Home / Chia Sẻ / NHỚ NGOẠI

NHỚ NGOẠI

NHỚ NGOẠINgày ấy tôi chưa trưởng thành, nhưng tôi đã thực sự có “ấn tượng” về bà Ngoại và đến nay vẫn còn nhớ rất rõ những gì về Ngoại. Dù Ngoại rất bình dân, giản dị và học hành không nhiều, nhưng tôi vẫn cảm thấy Ngoại rất đặc biệt về lòng nhân ái – dĩ nhiên là Ngoại chỉ “đặc biệt” với riêng tôi mà thôi.

Nửa đời tôi qua đi mà tôi chưa gặp thấy ai có những “cái ngược đời” như Ngoại, những cái “không giống ai” của Ngoại rất tuyệt vời – theo thiển ý của tôi, và tôi thấy điều đó rất cần cho cuộc sống. Tôi không dám “khoe” Ngoại tôi mà tôi chỉ muốn chia sẻ về cách sống của Ngoại mà tôi rất “tâm phục khẩu phục” ngay từ khi tôi còn học tiểu học trường làng, và tôi viết để nhớ mãi về Ngoại.

Ông Ngoại mất từ khi tôi chưa sinh ra, tôi chỉ biết bà Ngoại. Chiều chiều mẹ hay dẫn tôi đến Ngoại chơi, và tôi cảm nhận được tình thương Ngoại dành cho tôi khá đặc biệt – không phải vì tôi ngoan, giỏi, hay vì lý do nào riêng với tôi, nhưng vì lý do “đặc biệt” mà tôi không tiện nói ra. Ngoại già nhưng còn khỏe, vẫn mập mạp. Ngày ngày Ngoại thường đi đây đó quanh làng hoặc đến nhà người này, người nọ cho khuây khỏa, rồi Ngoại cũng hay ghé nhà tôi chơi một lúc. Lần nào Ngoại vô cũng cho tôi chiếc bánh hay mấy cục kẹo, hoặc bánh tráng (bánh đa). Không phải tôi là con cháu nên Ngoại cho đâu. Dọc đường đi hoặc ghé vô nhà ai, thấy đứa bé nào Ngoại cũng chia một ít quà mà Ngoại đang có. Ngoại luôn xởi lởi và rộng lòng với mọi người, cả trẻ lẫn già.

Điều đặc biệt ở Ngoại là thế này: Ngoại thấy ai nghèo khổ, thiếu thốn, Ngoại sẵn sàng giúp đỡ hết lòng, dù Ngoại nghèo. Ngoại luôn sống rộng lòng, Ngoại cho người ta những chiếc áo mới, còn Ngoại lại cặm cụi vá những chiếc áo cũ để Ngoại mặc. Chính các dì cũng cho là Ngoại “kỳ cục.” Người ta thường cho người khác những gì mình dư hoặc không dùng nữa – gọi là công bằng, còn Ngoại bác ái thực sự vì Ngoại hy sinh cái tốt để cho người, còn mình chỉ dùng những thứ cũ. Có lần Ngoại bán rẻ chiếc mền (chăn) mới toanh – kiểu vừa bán vừa cho, mẹ tôi thấy tiếc nên đã đi chuộc về, và nay tôi vẫn dùng tấm mền đó.

Từ những gì tôi biết, tôi thấy Ngoại thật kỳ diệu khi thực hiện lòng nhân ái. Như cố Ns Trịnh Công Sơn nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” (Để Gió Cuốn Đi) Cái “tấm lòng” đó không gì khác là lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại. Dù bị “gió cuốn đi,” dù không ai biết ơn, nhưng chúng ta vẫn phải sống và thể hiện tình người.

Những năm cuối đời, Ngoại bị mù vì nghe lời lang băm cắt mộng mắt. Thực ra Ngoại còn khỏe, vẫn tự vá quần áo được. Tôi đi xa một thời gian, khi về mới biết chuyện. Ngoại không còn nhìn thấy tôi nên chỉ sờ tôi, mỗi lần sờ tôi thì Ngoại lại khóc. Tôi thương mà không làm gì được! Rồi một thời gian sau Ngoại mất, lúc đó tôi đã ở tuổi trưởng thành, và Ngoại là người đầu tiên tôi được chứng kiến giây phút hấp hối của một con người.

Cách sống quảng đại và nhân hậu của Ngoại đã ảnh hưởng nhiều tới cuộc đời Mẹ tôi, và tôi cũng được “thừa kế” nhiều từ Ngoại và Mẹ. Với tôi, bài học của Ngoại thật vô giá. Cảm ơn Ngoại.

Tạ ơn Chúa đã ban cho con có một bà Ngoại “khác người” như vậy!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …