Home / Chia Sẻ / NHỮNG NĂM “U TỐI” CỦA “LINH MỤC ĐIÊN” JORGE MARIO BERGOGLIO

NHỮNG NĂM “U TỐI” CỦA “LINH MỤC ĐIÊN” JORGE MARIO BERGOGLIO

FrancisGiáo hoàng Phanxicô tương lai trải qua “giai đoạn thanh tẩy nội tâm” khó khăn trước khi làm Giám mục địa phận Buenos Aires.

BERGOLIO, GIÁM TỈNH DÒNG TÊN ARGENTINA

Đức Phanxicô cũng đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn trong cuộc sống của mình, ngài trả một giá khá đắt cho các lời buộc tội, thậm chí là những lời vu khống chống lại mình. Nhưng “để đổi lại”, những năm tháng này đã làm cho ngài vững mạnh, làm cho ngài đúng đắn về mặt đạo đức và thiêng liêng.

Hai ký giả Argentina, Javier Camara và Sebastian Pfaffen là hai người kể đoạn đời “không được biết” của linh mục Jorge Mario Bergoglio, trước hết là kể bằng tiếng Tây Ban Nha – “Aquel Francisco” – sau đó được dịch ra tiếng Ý, mà bản dịch tiếng Pháp có tên: “Những năm u tối của Bergoglio – một câu chuyện lạ lùng”. Câu chuyện ngược về những năm ngài ở Cordoba, một tỉnh ở miền Trung-Bắc Argentina. Theo các tác giả, những năm này là những năm cốt yếu để hiểu các sự kiện, các hành vi của Đức Giáo hoàng, để hiểu cái nhìn của ngài về Chúa, về Giáo hội, về đời sống, về chính trị.

Jorge Bergoglio ở Cordoba trong hai giai đoạn khác nhau: lần đầu là thời gian tập sinh, từ năm 1958 và năm 1960, lần sau khi ngài đã là linh mục vào năm 1990 và năm 1992. Trong khoảng giữa hai thời gian này, ngài sống qua thời kỳ đảo chính quân sự, thời nước Argentina quay về với chế độ dân chủ, sự rối loạn của Giáo hội, các cơn khủng hoảng xã hội và kinh tế và sáu năm làm giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina, từ năm 1973 đến năm 1979.

NHÀ TẬP

Trong thời gian đầu ở Cordoba, cha là tập sinh của Dòng Tên, rất nhanh cha nổi bật vì phong cách “lạ lùng” của mình. Người ta kể cha quỳ để ăn, cha hôn chân các cha bề trên, cha rửa nước lạnh mùa đông và có khi hàng tháng trời cha không nói chuyện với ai, ngoại trừ với bề trên của mình trong khóa linh thao. Giáo hoàng tương lai của chúng ta lần chuỗi dưới tàng cây bách tán, một loại thông tiêu biểu của vùng, bây giờ cây này vẫn còn nguyên, cây được trồng ở sân trong dãy nhà được xây làm tập viện từ hồi đó. Mỗi thứ bảy, cha đi tìm các trẻ em, trai cũng như gái, để dạy giáo lý, để chơi với chúng, để uống trà ăn bánh với chúng.

NƯỚC MẮT VÀ XÚC CẢM

Jorge Mario Bergoglio rất tình cảm. Cha khóc rất dễ dàng, như ngày cha biết vợ của một người tàn tật đang hấp hối mà cha giúp trong một bệnh viện ở Cordoba, bà đã lừa chồng với một bác sĩ. Giai đoạn này, cha nói, đã làm cho cha thấy “vết thương xã hội của sự bất trung”. Một giai thoại khác mô tả cha “xuất thần” khi thấy lòng mến Đức Mẹ của người dân ở khu phố nhỏ Impira, một thị trấn không xa Cordoba: bây giờ cha Jorge còn nhớ bài hát ngợi ca Đức Mẹ được đông đảo tín hữu ca hát đồng loạt.

LƯU ĐÀY

Giai đoạn thứ nhì trong những năm 90 ở Cordoba diễn ra một cách đặc biệt. Bây giờ Jorge đã là linh mục, cha sống như người bị đi đày. Một cách chính thức, cha được gởi tới đây trong tư cách là “người hướng dẫn thiêng liêng”, là cha giải tội của nhà thờ thuộc Dòng Tên. Trên thực tế, cha bị loại ra rìa, vì nhiều người xem cha như một trở ngại. Đối với cha, đây là giai đoạn “thanh tẩy nội tâm”. Những năm ở Cordoba “đã quyết định cho sức mạnh thiêng liêng của tôi”, bây giờ ngài nói. Đức Giáo hoàng không bao giờ thừa nhận, nhưng trong giới thân cận của ngài, người ta kể việc ngài đi Cordoba là một cách cha giám tỉnh Dòng Tên Victor Zorzin phạt ngài sau một vài nghịch ý về việc mục vụ và quản trị.

CÁC CÁO BUỘC

Linh mục Angel Rossi, bề trên hiện nay của nhà Residencia Mayor, nơi hồi đó giám mục tương lai Buenos Aires ở, cho rằng ngài về lại Cordoba vì người ta nghĩ ngài hơi “điên và khập khễnh”. Tiếng đồn từ các tu sĩ Dòng Tên. Người ta kể trong Dòng, phong cách mục vụ và thiêng liêng của ngài với người nghèo ở các khu phố bần cùng không được mọi người ưa. Cách ngài diễn tả, sự nhiệt thành ngài tạo chung quanh mình không được mọi người bằng lòng, vì như thế làm cho ngài ngang hàng với các bề trên của mình. Có một vài tu sĩ còn rời Dòng vì họ không thích ngài. Về vấn đề này, trong quyển sách Phanxicô, đời sống và cách mạng (Francesco, vita e rivoluzione), nhà Vatican học người Argentina của báo La Nacion, nữ ký giả Elisabetta Pique cho biết, có khi người ta không chuyển điện thoại hay thư tín cho ngài. Một thông tin nhỏ tò mò không được xác nhận, nhưng Đức Giáo hoàng cũng không cải chính.

“TU SĨ DÒNG TÊN NGƯỜI QUÉT”

Trong hoàn cảnh này, ngày của Giáo hoàng tương lai trôi qua theo một nhịp đều đặn, ngài đọc sách triết lý và thiêng liêng. Ngài tiếp thu bài học của Thánh I-Nhã “tu sĩ Dòng Tên quét”, người “bỏ nhiều thì giờ để quét, vì luôn có rác dơ để lượm”. Theo linh mục Angel, “đây là giai đoạn huyền bí, đen tối của linh mục Bergoglio. Nhưng ngài được trợ giúp bằng ơn sủng và lời cầu nguyện, ngài đã biết biến giai đoạn này thành giai đoạn ấp ủ”.

MỘT NGÀY TIÊU BIỂU

Ngày của ngài bắt đầu từ 4h30 sáng. 5 giờ ngài đã sẵn sàng, người ta thấy ngài đã đánh đôi giày đen của mình ở hành lang. Sau đó ngài đi cầu nguyện ở nhà nguyện của Dòng. Trong hai năm “u tối” này, ngài thường cầu nguyện trong bóng râm, bên tượng Đức Mẹ. Sau đó ngài đi ăn sáng, vào thư viện đọc sách, ngài đọc rất nhiều sách triết, Nietzsche và nhiều bài của Joseph Ratzinger. Đến giờ ăn, luôn luôn ngài đi phụ bếp trước khi vào bàn. Khi nào ngài cũng ăn tráng miệng, hoặc trái cây hoặc kem (Đức Giáo hoàng rất thích ăn tráng miệng). Buổi chiều, khi nào ngài cũng là người đầu tiên ra khỏi phòng để đến cầu nguyện bên chân tượng Thánh Giuse. Rồi ngài quay trở lại thư viện, hoặc nếu trời đẹp, ngài đi một vòng thành phố để thư giãn.

GIẢI TỘI

Các buổi chiều của linh mục Jorge Bergoglio thường có hai giai đoạn: dâng thánh lễ ở nhà nguyện nhưng nhất là ngồi tòa, hàng ngày ngài dành một khoảng thời gian quan trọng, thường là buổi chiều cho đến giờ ăn tối để giải tội.

Trước khi đi ngủ, ngài thường bỏ ra một giờ để làm phút hồi tâm, trước khi đọc kinh nhật tụng và suy niệm.

VIỆC LÀM TỪ THIỆN

Tinh thần khó nghèo và hy sinh luôn là đặc nét trong lối sống của ngài. Trong thời gian hai năm này, đặc biệt ngài sống trong một phòng lạnh, ồn ào, không có phòng tắm riêng. Người ta thấy ngài luôn sẵn sàng xắn tay áo của chiếc áo dòng để lau rửa cho các anh em tu sĩ lớn tuổi, bệnh tật hay đang hấp hối.

Mọi người ở đây còn nhớ có một tối, ngài đã thức đến sáng, không ngủ, để phụ một tay làm bếp giúp một cặp đính hôn ở Cordoba không có đủ phương tiện làm bữa tiệc cưới với gia đình; và ngày ngài kín đáo tặng một người vô gia cư số tiền 12.000 pesos mà các nữ tu người Đức vừa tặng ngài.

THAM NHŨNG VÀ TỘI LỖI

Ở Cordoba, cha Jorge Mario Bergoglio viết hai quyển sách giải thích linh đạo của mình: Suy tư về hy vọng; Tham nhũng và Tội, ngài mô tả sự khác biệt giữa người có tội và người tham nhũng. Về mặt nhân học, người có tội nhận biết tội của mình và xin Chúa tha thứ, người tham nhũng không bao giờ chấp nhận mình đã tham nhũng, “họ nghĩ mình là thánh” như bà nội của cha hay nói. Và tệ hơn nữa, “cuối cùng họ nghĩ họ là thánh thật!”. Ngoài ra, Đức Phanxicô còn nói đến nạn tham nhũng thiêng liêng, và chính ở Cordoba mà ngài triển khai khái niệm “thời thượng thiêng liêng”. Rất nhiều trực cảm này có trong từng bài giảng của ngài kể từ ngày đầu tiên triều giáo hoàng của ngài …

Marta AN NGUYỄN chuyển dịch

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …