Không có gì Công giáo thuần túy hơn sứ vụ giáo hoàng. Khi chúng ta nghĩ mình là “Công giáo,” chúng ta nghĩ về Tòa Thánh, nghĩ tới Rôma hoặc Đền Thờ Thánh Phêrô. Nhưng nguồn gốc của sứ vụ giáo hoàng thực sự bắt nguồn từ Giêrusalem và các vị vua thiên sai (messiah-kings) cai trị ở đó.
Cũng như hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia, Thánh Vương Đavít và hậu duệ của ngài, các vua được xức dầu của Giuđa, đều nhận thấy rằng họ không thể đơn độc cai trị. Viên chức cao cấp nhất giúp đỡ nhà vua giống như một vị thủ tướng – thời quân chủ gọi là tể tướng. Người đó được gọi là “chủ cung điện.”
Trong Isaia 22, chúng ta thấy Thiên Chúa nói về một chủ cung điện bất xứng là Sépna, rằng ông sẽ bị thay thế bằng Engiakim, người sẽ làm những điều đúng đắn. Đây là những gì chúng ta biết từ đoạn Kinh Thánh này – “chủ cung điện” mặc y phục đặc biệt của danh giá chứng tỏ ông có đặc quyền. Ông trở thành “người cha” của mọi người trong vương quốc. Biểu tượng quyền bính là “chìa khóa,” vì ông có quyền mở cửa cho mọi người, kể cả đóng cửa. Đặc biệt là ông kiểm soát lối vào triều yết đức vua. Ông là người mà chúng ta có thể treo lên đó nhiều trọng lượng, như một cái móc ở một chỗ chắc chắn.
Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, Ngài không chỉ xuất đầu lộ diện và tuyên bố Ngài là Đấng Thiên Sai được mong đợi từ lâu đời. Tại thành Xêdarê Philípphê, Ngài hỏi các môn đệ xem dân chúng nói gì về Ngài. Các môn đệ đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. (Mt 16:13-20)
Nhưng rồi Chúa Giêsu hỏi chính các ông: “Anh em nói Tôi là ai?” Có thể các môn đệ có chút lúng túng. Rồi một trong các môn đệ thưa: “Thầy là Đấng Thiên sai, Con Thiên Chúa hằng sống!” Ở đây tôi không nói là Phêrô tuyên tín – vì ông chưa được gọi là “Đá Tảng.” Đó là vấn đề. Không có chỗ nào trong các Phúc Âm mà Chúa Giêsu thay tên đổi họ người khác. Trong Cựu Ước, khi Thiên Chúa đổi tên một người nào đó, điều đó chứng tỏ rằng người này giữ vai trò độc nhất trong chương trình cứu độ – Ápram đổi thành Ápraham, Giacóp thành Israel, v.v… Thêm vào đó, chính tên được Thiên Chúa đặt cung cấp manh mối đối với một vai trò đặc biệt mà người đó thể hiện. Chẳng hạn, Ápraham nghĩa là “cha của các dân tộc.”
Dĩ nhiên, Phêrô nghĩa là “đá.” Hãy nhớ lại Engiakim có là chiếc móc đáng tin cậy khả dĩ chịu đựng nhiều sức nặng? Đá tảng là cái gì đó vững bền mà người ta có thể đứng lên, thậm chí là xây dựng nhà cửa trên đó. Còn chiếc chìa khóa mà Chúa Giêsu muốn nói tới? Chúa Giêsu nói thẳng rằng Ngài là người sáng lập Israel mới nên Ngài cũng đang chọn thủ tướng cho Ngài. Thật vậy, Ngài lưu ý rằng chính Chúa Cha đã tuyển chọn. Vì đó là bởi nhân đức của sự mặc khải mà ngư phủ Phêrô biết được điều mà không ai có thể biết: Chúa Giêsu là Đức Kitô, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa.
Một trong những điều khó hiểu nhất về giáo huấn Công giáo là giáo lý về ơn bất khả ngộ (papal infallibility). Nhưng đoạn Kinh Thánh này cung cấp nền tảng về giáo lý này. Thánh Phêrô, và những người kế vị, nhờ đó mà được đặc sủng về sự thật, khi được thúc đẩy, các ngài được Chúa Thánh Thần trao quyền để xác định chân lý về Chúa Giêsu. Nói cách khác, chân lý sẽ đủ cho mọi người. Nếu vậy, ma quỷ vẫn chiếm ưu thế đối với Giáo Hội. Nhưng Chúa Giêsu, khi biến Simôn thành Phêrô, đã chắc chắn nó không thể làm hại. Dù hơn 2000 năm bị bắt bớ khắp nơi, ma quỷ vẫn “bó tay.”
Như vậy tại sao Rôma là trung tâm của Giáo Hội Công Giáo? Vì thánh Phêrô là giáo hoàng tiên khởi đã tử đạo ở đó. Tại sao thay tên đổi họ sau bầu cử ở mật viện? Vì Thánh Phêrô có một tên ở Xêdarê Philípphê. Và tại sao có trang phục lạ và danh hiệu Đức Thánh Cha? Vì Engiakim mặc trang phục danh giá và là “cha” của mọi người.
Chức vụ giáo hoàng không chỉ là Công Giáo thuần túy, mà còn xuyên suốt Kinh Thánh.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)