanh nhân và nhà sáng chế, nổi tiếng với hãng Apple, đồng thời là một trong những người có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghệ vi tính. Ông giàu có nhưng sống giản dị, không sang chảnh, và ông đã có cách nhận định sâu sắc về thái độ sống thế này:

– Một chiếc đồng hồ mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì kim giờ và kim phút cũng chỉ cùng một thời gian.

– Một chiếc túi xách mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì số tiền bên trong cũng có giá trị như nhau.

– Một chiếc xe ô tô mệnh giá 150.000 USD hay 15.000 USD thì con đường, khoảng cách, và địa điểm cuối cùng chúng ta đi cũng giống nhau.

– Một chai rượu mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì say rượu vẫn chỉ là đau đầu và nôn mửa.

– Một ngôi nhà rộng 300 hay 30 mét vuông thì nỗi cô đơn có thế nào cũng vẫn cứ tồn tại.

Chắc hẳn có người cho ông là dại, và cũng có người cho ông là khôn. Ông có nhiều tiền nhưng không lệ thuộc đồng tiền, vì ông làm chủ nó chứ không để nó làm chủ. Ông giàu nhưng sống nghèo, thậm chí là coi khinh tiền bạc. Phong cách sống của ông rất đáng để chúng ta xem lại cách sống của chính mình. Chúa Giêsu đề cập nhiều về vấn đề “nhạycảm” đó. Và Thánh Phaolô cũng xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6:10)

Và có câu chuyện “Ngu Nhất Thế Giới” kể rằng một ông vua nọ gọi anh hề đến và nói:

–Ta trao cho ngươi cây gậy này, bởi ngươi là người ngu nhất thế giới. Ngày nào ngươi tìm thấy người nào ngu hơn ngươi thì trao cây gậy này cho hắn và nói với hắn: “Ngươi là người ngu nhất thế giới.”

Nhiều năm trôi qua, khi nhà vua bịbệnh gần chết, anh hề đến bên giường nhà vua và hỏi:

–Bệ hạ có biết ngài sẽ đi đâu sau cuộc sống này không?

Nhà vua trả lời:

–Ta thật sự không biết. Ta chỉ biết là ta gần chết.

–Thượng Đế thường dành mộtnơi đặc biệt cho những người quan trọng như ngài. Bệ hạ có chuẩn bịmang theo những gì đến chốn đời đời đó không?

–Ta không biết, nên ta chẳng chuẩn bị gì cả.

–Tâu bệ hạ, ngài đã làm gì với tài sản khổng lồ của ngài? Ngài có chia sẻ cho người nghèo khó không?

–Ta chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó.

–Bệ hạ biết sẽ có ngày ngài phải chết, nhưng tại sao ngài khôngchia sẻ củacảicho người nghèo khó? Ngài đã không chuẩn bịcho ngài về Thiên Đàng, và cũng không muốn tránh cho ngài khỏi vàoHỏa Ngục sao?

Nhà vua buồn rầu nói:

–Ta chẳng bao giờ nghĩ đến những điều như nhà ngươi vừa nói.

Anh hề từ từ rút trong áo ra cây gậy năm xưa đã cũ kỹ, trao lại cho nhà vua và nói:

–Tâu bệ hạ, bây giờ hạ thần mới tìm thấy người ngu nhất thế giới. Thần xin trao lại cây gậy năm xưa cho bệ hạ.

Câu chuyện này gợi nhớ dụ ngôn “Người phú hộ và người nghèo Ladarô” qua trình thuật Lc 16:19-31. Ôi, thật chua chát, thật phũ phàng! Người ta thường nói: “Không cái ngu nào như cái ngu nào.”Không còn chút thời gian nào để chấn chỉnh, sửa sai, vì tất cả đã quá muộn rồi!

Chó chết thì hết chuyện. Cọp chết cũng hết chuyện, nhưng còn có tấm da để lại. Còn người ta, chết chưa hết chuyện, còn “cái tiếng” để lại. Vả lại, chết không là hết, mà còn mãi. Kinh Thánh nói: “Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số? Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49:10-13) Xác định như vậy không phải là bi quan, yếm thế, mà là sống khôn.

Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” Trong số mười trinh nữ thì có năm cô dại và năm cô khôn. (Mt 25:1-13) Tôi muốn là loại nào? Bác ái là biết thương xót, và đó là điều Thiên Chúa nghiêm túc xét xử trong Đại Phiên Tòa Cánh Chung. (Mt 25:31-46)

Còn sống giây phút nào là diễm phúc, vì Thiên Chúa vẫn ưu ái dành cho mình thời gian để sám hối trước khi quá muộn. Khi “cửa đời” khép lại là lúc Giờ Thương Xót chấm dứt, và tất nhiên không còn thay đổi được gì. Khôn hay khốn, phúc hay họa là mãi mãi, vĩnh viễn, đời đời…

Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con. (Is 64:7) Lạy Đức Chúa, xin đừng quá phẫn nộ, đừng nhớ mãi tội ác chúng con. Cúi xin Ngài nhìn đến: chúng con tất cả đều là dân của Ngài. (Is 64:8) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Cầu Hồn – 2019

+ SUY TƯ VỚI ÂM NHẠC:

  1. Thánh Ca MỘT CHIỀU và MỘT ĐỜI – https://www.youtube.com/watch?v=LocM-8iN_94
  2. Niệm Khúc MỘT NGÀY –MỘT ĐỜI – https://www.youtube.com/watch?v=yy4W5hsLNSc

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …