HỎI: Tôi có người bà con có tâm thần không ổn định, đã cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Nghe người ta đồn có một thầy sư, giỏi pháp thuật, có thể chữa được bệnh nên tôi đã đem người này đến gặp, xin giúp đỡ. Vị sư nói là người thân của tôi bị ma ám, cần phải dùng bùa để chữa trị. Tôi đã để cho vị sư này thực hiện các nghi thức bùa chú của ông ấy để chữa bệnh cho người thân của tôi. Tôi có phạm tội không?
ĐÁP: Điều răn thứ nhất trong Mười Điều Răn dạy rằng: “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), số 2116 có ghi rằng “Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán: cậy nhờ Xa-tan hay ma quỉ, gọi hồn người chết hay những cách khác ngỡ rằng sẽ đoán được tương lai (x. Ðnl 18, 10; Gr 29, 8). Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí. Ðiều này nghịch lại với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho Thiên Chúa” .
Số 2117 còn nói rõ thêm: “Ai muốn dùng ma thuật hay pháp thuật để chế ngự các thế lực huyền bí, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác dù là để chữa bệnh, cũng lỗi nặng nhân đức thờ phượng. Các việc nầy càng đáng lên án hơn nữa khi có dụng ý hại người, hay nhờ đến sự can thiệp của ma quỉ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường đi kèm cả bói toán hay ma thuật. Hội Thánh cảnh giác các tín hữu phải xa lánh các điều ấy. Khi dùng các phương thuốc gia truyền, không được kêu cầu các thế lực ma quỉ cũng như lợi dụng sự nhẹ dạ của người khác”.
Việc bạn đưa người thân đến gặp thầy sư để xin vị này chữa bệnh cho thấy bạn đã đồng tình với việc sử dụng một sức mạnh huyền bí, chứ không dùng đức tin vào Thiên Chúa, để chữa bệnh cho người thân của mình. Và việc đồng tình của bạn cũng đồng nghĩa với việc bạn đã không tôn kính và thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự như Điều Răn Thứ Nhất dạy. Điều này có tội hay không, chắc là bạn đã rõ.
Là tội không phải chỉ là vi phạm điều Giáo Hội dạy, nhưng hơn hết là do mình đã không còn tin vào Chúa, không cậy vào quyền năng của Chúa, không tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, nhưng lại đi tìm một nơi cậy dựa khác. Ngày xưa, Thiên Chúa trách tội dân Israel là vì họ đã không cậy vào Ngài những lúc khó khăn, nhưng chỉ đi tìm những thần khác để thờ lạy. Việc bạn nhờ đến sức mạnh huyền bí của sư thầy để chữa bệnh cũng là một dạng tương tự như vậy.
Bạn có thể thắc mắc: “nhưng mục đích của tôi là tốt mà, tôi chỉ muốn người thân của tôi được khỏi bệnh thôi”.
Luân lý học có một nguyên tắc: Mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Có nghĩa là: không phải cứ nhắm tới mục đích tốt là mình có quyền làm mọi chuyện. Giúp đỡ người nghèo là tốt, nhưng không thể vì giúp người nghèo mà ta đi cướp tài sản của người khác. Ta cũng không thể cho rằng để ngăn chăn sự dữ thì ta cần phải giết hết những người làm điều ác. Quan niệm và hành xử như thế sai. Tương tự như vậy, không thể vì sức khỏe của người thân mà ta loại trừ Thiên Chúa và làm tay sai cho ma quỷ.
Hơn nữa, về mặt thiêng liêng mà nói, bạn có dám chắc là việc người thân của bạn hết bệnh là điều tốt không? Giàu có thể là phúc, cũng có thể là họa; thông minh có thể là phúc, nhưng cũng có thể là họa; khỏe có thể là phúc, cũng có thể là họa; sống lâu có thể là phúc, nhưng cũng có thể là họa. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi để đón nhận hết tất cả những gì Chúa gửi đến và nên thánh trong những điều đó. Trong các Mối Phúc, Đức Giêsu đã đề cao và gọi là có phúc những ai tín thác vào Cha trên trời, chứ không phải là khỏe mạnh hay giàu sang.
Bạn có thể nói: “Nhưng tôi chỉ đưa người thân của tôi đi chữa bệnh thôi mà, tôi đâu có ý gì khác”.
“Chữa bệnh” là cách nói của bạn, nó chỉ là bề ngoài. Cái ẩn tàng đằng sau chữ “chữa bệnh” mới là vấn đề, và đó là việc bạn đã tin và trao phó người thân của mình cho một người không đáng tin, dưới cái nhìn của Giáo Hội. Như những gì bạn nói trong câu hỏi, rõ ràng bạn tin là người thân của bạn bị “ma ám” (nên mới để ông làm phép), chứ không phải bị “bệnh”. Vị sư thầy kia không phải là bác sĩ, không có chuyên môn y học, làm sao có thể “chữa bệnh” được. Giả như ông ta chỉ là giả mạo, bạn chẳng phải đã bị lừa rồi sao? Còn trong trường hợp ông ta có thể làm được, ông ta đã sử dụng một quyền lực huyền bí không-đến-từ-Thiên-Chúa. Bạn nhờ đến năng lực ấy của ông ta, nghĩa là bạn cho rằng chỉ có ông ấy mới có thể giúp người thân của bạn, ngoài ra, không còn một thế lực nào khác có thể. Như thế, bạn đã không tin vào Chúa nữa, và đi kiếm một thần minh khác để giải quyết vấn đề cho mình. Cái sai của bạn nằm ở đó.
Giả như người thân của bạn thật sự bị quỷ ám, tại sao bạn không cậy đến Giáo Hội? Sách GLHTCG 1673 có nói đến việc trừ tà: “Khi Hội Thánh, một cách công khai và có thẩm quyền, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật, được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì gọi là Trừ tà (exorcismus). Giáo Luật số 1172 quy định rằng: “Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương. Đấng Bản Quyền địa phương chỉ ban phép trừ ta cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn”.
Như vậy, ngay cả khi bạn tin là người thân của bạn bị quỷ ám, bạn cũng đã sai khi không nhờ đến Giáo Hội mà lại nhờ đến một thế lực khác bên ngoài Giáo Hội. Nó cho thấy, bạn chẳng những không tin vào Chúa mà còn phản bội lại lời tuyên tín của bạn trong Kinh Tin Kính: Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Mong là giải đáp vắn gọn trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn không những về giáo huấn của Giáo Hội mà cả lý do vì sao Giáo Hội lại giáo huấn như thế.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: dongten.net