Cách nói có vẻ “chói tai” thế nhỉ! Theo lẽ thường, người tốt thì có thể là người lành. Lẽ nào lại có người tốt mà chưa lành? Thật vậy, người đó không ai xa lạ, mà chính là mỗi chúng ta, những người mệnh danh là Kitô hữu, được gọi là con cái của Thiên Chúa, và chúng ta vẫn hãnh diện là Kitô hữu. Nhưng đó chỉ là “sĩ diện hão” mà thôi! Dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” (Lc 10:29-37) còn đó – “người ngoại lai” thực sự nhân hậu, còn chúng ta thì KHÔNG.
Việt ngữ rất thâm thúy, như chúng ta thường nói Tốt Lành – với ngụ ý “người Tốt thì Lành” (và “Lành” thì nên “Thánh”, gọi là Lành Thánh), giống như “lẽ đương nhiên” vậy. Cách nói tương tự với ý ngược lại, chúng ta thường nói Ác Độc – với ngụ ý “người Ác thì Độc”.
Biết được như vậy, chúng ta thấy thật chí lý khi Ngài nhủ khuyên và căn dặn (đồng thời cũng là lời cảnh báo) điều này: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Chúa Giêsu đã dựng nên chúng ta là người Tốt, Ngài muốn chúng ta sống Lành để nên Thánh. Khi bảo chúng ta “nên hoàn thiện”, Ngài ngụ ý nói rằng phàm nhân chúng ta có tâm địa không mấy “tốt” nên khó “lành”, nghĩa là chúng ta vốn dĩ di truyền “máu xấu” từ Ông Bà Nguyên Tổ. Thật vậy, Cain là người đầu tiên có máu di truyền đó. Chính gen độc ác đã khiến Cain ghen tức với Abel, và sự ghen tức dẫn tới sát nhân – giết chính em ruột của mình!
Trình thuật Mc 10:17-22 (tương đương Mt 19:16-22; Lc 18:18-23) cho chúng ta thấy rõ thế nào là “người tốt” mà “chưa lành”. Thánh Máccô kể lại chuyện một thanh niên giàu có sống TỐT từ nhỏ, anh ta chưa thỏa lòng vì còn ray rứt khôn ngươi, anh ta muốn LÀNH thực sự.
Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”. Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Chú ý các chữ “tô đậm”, chúng ta dễ nhận thấy điều “nổi bật” trong câu chuyện ngắn gọn này. Đây là câu chuyện thật, chứ không là dụ ngôn, lại càng không phải là ngụ ngôn.
Chàng thanh niên kia là người tốt, tốt thật. Anh ta thực sự tâm phục và khẩu phục khi thấy Chúa Giêsu có phong cách sống cực kỳ lạ, hoàn toàn khác người, và thậm chí là hoàn toàn ngược đời. Ngày nay, nếu thấy ai như vậy, có thể chúng ta cho người đó là bất thường, ấm đầu hoặc chạm dây thần kinh, nói thẳng ra là điên khùng. Ấy thế mà chàng thanh niên kia lại khoái kiểu của Chúa Giêsu.
Nghe Chúa Giêsu chất vấn, anh ta trả lời lưu loát, không ngập ngừng, không ngượng miệng. Chắc chắn anh ta là người tốt thật, vì anh ta “vô tư” trả lời sau khi Chúa Giêsu nói về các giới răn: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Thấy vậy, Chúa Giêsu đã khoái con người này, Ngài đã đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến anh ta. Trong bộ ba Tốt – Lành – Thánh, anh ta đã được 2/3, trên trung bình rồi còn gì!
Có lẽ lúc đó Chúa Giêsu gật gù khoái chí khi thấy có một thanh niên còn trẻ mà đã có suy nghĩ sâu sắc như vậy. Ngài muốn anh ta vượt qua mức độ đó để đoạt giải quán quân, nếu anh ta làm được 1/3 nữa, nên Ngài bảo: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Chúa Giêsu dùng động từ CHO, tức là tặng, là biếu, là “cho không”, cho không hoàn trả. Thế nhưng thật tiếc, vì sau khi nghe Chúa Giêsu nói vậy, anh ta đã “sa sầm nét mặt” và “buồn rầu bỏ đi”. Tại sao? Lý do đương nhiên và rất đơn giản: Vì anh ta “có nhiều của cải”.
Đã “tốt” rồi mà vẫn khó “lành” là ở chỗ đó. Do vậy mà Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10:23; Mt 19:23; Lc 18:24). Và Ngài ví von rất cụ thể: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10:25; Mt 19:24; Lc 18:25).
Chúa Giêsu không ghét người giàu, mà chỉ ghét cách sống vô cảm của họ. Người giàu khó vào Nước Trời vì ỷ giàu mà khinh người, dùng tiền bạc để ăn chơi sa đọa; còn người giàu mà biết chia sẻ với người nghèo, biết làm từ thiện, họ dễ vào Nước Trời thôi. Ngược lại, người nghèo mà “chảnh” thì cũng vô phúc, cho thì họ không lấy, thấy cũng không thèm xin, nhưng đồ người ta giấu kín thì rình mò, hở là rinh ngay, nghèo kiểu đó thì chắc chắn chẳng biết lối nào mà vào Nước Trời. Người nghèo như vậy là nghèo vô phúc, nghèo bạc phước, chứ chẳng có phúc chút nào ráo trọi!
Bill Gates (sinh 28-10-1955), “cha đẻ” của Microsoft, tuyên bố: “Tôi muốn từ một người giàu nhất thế giới trở thành người từ thiện nhất thế giới”. Một quyết định thật đẹp và tốt lành biết bao!
Tỷ phú Yu Pang-Lin (1923-2015, Hong Kong) để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỷ USD cho hoạt động từ thiện, chứ không giao tiền cho các con. Ông nói: “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi. Tôi không quan tâm những gì người khác nghĩ. Hiến tặng tiền của mình làm cho tôi hạnh phúc. Tôi đã từng là người nghèo. Làm từ thiện chính là bí quyết giúp ông sống thọ”.
Giàu như vậy là giàu hữu phước chứ không bạc phước. Giàu như vậy dễ vào Thiên Đàng chứ không khó! Còn chúng ta? So với họ, chúng ta có được bao nhiêu tiền mà sao vẫn chảnh?
Thánh Phaolô chỉ rõ mối nguy hiểm và giải thích: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10).
Về vật chất, trong chúng ta luôn có nhiều người nghèo hơn người giàu; nhưng về tinh thần, chúng ta có rất nhiều người giàu. Tục ngữ Việt Nam nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Máu mủ ruột rà mà “dính” tới tiền bạc thì cũng chẳng là gì, chỉ là… “chuyện nhỏ” mà thôi! Tiền bạc khó dứt lắm, nhưng có những thứ còn khó dứt hơn: sắc đẹp, tài năng, chức tước, địa vị, quyền hành, tham nhũng, hối lộ, lọc lừa, gian xảo, ghen ghét, ích kỷ, tự kiêu, kỳ thị, khinh miệt, mưu mô,… Bỏ được chúng thì mới có thể “từ bỏ mình” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27) như Chúa Giêsu kêu gọi.
Tiền bạc cũng liên quan chuyện sinh – tử, vì tiền bạc là một trong các dấu chỉ tệ hại của Thời Cuối Cùng: “Người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ” (2 Tm 3:2-5).
Một dịp khác, Chúa Giêsu cũng có cách nói rất “ấn tượng”. Ngài không nói rõ là tiền bạc, nhưng vẫn liên quan vấn đề tiền bạc: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6:35).
Quả thật, thoát khỏi “tấm lưới” tiền bạc không dễ chút nào. Chắc hẳn khó thực hành lắm, nhưng KHÓ không có nghĩa là KHÔNG LÀM ĐƯỢC, mà nghĩa là phải không ngừng nỗ lực “vượt qua chính mình”.
Cố gắng không dính bén tới nó, không “nặng lòng” với nó thì chúng ta mới dễ theo chu kỳ Tốt – Lành – Thánh. Thật chí lý khi nghe danh nhân Johann Wolfgang Goethe (1749-1832), văn sĩ và chính khách người Đức, nhận định: “Toàn thiện là luật của Trời, hướng thiện là lối của người”. Vâng, rất gần với tâm linh Công giáo!
Lạy Chúa, xin thương tình cứu con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ! (Tv 40:14). Lạy Chúa Trời, xin đến cứu con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ! (Tv 70:2).
TRẦM THIÊN THU
Chiều Chúa Nhật, 11-10-2015