Home / Chia Sẻ / NGƯỜI THÂN CẬN

NGƯỜI THÂN CẬN

 

NguoithancanKhi nói đến Thiên Chúa hoặc Thượng Đế, người ta liên tưởng tới vị Thần Linh thống trị và cách biệt hoàn toàn thế giới loài người.  Kinh Thánh nói với chúng ta: nếu Thiên Chúa cao cả và chí thánh, thì Ngài lại rất gần gũi và yêu thương con người.  Giáo huấn của Ngài bao gồm những điều cụ thể, giúp con người dễ dàng đón nhận và thực thi.  Tác giả sách Đệ nhị Luật (Bài đọc I) khẳng định: “Luật của Chúa rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”  Thiên Chúa là Đấng giàu lòng nhân hậu.  Ngài cảm thương nỗi khốn khổ cơ hàn của con người.  Do tội lỗi, nhân loại ở bên bờ vực thẳm của sự chết.  Thiên Chúa đã ra tay cứu vớt con người và giúp họ phục hồi.

 

Sự gần gũi yêu thương của Thiên Chúa được diễn tả trong câu chuyện Người Samari nhân hậu.  Người Samari là hình ảnh của Đức Giêsu.  Người bị đánh bầm dập nửa sống nửa chết là hình ảnh của nhân loại đáng thương do tội lỗi.  Người Samari đã săn sóc người bị nạn đưa anh vào quán trọ, dặn dò chủ quán chu đáo.  Tất cả những cử chỉ đó đều diễn tả sứ mạng của Đấng Cứu thế nơi trần gian.  Người mang trên thân mình mọi tội lỗi nhân loại để nhân loại được tự do.  Thánh Phaolô đã diễn tả với chúng ta trong Bài đọc II: “Đức Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo….  Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.

 

Câu chuyện người Samari nhân hậu hàm chứa những bài học sâu sắc đối với chúng ta.

 

Nhân vật mở đầu câu chuyện là một người tiến sĩ luật.  Ông đại diện cho giới trí thức và thượng lưu.  Cuộc đối đáp giữa ông và Chúa Giêsu chứng tỏ ông chỉ hỏi để thử Chúa Giêsu.  Chính tác giả cũng xác định điều này, khi ông viết: “Có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu, mới đứng lên hỏi Người rằng…”.   Với nghệ thuật trình bày rất hấp dẫn, câu chuyện cho chúng ta thấy sự hoán đổi của những vấn đáp rất tài tình, để rồi người hỏi lại là người trả lời:

 

“Thưa Thày, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”  Đây là câu hỏi của vị tiến sĩ Luật.  Sau đó, chính ông ta là người đưa ra những gợi ý để trả lời cho câu hỏi của mình: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”  Trong phần này, người tiến sĩ Luật đã trích dẫn sách Đệ nhị Luật (6,5) và sách Lêvi (19,18).  Đây là giáo huấn cốt lõi của Lề Luật.  Sau này Chúa Giêsu cũng nhắc lại để trả lời một vị kinh sư, khi ông này hỏi: “Thưa Thày, trong mọi điều, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28).  Vị tiến sĩ Luật đã đặt câu hỏi, rồi chính ông ta lại trả lời.

 

“Nhưng ai là người thân cận của tôi?” – vị tiến sĩ Luật đã đặt câu hỏi.  Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi, mà Người kể một câu chuyện về người Samari nhân hậu.  Cuối câu chuyện này, Người hỏi lại vị tiến sĩ: “Vậy, theo ông nghĩ, trong ba người đó (tư tế, Lêvi và người Samari) ai đã tỏ ra là người thân cận với người bị rơi vào tay kẻ cướp?  Và, vị tiến sĩ đã câu trả lời: “Chính là kẻ đã thực lòng thương xót đối với người ấy.”  Trong câu trả lời này, những danh xưng, chức vụ và dòng dõi xem ra đã trở thành vô nghĩa, mà điều quan trọng là sự cảm thương, lòng nhân hậu.  Chỉ có lòng nhân hậu mới đáng kể.  Lòng nhân hậu vượt lên tất cả mọi danh xưng và chức vụ.  Hai người đi qua, thày tư tế và Lêvi, chỉ quan tâm đến lý thuyết, mà họ quên thực hành.  Họ dửng dưng trước nỗi đau của người bị nạn.  Câu hỏi được vị tiến sĩ đặt ra là: “Ai là người thân cận của tôi?” đã được đảo ngược thành: “Tôi là người thân cận của ai?  Giá trị giáo huấn là ở chỗ đó.  Đối với người Samari, ông chỉ thấy trước mắt ông là một con người bị nạn.  Ông không bận tâm xem người đó thuộc dòng tộc nào.  Ông cũng không tìm cách khoe khoang việc mình làm.  Hành động của ông âm thầm khiêm tốn và đậm tình người.

 

“Ông hãy đi và làm như vậy” – Vị tiến sĩ vừa khoe khoang sự hiểu biết và lòng đạo đức của mình ở trên kia, giờ đây được Chúa giáo huấn: ông mới chỉ thông thạo về lý thuyết thôi.  Ông cần phải thực hành những gì ông hiểu biết.  Ông hãy cố gắng để trở nên người thân cận với người khác, như thế ông mới thực sự đạt tới sự hoàn thiện.

 

“Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”  Tác giả Luca bỏ lửng câu chuyện ở đây để độc giả tiếp tục suy tư và cảm nhận mình có thể là nhân vật vị tiến sĩ Luật trong câu chuyện.  “Hãy làm như vậy”, tức là có tâm tình bao dung quảng đại như người Samari.  Chúng ta biết, giữa người Do Thái và người Samari có mối thù truyền kiếp.  Người Do Thái thường coi người Samari là người ngoại đạo.  Khi tranh luận với Chúa Giêsu, những người Do Thái nói một cách khinh miệt: “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao” (Ga 8,48).  Vậy mà dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, người Samari lại có tâm hồn nhân hậu, hơn cả tư tế và Lêvi, vì ông này đã dừng chân cứu giúp người bị nạn.

 

“Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” – Câu kết rất đơn giản, cũng là câu trả lời cho câu hỏi ở đầu trình thuật: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (câu 25).  Đó cũng là thông điệp mà Phụng vụ muốn gửi đến mỗi người chúng ta.

 

TGM Vũ Văn Thiên 

Xem thêm

JOHN THE BAPTIST1

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai ngày 23/12 Mùa Vọng, của Lm Minh Anh

NÊN SỨ GIẢ “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt …