la-croix.com, Claire Lesegretain, 2016-09-03
Tổng Giám mục giáo phận Calcutta Thomas D’Souza, ông Jean Vanier, nhà sáng lập Arche, một tổ chức lo cho người khuyết tật, bà Chandda Chakrabonty, tín hữu hinđu, cô Valentina, thiện nguyện viên, tất cả đều nhấn mạnh đến sự tự do cao lớn về tinh thần và về quả tim của Mẹ.
“Tinh thần nghèo khó tận căn của Mẹ được người Ấn Độ hiểu rõ”
Tổng Giám mục giáo phận Calcutta Thomas D’Souza từ năm 2011
“Thật là một vinh dự cho giáo phận Calcutta vì giáo phận là nơi có căn nhà của Dòng Thừa sai Bác ái và ngôi mộ của Mẹ Têrêxa. Giáo dân hành hương từ khắp nơi về Calcutta là vì Mẹ. Khi Mẹ sáng lập Dòng, Mẹ thường đến hỏi giám mục tiền nhiệm của tôi. Từ đó, các quan hệ tin tưởng và nồng ấm vẫn giữ nguyên: các nữ tu đến đây và tôi đến Dòng để dâng lễ trong những ngày lễ lớn hoặc trong tang lễ của các xơ. Lần đầu tiên tôi gặp Mẹ là khoảng đầu các năm 1980, một thời gian ngắn sau khi Mẹ nhận giải Nobel, ở trường Karimpur mà tôi là hiệu trưởng: Mẹ vui vẻ, nồng nhiệt và rất đơn giản. Xúc động, tôi hôn tay Mẹ và Mẹ dịu dàng nói: “Thưa Cha, Cha không thể nào làm như vậy!” Khi Mẹ đến đâu mà có một linh mục hay khi có một linh mục đến Dòng, Mẹ luôn đến chào dù khi đó Mẹ rất bận. Trong văn hóa Ấn Độ, người nào càng buông bỏ tiền bạc, tiện nghi thì người đó càng gần Đấng thiêng liêng. Như thế sự nghèo khó tận căn và bắt buộc của Mẹ Têrêxa được người Ấn Độ hiểu rất rõ.
“Mẹ đã là thánh từ khi sinh ra”
Bà Chandda Chakrabonty, tín hữu hinđu brahmana 71 tuổi
“Các kỷ niệm của tôi với Mẹ Têrêxa tất cả đều quan trọng và không thể quên được. Mẹ đọc ngay tâm hồn của mỗi người. Mẹ là người mang cảm hứng, đầy lòng trắc ẩn và thật sự rọi sáng mà mình có thể được rọi sáng qua Mẹ. Khi tiếp xúc với Mẹ, mình trở thành vui vẻ và yên bình. Tôi chưa bao giờ thấy Mẹ hất hủi ai và ai cũng cảm thấy mình được Mẹ thương rất nhiều! Bây giờ tôi vẫn còn xin Mẹ giúp tôi và thật lạ lùng, vấn đề tôi xin lại được giải quyết. Tất cả những ai đã từng làm việc với Mẹ cũng đều làm như vậy. Sự phong thánh Mẹ không thay đổi gì hết vì tôi biết Mẹ đã là thánh. Mẹ luôn sống kết hiệp với Chúa. Chính Ngài hướng dẫn Mẹ trong tất cả mọi sự. Nếu Mẹ không phải là thánh từ khi còn nhỏ thì Mẹ không thể nào bỏ hết để đi Ấn Độ từ khi mới 19 tuổi, bỏ hết để đến ở trong những khu phố nghèo nàn, rồi thu hút bao nhiêu là người trên thế giới. Ánh sáng của Chúa ở trong quả tim Mẹ, Mẹ có thể thấy ánh sáng này qua những người khốn cùng bị bỏ rơi, những người sắp chết, những người mồ côi… Và chính ánh sáng mà Mẹ mang từ khi mới sinh này, bây giờ Mẹ mang đến cho những ai ở trên thiên đàng!”
“Một trường học phi thường của tình yêu và lòng trắc ẩn”
Thiện nguyện viên Valentina
Valentina, người Colombia 18 tuổi, thiện nguyện viên ở Calcutta
“Cách đây hai năm khi tôi còn học trung học, tôi đọc tiểu sử của Mẹ Têrêxa, tôi cảm nhận có tiếng gọi kêu tôi đi phục vụ những người nghèo nhất trong các người nghèo. Tôi nghĩ một năm để đi phục vụ người khác: Sau ba tuần đi khắp Ấn Độ, tôi đến Calcutta làm thiện nguyện ba tháng. Tôi làm việc với các em khuyết tật: dù có một vài cách đối xử của các nhân viên Ấn Độ làm tôi sốc, nhưng đây đúng là trường học của tình yêu và lòng trắc ẩn. Chính chúng tôi mới là người phải biết ngôn ngữ nào các em khuyết tật sẽ hiểu được, vì thế chúng tôi phải rất chăm chú để ý đến tất cả cách diễn tả của các em. Các xơ đề nghị tôi làm việc ở phòng tiếp đón các thiện nguyện viên, vì thế tôi thu thập được rất nhiều chứng từ xúc động và giúp tôi suy nghĩ lại việc học của tôi, định hướng cuộc đời tôi và đức tin của tôi. Dù gia đình tôi theo đạo công giáo và rất sốt sắng nhưng cũng không hiểu nhiều về chọn lựa của tôi, tôi rất hạnh phúc được ở đây!”
“Mẹ rất cởi mở với liên tôn giáo”
Ông Jean Vanier, nhà sáng lập Arche, một tổ chức lo cho người khuyết tật
“Đặc sủng của Mẹ Têrêxa thật phi thường, nhất là với những người gần chết. Mẹ là người an ủi những người bị tổn thương nhất. Công trình của Mẹ bắt đầu một cách rất đại kết và mang tính liên tôn giáo. Đôi khi Mẹ Têrêxa nói với tôi về các dự án của Mẹ, một ngày nọ Mẹ thố lộ với tôi, các cô, các bà người hinđu đến làm việc với các nữ tu, họ muốn thành các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái nhưng vẫn giữ tôn giáo của họ. Một thời gian sau, Mẹ được Rôma cho phép thành lập một chi nhánh của Dòng cho các bà người hinđu. Nhiều năm sau khi gặp Mẹ Têrêxa ở Rôma, tôi được biết tin tất cả các bà người hinđu này đã theo đạo công giáo. Điều này làm tôi buồn, tôi cũng hơi tiếc là các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác ái bây giờ không được cởi mở như Mẹ Têrêxa ngày xưa.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn: Phanxicovn