Home / Hạnh Tích Các Thánh / Nhận xét tổng quát về Thánh Giuse trong Kinh Thánh

Nhận xét tổng quát về Thánh Giuse trong Kinh Thánh

Nhập đề

 Có nhiều cách thức trình bày chân dung của thánh Giuse, cũng tương tự như có nhiều cách thức trình bày đức Maria. Những cuốn sách soạn để suy gẫm trong tháng ba dương lịch thường đề cao các nhân đức và phép lạ của thánh cả. Không thiếu tác phẩm được biên soạn dưới hình thức tiểu thuyết nhằm dựng lại cuộc đời gian truân của dưỡng phụ Chúa Giêsu. Về phía thần học, người ta chú trọng đến tương quan giữa thánh Giuse với Đức Mẹ (hôn nhân và khiết tịnh) hoặc so sánh đặc ân (vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời).

 Công đồng Vaticanô II đã mở ra một hướng đi mới trong thần học về đức Maria. Một đàng, thần học cần dựa trên các dữ kiện của mặc khải (Thánh Kinh và Thánh Truyền), chứ không thả hồn theo các giả thuyết; đàng khác, cần hướng đến vai trò của đức Maria trong mầu nhiệm của đức Kitô và của Hội thánh. Chương VIII của hiến chế tín lý về Hội thánh đã được soạn theo chiều hướng đó. Từ sau công đồng, khoa Thánh-mẫu-học đã tiến triển rất nhiều, cách riêng do sự thúc đẩy của đức Gioan Phaolô II. Tiếc rằng những sách viết về thánh Giuse theo phương pháp thần học vừa nói vẫn còn ít.

 Trong loạt bài này chúng tôi ước mong bổ túc phần nào sự thiếu sót đó, bằng cách trình bày vai trò của thánh Giuse trong mầu nhiệm của đức Kitô và của Hội thánh, dựa theo tông huấn Redemptoris Custos của đức thánh cha Gioan Phaolô II (ban hành ngày 15/8/1989). Hướng đi này giả thiết hai điều:

 1/ cần chú ý đến các dữ kiện của mặc khải, chứ không phải là các ngụy thư hay các mặc khải tư;

 2/ cần nêu bật vai trò của thánh Giuse trong chương trình cứu độ: ơn gọi của Người là phục vụ Chúa Cứu thế, và vì thế trở nên mẫu gương cho Hội thánh trải qua mọi thời đại tiếp tục sứ mạng thông truyền hồng ân cứu độ.

  1. THÁNH GIUSE TRONG KINH THÁNH

 Khi trình bày một nhân vật nào, người ta thường bắt đầu với một đoạn nói về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp. Chúng ta biết gì về tiểu sử thánh Giuse?

 Xin trả lời là các nguồn sử liệu về thánh Giuse rất hiếm. Thật ra điều này không có gì lạ, bởi vì vào thế kỷ thứ nhất của Kitô giáo các nguồn sử liệu không được phong phú. Ngay cả khi muốn viết cuộc đời Chúa Giêsu, các sử gia cũng thấy lúng túng khi muốn thu thập dữ liệu liên quan đến giai đoạn ẩn dật của Người, bởi vì các sách Tân ước không cung cấp nhiều chi tiết. Sự khó khăn này càng gia tăng khi bước sang cuộc đời của các môn đệ của Chúa.

 Riêng đối với thánh Giuse, những tài liệu lịch sử chắc chắn là các sách Tin mừng, đặc biệt là những chương đầu của Tin mừng thánh Matthêu và thánh Luca. Dù sao, khi so sánh với những tài liệu về đức Maria, chúng ta nhận thấy rằng đức Maria còn hiện diện trong giai đoạn hoạt động công khai của Chúa Giêsu, và thậm chí sau khi Chúa Phục sinh và Lên trời; còn thánh Giuse thì không được nhắc tới nữa sau khi tìm lại Chúa Giêsu trong đền thờ lúc lên 12 tuổi.

 Để bù đắp vào những lỗ hổng đó, trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều Tin mừng ngụy thư ra đời, nhằm mô tả chi tiết về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu, hoặc về gốc tích và việc tạ thế của Đức Mẹ và thánh Giuse. Trước đây, các tài liệu này được sử dụng khá nhiều trong các bài giảng hoặc lưu truyền dân gian. Nhưng ngày nay, giá trị của chúng đã bị xét lại từ hai khía cạnh: lịch sử và thần học. Xét về khía cạnh lịch sử, các tài liệu đó phát sinh do óc tưởng tượng hơn là dựa theo dữ kiện khách quan. Xét về khía cạnh thần học, các tài liệu ấy ra đời do một quan niệm thiếu sót về chủ đích của các sách Tin mừng. Thật vậy, các sách Tin mừng không có ý định viết một tiểu sử về cuộc đời Chúa Giêsu cho bằng? loan báo Tin mừng?, nghĩa là công bố cho nhân loại biết hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa ban qua lời giảng, hành động và cuộc tử nạn của đức Giêsu. Vì thế nếu ai muốn truy tầm nơi các sách Tin mừng những tài liệu để viết tiểu sử đức Giêsu thì sẽ thất vọng; tuy nhiên, nếu ai muốn tìm hiểu sứ điệp cứu độ thì sẽ thấy đủ chất liệu.

 Chúng ta cũng có thể nhận xét cách tương tự về thánh Giuse. Tân ước không cung cấp các chi tiết về tiểu sử của Người (ngày và nơi sinh; ngày và nơi qua đời); tuy nhiên những đoạn văn Tin mừng đã phác hoạ vai trò của Người trong việc hoàn tất chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi đức Giêsu Kitô.

 Trong bài này, chúng ta sẽ điểm qua những bản văn Tân ước nói đến thánh Giuse, đặc biệt nơi Tin mừng của thánh Matthêu và thánh Luca, và cố gắng khám phá ý nghĩa thần học của chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ khảo sát những đoạn văn Cựu ước đã được Hội thánh tiên khởi áp dụng cho sứ mạng của thánh Giuse.

 Mục 1. Tin mừng thánh Matthêu

  1. Tổng quát

 Trong bốn sách Tin mừng, thánh Matthêu nói nhiều hơn hết về thánh Giuse: trong hai chương đầu, thánh Giuse giữ vị trí then chốt, và phần nào hoạ laị vai trò của tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Ngoài ra, đức Giêsu được gọi là ”con bác thợ mộc” ở Mt 13, 55.

 Thánh Luca cũng nhắc đến thánh Giuse trong hai chương đầu, tuy nhấn mạnh nhiều hơn đến đức Maria. Dù sao, thánh Luca bổ túc thêm cho thánh Matthêu nhiều chi tiết để hiểu rõ hơn vai trò của thánh Giuse trong mầu nhiệm Nhập thể và Giáng sinh của Chúa Giêsu. Thánh Giuse còn được nhắc đến hai lần nữa trong Tin mừng Luca vào lúc khai mạc sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (Lc 3, 23 và 4, 22).

  Thánh Giuse được nói đến hai lần trong Tin mừng thánh Gioan (1, 45; 6, 42), nhưng hoàn toàn vắng bóng trong Tin mừng thánh Marcô.

 Trước hết, chúng ta bắt đầu khảo sát Tin mừng thánh Matthêu, đặc biệt là hai chương đầu tiên, quen được đặt tên là “Tin mừng thời niên thiếu” (hoặc ”Tin mừng thơ ấu”), tuy rằng thuật ngữ này không được chính xác lắm.

 Thật vậy, chủ đích của hai chương đầu của Tin mừng thánh Matthêu (48 câu) và Luca (132 câu) không hẳn là thuật lại gia thế của Chúa Giêsu và tuổi thơ ấu của Người (giai đoạn ẩn dật trước khi hoạt động công khai). Ngoài việc kể lại sự thụ thai trinh khiết trong cung lòng đức Maria và sự giáng sinh tại Bêlem, hai thánh sử không nói gì thêm về những sinh hoạt thời thơ ấu của Chúa Giêsu (đừng kể việc thánh gia lánh nạn sang Ai cập và việc ở lại trong đền thờ lúc lên 12 tuổi). Thử hỏi các thánh sử có chủ đích gì? Tại sao phải thêm hai chương này, trong khi thánh Marcô và thánh Gioan bắt đầu Tin mừng với cuộc đời công khai của đức Giêsu? Các học giả đã đưa ra nhiều ý kiến, có thể thu vào hai quan điểm.

 1/ Quan điểm thứ nhất cho rằng đây là một thể văn đương thời giới thiệu các vĩ nhân với những điềm lạ xuất hiện trước khi chào đời, tựa như Abraham, Môsê, Isaac, Samuel. Khuynh hướng này còn tăng hơn nữa nơi các ”Tin mừng nguỵ thư”. Tuy nhiên, chủ ý của người viết không chỉ là đề cao thân thế của nhân vật anh hùng, nhưng còn muốn chúc tụng Thiên Chúa đã đoái thương dân tộc ưu tuyển và đã phái đến những vị cứu tinh.

 2/ Quan điểm thứ hai cho rằng hai chương này là một thứ nhập đề cho toàn thể cuốn Tin mừng. Tin mừng cứu độ của đức Kitô được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua nhưng đã được phác hoạ ngay từ khi Người ra đời. Nói khác đi, đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại ngay từ cuộc Nhập thể, tuy hồng ân này đạt đến cao điểm nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh. Nơi thánh Matthêu, cốt yếu Tin mừng có thể tóm lại như thế này: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc muôn dân, là Đấng Mêsia được hứa cho dân tộc Israel. Thế nhưng Người đã bị dân tộc này khước từ (vua Hêrôđê tìm cách thủ tiêu Người; cũng như về sau này các nhà lãnh đạo Do thái sẽ lên án xử tử Người, Mt 27, 1-2), đang khi đó Tin mừng lại được dân ngoại đón nhận (các nhà chiêm tinh ở đây, cũng tựa như các dân tộc bên Đông bên Tây sẽ đến tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, Mt 8, 11; 28, 19).

 Thiết tưởng hai quan điểm không trái nghịch nhau, bởi vì cả hai đều nhấn mạnh rằng không nên đọc ”Tin mừng thơ ấu” như là đọc chuyện thần thoại, nhưng cần phải khám phá ý nghĩa sâu xa của các trình thuật. Khuynh hướng thứ nhất cố gắng tìm hiểu ý nghĩa qua việc khảo sát thể văn, đối chiếu với các tác phẩm văn chương cổ điển. Khuynh hướng thứ hai chú trọng đến nội dung thần học, gắn liền với toàn bộ Tin mừng. Theo nhãn giới này,? Tin mừng niên thiếu? cũng có những nét giống với tự ngôn của Tin mừng theo thánh Gioan, nói về nguồn gốc của đức Giêsu trước thời kỳ hoạt động công khai, nguồn gốc bắt đầu từ khởi nguyên (Ga 1, 1). Chúng tôi sẽ áp dụng đường hướng này khi tìm hiểu các bản văn.

 Xét về cấu trúc hai chương đầu theo Tin Mừng thánh Matthêu, đã có nhiều đề nghị phân đoạn.

 1/ Một ý kiến cho rằng toàn bộ sách Tin mừng theo thánh Matthêu được phân thành 5 quyển sách tương tự như bộ Ngũ thư của ông Môsê. Cụ thể là các lời giảng của đức Giêsu được gom thành 5 bài giảng về Nước Trời:

    a) bài giảng trên núi công bố hiến chương Nước Trời, ở các chương 5-7;

    b) bài giảng về sứ vụ rao giảng Nước Trời, chương 10;

    c) bài giảng về các dụ ngôn giải thích bản chất Nước Trời, chương 13;

    d) bài giảng về kỷ luật nội bộ Hội thánh, mầm mống của Nước Trời, chương 18;

    e) bài giảng về sự thiết lập vĩnh viễn Nước Thiên Chúa vào thời cánh chung, chương 24-25.

 Hai chương đầu tiên xem ra đã gói ghém ý tưởng đó, với việc trưng dẫn 5 câu Kinh thánh để kết thúc 5 đoạn văn:

 Nhập đề: Gia phả (1, 1-17)

    a) Isaia 7, 14: Ơn gọi của Giuse (1, 18-25)

    b) Mikha 5, 2: Vua Hêrôđê, các nhà chiêm tinh, Bêlem (2, 1-12).

    c) Hôsê 11, 1: Trốn sang Ai-cập (2, 13-15)

    d) Giêrêmia 31, 15: Tàn sát các anh hài (2, 16-18)

    e) Isaia 4,3 (Tl 13, 5?): Từ Ai cập trở về Nazareth (2, 19- 23).

 Dĩ nhiên các học giả còn đưa ra nhiều giả thuyết khác về cấu trúc của hai chương này, chẳng hạn:

 2/ Dựa theo các giấc mơ của thánh Giuse dẫn tới hành động.

 Trong Tân ước, chỉ có Tin mừng Matthêu đề cập đến giấc mơ như là một phương tiện mặc khải ý Chúa. Thánh sử ghi nhận 6 trường hợp được ghi nhận, trong đó 5 trường hợp nằm ở hai chương đầu, và cách riêng 4 trường hợp được dành cho ông Giuse (lấy bà Maria làm vợ; đưa thánh gia sang Ai-cập; trở về quê hương; định cư ở Nazareth. Trường hợp thứ năm dành cho các nhà chiêm tinh (2, 12). Ba lần báo mộng cho ông Giuse được thuật lại theo một mô hình đồng nhất:

    a) nhập đề: mô tả hoàn cảnh

    b) công thức: ”này kìa sứ thần Chúa hiện đến báo  mộng cho ông rằng”

    c) sứ điệp: thiên sứ trao cho ông một công tác ”hãy đem” (hãy mang)

    d) tuân hành: ông Giuse tuân hành

    e) trích dẫn Kinh thánh: để ứng nghiệm lời Chúa về một danh hiệu của đức Giêsu: Emmanuel, Con (Thiên Chúa), người Nazareth.

 3/ Dựa theo bốn câu hỏi xoay quanh căn cước của đức Giêsu:

    a) Ai (Quis)? Đức Giêsu Kitô (Mêsia), con vua Đavit, con của cụ Abraham, sinh bởi một phụ nữ (1, 1-17).

    b) Bằng cách nào (Quomodo)? Con Thiên Chúa đã trở nên con vua Đavit do ông Giuse thuộc dòng dõi Đavit chấp nhận hài nhi được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần (1, 18-25).

    c) Ở đâu (Ubi)? Bêlem, thành phố Đavit, nhưng được các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đến bái yết (2, 1-12).

    d) Từ đâu (Unde)? Từ Bêlem của người Do thái, đi lánh nạn sang Ai-cập giống như ông Môsê, về miền Galilê của dân ngoại, định cư tại Nazareth.

 4/ Dựa theo những cuộc di chuyển địa lý: Bêlem, Ai-cập, Nazareth.

    a) chương 1 diễn ra tại Bêlem, thành phố vua Đavit

    b) chương 2, tường thuật việc di chuyển từ Bêlem sang vùng đất dân ngoại (Ai cập), để rồi kết thúc với việc hồi hương về Israel và định cư tại Nazareth.

 Những cuộc di chuyển này không phải là do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong toàn bộ lịch sử cứu độ: ”ngõ hầu lời ngôn sứ được nên trọn?: đức Giêsu sinh tại Bêlem như là Mêsia lãnh tụ Israel dõng dõi vua Đavit (2, 6); sang Ai cập và ra khỏi đó như là con Thiên Chúa (2, 15); về Nazareth, trở thành biệt hiệu ”Giêsu Nazareth” (2, 23).

(Bài 2 lần tới: khảo sát các bản văn Kinh Thánh về thánh Giuse)

Phan Tấn Thành, OP

Nguồn: Vietnamese Vatican Radio

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …