Kinh thánh có nhiều chuyện để bàn luân, phân tích và suy tư. Đặc biệt là những chuyện và những dụ ngôn được sử dụng trong Mùa Chay. Càng đọc càng bị thu hút, càng thấy thú vị, càng thấy chí lý. Vui có, buồn có; nhẹ có, mạnh có; êm có, đau có. Cảm xúc biến đổi liên tục. Nhưng phải can đảm mới dám đọc tiếp. Kinh thánh hầu như có đủ mọi chuyện xảy ra trong đời thường. Đúng là Lời Chúa ứng nghiệm!
Chúng ta thường nghe nói “luật nhân quả”. Người ta cũng có ý tương tự khi nhắc tới câu “ác giả, ác báo”. Tuy nhiên, ngày nay người ta ít nhắc tới câu này, có lẽ người ta ít biết hoặc ít quan tâm vì đó là câu Hán-Việt, “khó hiểu” hơn quốc ngữ. Cả hai cách nói đều ám chỉ cái xấu, ám chỉ những người sống độc ác, làm điều xấu, thì rồi sẽ bị quả báo. Hoặc người ta cũng nói: “Trời có mắt”. Tất nhiên cũng có “nhân quả tốt” hoặc “nhân quả xấu”.
NHÂN là nguyên nhân, QUẢ là kết quả hoặc hậu quả. Nhân là cái mầm; Quả là cái hạt, cái trái do mầm ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động, Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có. Nếu không có Nhân thì không có Quả; nếu không có Quả thì không có Nhân.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý là luật nhân quả cũng có trường hợp đúng và sai, không thể tuyệt đối, có chăng là xảy ra nhiều mà thôi.
“Ác giả ác báo” là nói gọn câu “ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”. Đó là câu phương ngôn mang tính nhân quả của người Trung Hoa. Nghĩa là khi mình làm điều ác cho người khác – dù bằng hành động, lời nói, nguyền rủa,… thì chính mình sẽ nhận lại những điều tương tự. Trái lại, nếu mình làm cho người khác những điều tốt đẹp, ý ngay lành, thiện tâm,… thì mình cũng nhận được những điều tốt lành vọng lại. Kiểu như vũ khí boomerang của thổ dân Úc vậy (ném nó đi rồi nó lại quay về mình).
Chúng ta cũng nghe nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (*), nghĩa là: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Câu này phổ biến đến nỗi người ta cho là tục ngữ, nhưng thực ra đó là câu trả lời của Đức Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) khi được Tử Cống hỏi về cách sống suốt đời. Khổng (Phu) Tử là một danh nhân đức hạnh, được người Trung Hoa tôn là “Vạn đức Sư biểu”, tức là “người thầy của muôn đời”.
Trình thuật St 37:3-36 kể chuyện “thằng tướng chiêm bao” Giuse bị các anh bán làm nô lệ ở Ai-cập ngày xưa.
Ông Ít-ra-en yêu Giuse hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu, và ông may cho cậu một áo chùng dài tay. Các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh thì sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu.
Giuse chiêm bao, cậu thuật lại cho các anh, khiến họ càng ghét cậu thêm. Cậu nói với họ: “Xin nghe em kể giấc chiêm bao của em. Em thấy chúng ta đang bó những bó lúa ở giữa đồng thì bó lúa của em vươn dậy, đứng thẳng lên, còn những bó lúa của các anh bao quanh và sụp xuống lạy bó lúa của em”. Các anh bảo cậu: “Mày muốn làm vua làm chúa thống trị chúng tao sao?”.
Tự ái của các anh nổi dậy vì lời nói của thằng em nghe “ngứa tai” hết sức, nó lại còn dám coi thường các anh mà bảo các anh phải sụp lạy nó. Thế nên họ càng ghét cậu thêm vì những chiêm bao và những lời nói của cậu. Một lần khác, cậu lại chiêm bao và kể cho các anh. Người thật thà thì chẳng giấu giếm chi, hoàn toàn chân thành. Nhưng những người xấu lại “chạm tự ái”. Giuse hồn nhiên nói: “Em lại chiêm bao. Em thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đang sụp xuống lạy em”. Lại “chảnh” nữa, đúng là “thằng chiêm bao” mà, mơ gì mà mơ lắm thế không biết nữat! Cậu kể lại cho cha và các anh, chính người cha cũng không tin, ông mắng cậu và nói: “Giấc chiêm bao mày đã thấy là gì? Tao, mẹ mày và các anh mày lại phải đến sụp xuống đất lạy mày sao?”. Các anh ghen với cậu, còn cha cậu thì ghi nhớ điều ấy.
Các anh cậu đã đi chăn chiên dê của cha họ ở Si-khem. Ông Ít-ra-en bảo Giuse: “Các anh con đang chăn chiên dê ở Si-khem phải không? Lại đây, cha sai con đến với các anh”. Cậu thưa: “Dạ, con đây!”. Ông bảo cậu: “Con hãy đi xem các anh con có được yên lành không, xem chiên dê có được yên lành không, rồi đem tin về cho cha”. Rồi ông sai cậu đi từ thung lũng Khép-rôn, và cậu đến Si-khem.
Giuse đi tìm và gặp các anh ở Đô-than. Vừa thấy cậu từ xa, họ lập mưu giết chết cậu. Họ bảo nhau: “Thằng tướng chiêm bao đang đến kia! Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng. Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó. Rồi ta sẽ thấy các chiêm bao của nó đi tới đâu!”. Tình huynh nghĩa đệ, máu mủ ruột rà chẳng là cái quái gì cả. Lòng ghen tương và đố kỵ đã che mắt những người anh. Huynh đệ tương tàn. Làm lớn mà làm láo!
Nghe thấy thế, Rưu-vên tìm cách cứu em nên nói: “Ta đừng đụng tới mạng sống nó. Đừng đổ máu! Cứ ném nó xuống cái giếng kia trong sa mạc, nhưng đừng giơ tay hại nó”. Cậu có ý cứu em khỏi tay họ và đưa về cho cha. Người anh này còn lương tâm và còn tình thương dành cho đứa em út. Nhưng một mình anh ta không làm được gì! Khi Giuse đến chỗ các anh, họ lột áo chùng của cậu, chiếc áo chùng dài tay cậu đang mặc. Họ túm lấy cậu và ném xuống cái giếng, may là giếng đó cạn, không có nước. Rồi họ ung dung ngồi xuống dùng bữa với nhau. Khốn nạn thật!
Giu-đa nói với các anh em: “Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi gì? Thôi, ta hãy bán nó cho người Ít-ma-ên, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là em ta, là ruột thịt của ta”. Cũng còn chút lương tâm đấy. Và thế là Giuse bị bán cho bọn lái buôn người Ít-ma-ên với giá hai mươi đồng bạc. Những người này đưa Giuse sang Ai-cập. Khi Rưu-vên trở lại giếng thì thấy Giuse không còn ở dưới giếng nữa. Cậu liền xé áo mình ra. Cậu đến nói với các em: “Thằng bé không còn nữa! Còn tôi, tôi biết đi đâu bây giờ!”.
Mấy thằng anh “trời đánh” lấy áo chùng của Giuse, giết một con dê đực, rồi nhúng áo chùng vào máu. Họ gửi người mang cái áo chùng dài tay về cho cha họ và nói: “Chúng con đã thấy cái này. Xin cha nhận ra xem có phải là áo của con cha hay không”. Mấy thằng anh nham hiểm lừa cả người cha già. Ông nhận ra cái áo và kêu lên: “Áo chùng của con tôi đây! Thú dữ đã ăn thịt nó! Giuse đã bị xé xác rồi!”. Ông Gia-cóp xé áo mình ra, quấn áo vải thô ngang lưng và để tang Giuse lâu ngày. Hay cái là “cha để tang con”, sao chúng ta không như vậy nhỉ?
Tất cả các con trai con gái ông đến an ủi ông, nhưng ông không chịu cho người ta an ủi. Ông nói: “Cha sẽ để tang mà xuống với con cha ở âm phủ”. Và cha cậu khóc thương cậu. Ông không biết rằng con trai út của ông bị bán cho ông Pô-ti-pha là thái giám của Pha-ra-ô và là chỉ huy thị vệ.
Giuse sống đẹp lòng chủ nên được làm quản gia và cai quản mọi tài sản của chủ. Từ đó, chủ nhà được chúc phúc nhờ Giuse, phúc lành của Chúa đổ xuống chan hòa. Chủ nhà phó mặc tất cả trong tay Giuse, có Giuse thì ông an tâm lắm, không còn lo gì cả, chỉ biết đến bữa là ăn. Độc đáo là “Giuse lại có duyên và đẹp trai” (St 39:6). Thế mới “chết thiên hạ” chứ!
Vì “trời làm đói kém”, các con của ông Gia-cóp phải tìm nguồn cứu trợ, không ngờ gặp lại Giuse bây giờ đang quyền cao chức trọng. Họ “cúi rạp xuống đất, trước mặt Giuse” (St 44:14). Giấc mơ của Giuse đã ứng nghiệm. Giờ họ mới phải công nhận “thằng chiêm bao” mơ đúng. Điều đáng nói là Giuse không xấu bụng, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện cũ. Cuối cùng, cả gia đình lại đoàn tụ như xưa.
Chuyện đời Giuse cũng được Tv 105:16-21 đề cập: “Chúa cho nạn đói hoành hành khắp xứ, làm cạn nguồn lương thực nuôi dân. Chúa đã phái một người đi trước họ là Giuse, kẻ bị bán làm tôi. Chân ông phải mang xiềng khổ sở, cổ đeo gông nặng nề, cho đến ngày ứng nghiệm điều ông tiên đoán và ông được lời Chúa giải oan. Nhà vua, vị thủ lãnh các dân thời đó, truyền tháo cởi gông xiềng và phóng thích ông, rồi đặt ông làm tể tướng triều đình, làm chủ mọi tài sản hoàng gia”.
Chuyện đời Giuse cũng đang xảy ra trong đời thường, cả ngoài xã hội và trong tôn giáo. Người ta ghét những người không giống mình, không theo phe mình, hoặc hơn mình về lĩnh vực nào đó (đạo đức hơn, tốt hơn, ngoan hơn, giỏi hơn, hay hơn, đẹp hơn, được yêu mến hơn,…). Con gà cũng tức nhau tiếng gáy kia mà! Người bị ghét còn bị đặt cho một “biệt danh” nào đó – như Giuse đã bị gọi là “thằng tướng chiêm bao”. Ai thực sự biết xấu hổ mà sửa mình theo tinh thần Mùa Chay?
Một lần nọ, Chúa Giêsu kể dụ ngôn nói về “Những Tá Điền Sát Nhân” (Mt 21:33-46; Mc 12:1-12; Lc 20:9-19).
Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con liền bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!”. Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.
Chúa Giêsu hỏi: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?”. Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”. Đức Giêsu bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”.
Chúa Giêsu nói thẳng: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt” (Mt 21:43-44). Nghe Chúa Giêsu kể “chuyện đời”, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Ngài nói về họ, thế nên họ cũng tự ái và tìm cách bắt Ngài, nhưng họ còn sợ dân chúng, vì dân chúng cho Ngài là một ngôn sứ (Mt 21:45-46). Nhưng họ vẫn giữ hận thù trong lòng, tìm mọi cách để có thể đưa Ngài “vào tròng”. Lòng nham hiểm kinh khiếp thật!
Có lẽ câu chuyện đời này khiến chúng ta tức giận những kẻ xấu. Thế nhưng chính mỗi chúng ta cũng đã và đang là những “diễn viên” trong tấn trò đời hoặc bộ phim “Những Tá Điền Sát Nhân” đấy. Chúng ta giết Chúa Giêsu khi chúng ta “giết” tha nhân qua các động thái: Ánh mắt, cử chỉ, thái độ, hành động,… Lạy Thiên Chúa của chúng con!
Chúng ta đã “quen” với dụ ngôn “Phú hộ và La-da-rô nghèo khổ” (Lc 16:19-31). Đó cũng là một dạng nhân quả hoặc một kiểu định mệnh đối với cả hai người: Nhân quả tốt hoặc xấu, và định mệnh tốt hoặc xấu.
Như đã nói ở trên rằng “luật nhân quả cũng có trường hợp đúng và sai”. Trong đời thường, chúng ta có thể kiểm chứng qua thực tế xã hội. Về tôn giáo, chúng ta cũng thấy có những “nhân quả tốt”. Trước hết là Thánh Phó Tế Stê-pha-nô, sống tốt lành chứ không làm điều ác, thế mà lại bị ném đá cho chết; Thánh Phó tế Lô-ren-sô, cũng chứ không làm điều ác, thế mà lại bị nướng chín như người ta quay heo vậy; rồi biết bao các thánh cũng là những người tốt lành nhưng lại bị đủ thứ oan trái, thậm chí là bị giết oan.
Đặc biệt nhất là Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Ngay cả những người vô thần cũng phải công nhận Ngài là người quá tốt lành. Từ cổ chí kim, chúng ta chưa thấy ai được như Ngài. Ấy thế mà Ngài lại bị giết chết oan nghiệt, không phải chết bình thường mà chết thê thảm, chết nhục nhã ê chề, chết không êm ái, thậm chí Ngài còn là người chết hai lần: Đã chết thật rồi còn bị tên lính “ngứa tay” thọc lưỡi giáo vào tim cho chắc cú (Ga 19:34), giọt nước và giọt máu cuối cùng cũng chảy ra hết trơn. Độc ác thế không biết!
Kinh thánh nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14:22). Đó cũng là “luật nhân quả” vậy! Luật nhân-quả-xấu là “ác giả, ác báo”, còn luật nhân-quả-tốt là “thiện giả, thiện lai”, như Thánh Phaolô xác định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8; 2 Tm 2:11).
Ước mong “luật nhân quả” dành cho mỗi chúng ta là “được làm chiên đứng bên phải khi Chúa Giêsu tuyên án chung thẩm”. Muốn vậy thì phải “xé tâm hồn” suốt đời, đặc biệt là trong Mùa Chay Thánh này!
TRẦM THIÊN THU
(*) Kỷ: mình, chính mình; Sở: việc đó, cái đó; Bất dục: không muốn; Vật: chẳng, không, đừng; Thi: làm, thi hành; Ư: ở tại; Nhân: người.