Đức Mẹ Khoác Vầng Dương, Đạp Vầng Nguyệt
Phàm Nhân Mang Tội Lỗi, Vương Dối Gian
Tháng Tám có trăng rằm là trăng tròn nhất và sáng nhất trong năm, khi thiên nhiên ở giữa mùa Thu, cũng đồng nghĩa là giữa năm – âm lịch gọi là Rằm Trung Thu. Vầng trăng rằm thiên nhiên gợi nhớ Đức Maria, Vầng Trăng Thánh của Thiên Chúa, và có điều thật thú vị là lễ Đức Mẹ Lên Trời cũng vào ngày rằm – rằm tháng Tám dương lịch. Trăng luôn có gì đó kỳ lạ, và Mẹ luôn có điều kỳ diệu – dù chỉ là người mẹ trần gian cũng vậy.
Lên trời là niềm hy vọng lớn nhất và là hoài bão cuối cùng của những người tin vào Đức Giêsu Kitô, nói cho sát nghĩa phải nói là “về trời.” Thế gian chỉ là nơi tạm trú, Trời (Thiên Đàng) mới là nơi vĩnh cư. Động từ “về” chỉ hành động “tới nơi mình ở,” người ta nói “về nhà” chứ không nói về nơi không là chỗ của mình. Về trời là để sống đời trường sinh và đồng hưởng thiên phúc với Thiên Chúa, sau khi chúng ta chết trong ơn nghĩa của Chúa và được Ngài cho sống lại.
Là thụ tạo, là phàm nhân, thậm chí còn tồi tệ là tội nhân, thế mà được Thiên Chúa xót thương và hứa ban Nước Trời vĩnh sinh – nếu sống ngay lành, công chính. Quả thật là đại phúc.
Là một thụ tạo đặc tuyển của Thiên Chúa, Đức Mẹ vô nhiễm cả Nguyên Tội và tội lỗi, đặc biệt được Thiên Chúa cho về trời cả hồn xác mà không phải đi qua ngưỡng cái chết, thế nên gọi là “mông triệu.” Theo Hán ngữ, chữ “mông triệu” được rút gọn từ câu “mông chủ sủng triệu” (mông chủ nghĩa là “chúa”), những từ ngữ thường được nghe trong các phim lịch sử của Trung Hoa. “Mông” là “chịu” hoặc “được,” “triệu” là “gọi” (triệu tập, hiệu triệu). “Mông triệu” có nghĩa là “được sủng ái” (yêu mến) nên được Chủ (Chúa) gọi về trời, Anh ngữ dùng thuật ngữ “dormition” nghĩa là “ngủ” – tức là “chết mà như ngủ.”
Thuật ngữ “dormition” rất khó dịch sang Việt ngữ, xin tạm dịch là “nhiệm tử” – “chết” một cách mầu nhiệm.
Thánh Mẫu Vinh Quang Lên Cao Đỉnh Phúc
Phàm Nhân Ước Vọng Được Đến Miền Sinh
TRẦM THIÊN THU