Home / Chia Sẻ / Những đòi hỏi thiết yếu để trở thành môn đệ trưởng thành

Những đòi hỏi thiết yếu để trở thành môn đệ trưởng thành

Ronald Rolheiser, 2013-03-10

Trong quyển tiểu sử của mình, Morris West cho rằng, ở một độ tuổi nhất định nào đó của cuộc đời, tự điển tâm linh của chúng ta đơn giản chỉ còn ba câu: Cám ơn! Cám ơn! Cám ơn! Ông đúng nếu chúng ta hiểu trọn vẹn thế nào là sống với tấm lòng biết ơn. Biết ơn là đức hạnh cao nhất, là nền tảng cho các thứ hạnh khác, kể cả tình yêu. Và nó còn đồng nghĩa với thánh thiện.

Biết ơn không chỉ là điều xác định sự thánh thiện, mà còn xác định cả sự trưởng thành. Chúng ta trưởng thành khi đạt đến mức độ biết sống biết ơn. Nhưng điều gì sẽ cho chúng ta được như thế? Điều gì cho chúng ta một sự trưởng thành nhân bản sâu sắc hơn? Tôi muốn nêu ra đây mười đòi hỏi chính yếu cả trong sự trưởng thành nhân bản lẫn trưởng thành Kitô giáo:

  1. Sẵn sàng đảm nhận hơn nữa những phức tạp đời sống với lòng cảm thông: Trong cuộc sống, có rất ít điều trắng đen hoặc đơn giản là xấu tốt rõ ràng, kể cả trong tâm hồn và động cơ của chúng ta. Sự trưởng thành làm cho chúng ta nhìn nhận, thông hiểu và chấp nhận sự phức tạp này với lòng cảm thông để, như Chúa Giêsu, chúng ta khóc những giọt nước mắt thông hiểu cho những đô hội hỗn loạn và những tâm hồn phức tạp của chính chúng ta.
  1. Ghen tương, giận dữ, chua cay, thù ghét phải được biến đổi, không ăn miếng trả miếng. Bất kỳ nỗi đau hay áp lực nào không được biến đổi, thì chúng sẽ được chúng ta lan truyền tiếp. Khi đối diện với ghen tương, giận dữ, chua cay, thù ghét, chúng ta phải như người lọc nước, giữ độc tố bên trong, chỉ để cho giòng nước tinh khiết chảy ra ngoài, chứ đừng làm như sợi dây điện, cứ để điện năng xuyên qua mà không lọc.
  1. Hãy mềm dẻo chịu đựng hơn là để tâm hồn chai cứng: Chịu đựng và khiêm nhường luôn có trong chúng ta, nhưng cách chúng ta đáp trả, tha thứ hay chua cay, sẽ định rõ mức độ trưởng thành và chân tướng của chúng ta. Đây có lẽ là phép thử cao nhất cho đạo đức của chúng ta: Liệu lòng khiêm tốn của tôi sẽ làm mềm dịu hay chai cứng tâm hồn tôi đây?
  1. Tha thứ: Đến cuối cùng, chỉ có một điều kiện để được vào thiên đàng (cũng như để sống trong cộng đồng nhân loại), chính là sự tha thứ. Có lẽ trong nửa sau cuộc đời mình, việc khiến chúng ta phải đấu tranh nhiều nhất chính là hành động tha thứ: tha thứ cho những ai đã làm chúng ta tổn thương, tha thứ cho bản thân vì những khiếm khuyết, và tha thứ cho Thiên Chúa vì dường như Ngài đã bất công để chúng ta kiệt lực khi đối diện với thế giới này. Trong tất cả, đòi hỏi đạo đức lớn nhất chính là đừng để mình chết đi với một tâm hồn chua cay và bất dung.
  1. Sống biết ơn: Là một vị thánh nghĩa là được kích động bởi lòng biết ơn, không hơn không kém. Đừng để ai lừa mình với tư tưởng cho rằng lòng sốt sắng với chân lý, với giáo hội, và ngay cả với Thiên Chúa có thể cao hơn hay ít ra cũng ngang với đòi hỏi không nhân nhượng là chúng ta phải luôn luôn biết sống trong tâm tình biết ơn. Thánh thiện là sống biết ơn. Không có lòng biết ơn, chúng ta sẽ thấy mình đang làm những điều đúng cho những động cơ sai lầm.
  1. Chúc phúc hơn là chúc dữ: Chúng ta trưởng thành khi chúng ta khẳng định mình bằng điều mà chúng ta hướng đến hơn là điều mà chúng ta chống lại và đặc biệt sự trưởng thành của chúng ta được đánh dấu khi chúng ta, như Chúa Giêsu, biết tìm đến tha nhân và nhìn họ với cặp mắt chúc lành (“Xin Chúa chúc lành cho bạn!”) hơn là chúc dữ (“Bạn nghĩ bạn là ai vậy”?) Có khả năng khen ngợi hơn là phê phán là dấu hiệu cho thấy mức độ trưởng thành của mỗi người.
  1. Sống minh bạch và lương thiện: Chúng ta khơng bình thường khi khư khư ôm giữ các bí mật bệnh hoạn nhất của mình, nhưng chúng ta sẽ sống lành mạnh khi chúng ta sống lương thiện. Như Martin Luther đã từng nói, chúng ta cần “phạm tội một cách dũng cảm và chân thật”. Sự trưởng thành không có nghĩa là chúng ta trở nên hoàn hảo hay vô tội, nhưng có nghĩa là chúng ta sống chân thật.
  1. Cầu nguyện bằng cảm xúc lẫn theo nghi thức: Nguồn năng lượng chúng ta cần để cho mình sống trong lòng biết ơn và tha thứ không nằm ở sức mạnh của ý chí nhưng ở ân sủng và cộng đoàn. Chúng ta được vậy là nhờ cầu nguyện. Chúng ta trưởng thành khi biết mình bất lực và biết nhờ đến sức mạnh Thiên Chúa, cũng như khi biết cầu nguyện với tha thân để cho toàn thế giới cũng sẽ cầu nguyện như vậy.
  1. Mở rộng vòng tay hơn bao giờ hết: Chúng ta trưởng thành khi định nghĩa được ai là gia đình mình (Ai là anh chị em tôi?) theo một cách đại kết, liên tôn, không phân biệt tư tưởng, không kỳ thị. Chúng ta chỉ trưởng thành khi biết thương xót như Thiên Chúa giàu lòng thương xót, mặt trời chiếu cho cả người mình thích và không thích. Đến một lúc, chúng ta phải thay thế các áp phích cổ động yêu thương bằng những cái chậu cái khăn để cùng tắm chung một dòng nước.
  1. Hãy ở đúng vị thế của mình, và để Thiên Chúa bảo vệ bạn: Xét tận cùng, tất cả chúng ta đều yếu ớt, chỉ nhờ vào may rủi, và vô vọng, không bảo vệ những người chúng ta yêu mến, và cả chính chúng ta nữa. Chúng ta không thể bảo đảm sự sống, an toàn, ơn cứu rỗi, hay sự tha thứ cho chính mình hay cho những người mình yêu thương. Sự trưởng thành dựa trên việc chấp nhận sự thật này hơn là cứ mãi lo lắng về nó. Chúng ta chỉ có thể làm hết sức mình, bất kể quãng đời nào, vị thế nào, giới hạn hay khiếm khuyết của mình, và tin rằng như vậy là đủ, tin rằng nếu chúng ta ngã xuống nơi chiến điểm của mình, trong chân thật, trong khi đang làm nhiệm vụ được giao, thì chính Thiên Chúa sẽ lo cho phần còn lại.

Thiên Chúa là một bậc cha mẹ yêu thương vô vàn, tràn đầy thông hiểu, và hoàn toàn cảm thông. Chúng ta trưởng thành và tự do thoát khỏi những lo lắng sai lầm, khi chúng ta hiểu được và tin tưởng sự thật đó.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …