Làm sao tìm kiếm Thiên Chúa giữa những bi kịch cuộc đời?
Bão tố, động đất, sóng thần, xả súng hàng loạt – những thảm kịch không bao giờ có ý nghĩa và chúng dường như không bao giờ công bằng. Sau những sự kiện khủng khiếp như vậy, con người là đặt vấn đề về Thiên Chúa. Thông thường, người ta sẽ tận dụng những cơ hội như vậy để thách thức những người có đức tin. Tất cả chúng ta đều đã thấy. Phương tiện truyền thông xã hội cung cấp nền tảng khổng lồ về điều đó.
Thiên Chúa ở đâu trong vụ xả súng ở Las Vegas? Tại sao Thiên Chúa yêu thương lại có thể để cho những người nghèo khổ tại nhà thờ nhỏ ở Texas bị tàn sát khi họ đang thờ phượng Ngài?
Thật đáng xấu hổ khi lợi dụng một thảm kịch để tấn công đức tin của mọi người, nhưng chính các câu hỏi đó không phải là không có giá trị. Thành thật mà nói, những câu hỏi kiểu đó đang bào mòn tâm hồn chúng ta, cho dù chúng ta có muốn thừa nhận điều đó hay không.
Tôi chưa bao giờ nghe được câu trả lời thực sự thỏa mãn cho những câu hỏi kiểu này. Tôi không chắc là có một câu trả lời. Khi nói thẳng vấn đề này, tôi không chắc chúng ta có nên biết câu trả lời cho những loại câu hỏi đó hay không. Tôi sẽ quay lại vấn đề đó sau, nhưng trước tiên hãy để tôi giải quyết một vấn đề khác.
Đây là điều tôi hoàn toàn chắc chắn, câu trả lời không phải là đổ lỗi cho một số nhóm “tội nhân” về những bi kịch như vậy. Sau mỗi thảm kịch tàn khốc, sẽ không thiếu những nhà lãnh đạo Tin Lành bảo thủ đưa ra những tuyên bố ngụ ý rằng những sự kiện này là hậu quả do sự trừng phạt của Thiên Chúa – điền vào chỗ trống. Tôi đã thấy những lời đổ lỗi được gán cho những người đồng tính: Mỹ chấp nhận người đồng tính, Mỹ hợp pháp hóa việc phá thai, Mỹ phản đối Donald Trump, việc Chúa “bị loại khỏi trường học,”… danh sách này vẫn tiếp tục kéo dài. Những người theo Kitô giáo cực hữu không bao giờ để một thảm kịch bị lãng phí. Họ nhanh chóng chớp lấy mọi cơ hội để chính trị hóa bi kịch bằng cách giải thích sai lệch về một vị Thiên Chúa thịnh nộ.
Tôi không thể nghĩ ra điều gì mau chóng khiến người ta rời xa sứ điệp của Đức Kitô hơn những kiểu tấn công cơ hội, phản động, giả danh Kitô giáo như vậy. Mỗi lần thấy chúng xảy ra, lòng tôi thắt lại. Điều đó hoàn toàn đáng xấu hổ!
Những người có đức tin hợp lý có thể đồng ý rằng việc chỉ tay vào các nhóm người và đổ lỗi cho họ về những bi kịch nào đó đều phản tác dụng, nếu không muốn nói là xấu xa thuần túy, nhưng câu trả lời là gì? Thiên Chúa của chúng ta ở đâu khi bi kịch khủng khiếp xảy ra tưởng chừng như bất công? Tại sao Thiên Chúa yêu thương lại có thể cho phép nỗi kinh hoàng như vậy xảy ra và để cho con người phải chịu đau khổ như vậy?
Hãy trở lại điểm trước đó mà tôi đã bắt đầu thực hiện. Tôi thực sự không nghĩ rằng chúng ta có thể biết được câu trả lời cho những câu hỏi này. Tôi đi đến kết luận này dưới chân Thánh Giá.
Kitô hữu chúng ta Kitô hữu hiểu đầy đủ khái niệm về bản chất Ba Ngôi của Thiên Chúa. Chúng ta hiểu điều đó ở một mức độ bề ngoài nào đó mà thôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng Tam Vị Nhất Thể – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – nhưng dường như chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết được. Chẳng hạn, chúng ta thường không nhận ra bản chất con người trọn vẹn của Chúa Giêsu. Thật khó để hiểu rằng Chúa Giêsu hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là Con Người – chính phần con người hoàn toàn đó lại rất quan trọng khi chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Tại đó, chúng ta bắt đầu thấy rằng chính Chúa Giêsu, trong lúc đau khổ không thể tưởng tượng được và nói thẳng ra là hoàn toàn không chính đáng, đã làm những gì chúng ta sẽ làm trong hoàn cảnh đau khổ… Ngài thắc mắc Thiên Chúa ở đâu và tại sao lại cho phép điều này xảy ra.
“Eloi Eloi lama sabachthani.” (Mc 15:34) Đó là những lời Chúa Giêsu đã kêu lên trong giây phút cuối cùng của cuộc đời Ngài trên Thánh Giá, được dịch ra là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”
Chúa Giêsu Kitô hoàn toàn là con người và cũng hoàn toàn là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa có kế hoạch đặt Đức Giêsu Kitô trên Thánh Giá để mang gánh nặng tội lỗi của chúng ta – trong giây phút đau khổ tột cùng và đau buồn, Ngài kêu lên trong sự tuyệt vọng và thắc mắc tột độ. Thiên Chúa ở đâu? Làm thế nào bạn và tôi có thể tìm ra câu trả lời khi những câu hỏi đó nảy sinh trong thời đại chúng ta?
Theo tôi, câu trả lời là chúng ta sẽ không tìm được điều đó và tôi không tin rằng chúng ta có ý định làm vậy.
Khi đó, điều duy nhất cần làm là tìm kiếm sự an ủi trên Thánh Giá – cố gắng hiểu rằng chính Đức Kitô đã phải chịu nỗi đau không thể tưởng tượng được và Ngài đã làm như vậy thay cho chúng ta. Là Con Người, Đức Kitô đã phải chịu đựng sự bối rối và thống khổ giống như bất kỳ ai trong chúng ta – điều đó không công bằng, Ngài không thích điều đó và Ngài đặt câu hỏi về điều đó. Và Thiên Chúa Cha cũng đau khổ như bất kỳ bậc cha mẹ nào khi chứng kiến đứa con yêu dấu của mình phải chịu đau khổ một cách bất công như vậy.
Khi bi kịch xảy ra, và nó sẽ xảy ra, hãy cố gắng nhìn lên Thánh Giá và hiểu rằng THIÊN CHÚA KHÔNG BỎ RƠI CHÚNG TA TRONG BI KỊCH, NGÀI ĐANG CÙNG CHỊU ĐAU KHỔ VỚI CHÚNG TA.
SHANE PHIPPS
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ patheos.com)
Chuẩn bị Tuần Thánh – 2024
Mầu Nhiệm Thập Giá – https://youtu.be/oXhiEd1PmhY
Nguyệt Thực – https://youtu.be/Y8d5syrMTcU