Người Kitô hữu có hai ngày đáng ghi nhớ nhất: đó là lễ Giáng Sinh và lễ Phục sinh. Trước hai ngày lễ trọng đại đó có Mùa Vọng và Mùa Chay để chuẩn bị. Người Kitô hữu Việt Nam chuẩn bị thật rốt ráo. Chẳng hạn như chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, thì bên ngoài lăng xăng lo làm hang đá, đèn đóm, tượng ảnh, cây thông, băng nhạc, băng video…. Bên trong lo quét dọn chùi bóng: xưng tội. Vậy là có cả bên trong và bên ngoài, tốt quá đi chứ, còn chê vào đâu được.
Thế nhưng, nếu cứ như thế năm này qua năm khác và chỉ có thế thôi, thì lối sống đạo như vậy đã an tâm được chăng?
Vấn đề xưng tội có vẻ như chỉ chờ đến ngày này mới ào ào đổ xô đi xưng tội. Chen lấn, xô đẩy, giành giật, cãi vã, la mắng nhau om sòm, chạy sang tòa này chạy tới tòa kia lạch bạch như… vịt. Bởi thế, nên có cả tội mới toanh vì vừa mới phạm: đó là tội chen lấn chửi nhau trước khi vô tòa. Đúng là tội còn nóng hổi vừa thổi vừa xưng.
Tôi nhận định thấy là tất cả đều vội vàng, từ cha đến con, từ già đến trẻ, ai ai cũng sốt ruột, ai ai cũng muốn cho mau, cho xong, cho yên cái lương tâm sún răng… nên cần dốc hết dốc cạn ra.
Phần linh mục cũng muốn giải quyết số lượng chồng chất quá tải đó nên cần vắn tắt, đúng công thức thuộc lòng, nhanh nhanh một chút cho nhẹ gánh bởi vừa giải tội vừa lo giữ trật tự, đôi khi phải có bộ mặt hình sự, đôi khi phải quát. Tội gì thì cũng phải tha và cho việc đền tội chẳng biết bao nhiêu cho đủ, nhiều lúc cũng muốn nói ít lời, khuyên nhủ đôi câu, nâng đỡ đôi điều nhưng cứ thấy cái đuôi rồng rắn dài cả cây số mà nghẹn cả cổ, cố làm sao cho các toa tầu lửa mau rút ngắn lại, mà cái đầu tầu càng sốt ruột thì lại càng thấy lần lần được chắp nối thêm toa. Các toa chắp nối vào rất từ từ nhưng lại rất khốc liệt.
Phần tín hữu thì bá nhân bá tánh, đủ mọi kiểu xưng tội, đủ mọi thứ kể lể, đủ thứ mở đầu và kết thúc. Tội to tội bé, tội nặng tội nhẹ tội trên trời tội dưới đất, tội địa ngục… chờ đến ngày này mới “xả” ra. Người vài tháng, người ít năm, người lâu năm. Người kể lể tỉ mỉ, người kể đại khái, người nói ít lần, người nói nhiều lần, người không nhớ ít hay nhiều nữa. Người kề cà xin lời khuyên lời răn, người nhấp nhổm chưa xong đã chạy, người nín hơi kể một lèo tuồn tuột, người ngâm nga ê a thưa gửi. Người kể tội người khác, người chưa kể đã biện hộ. Người thở hơi rượu, người thở hơi thuốc lào, người thở hơi hôi thối, người thở hơi ngai ngái. Người giọng Bắc, giọng Nam, giọng Trung, trầm bổng đủ mọi thứ giọng… Cả là một bi kịch diễn ra trong vội vàng, ai cũng muốn cho xong cho qua. Cũng trong ngày này cũng có người thích xưng tội ngoài giờ, ngoài luồng không biết có phải ngại xếp hàng, ngại chen lấn, sợ mất thời giờ không? Họ có những lý do như con bệnh, nhà xa, mới đi làm về, mai phải đi xa, xếp hàng suốt sáng đến giờ mà chưa được xưng…? Ra nhưng không xưng tội được là không xong, không nhẹ mình, không mừng lễ? Ôi! Mừng lễ Giáng Sinh mà như sắp tận thế?
Giáo Hội xếp đặt những lễ quan trọng, nhắc nhở những biến cố trọng đại đó có ý nghĩa gì, muốn dậy dỗ khuyên nhủ tín hữu điều gì? Nếu chỉ có kiểu sống đạo niềm tin như tín hữu có thói quen “tốt lành” giữ xưa nay thì có đánh mất ý nghĩa chính của những biến cố trọng đại ấy không? Và chỉ dừng ở đó là đủ sao? Là đạt phần rỗi, là tót vào nước trời thẳng cẳng ru?
Có thắc mắc hỏi tại sao để đến ngày này mới tẩy uế linh hồn cách dồn dập như thế? Họ trả lời Giáo Hội làm những “cái cột mốc” để tín hữu có thời gian tính sổ trả nợ. Có bày ra như thế mới tạo dịp nhắc nhớ cho họ, kêu gọi họ, bắt ép họ. Mùa Thường Niên là mùa thoải mái, mùa thênh thang tự do, mùa tối tăm mắt mũi vào công ăn việc làm, sô bồ giành giật, lọc lừa, dối gian… chơi bời thỏa thuê. Tội lỗi xếp đấy chẳng áy náy, chẳng buồn nghĩ, chẳng hơi sức đâu mà lo nghĩ đến đạo. Chờ đến ngày tính sổ “nộp thuế” thì dồn dập ào ào như thế mới bớt sợ, bớt run vì mình chỉ là phần tử nhỏ nhoi trong cái khối khổng lồ ấy, chẳng ai thèm để ý đến mình, chẳng linh mục nào muốn bắt bẻ mình, chẳng vị nào biết tông tích gốc rễ đời mình dù tội mình có tầy trời.
Người mục tử và đoàn chiên, sao mà kỳ quặc dễ sợ? Sao không có những phút giây thanh thản bình an bên nhau để sửa đổi, để chia sẻ, để hướng dẫn trong thân tình mặn mà, nồng ấm đạt tới một đời sống đức tin chân thật? Đi vào cuộc gặp gỡ, sống mối tương quan, sự gắn bó kết hiệp mật thiết với Chúa trong cái thường ngày để chan hòa vào đời sống cho cuộc sống mình và tha nhân tốt đẹp, sạch sẽ, lành mạnh hơn. Như thế đâu có phải là chuyện trên mây trên gió? Đâu có phải là chuyện viễn vông không tưởng? Sống với một thế giới vật chất dồn dập, đời sống tâm linh cũng chẳng khá hơn. Do đó, ra như giữa chủ chăn và con chiên, ai cũng bận rộn, hoặc còn ái ngại hoặc có một khoảng cách nào đó nên không có thì giờ để gặp gỡ để chia sẻ niềm tin.
Với nếp sống đạo như thế đó, Nước Trời vẫn xa lắc xa lơ, thiêng liêng và trần thế vẫn cứ tách rời nhau, nhà thờ và gia đình không có dính dáng, đọc kinh và việc làm chẳng ăn nhập. Chung cuộc, mong gặp được linh mục ở giây phút cuối cùng của cuộc đời này là may mắn, là số hên, là trúng độc đắc, đúng không?
Tấm lòng ở đâu? Tình yêu ở đâu? Lòng xót thương của Chúa ở đâu? Hẳn còn xa tít mù khơi chăng? Để những ngày Mùa Vọng Chúa vất vả lo giải quyết, thanh toán, còn Mùa Thường Niên ngồi chơi xơi nước, khỏe re. Sống đạo theo mùa, theo thời tiết, có mùa nghỉ chơi với Chúa, có mùa phải tính sổ. Nhìn cảnh sống đạo đang diễn ra cũng là cái chúng ta thấy được chúng ta đang nhào nặn nên một ông thiên chúa cho kiểu sống đạo của chúng ta. Thế đấy! Tôi viết ra đây cũng chẳng phải ngon lành gì hơn ai. Nhưng chúng ta can đảm nhìn lại, đặt lại cách sống đạo để Thiên Chúa, Người còn có cơ hội dạy chúng ta khám phá nhiều điều mới mẻ, sâu rộng hơn…
Trong đời sống âm thầm trầm lặng mỗi ngày, Chúa vẫn sinh ra và lớn lên trong tâm hồn. Ngài đã sinh ra nơi cánh đồng hoang vu thanh vắng, trong hang đá bò lừa tối tăm hôi hám, Ngài đã không bịt mũi xua tay, thì tâm hồn rách nát mỗi người Ngài cũng không ngần ngại mà hiện diện ở đó. Nếu nhận thức được như thế thì phải chăng ngày nào cũng là ngày lễ Giáng Sinh vui vẻ và mùa nào cũng là mùa xưng tội. Yêu thương và tha thứ.
Mong Manh
Nguồn: langthangchieutim