Home / Chia Sẻ / Người Việt Nam Công Giáo với Tết Nguyên Đán

Người Việt Nam Công Giáo với Tết Nguyên Đán

 

Tet -Kinh nho to tien 2Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết nguyên Đán Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên-Địa-Nhân. Tết Nguyên Đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…

 1.Tết Nguyên Đán biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh

Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết – do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông – có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính. 

Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

Đồi với Người Việt Nam Công Giáo, Tết cũng là dịp để mỗi người, mỗi gia đình nhìn lại cuộc sống của mình, của gia đình mình một năm qua đi về phần thiêng liêng. Trước hết, Tết là những ngày tạ ơn Thiên Chúa, Người là mùa Xuân của nhân lọai. Người là hiện thân của một niềm vui bất diệt mà con người sẽ đạt được hạnh phúc viên mãn trong Người. Tết còn là dịp để con người tính sổ trước mặt Chúa và tha nhân, một năm qua đi có tiến triển trên đàng nhân đức, có làm được những điều gì đẹp lòng Chúa hơn những năm trước, có trở nên những người thân cận đáng yêu hơn với những anh em đồng lọai của mình? Hay không thấy tiến bộ mà lại sa sút, bê bối hơn, đáng trách hơn. Từ đó biết điều chỉnh cuộc đời mình hầu “Càng lớn thêm, càng thêm khôn ngoan trước mặt Chúa và mọi người“.

  1. Tết Nguyên Đán là ngày đoàn viên của mọi gia đình

Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.

Với người tín hữu, không những thấm nhuần truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người Việt Nam Công Giáo xum họp gia đình, con cháu chúc mừng tuổi mới Ông Bà Cha Mẹ. Các bậc Bề trên mừng tuổi con cháu. Cùng nhau đi lễ đầu năm cầu bình an trong năm mới. Mọi người qua lại chúc tuổi nhau, thăm hỏi nhau, tặng nhau những Lộc Lời Chúa và cùng trao đổi xem ý Chúa mong muốn cho mỗi người phải thực thi trong năm mới.

Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.

Người Công Giáo không những không quên điều đó mà còn có thói quen ra chăm sóc, tu bổ phần mộ các người thân trong giòng tộc. Tổ chức viếng Linh cốt tại các nhà Chờ Phục Sinh (Nhà hài cốt) trước hay sau lễ giao thừa hay những ngày trong mùng. Xin lễ cầu nguyện cho tổ tiên vào những ngày cuối năm, xin Chúa cho các bậc tiên nhân được về nơi vĩnh phúc và cũng xin các Ngài cầu bầu cho con cháu trước tòa Chúa. Tham gia các ngày Lễ Minh niên của giòng tộc hay cùng nhau đi hành hương với cộng đòan để thể hiện tình liên đới đòan tụ đầu năm mới rồi hết tết, mỗi người lại mỗi việc.

  1. Tết Nguyên Đán là ngày ”làm mới”

Tết là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và “làm mới” mọi việc. Việc làm mới có thể được bắt đầu về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi sạch sẽ.

Đúng là ngày Tết, mỗi người con Chúa có dịp để nghĩ đến người khác. Trang trí nhà cửa, chưng bông hoa kiểng, quét vôi, rửa nhà không chỉ là làm đẹp cho nhà mình, cho bản thân mình mà chính là tìm mọi cách để làm đẹp lòng Chúa, làm vui lòng người khác đến với mình. Ai cũng mong muốn gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp, và như thế, Tết là điều hết sức tốt đẹp được Chúa chúc phúc như lời Thánh PhaoLô “Anh em hãy vui luôn trong Chúa”.

Lạy Chúa, Thời gian là của Chúa, mọi sự là của Chúa. Người là hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Xin cho mỗi ngày trong đời chúng con đều là những ngày TẾT, để gặp ai con cũng vui tươi, gặp ai con cũng cầu chúc những lời chúc mong muốn ước nguyện tốt đẹp đến cho họ. Đó chính là con đang chuẩn bị cho ngày Tết bất diệt trên nước Trời vậy.

Đỗ Công Minh

(có tham khảo trên internet)

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN