Home / Chia Sẻ / NHAM HIỂM

NHAM HIỂM

NHAM HIỂMLễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết, ngày 29-8, là lời nhắc nhở chúng ta về việc bảo vệ Chân Lý và Công Lý, đồng thời cũng nhắc nhở về việc cảnh giác với sự nham hiểm độc ác.

Người nham hiểm là người có lòng dạ thâm độc, mưu mô hại người. Loại người này đáng sợ vô cùng, họ có thể hại mình bất cứ lúc nào, dù mình không làm gì sai trái. Thế nên, cứ tránh xa họ ra kẻo hối không kịp, bởi vì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Trình thuật Mc 6:17-29 cho chúng ta thấy có ba loại người nham hiểm. Thánh Máccô tường thuật chi tiết hơn Thánh Mátthêu (Mt 14:3-12) về vụ Gioan Tẩy Giả bị chém đầu nhưng là vụ xử tử vô cùng vô lý.

Năm 29 tuổi, ngôn sứ Gioan đến sông Giođan để rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối và lãnh phép rửa, dọn lòng xứng đáng đón rước Đấng Cứu Thế, nhiều người đã làm theo lời kêu gọi của ông. Thời điểm đó, Hêrôđê Antipa đang làm quận vương cai trị xứ Galilê.

Thánh Máccô cho biết rằng chính vua Hêrôđê sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua muốn lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, nhưng ông Gioan can ngăn và bảo ông không được phép lấy vợ của anh mình. Lạ một điều là bà Hêrôđia lại CĂM THÙ ông Gioan và muốn giết ông. Mụ ta có thâm ý, thay vì không chịu thì lại cũng muốn lấy em chồng. Vô cùng xấu xa và nham hiểm. Vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông, và còn che chở ông, nhưng ông lại hèn nhát, cuối cùng ông cũng hóa nham hiểm khi nghe lời hai người phụ nữ lăng loàn trắc nết kia.

Điều gì đến cũng đến. Và dịp thuận lợi đến! Đó là dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”. Không chỉ có vậy, ông còn thề “độc” thế này: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được”.

Sau đó, cô gái đi ra hỏi mẹ xem nên xin gì. Vốn thói trăng hoa và tính nham hiểm, con mẹ độc ác này đã “phán” ngay: “Đầu Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô vội trở vào, đến bên nhà vua và xin ban ngay cho cái đầu của ông Gioan Tẩy Giả. Thật là khốn nạn quá!

Vua Hêrôđê buồn lắm, nhưng vì đã TRÓT THỀ, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Sĩ diện hão đầy mình, ông lập tức hành động theo ý của hai mẹ con ác phụ kia mà làm ngơ tiếng nói chân chính của lương tâm. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông Gioan ở trong ngục, sau đó bưng ra cái mâm có thủ cấp của ông Gioan và trao cho ác nữ, rồi ác nữ trao cho ác mẫu. Một đoạn phim bi hùng!

Ba con người nham hiểm cấu kết với nhau để hại người lành, chỉ vì “cái tội” dám nói thẳng nói thật. Hêrôđê vì hèn nhát mà hóa nham hiểm, vì xác thịt mà mù quáng; còn hai mẹ con kia vốn dĩ nham hiểm chỉ vì ích kỷ. Con mẹ nham hiểm đã đành, đứa con gái đã không can ngăn mẹ làm điều loạn luân, mà lại vào hùa với nhau. Ba góc nham hiểm và ba cạnh mưu mô tạo nên một tam giác độc ác.

Sự nham hiểm làm cho cả ba người mù quáng: ác vương Hêrôđê mất khả năng phân định đúng – sai, ác phụ Hêrôđia và đứa con gái cùng đắm đuối trong tội lỗi: người mẹ muốn bỏ chồng để tư tình với em chồng, đứa con đồng lõa cũng muốn bỏ người cha để nhận người chú làm cha dượng. Một vòng loạn luân rối bù, và họ đã không thoát ra được!

Thánh tiến sĩ Lm Hiêrônimô (340-420) cho chúng ta biết thêm một chi tiết thú vị: Sau khi nhận được đầu của Gioan Tẩy Giả, mụ Hêrôđia đã lấy dao cạy miệng ông Gioan và đâm một nhát thấu qua cái lưỡi, vì mụ cho rằng chính cái lưỡi của Gioan đã dám nói lên những lời xúc phạm đến mụ. Một mụ đàn bà nhỏ nhen và tồi tệ, đàn bà dễ có mấy ai!

Ngày nay cũng vẫn đã và đang xảy ra các trường hợp tương tự. Tuy “cốt truyện” không giống như vụ xử tử Gioan nhưng “cốt lõi” vấn đề vẫn là thói nham hiểm của con người. Vì nham hiểm mà người ta sẵn sàng làm bất cứ thứ gì dù điều đó có nguy hại đối với người khác, miễn sao mình có lợi là được. Với nhiều mức độ và đa dạng, người ta cũng vẫn đang nham hiểm đối với nhau, bất kể người đó là ai.

Vì mưu mô thâm độc mà người ta coi thường Công Lý, bóp méo Sự Thật, đổ lỗi lòng vòng cho nhau chứ không phục thiện mà nhận lỗi, chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Dám chơi nhưng không dám chịu. Hèn nhát, nhỏ mọn và khốn nạn!

Lời thật mất lòng, nhưng không thể không nói. Phải là người có đủ bản lĩnh và can đảm mới dám nói ra, bởi vì nói ra có thể bị thù ghét, thậm chí là nguy hiểm. Ai cũng sợ nguy hiểm, nhưng vì sự thật chân chính mà người ta có thể can đảm. Nếu hèn nhát mà bao che cái xấu, Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta như đã nói với ngôn sứ Giêrêmia: “Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; NẾU KHÔNG, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (Gr 1:17).

Thiên Chúa luôn thẳng thắn và thật thà, Ngài không bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta can đảm bảo vệ Chân Lý và Công Lý. Và Ngài đã hứa chắc chắn: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì có TA Ở VỚI NGƯƠI để giải thoát ngươi” (Gr 1:19).

Khi chữa người bị quỷ ám mắc bệnh động kinh (Mc 9:14-29; Mt 17:14-21; Lc 9:37-43a), Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”. Đó cũng là câu hỏi Ngài hỏi mỗi chúng ta ngày hôm nay và ngay lúc này!

Lạy Thiên Chúa, xin thêm sức mạnh cho con để con đủ can đảm mà bảo vệ Chân Lý và Công Lý của Ngài mọi nơi và mọi lúc. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết, 29-8-2017

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN