Trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, mỗi sự việc, biến cố xẩy ra đều là cao cả, và cũng được Ngài sử dụng để đem lại sự thiện hảo cho Nhân Loại. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng ôn lại đôi nét sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam qua các năm con Chó trong chu kỳ những Chi Tuất.
THẾ KỶ THỨ XVI
NĂM CANH TUẤT (1550)
* Thừa sai GASPAR DE SANTA CRUZ người Bồ Đào Nha, thuộc Dòng Đa Minh từ Malacca đã đến loan báo Tin Mừng tại Cồn Cao, Hà Tiên, Nam Vang.
NĂM BINH TUẤT (1586)
* Một Giáo sĩ trong đoàn của Linh Mục DIEGO DE ORODESA Là Cha BARTOLOME RUIZ thuộc Dòng Phanxicô đã từ Manila trở lại Việt Nam được vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hiệp tiếp đón ân cần và cho phép giảng Đạo.
* Trong thời gian từ 1580 đến 1586 có hai Giáo sĩ Dòng Đa Minh là LUIS DE FONSECA người Bồ Đào Nha, và GREGOIRE DE LA MOTTE người Pháp đến giảng Đạo trong tỉnh Quảng Nam đời Chúa Nguyễn Hoàng.
THẾ KỶ THỨ XVII
NĂM BÍNH TUẤT (1646)
* Linh Mục Dòng Tên METELLO SACCANO người Ý cùng với một Giáo sĩ người Bồ Đào Nha từ Áo Môn đã đến Cửa Hàn, để trông coi Giáo hữu Việt Nam, đã yết kiến Chúa Thượng và có cho phép ở lại Hội An với điều kiện không được đi lại giảng Đạo công khai, nhưng các Ngài đã âm thầm rửa tội được 60 TânTtòng và ban Bí Tích cho các Bổn Đạo cũ.
NĂM MẬU TUẤT (1658)
* Đức Giáo Hoàng ALEXANDRE VII bổ nhiệm 2 vị Giám Mục đầu tiên đề cử sang vùng Viễn Đông phụ trách Truyền Giáo: Đức Cha LAMBERT DE LA MOTTE và Đức Cha FRANCOIS PALLU.
* Chúa Trịnh Tạc ở Đàng Ngoài đã ra lệnh trục xuất toàn bộ các vị Thừa Sai, chấm dứt giai đoạn Truyền Giáo do Dòng Tên đảm trách. Lúc này, số Giáo Hữu Đàng Ngoài đã lên đến 350.000 người…
NĂM CANH TUẤT (1670)
* ĐỨC Giám Mục LAMBERT DE LA MOTTE thay mặt Đức Giám Mục FRANCOIS PALLU đến kinh lý Địa Phận Đàng Ngoài, đã phong chức cho 7 tân Linh Mục, triệu tập Công Đồng đầu tiên của Giáo hội Việt Nam tại Phố Hiến (Hưng Yên) và chuẩn y lề luật “Dòng Mến Thánh Giá” cho các nữ tu.
NĂM NHÂM TUẤT (1682)
* Đức Giám Mục MAHOT được cử làm Đại diện Tông tòa địa phận Đàng Trong (1682 – 1884)
NĂM GIÁP TUẤT (1694)
* Từ Phi Luật Tân, hai Linh mục PEDRO DE SANTA TERESA và FRANCIOSO LOPEZ đã phải đi ngang qua Thái Lan mới đến được Bắc Việt, nhưng gặp bão phải tạm trú tại chủng viện AYUTHIA đến năm 1696, mới tới tỉnh Hưng Yên để giảng Đạo trong lúc khó khăn phải trốn tránh rầy đây mai đó.
* Lần đầu tiên các Linh Mục người Việt: Cha VALENTIN SUÊ, LÊON VỆ, LIN, LAURENT thuộc Dòng Tên đã xuất hiện trên cánh đồng Truyền Giáo.
THẾ KỶ THỨ XVIII
NĂM MẬU TUẤT (1718)
* Cha Chính JUAN (Thập), nhận được sắc lệnh Tòa Thánh ký ngày 3.4.1718 phong làm Giám Mục Địa phận Đông, đồng thời đặt Cha SEXTRI người Ý làm Giám mục phụ tá có quyền kế vị.
NĂM MẬU TUẤT (1778)
* Vì tình hình bất an, nhiều bọn cướp từ Cao Miên tràn qua Hà Tiên đốt phá khu Nhà Chung, giết 7 Nữ Tu và 4 học sinh, nên Đức Cha BÁ ĐA LỘC đã cho chuyển Tiểu Chủng Viện ở Hòn Đất về Tân Triều thuộc Tỉnh Biên Hòa.
NĂM CANH TUẤT (1790)
* Tòa Thánh gửi sắc phong Giám Mục cho Cha Chính ALONSO (Phê), làm Giám Mục Địa Phận Đông Đàng Ngoài. Ngài được tấn phong tại Trung Linh do Đức cha LONGE (Gia) chủ sự.
THẾ KỶ THỨ XIX
NĂM NHÂM TUẤT (1802)
* Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua với niên hiệu Gia Long (1802 – 1820) đất nước thống nhất. Người Công Giáo được bình an khoảng 30 năm không bị bắt bớ.
* Chủng viện An Ninh I (1802-1828) được lập tại Giáo phận Huế.
NĂM MẬU TUẤT (1838)
* Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh được lệnh truy tìm gắt gao bốn vị Thừa sai Tây Ban Nha đang ẩn trốn ở vùng Nam Định.
NĂM CANH TUẤT (1850)
* Địa phận Tây Đàng Trong được chia hai: Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và Nam Vang (bao gồm nước Campuchia và các Tỉnh phía Nam Hậu Giang của Việt Nam).
* Địa phận Đông Đàng Trong được chia hai: Đông Đàng Trong và Bắc Đàng Trong (Huế) do Đức Cha FRANCOIS MARIE PELLERIN (Phan) cai quản (1850-1862)
NĂM NHÂM TUẤT (1862)
* Vua Tự Đức thôi cấm Đạo Công Giáo và ký hòa ước với nước Pháp trong đó có đề cập đến tự do Tín ngưỡng.
* Đức Cha JOSEPH HYACINTHE SOHIER (Bình) Đại diện Tông tòa coi sóc giáo phận Huế (1862-1876).
NĂM GIÁP TUẤT (1874)
* Phong trào Văn Thân chống Pháp và bài trừ người Công Giáo đã hoạt động trở lại ở vùng Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
NĂM BÍNH TUẤT (1886)
* Nhà thờ Đức Mẹ La vang bị Văn Thân thiêu hủy. Đức Cha CASPAR cho xây dựng lại, lợp ngói. Vì hoàn cảnh khó khăn 15 năm sau mới hoàn thành vào dịp Đại hội lần đầu tiên ngày 08.08.1901.
* Phong trào Văn Thân bách hại ác liệt các Họ Đạo thuộc Tỉnh Quảng Bình, Cha Tống Văn Cơ – Chánh xứ Mỹ Phước bị hành quyết.
NĂM MẬU TUẤT (1898)
* Đền thờ Trà Kiệu đầu tiên được xây cất ngay trên đỉnh núi để ghi nhớ sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Trà kiệu-Đà Nẵng, cứu giúp Bổn Đạo.
THẾ KỶ THỨ XX
NĂM CANH TUẤT (1910)
* Đại Hội Đức Mẹ La vang lần thứ tư, dưới thời Đức Cha EUGENE MARIE ALLYS (Lý) và do Cha CADIERE (Cả) nổi danh trong ngành khảo cứu về Đông Dương đứng chịu trách nhiệm tổ chức.
* Dòng kín CARMELO có mặt tại Giáo Xứ Kim Long, Địa phận Huế
NĂM GIÁP TUẤT (1934)
* Đức Khâm sứ Tòa Thánh DREYER triệu tập các Giám mục Đông Dương họp Công Đồng Chung tại Hà Nội, bàn nhiều công việc liên hệ quan trọng, ảnh hưởng lâu dài về sau.
NĂM MẬU TUẤT (1958)
* Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 14 dưới thời Đức Cha Gioan Baotixita URRUTIA (Thi) có sự hiện diện của Đức Khâm Mạng Tòa Thánh JOSEPH CAPRIÔ tham dự.
NĂM CANH TUẤT (1970)
* Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 17, từ ngày 29 đến 31.05.1970 dưới thời Đức Cha Philipphê NGUYỄN KIM ĐIỀN – Tổng Giám mục Huế.
NĂM NHÂM TUẤT (1982)
* Đức Tổng Giám Mục Phaolô NGUYỄN VĂN BÌNH và Đức Giám Mục Giuse NGUYỄN TÙNG CƯƠNG đi Maxcơva tham dự hội nghị : “ Những nhà Tôn Giáo bảo vệ sự sống khỏi thảm họa hạt nhân”, do Giáo Hội Chính Thống Nga tổ chức.
NĂM GIÁP TUẤT (1994)
* Tổng Giáo Phận Sài Gòn khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 150 năm thành lập (1844 – 1984)
* Phái đoàn Tòa Thánh Vatican do Đức Ông CLAUDIO CELLI dẫn đầu đến Thủ Đô Hà Nội làm việc với Chính phủ Việt Nam và đi thăm các Giáo phận Nha Trang và Đà Nẵng.
* Giáo phận Xuân Lộc khánh thành tượng đài Chúa Kitô Vua tại núi Tao Phùng (02.12) và làm phép công trình tượng đài Mẹ Thiên Chúa tại Bãi Dâu-Vũng Tàu (31.12)
* Đức Hồng Y Phaolô PHẠM ĐÌNH TỤNG – Tổng Giám mục Hà Nội được phong tước hiệu Hồng Y do Đức Thánh Cha GIOAN PHALÔ ll, trao ban mũ, áo ngày 26.11.1994 tại Rôma.
* Đại Chủng Viện Huế được trao lại cho các Cha Xuân Bích điều khiển, dành cho chủng sinh các Giáo phận Huế, Đà nẵng và Kontum.
THẾ KỶ THỨ XXI
NĂM BÍNH TUẤT (2006)
* Giáo phận Phú Cường kỷ niệm 40 năm thành lập (5.1) và Giáo phận Đà Lạt khai mạc năm Thánh mừng kỷ niệm 80 năm Truyền Giáo cho người Dân Tộc (29.10)
* Lễ Tấn Phong Giám mục, Đức Cha Phêrô NGUYỄN VĂN ĐỆ, SDB tại nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu (18.1) và lễ Tấn phong Giám mục Đức Cha Giuse CHÂU NGỌC TRI tại Đà Nẵng (4.8).
* Phái đoàn Hội Đồng Giám Mục Pháp do Đức Hồng Y JEAN PIERRE RICARD chủ tịch, đến thăm các Giáo phận Việt Nam (27.1 đến 4.2)
* Việt Nam tham dự Đại hội Truyền Giáo Á Châu gồm 15 người do Đức Cha Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN – Giám mục Đà Lạt, Chủ tịch Ủy ban Loan Báo Tin Mừng làm Trưởng Đoàn
* Các vị Hồng Y tại Á Châu: Giuse TRẦN NHẬT QUÂN (Hồng Kông), GAUDENCIÔ B. ROSALES (Phi luật Tân), TELESPHORE PLACIDUS TOPPO (Ấn Độ) đến dự lễ mừng 500 năm sinh nhật Thánh Phanxicô Xaviê tại Giáo Phận Sài Gòn (2.12.2006)
NĂM MẬU TUẤT (2018)
* Cộng Đoàn Dân Chúa hân hoan thực thi tinh thần thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với điểm nhấn cho năm 2018: “ Đồng Hành với các Gia Đình gặp khó khăn”.
* Kỷ niệm 30 năm Tòa Thánh, Tôn Phong 117 vị Tử đạo Việt Nam lên bậc Hiển Thánh (1988-19.6-2018)
* Địa phận Trung (Bùi Chu) kỷ niệm 170 năm thành lập (1848-2018).
* Giáo phận Quy Nhơn kết thúc Năm Thánh mừng 400 năm loan báo Tin Mừng (26.7).
* Dòng Khiết tâm Đức Mẹ Giáo phận Nha Trang, mừng kỷ niệm Ngọc Khánh 60 năm thành lập (1958-2018).
* Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, tổ chức Đại Hội Thế Giới tại La Vang, kỷ niệm 30 năm thành lập (22-25 .2. 2018)
Hoa Thịnh Đốn
Vinh sơn Vũ Đình Đường