Home / Chia Sẻ / NHÀN RỖI NỘI TÂM

NHÀN RỖI NỘI TÂM

“Chủ sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết!”.INNER LEISURE

Đức Cha Fulton Sheen thường trích dẫn, “Trong đời sống tâm linh, không có bình nguyên hay cao nguyên; đơn giản, ở đó, chỉ toàn dốc! Bạn đang lên dốc hoặc xuống dốc; ở đó, không có thời gian cho sự ‘nhàn rỗi nội tâm!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi chúng ta gặp lại ý trưởng của Đức Cha Fulton Sheen qua Lời Chúa hôm nay. Chúa Giêsu không chỉ nói đến mối ‘bận tâm’ của một người quản lý là trung thành và cẩn trọng, nghĩa là không chỉ tránh một lối sống ‘văn hoá nhàn rỗi’, nhưng còn nói đến một tình trạng tác hại nghiêm trọng hơn mà người quản lý phải tuyệt đối tránh, một sự ‘nhàn rỗi nội tâm!’.

“Chủ sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết!”. Thiên Chúa, Đấng còn có một cái tên khác, ‘Thường Xuyên Vắng Mặt’, cũng là Đấng thường đến vào những lúc con người ít mong đợi nhất. Vì thế, để có thể gặp Ngài, sống với Ngài, chúng ta phải tập sống nhiệm hiệp hay cầu nguyện. Cầu nguyện là sự chờ đợi của linh hồn. Thánh Augustinô từng nói, “Tôi sợ Chúa đi qua và tôi không nhận ra”. Như thế, ngủ hay thức không quan trọng; quan trọng là sống với Chúa thường xuyên; nói cách khác, không bao giờ sống trong trạng thái ‘nhàn rỗi nội tâm’. Một người ‘nhàn rỗi nội tâm’ sẽ không nhận ra Chúa đang đi qua; người ấy sống như thể không có Chúa vốn là Chủ; hoặc họ nghĩ, mình là chủ. Đang khi kế hoạch của Chúa thì khá đơn giản; Ngài chỉ cần các chúng ta trung thành và cẩn trọng! Trung thành, bạn và tôi ý thức mình là tôi tớ, không tìm cách áp đặt tầm nhìn hay ước muốn của mình lên ý muốn của Chủ; và nhất là làm sao ý chí của chúng ta đạt đến mức đồng hoá với ý muốn của Chủ. Cẩn trọng, chúng ta biết cách điều chỉnh lối nhìn và thích ứng nó với vô số hoàn cảnh. Tắt một lời, tìm cách áp dụng cho mình phương châm, “Chúa Giêsu sẽ làm gì” trong hoàn cảnh của tôi?

Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô ví mình như một tôi tớ, “Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng, do ân huệ Thiên Chúa đã ban”. Gọi việc “phục vụ Tin Mừng” là “ân huệ Thiên Chúa ban”, Phaolô ý thức hồng ân được gọi. Vì thế, sẽ thật ngơ khờ khi chối từ bất cứ một trách nhiệm nào mà Chủ đã tin tưởng trao ban. Thiếu trách nhiệm, một tôi tớ sẽ nảy sinh ham muốn và lạm quyền; sự “trì hoãn” của Chủ, bấy giờ, mang lại cho anh ta một cảm giác an toàn giả tạo. Nếu không có sự quan sát của Chủ, niềm kiêu hãnh của anh sẽ mất kiểm soát. Tuy nhiên, Chủ nhất định phải trở lại, và cuối cùng, người ấy phải nếm trải quả đắng từ sự kiêu ngạo của mình. Thiên Chúa mời gọi chúng ta nhận thức rõ hơn về sự hiện diện thường xuyên của Ngài. Sự vắng mặt và chậm trễ của Chúa là điều đương nhiên, nhưng Ngài vẫn hiện diện đầy tràn cho những ai sống trung thực và có trách nhiệm. Ân sủng Ngài luôn dẫy đầy cho những ai sống nhiệm hiệp; bấy giờ, “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ”, Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm! Bởi lẽ, không bao giờ họ có cho mình những khoảnh khắc ‘nhàn rỗi nội tâm’.

Anh Chị em,

“Chủ sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết!”. Chúa Giêsu là kiểu mẫu tỉnh thức tuyệt vời; Ngài từng nói, “Của ăn của Tôi là làm theo ý Đấng đã sai Tôi”. Tìm và làm theo ý Cha là một tình trạng thường xuyên nơi Chúa Giêsu; nơi Ngài, không bao giờ có sự ‘nhàn rỗi nội tâm’, mặc dầu điều đó không loại trừ Ngài có những giây phút nghỉ ngơi, vui đùa với các trẻ nhỏ hay với các môn đệ. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ không là những quản lý tồi, “say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái”; nhưng là những quản lý chăm sóc tốt những ai được giao cho mình. Tuy nhiên, đôi khi trách nhiệm có vẻ nặng hơn là những gì chúng ta mong đợi. Đang khi người quản lý tồi tận hưởng những đam mê, thì người quản lý tốt có nguy cơ mệt mỏi và thiếu kiên nhẫn. Đừng sợ! “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ bổ sức cho!”. Hãy để Ngài bổ sức; từ đó, học cách gạt bỏ những phiền toái nhỏ nhặt sang một bên; thay vào đó, trung thành chăm sóc những ai Chúa trao trong sức mạnh và ân sủng mà Ngài sẵn sàng đổ xuống.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xuống dốc thì dễ chịu hơn lên dốc; xin đỡ nâng con. Cho con xác tín rằng, ‘nhàn rỗi nội tâm’ của con chắc chắn có và chỉ có, vào một ngày kia, khi con ở với Chúa trên trời!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …