Michel de Montaigne, triết gia nổi bật trong Thời Phục Hưng Pháp, nói: “Có những điều thất bại vẫn vinh quang hơn chiến thắng.” Một nhận định đầy triết lý sống mà không phải ai cũng hiểu được. Chỉ có anh hùng mới mới có thể quyết tâm: “Thà chết vinh hơn sống nhục.”
Ngày xưa, danh tướng Trần Bình Trọng đã hiên ngang xác định: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.” Ông bị giặc bắt nhưng vẫn kiên cường bất khuất, sẵn sàng chết vì chính nghĩa, vì đại nghĩa. Chí sĩ Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại Cáo” theo hai nguồn cảm hứng: sáng tác và chính trị. Cảm hứng sáng tác tạo ra một áng thiên cổ hùng văn (bài văn hùng tráng của muôn đời) – một kiệt tác văn chương cho văn học Việt Nam. Cảm hứng chính trị tạo ra một bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầy ý nghĩa cho lịch sử dân tộc Việt.
Mở đầu “Bình Ngô Đại Cáo,” chí sĩ Nguyễn Trãi nêu nguyên lý làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài “cáo” đó. Chính nghĩa được thể hiện ở hai dạng: nhận thức sâu sắc về nguyên lý chính nghĩa và thái độ khẳng định sức mạnh của nguyên lý đó. Trong đó, Nguyễn Trãi nêu lên hai nội dung: Nguyên lý CHÍNH NGHĨA có tính chất chung của các dân tộc, nhiều thời đại, và CHÂN LÝ đó thuộc về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền Nước Đại Việt đã được chứng minh bằng lịch sử thực tế.
Có lẽ cũng nên nhắc tới chí sĩ Phạm Ngũ Lão. Ông là người đã từng ngồi đan sọt, lo nghĩ việc nước (việc chung, đại sự) mà quên cả bản thân. Quân lính lấy giáo đâm vào đùi ông mà ông vẫn trơ trơ. Kitô hữu chúng ta có yêu mến Chúa đến quên mình như chí sĩ Phạm Ngũ Lão hay không?
Và cái chết của chính nhân Gioan Tẩy Giả cũng là cái chết vì chính nghĩa. Đó là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng sa sút đạo đức của xã hội loài người, đạo đức gia tộc, là tiếng kêu tỉnh thức những tâm hồn mê muội, là lời thúc giục chúng ta sám hối “vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:2; Mt 4:17)
Có lẽ chúng ta hiểu mà khó giải thích thế nào là chính nghĩa. Nói chung, đó là “lẽ phải,” là điều người ta phải theo, phải giữ. Khó có một định nghĩa xác đáng làm thỏa mãn mọi người, có thể tạm hiểu là “những gì được công nhận theo lương tâm chính đáng.” Phải là “lương tâm chính đáng” chứ không là “lương tâm lệch lạc.” Nói chung, chính nghĩa là công lý, liên quan rất gần với sự thật và lẽ phải. Chính nghĩa cũng đa dạng: Chính nghĩa dân tộc, chính nghĩa tôn giáo, chính nghĩa cá nhân, chính nghĩa độc tài, chính nghĩa tự do, chính nghĩa cộng sản, chính nghĩa tư bản, chính nghĩa dân chủ, chính nghĩa chuyên chế,…. Ở đây, chỉ nói về chính nghĩa chân lý – chính nghĩa của Thiên Chúa.
Người ta nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức.” Có “bị” thử lửa mới chứng tỏ là vàng hay thau. Khi ta cười thì nhiều người vỗ tay, khi ta khóc thì chẳng thấy ma nào! Cuộc đời cho chúng ta thấy rõ chân tướng thực dụng và xảo trá. Người bạn chân thành là người ở bên ta trong lúc ta đau khổ và tuyệt vọng nhất, ngoài ra chỉ là “bè” chứ không là “bạn.” Vì thế, trong việc “theo Chúa” cũng không ngoại trừ: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:10)
Chúa Giêsu so sánh: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Người đầu tiên là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết vì tội nhân chúng ta. Thánh Gioan Tẩy Giả không là người thí mạng vì người khác, nhưng ông đã liều chết vì sự thật, vì lẽ phải, vì công lý. Đó cũng là chết vì Chúa, cũng là một dạng tử đạo. Một giọt máu đào hơn ao nước lã!
Vua Hêrôđê “không lọt tai” với lời thật ông Gioan nói nên đã sai người đi bắt ông và xiềng ông trong ngục. Lý do là vua đã lấy bà Hêrôđia – vợ của người anh Philípphê, chị dâu của Hêrôđê. Đó là tội loạn luân. Có lẽ phụ nữ này là “gái một con trông mòn con mắt” nên Hêrôđê đã “hoa mắt” và bất chấp tất cả. Có điều lạ là chính ả cũng vui vì đã “cưa đổ” một quốc vương, và cũng lạ nữa là đứa con gái cũng vào hùa với mẹ và chú ruột của nó.
Sự thật làm mất lòng. Thuận ngôn gây nghịch nhĩ. Điều đó khiến ông Gioan “có tội” và đáng án tử vì ông đã dám can ngăn vua: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” (Mc 6:18) Có thể một phần do Hêrôđia cũng “phải lòng” Hêrôđê, một phần vì tự ái phụ nữ bốc lên tới chỏm đầu, tự ái vì không phụ nữ nào chịu mình kém sắc người khác, bà ta đâu thèm “cưa” mấy đám quan lại triều đình mà phải “cưa đổ” chính nhà vua, nên ả căm thù và muốn giết ông Gioan. Phụ nữ muốn là trời muốn. Còn hơn thế nữa: “Nhất vợ, nhì trời.” Bồ nhí “to” hơn bà lớn!
Hêrôđê biết rõ ông Gioan công chính và thánh thiện nên sợ ông, và còn che chở ông, nhưng y lại hèn hạ, không dám hành động. Tình cảm gian tà khiến y điên đảo và mù quáng. Ngày nay, hạng người như Hêrôđê cũng chẳng thiếu, nhưng người thời hiện đại tinh vi lắm, khéo “ném đá giấu tay” và khéo “giật dây” hơn người xưa.
Cơn tức giận và lòng thù hận như thác đổ, như lũ cuốn. Ngày thuận lợi là dịp sinh nhật, Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào nhân sĩ miền Galilê. Con gái của Hêrôđia biểu diễn một điệu vũ, khiến vua và khách dự tiệc vui thích. Men rượu quyện men tình, Hêrôđê ngà ngà rồi nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con. Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” (Mc 6:22-23) Than ôi, dám bán nước cho một đứa con gái nhãi ranh! Gã mê đắm mẹ mà vẫn khoái đứa con gái của mẹ nó. Lão già dê này không phải tay vừa!
Vừa nghe chú Hêrôđê hứa, cô gái hí hửng đi hỏi mẹ. Hêrôđia lạnh lùng gằn giọng chắc nịch: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” (Mc 6:24b) Phụ nữ nguy hiểm như sóng ngầm, càng nguy hiểm hơn khi hai cái đầu phụ nữ hợp lại. Đúng như khoa tâm lý phát hiện: “Khoảng giữa cái muốn và cái không muốn ở phụ nữ, dù chỉ một sợi tóc cũng không lọt.” Nó vội đến bên vua và nói: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” (Mc 6:25) Nghe vậy, nhà vua buồn lắm, nhưng đã trót hứa công khai trước quan khách nên không muốn thất hứa. Và vì sĩ diện, vua lập tức sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới.
Thị vệ ra đi, chặt đầu ông Gioan trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Bi kịch về cái chết của ông Gioan là chuyện bình thường, bi kịch về lòng người độc ác dành cho nhau mới đáng ghê tởm. Sự thật bị che khuất, lẽ phải bị bóp méo, công lý bị chà đạp, chính nghĩa bị lệch lạc. Không chỉ vậy, người ta cũng vẫn thường xuyên thiếu tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền – đủ dạng và đủ mức. Đó là bi kịch của con người tự tạo ra chỉ vì hướng theo cái xấu để thỏa mãn ý riêng, nhưng họ luôn có đủ lý lẽ để biện hộ cho những động thái sai trái của mình!
Chuyện Sinh – Tử là luật muôn thuở. Là con người, ai cũng phải một lần chết. Nhưng cái chết đó có ý nghĩa hay lãng nhách, đó mới là vấn đề. Cuộc đời tính sâu và rộng chứ không tính dài hay ngắn, già hay trẻ. Có những cái chết rất ý nghĩa nhưng oan uổng – cái chết của các vị tử đạo, cụ thể là cái chết của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả. Nhưng cũng có những cái chết không hề oan uổng đối với những kẻ vô lại, đến nỗi người ta phải phải xử tử!
Vụ án Gioan Tẩy Giả cho thấy sự đúng đắn trong lời nói của người xưa: “Nhân dục thắng, thiên lý vong” – Sự ham muốn của con người thắng thì lẽ công sẽ mất. rõ điều đó, Ông Gioan Tẩy Giả là “dân oan” thứ thiệt, bởi vì có ba kẻ nham hiểm cấu kết với nhau để sát hại một mình ông – người công chính.
Ông Gioan chết vì dám nói thật để bảo vệ luân thường đạo lý, gia phong, hôn luật. Đó là cái chết vì chính nghĩa, chấp nhận thua nhưng không bao giờ thiệt thòi, được ca tụng mãi mãi. Và Kinh Thánh khuyên: “Chân lý và khôn ngoan, nghiêm huấn và hiểu biết, con hãy mua lấy chứ đừng bán đi.” (Cn 23:23)
Lạy Thiên Chúa nhân từ, xin thương xót chúng con. Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin cầu thay nguyện giúp chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU