Gia đình là một xã hội thu nhỏ, mệnh danh là Tổ Ấm. Là Tổ Ấm thì không thể lạnh, tức là một nơi PHẢI tràn ngập tình yêu thương – yêu thương chân thành chứ không thể giả tạo, mà yêu thương chính là lòng thương xót của Đấng mà Đức Maria tôn xưng là “có lòng thương xót trải qua từ đời nọ tới đời kia.” (Lc 1:50) Thánh sử Gioan định nghĩa là tình yêu, (1 Ga 4:8 và 16) và Thánh GH Gioan Phaolô II gọi là “Đấng giàu lòng thương xót.” (Thông điệp “Dives in Misericordia”) Đấng đó chính là Thiên Chúa nhân từ.
Hãy khởi đầu mọi sự từ gia đình, vì gia đình là “vườn ươm” các nhân đức, là “nơi đào tạo” các thánh. Do đó, gia đình không thể không thể hiện lòng thương xót trong đời sống hằng ngày, trước tiên là thể hiện với các thành viên gia đình, sau đó mới khả dĩ thể hiện với người khác.
Ngày nay, việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) đã lan tràn khắp thế giới. Sống và truyền bá LCTX là bổn phận và trách nhiệm của mọi người, không riêng ai hoặc riêng một nhóm nào. Tại sao? Ai cũng là tội nhân khốn nạn, ai cũng được hưởng nhờ LCTX, thế nên phải kéo người khác đến với LCTX để được cứu độ, vì thời giờ đã gần hết rồi!
Chính Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho Thánh nữ Faustina: “Hãy vẽ một tấm hình giống như con nhìn thấy, với hàng chữ: LẠY CHÚA GIÊSU, CON TÍN THÁC VÀO NGÀI – JEZU, UFAM TOBIE. Ta muốn tấm hình này được tôn kính, trước tiên tại nhà nguyện của con, và rồi ở khắp thế giới. Ta hứa rằng linh hồn nào tôn kính tấm hình này thì sẽ không hư mất. Ta cũng hứa giúp họ chiến thắng kẻ thù ngay trên thế gian này, nhất là trong giờ chết. Chính Ta sẽ bảo vệ linh hồn đó như vinh quang của Ta.” (Nhật Ký, số 47-48)
Lần chuỗi LCTX là một trong những phương thế cầu nguyện hữu hiệu. Cầu nguyện rất cần thiết. Chúa Giêsu cảnh báo: “Hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41) Mẹ Thánh Teresa Calcutta xác định: “Không có cầu nguyện thì không có bác ái.” Thật bất ngờ với câu nói này! Quả thật, đức ái (đức mến) cần thiết nhất vì sẽ còn mãi, dù đời sau không còn đức tin và đức cậy. (x. 1 Cr 13:13)
Đức tin, cậy, mến là ba nhân đức đối thần. Đức ái không đơn giản hoặc “gói gọn” trong việc làm “hữu hình” như bố thí, công bằng, hoặc đi làm từ thiện, mà đức ái bao gồm nhiều thứ về phương diện tinh thần (x. 1 Cr 13:1-10), dạng này là sống các nhân đức đối nhân.
Cầu nguyện còn liên quan các vấn đề khác. Thánh Ephraem Syria nói: “Các nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện. Lời cầu nguyện duy trì sự điều độ, lời cầu nguyện ngăn chặn sự tức giận, lời cầu nguyện ngăn chặn sự kiêu ngạo và đố kỵ,lời cầu nguyện đưa Chúa Thánh Thần vào linh hồn và nâng con người tới Thiên Đàng.”
Cầu nguyện là sức mạnh của đời sống tâm linh, cầu nguyện không ngừng, cầu nguyện liên lỉ. Tâm linh Kitô giáo là sống đức tin noi gương Đức Kitô ở mức lý tưởng cao nhất và noi gương các thánh của Ngài là hiện thân thể hiện tinh thần của Chúa Kitô trong thời đại và văn hóa của chúng ta.
Các Kitô hữu ở bất kỳ địa vị nào hoặc quốc gia nào thì cũng được mời gọi sống viên mãn đời sống Kitô giáo và đức ái hoàn hảo. Tất cả đều được mời gọi tới sự thánh thiện: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Sống hoàn thiện như vậy để nên thánh.
Để đạt tới sự hoàn thiện này, mỗi Kitô hữu phải dùng sức mạnh của Chúa Kitô để làm theo Ý Chúa Cha trong mọi sự, sống dấn thân để làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Như vậy, sự thánh thiện của Dân Chúa sẽ phát triển phong phú, như đã thấy trong lịch sử Giáo hội qua cuộc đời của các thánh.
Tuy nhiên, hãy lưu ý và cảnh giác, vì Thánh nữ Teresa Hài Đồng nói: “Ma quỷ thường hay đánh lừa những LINH HỒN QUẢNG ĐẠI bằng cách thúc đẩy họ bước vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khỏe vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận, đồng thời lại lấy đó làm TỰ MÃN.”
Sự tiến bộ tâm linh hướng tới sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô. Sự kết hiệp này được gọi là “thần bí” nhờ tham dự vào mầu nhiệm Chúa Kitô qua các bí tích – các mầu nhiệm thánh, trong Ngài, và trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi – Tam Vị Nhất Thể. Thiên Chúa mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài, nhưng các đặc sủng hoặc các “dấu lạ”về đời sống thần bí chỉ được ban tặng cho một số người với mục đích thể hiện tặng phẩm được trao cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta đừng “thắc mắc.” Sau ba lần xin được thoát đau khổ, Chúa đã xác quyết với Thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12:9) Chắc chắn Thiên Chúa cũng đã, đang và sẽ mãi nói với chúng ta như vậy.
Cách sống hoàn thiện là nhờ Đường Thập Giá. Không có sự thánh thiện nếu không có SỰ TỪ BỎ MÌNH và ĐẤU TRANH TÂM LINH. Đó là sự giằng co cần thiết. Sự tiến bộ tâm linh đòi hỏi CÁCH SỐNG KHỔ HẠNH và CHỊU SỈ NHỤC dần dần dẫn tới cuộc sống bình an và vui mừng của Bát Phúc (tám mối phúc thật).
Chí sĩ Nguyễn Công Trứ nói: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Như vậy thì gian nan, vất vả, khó khăn, nghịch cảnh, đau khổ,… là cần thiết. Trên Thập Giá, Chúa Giêsu là Đấng Vô Tội nhưng đã bị vu cáo, là Đấng Công Chính nhưng đã bị kết án, là Đấng Chí Thánh nhưng đã bị đày ải, là Vua Trời Đất nhưng đã bị hành hạ nhục nhã và bị đóng đinh chết thê thảm, là Con Thiên Chúa Toàn Năng nhưng đã bị thóa mạ và bị từ chối, là Ánh Sáng nhưng đã bị tối tăm vây phủ, là Đấng Vô Cùng Cao Sang nhưng đã bị trần truồng tủi hổ, là Sự Sống nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng, bị giết chết nhưng đã phục sinh vinh quang.
Con cái của Mẹ Giáo hội hy vọng ân sủng của sự bền đỗ đến cùng và sự thưởng công của Thiên Chúa mà Chúa Cha, vì công việc tốt lành, đã hoàn tất với ân sủng trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu. Khi duy trì luật sống, các Kitô hữu chia sẻ “niềm hy vọng lành thánh” của những người mà Lòng Chúa Thương Xót đã quy tụ vào “Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.” (Kh 21:2)
Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36) Chúng ta không chỉ lãnh nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà chúng ta còn sử dụng Lòng Thương Xót bằng cách biết thương xót tha nhân qua hành động, ngôn ngữ và lời cầu nguyện của chúng ta.Nói cách khác, chúng ta thực hành Lòng Thương Xót bằng những việc cụ thể hằng ngày – từ ánh mắt tới mọi động thái.
Thánh Thomas Aquino (Tiến Sĩ Giáo Hội, 1225-1274, Linh mục Dòng Đa-minh), tác giả bộ Tổng luận Thần học (SummaTheologiae), nói: “Tha thứ cho người khác là thương xót họ, đó là việc to lớn hơn việc tạo dựng thế giới.” (Tổng luận Thần học, I-II.113.9) Và thánh nhân định nghĩa nhân đức “thương xót” thế này: “Thương xót là lòng trắc ẩn trong trái tim chúng ta VÌ SỰ ĐAU KHỔ CỦA NGƯỜI KHÁC, lòng trắc ẩn này khiến chúng ta làm những gì có thể để giúp đỡ người đó.” (Tổng luận Thần học, II-II.30.1)
Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện những việc thể hiện Lòng Thương Xót, vì NGAY CẢ ĐỨC TIN MẠNH MẼ NHẤT MÀ KHÔNG THỂ HIỆN BẰNG VIỆC LÀM THÌ CŨNG VÔ ÍCH, Thánh Giacôbê gọi đó là “đức tin chết.” (Gc 2:17 & 26) Vậy những gì là hành động thể hiện Lòng Chúa Thương Xót? Có hai dạng:
- HÀNH ĐỘNG VỀ THỂ LÝ – Thương Xác 7 Mối:
- Cho người đói được ăn.
- Cho người khát được uống.
- Cho người rách rưới có đồ mặc.
- Cho người vô gia cư được ở nhờ.
- An ủi những tù nhân.
- Thăm viếng các bệnh nhân.
- Chôn xác người chết.
- HÀNH ĐỘNG VỀ TINH THẦN – Thương Linh Hồn 7 Mối:
- Dạy dỗ những người dốt nát.
- Cầu nguyện cho những người còn sống và đã qua đời.
- Sửa đổi những người tội lỗi.
- Tư vấn cho những người nghi ngờ.
- An ủi những người sầu khổ.
- Khiên nhẫn chịu đựng những người sai trái.
- Sẵn sàng tha thứ cho những người lầm lỗi.
Chúa Giêsu kêu gọi mọi người thực hành Lòng Thương Xót một cách sống động chứ không bằng môi miệng hoặc sinh hoạt theo kiểu hội đoàn, nặng hình thức ngoại tại mà không chú trọng nội tại, thậm chí chỉ hành động vì cái “thế” của mình chứ chẳng thực sự vì danh Chúa. Thực hành Lòng Thương Xót là khơi gợi tình yêu đối với Thiên Chúa. Ai cũng phải không ngừng thể hiện Lòng Thương Xót đối với tha nhân ở bất cứ lúc nào hoặc nơi nào. Chớ có“thu nhỏ” Lòng Thương Xót hoặc tự miễn trách nhiệm đối với Lòng Thương Xót!
Chúa Giêsu cho phép chúng ta thực hành Lòng Thương Xót đối với tha nhân bằng ba cách: Hành Động, Ngôn Ngữ, và Cầu Nguyện. Trong ba cách này chứa đựng đầy đủ Lòng Thương Xót, và đó là bằng chứng về LCTX mà không ai có thể bác bỏ. Nhờ cách này, linh hồn đó làm vinh danh Chúa và đền đáp LCTX.
Nhiều người lo sợ vì không có phương tiện vật chất để thực hành LCTX. Nên nhớ rằng LCTX về tinh thần còn ĐÁNG CÔNG TRẠNG HƠN NHIỀU và thuộc phạm vi của chính mình.Nếu ai không thực hành LCTX thì sẽ không được Chúa thương xót trong ngày phán xét. Nếu biết cách thu gom kho tàng đời đời cho mình, người đó sẽ không bị phán xét, bởi vì họ đã dùng Lòng Thương Xót của họ mà ngăn cản sự phán xét của Thiên Chúa.
Chính cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu là Đại dương Bao la của LCTX, được tạo nên cho tất cả mọi người. Nhưng Thiên Chúa, Đấng cho chúng ta tự do, sẽ không ép buộc chúng ta điều gì, kể cả việc thực hành LCTX. Ngài mòn mỏi chờ đợi chúng ta ăn năn trở lại và cầu xin: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (Mt 7:7-8)
Có thể nói rằng người đầu tiên được hưởng LCTX là Kẻ Gian Phi Dismas (cũng viết Dimas), chúng ta quen gọi là Người Trộm Lành. Chúng ta gọi là “trộm lành” cho “dễ nghe” chứ thực ra Dismas phải là một tên cướp của giết người thì mới đáng tử hình như vậy. Dù tội lỗi ngập đầu, nhưng người này đã THẬT LÒNG ĂN NĂN SÁM HỐI thế nên được Chúa Giêsu cứu độ ngay lập tức: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:43) Nghĩa là Dismas đã làm thánh ngay hôm đó, nhờ LCTX.
Trong Kinh Thánh đầy những ví dụ điển hình về cách tin vào Chúa và cầu xin LCTX: Các thánh vịnh, đức tin của Tổ phụ Abraham và Môsê, những người đã bào chữa và dám “mặc cả” với Chúa về số người công chính trong thành Xô-đôm (x. St 18:20-32), người đàn ông đã thuyết phục người bạn thức dậy giũa đêm để cho anh ta vay ít bánh (x. Lc 11:5-8), góa phụ kiên trì nài xin công lý từ viên thẩm phán bất công, phụ nữ Ca-na-an đã “tranh luận” với Chúa Giêsu về quyền được hưởng LCTX (x. Mt 15:21-28), và nhân chứng là Mẹ Maria đã xin LCTX tại tiệc cưới Ca-na khiến Chúa Giêsu đã làm phép lạ công khai đầu tiên. (x. Ga 2:1-12) Như vậy, chúng ta biết chắc là thời của Ngài đã thực sự đến!
Thánh GH Gioan-Phaolô II lặp lại sứ điệp Kinh Thánh bằng cách thúc giục kiểu mới dành cho thời đại của chúng ta: “Bất cứ lúc nào… đặc biệt là thời gian phê phán như thời đại chúng ta – Giáo hội có thể quên cầu nguyện là tiếng kêu xin LCTX… Giáo hội có quyền và có trách nhiệm cầu khẩn Thiên Chúa trao ban Lòng Thương Xót bằng những tiếng kêu lớn.” (Thông điệp “Dives in Misericordia”, số 15)
Một lần nữa, Chúa Giêsu đã mặc khải sứ điệp tương tự cho Thánh nữ Faustina (1905-1938). Ngài trao cho thánh nữ ba cách mới để cầu xin LCTX nhờ sức mạnh từ Cuộc Khổ Nạn của Ngài: Chuỗi LCTX, Tuần cửu nhật, và việc cầu nguyện Chuỗi Lòng Thương Xót lúc 3 giờ chiều. Ngài dạy thánh nữ biến đời sống hàng ngày thành lời cầu xin LCTX liên lỉ. Qua thánh nữ, Ngài kêu gọi tất cả chúng ta PHẢI cầu xin LCTX:
+ Các linh hồn cầu xin Lòng Thương Xót của Ta làm vui lòng Ta. Ta ban cho các linh hồn đó nhiều hồng ân hơn những gì họ xin. Ta không thể trừng phạt những người tội lỗi nhất nếu người đó kêu xin Lòng Trắc Ẩn của Ta. (Nhật Ký, số 1146)
+ Hãy cầu xin Lòng Thương Xót của Ta cho toàn thế giới. (Nhật Ký, số 570)
+ Không linh hồn nào cậy nhờ Lòng Thương Xót của Ta mà phải thất vọng. (Nhật Ký, số 1541)
Chúa Giêsu không bao giờ hứa suông, nhưng rất chắc chắn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có trách nhiệm là thi hành Luật Thương Xót mà Ngài đã truyền dạy: “Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6:37-38) Và chắc chắn rằng mỗi người đều phải trả lời rạch ròi khi Ngài hỏi: “Sao bạn thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7:3)
Hãy bắt đầu mọi thứ từ gia đình, đặc biệt là thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
TRẦM THIÊN THU