Home / Chia Sẻ / NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ

2020-06-26_22-13-49Chuẩn bị nhân sự tiếp nối công việc truyền giáo ở trần gian, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ.  Tuyển chọn rồi Chúa còn đào tạo để các ngài nên những chứng nhân trung thành của Chúa.  Hôm nay, Chúa nêu lên những đức tính cần thiết của người môn đệ.

Người môn đệ của Chúa phải có tâm hồn quảng đại.

 

Tiên tri Elisêô đã hào phóng đối với gia đình tiếp đón Ngài.  Tiên tri là hình ảnh đẹp về các môn đệ của Chúa.  Người môn đệ là đại diện cho Đấng sai mình.  Người đại diện tốt phải là người trình bày được dung mạo của Đấng sai mình.  Chúa Giêsu, Đấng sai ta là người vô cùng rộng lượng.  Người đến trần gian không phải để thu tích mà để ban phát.  Trọn cuộc đời, Người ban phát không biết mệt mỏi.  Người đến không phải để xét xử, luận phạt, nhưng để tha thứ.  Người tha thứ một cách dễ dàng cho tất cả những tội nhân đến với Người.  Người đến không phải để giết chết, nhưng là để cứu chữa.  Người đến cho ta được sống và sống dồi dào.  Người môn đệ của Chúa cũng phải có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bao dung như Chúa.

Người môn đệ của Chúa phải sống khiêm nhường.

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là những người bé mọn.  Chống lại những thói kiêu căng, phô trương, Chúa Giêsu luôn thao thức sao cho các môn đệ của Người trở nên bé nhỏ, khiêm nhường.  Bé nhỏ trong tâm tình đạo đức để phó thác mọi sự trong tay Cha.  Bé nhỏ về của cải, đừng mang “hai áo, mang theo túi tiền.”  Bé nhỏ trong cách cư xử với nhau, đừng tranh giành chỗ nhất, nhưng hãy chọn chỗ chót.  Bé nhỏ để quỳ xuống phục vụ: “như Thầy đã rửa chân cho các con, các con hãy rữa chân cho nhau.”  Bé nhỏ để sau khi làm mọi việc rồi, hãy nhận mình là “tôi tớ vô duyên bất tài.”

Người môn đệ của Chúa phải biết tập trung vào Chúa Kitô.

 

Người môn đệ là người chọn Chúa Kitô làm lý tưởng.  Người môn đệ cũng là người đi làm chứng về Chúa Kitô.  Vì thế mọi lời ăn tiếng nói, cả đến tâm tư tình cảm phải qui hướng về Chúa Kitô.  Chúa Kitô phải chiếm vị trí ưu việt trong tâm hồn người môn đệ.  Nói thế không có nghĩa là người môn đệ chối bỏ mọi tình cảm chính đáng, dứt lìa những mối liên hệ gia đình.  Nhưng có nghĩa là từ nay người môn đệ có yêu thương ai thì cũng là yêu thương trong tình yêu của Chúa Kitô và bằng tình yêu của Chúa Kitô.

Người môn đệ của Chúa sống cho Chúa và chết cho Chúa.

 

Chúa Giêsu không sống vì mình và cho mình.  Người luôn sống vì và cho người khác.  Người sống vì Chúa Cha và cho Chúa Cha.  Nên mọi việc Người làm đều vì Chúa Cha và cho Chúa Cha.  Người là tình yêu hoàn hảo dâng tặng Chúa Cha.  Nên Người đã “vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.”  Người sống vì con người và cho con người.  Nên người đã ban tặng chính sự sống của Người cho nhân loại, đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại.

Nên thánh Phaolô khuyên người môn đệ của Chúa hãy bắt chước Chúa mà chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô.  Hãy yêu mến, sống cho Chúa và chết cho Chúa.  Chắc chắn ta không chết một lần, nhưng sẽ chết dần mòn.  Chết cho tội lỗi để không bao giờ phạm tội nữa.  Chết trong quên mình âm thầm.  Chết trong những hy sinh nhỏ bé.  Chết trong nhiệt thành phục vụ nước Chúa.  Chính khi chết đi như vậy, ta lại được một sự sống mới tràn ngập tâm hồn, sự sống sung mãn, phong phú của Thiên Chúa.  Chỉ có những ai đã trải qua cái chết, mới cảm nghiệm được sự sống ấy, Thánh Phanxicô chắc chắn đã trải qua cuộc lột xác ấy nên mới thốt ra được những lời bất hủ: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.”  Vì thế thánh nhân đã trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin thanh luyện tâm hồn con, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa.  Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …