Home / Chia Sẻ / Người về phương ấy không xa lắm…

Người về phương ấy không xa lắm…

                           

Tôi đọc bài thơ “Người về phương ấy xa xôi lắm” của Francis Assisi Lê Đình Bảng trên trang Facebook với một cảm xúc trào dâng. Ông là một nhà thơ chuyên các đề tài về Công giáo. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nhận xét trong lời giới thiệu tập thơ “Lời tự tình của Bến Trần gian” rằng: “Những bài thơ lục bát trong tập thơ của ông (Lê Đình Bảng) là những bài thơ quyến rũ tôi nhất. Những câu thơ lục bát đã làm nên phần cơ bản con người thi sĩ của ông”. Tôi và nhiều bạn bè đã nhận ra điều này từ rất lâu, khi còn học trung học, được nhà thơ tặng cho tập “Bước chân người Giao chỉ” in năm 1967. Ngày ấy, dù chưa thể hiểu hết nội dung, thông điệp ông muốn chuyển tải, gửi gắm, nhưng cũng nhận ra được phần nào sự mượt mà của làn điệu lục bát trong thơ của ông đậm đà tình tự ca dao, thi ca Việt Nam: “Hôm qua tát nước đầu đình/ bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…” hay một cách nào đó mang âm hưởng Thơ Nguyễn Bính, “Cầm bằng gửi gió qua sông/ nhớ nhung,thôi, cứ nhẹ lòng mà đi” (ĐB ) nghe thoảng thoảng: “Em ơi em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em trông”. Nhưng lần này, bài thơ trên được viết bằng thể thất ngôn, đọc lên vẫn mượt mà, dịu êm như thơ của T.T.KH, “hay” không kém những bài thơ lục bát ông vẫn thường viết. Tình cảm của nhà thơ với người muốn trao gửi thật nhẹ nhàng, thắm thiết, thậm chí đắm đuối, vừa nói hộ “Người ấy”, vừa diễn đạt cảm xúc của nhà thơ với người bạn chí thiết, chí tình.

Người về phương ấy, chim bay mỏi

Xanh biển, xanh rừng, xanh gió khơi

Những bến lau thưa, hà xứ khứ?

Nhà Bè, con nước chảy chia đôi

Người về nơi ấy, chân mây biếc

Rượu tiễn tràn ly chưa ướt môi…

Người về phương ấy, tôi theo với…

… Bên này bên ấy có xa xôi.

Tôi cứ ngỡ mối tình (thân) của tác giả với “người ấy” tăng theo cấp… lũy thừa chỉ mới đây thôi, khi Thông Vi Vu ngừng reo, Hạt Nắng Vô Tư bay về trời. Nhưng có là một tiết lộ bí mật đến nay phải “bật mí” khi nhà thơ, đồng thời cũng là một “Tiên tri”? Ông đã nhìn ra được đến lúc nào đó thơ của ông sẽ cất lên thành lời than khóc vĩnh biệt bạn mình?

Thật vậy, bài thơ này đã được nhà thơ viết  khoảng năm 2009 (!?), trong tập thơ nhạc “Lời tự tình của Bến trần gian” dày 415 trang, do nhà xuất  bản Tôn Giáo ấn hành năm 2012, lúc đó có tựa “Gửi người về phương ấy” trang 153. Trước đó Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Giuse Vũ  Duy Thống đang là Giám Mục phụ tá GP Saigon làm Giám Mục chánh tòa Phan Thiết. Tác giả đã viết bài thơ chia tay người bạn thơ nhạc chí thiết của mình, vì mục vụ, rời “bên này” (Saigon) sang “bên ấy” (Phan Thiết), thực là không xa xôi mấy nhưng cũng  đủ để “chim bay mỏi”. Thơ ông như giận lẫy:

Người về phương ấy, vui duyên mới

Tháp cổ, hồn thiêng, dân tộc Hời

Mở mắt, xem mặt trời dậy sớm (2)

Sao em không lần chuỗi Môi Khôi (3)

        Ngày ấy (Năm 2009) có thể chưa đúng hẳn, vì chưa chắc “Người ấy” đã vui duyên mới, nhưng hôm nay, những tháp cổ, hồn thiêng, dân tộc… nào đi nữa, cũng không thiếu. Giờ này, lúc này mới thực vui duyên mới bên NGƯỜI mà “Người ấy” luôn hướng về, để chờ mong được hưởng nguồn hạnh phúc bất diệt, để mọi lúc đều nhìn thấy NGƯỜI là mặt trời công chính, sớm hơn tất cả và sẵn sàng nhắc nhở tác giả và mọi người: Sao em không lần chuỗi? Viết thế nhưng ông lại chột dạ:

Mà thôi, đâu phải sang sông, nhỉ

Hạt nắng vô tư vẫn sáng ngời (4)

Sông lở, sông bồi, ai tát cạn

Bên này, bên ấy có xa xôi?

“Người ấy” đi, tiếc, nhưng vẫn muốn đi theo, bởi chốn ấy, bên ấy vẫn là một niềm mơ ước của nhà thơ, mong được sống bên nhau, mong thành những Hạt Nắng Vô Tư đọng trên những cành Thông Vi Vu:            

Người về phương ấy tôi theo với

Thông đứng Vi Vu hát giữa trời (5)

Một chốn đôi quê còn bin rịn

Đôi bờ tả hữu tiếng sông trôi

Người về phương ấy, tôi theo với

Đồng khói, đồng hương vẫn mặn mòi

Bến Nghé chiều nao trông én liệng

Tà Pao vời vợi bóng trăng soi

Bến Nghé bây giờ không đứng mà ngóng trông én liệng, về Tà Pao lúc này cũng không ngắm bóng trăng soi vời vợi trông chờ “người ấy”như ngày nào. Xin phép nhà thơ để  đặt lại tựa cho bài, thành: “Người về phương ấy không xa lắm”, bởi “Chỉ một chút ân cần, xa xôi cũng thành gần”(Một chút- Thông Vi Vu).Chính cái ân cần của nhà thơ mà “Người ấy” vẫn luôn gần mỗi người chúng ta.

Phan Xa Minh

(Vọng Phan Thiết 6/3/2017)

———————————

Nguyên tác bài thơ “người về phương ấy xa xôi lắm…”, Để nhớ Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống

Người về phương ấy, chim bay mỏi

Xanh biển, xanh rừng, xanh gió khơi

Những bến 1au thưa, hà xứ khứ?

Nhà Bè, con nước chảy chia đôi

Người về phương ấy, chân mây biếc

Rượu tiễn tràn ly chưa ướt môi

Một chuyến hành hương xa mấy đỗi

Tình yêu của Chúa dẫn dưa tôi (1)

Người về phương ấy, vui duyên mới

Tháp cổ, hồn thiêng, dân tộc Hời

Mở mắt, xem mặt trời dậy sớm (2)

Sao em không lần chuỗi Môi Khôi (3)           

Mà thôi, đâu phải sang sông, nhỉ

Hạt nắng vô tư vẫn sáng ngời (4)

Sông lở, sông bồi, ai tát cạn

Bên này, bên ấy có xa xôi?

Người về phương ấy tôi theo với

Thông đứng Vi Vu hát giữa trời (5)

Một chốn đôi quê còn bin rịn

Đôi bờ tả hữu tiếng sông trôi

Người về phương ấy, tôi theo với

Đồng khói, đồng hương vẫn mặn mòi

Bến Nghé chiều nao trông én liệng

Tà Pao vời vợi bóng trăng soi

Thay lời muốn nói, xin trao gởi

Thương Nhớ Một Mùa Đông đấy thôi (6)

Gò Dầu, 01.03.2017

Francis Assisi Lê Đình Bảng

————————-

(1) Khẩu hiệu của Đức Cha khi được tấn phong Giám mục (17.8.2001)

(2) Mũi Kê Gà (Bình Thuận), nơi người ta nhìn thấy mặt trời mọc sớm hơn mọi nơi ở Việt Nam.

(3) Tên một ca khúc của Đức Cha, thơ Xuân Ly Băng.

(4) Tên một quyển sách của Đức Cha trong toàn tập 5 quyển; NXB Tôn giáo, 17.8.2007.

(5) Thông Vi Vu, bút danh của Đức Cha khi sáng tác âm nhạc.

(6) Một ca khúc gửi tặng tại buổi Hội thảo “Phaolô, cuộc đời và Huấn giáo” do UBVH-HĐGMVN tổ chức tại Nhà Truyền thống giáo phận Sài Gòn, 21.11.2008.

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …