Sự giản dị không có nghĩa là tầm thường hoặc không quan trọng, mà ngược lại, sự giản dị rất quan trọng. Không gì đơn giản hơn tế bào, nhưng tế bào lại là “nền tảng” của sinh vật – trong đó có con người. Thiên Chúa rất quý sự giản dị, và chính Chúa Giêsu đã vô cùng giản dị về mọi thứ – từ Belem tới Canvê.
Trong di chúc, “ông già nhân từ” Gioan XXIII (1881-1963) đã viết: “Sinh trưởng trong sự nghèo nàn, ở một gia đình giản dị nhưng được trọng kính, tôi rất sung sướng được chết trong sự nghèo nàn, vì theo sự đòi hỏi và các trường hợp sống đời giản dị và hèn mọn của tôi, tôi đã phân phát cho người nghèo và Giáo Hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì ít ỏi của tôi đã có, trong những năm làm linh mục và giám mục..” Tâm tình thánh thiện tuyệt vời!
Những con người giản dị là những con người sâu sắc. Tại sao người ta coi trọng bề ngoài? Vì không có chiều sâu nên phải dùng bề ngoài như bức bình phong đa sắc màu để che giấu sự nông cạn của mình. Kinh nghiệm sống cho chúng ta thấy rõ điều đó, như một triết lý sống độc đáo vậy.
“Ông bụi đời” Gioan Tẩy Giả cũng chứng tỏ chân lý đó: Giản dị và khiêm nhường. Ông là người đến trước để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Bất cứ làm gì cũng cần chuẩn bị, dù việc lớn hay nhỏ, chuẩn bị có thể lâu hay mau. Một trong các công việc quan trọng là “mở đường” hoặc “dò đường,” người đó phải đi trước để xem xét tình thế để lo liệu công việc cho phù hợp, có thể đạt hiệu quả cao nhất. Dọn đường mang hai ý nghĩa – nghĩa đen và nghĩa bóng, cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình. Mỗi cái có nét riêng và mức quan trọng nhất định, đôi khi cái này không thể thay thế cái kia.
Thời quân chủ, mỗi khi vua đi đâu cũng có quân sĩ đi trước thông báo cho dân biết, ông vua được tiền hô hậu ủng. Ngày nay cũng vậy, khi một nhân vật quan trọng (VIP – Very Important Person) sắp đến nơi nào đều có người đến nơi đó trước để chuẩn bị nhiều thứ, không chỉ liên quan ngoại giao mà còn về vấn đề an ninh – nhất là trong thời buổi khủng bố ngày nay. Nhân vật càng quan trọng càng được “dọn đường” cẩn trọng hơn.
Chính Thiên Chúa đã làm như vậy từ ngàn xưa. Quả thật, trước khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, Chúa Cha đã cho xuất hiện người tiền phong là Gioan – con trai của ông bà Dacaria và Êlidabét. Theo tiếng Do Thái, tên Gioan nghĩa là “Thiên Chúa từ bi.” Ông là “dấu cộng” của Cựu Ước và Tân Ước, được gọi là Tiền Hô (người dọn đường cho Chúa Giêsu), là Tẩy Giả (người làm phép rửa cho Chúa Giêsu), và có phong cách đặc biệt là rất bụi đời: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (Mt 3:4) Thế nhưng “kẻ bụi đời” đó lại được mệnh danh là “ngôn sứ của Đấng tối cao” (Lc 1:76) và “nên cao cả trước mặt Chúa.” (Lc 1:15) Mặc dù là dân VIP như thế, ông Gioan vẫn khiêm hạ, nhận mình là người “không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu.” (Lc 3:16)
Cuộc đời Thánh Gioan Tẩy Giả có nhiều cái lạ, lạ ngay từ thuở ban đầu: Bà Êlidabét mang tiếng là son sẻ (ngày nay gọi là “hiếm muộn” hoặc “vô sinh”), nhưng Thiên Chúa đã thương nhậm lời cầu xin và cho bà mang thai khi đã lớn tuổi. Còn ông Dacaria không tin bà có thể mang thai nên bị câm cho đến khi bé Gioan chào đời và chịu phép cắt bì. Thấy lạ nên ai cũng ngạc nhiên: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” (Lc 1:66) Vô cùng kỳ bí!
Gioan “càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh.” (Lc 1:80) Người ta thường ví von rằng “nam vô tửu như kỳ vô phong,” nhưng Gioan hoàn toàn khác lạ vì không hề biết rượu lạt hay nồng. (Lc 1:15) Gioan càng lạ lùng hơn khi ông khiêm nhường nói về Đấng đến sau – Đức Giêsu: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.” (Ga 3:30) Ôi, ông anh họ Gioan lạ quá chừng luôn! “Người dọn đường” mà còn khác người như thế thì huống chi “Đấng ngự đến nhân danh Thiên Chúa.” Chắc chắn trí tuệ phàm nhân không thể suy thấu.
Xưa cũng như nay, thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, cuộc sống vẫn có nhiều mối liên quan kỳ lạ, nhưng sự liên đới đó luôn có nguyên nhân và hệ quả – người ta gọi tắt là Nhân Quả. Thiên Chúa là Đấng công minh và công bình, nên ý định của Ngài cũng rạch ròi nhưng vẫn bí ẩn: Trời sinh một bậc kỳ tài là để dùng vào một sứ mệnh nào đó, nhưng trước khi trao sứ mệnh đó, trời bắt người đó phải trải qua trăm cay ngàn đắng.
Thánh Y Nhã nói: “Nếu Thiên Chúa gởi cho bạn nhiều đau khổ, đó là dấu Ngài có kế hoạch lớn dành cho bạn,và chắc chắn Ngài muốn làm cho bạn nên thánh.” Thật vậy, sách Huấn Ca có lời khuyên độc đáo này: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, con hãy CHUẨN BỊ tâm hồn để ĐÓN CHỊU THỬ THÁCH. Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục.” (Hc 2:1-2 và 5) Ông Gioan cũng không ngoại trừ với định luật bất biến đó, để rồi cuối cùng ông đã phải chết nhục nhã bằng cách bị chém đầu vì một vũ nữ lăng loàn trắc nết, (x. Mt 14:3-11; Mc 6:17-19) chứ không được chết hiên ngang ngoài pháp trường như những vị tử đạo khác.
Và lại có thêm sự lạ nữa là ông Gioan bị người ta coi thường nhưng lại được Đức Kitô đề cao: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11:11) Đa số chưa chắc đúng, thiểu số chưa chắc sai. Đừng lấy số đông để áp đảo hoặc áp đặt điều gì đó đối với người khác theo kiểu “đa số hơn thiểu số.” Lầm to!
Tấm gương “đệ nhất khốn khổ” là ông Gióp, một người chịu quá nhiều mất mát, đau khổ đến tột cùng, ngay cả thân nhân cũng buông lời nguyền rủa ông. Nhưng giữa cơn bão khổ, ông vẫn tín nguyện, và Chúa đã lên tiếng: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài.” (G 38:8-10) Rồi Ngài cho ông biết: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!” (G 38:11) Tự do cũng phải có giới hạn ngay trong sự tự do. Thiên Chúa luôn làm điều lạ lùng mà phàm nhân không thể hiểu được.
Tiếng sóng mãi mãi vẫn không khác gì, chỉ khác về cường độ. Tiếng sóng có lúc da diết, có lúc êm đềm, có lúc lãng mạn, có lúc sôi nổi, và có lúc lại thét gào dữ dội. Khi biển lặng, sóng vỗ rì rào êm đềm thật thú vị; nhưng khi biển giận dữ, không ai biết sóng thần nổi lên lúc nào, có chạy cũng không kịp. Biển và sóng không thể tách rời nhau. Rất lạ lùng.
Cuộc đời con người cũng tựa như con thuyền nhỏ trên biển lớn. Thánh Vịnh gia nhận định: “Họ vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi, giữa trùng dương lèo lái con tàu, mắt đã tường việc Chúa làm nên và kỳ công Ngài thực hiện giữa dòng nước lũ.” (Tv 107:23-24) Thiên Chúa không là thích đùa dai, vì con người quá quắt nên Ngài mới ra tay uy lực, không phải để triệt hạ mà để tỉnh thức lương tâm con người: “Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn.” (Tv 107:25) Lúc đó, “họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc.” (Tv 107:26) Khủng khiếp quá! Nhưng Thiên Chúa không bắt ai phải chết ê chề.
Ngôn sứ Isaia chia sẻ: “Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung.” (Is 49:2 và 5) Những người được Thiên Chúa tuyển chọn đều có những “điểm lạ,” mỗi người mỗi cách. Isaia như thế đó, còn Gioan Tẩy Giả theo cách khác. Và mỗi người đều dành cho mục đích riêng của Thiên Chúa. Với Isaia, Ngài nói: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.” (Is 49:6) Với Gioan Tẩy Giả, sứ thần cho biết “sẽ nên cao cả trước mặt Chúa” và “đầy Thánh Thần” ngay khi còn trong lòng mẹ, (Lc 1:15) với sứ vụ đặc biệt của ông là “đi trước mặt Chúa để dọn đường cho Ngài.” (Lc 1:76)
Ngay cả những gì chúng ta chưa nghĩ tới thì Thiên Chúa đã thấu suốt: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.” (Tv 139:1-3) Ngài biết tất cả vì Ngài tạo dựng nên chúng ta. Để dễ hiểu, có thể ví Ngài như nhà điêu khắc, còn chúng ta là những bức tượng: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi.” (Tv 139:13-15) Thánh Vịnh gia mô tả rất hay, và cũng rất lạ.
Kinh Thánh cho biết về Gioan Tẩy Giả: “Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: ‘Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.’” (Cv 13:24-25) Gioan là thế: giản dị, khiêm nhường, nhưng nghiêm túc, thẳng thắn, chống lại tà quyền, bảo vệ chân lý,…
Sinh nhật Gioan Tẩy Giả được kể ngắn gọn trong trình thuật Lc 1:57-66. Hôm đó, mọi người đều lấy làm lạ khi thấy cả bà Êlidabét và ông Dacaria đều muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan, lạ nữa là ngay lúc đó ông Dacaria hết câm, nói lại bình thường. Ai cũng thắc mắc về đứa trẻ và nhận ra “có bàn tay Chúa phù hộ” bé Gioan. Thánh Luca cho biết: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.” (Lc 1:80) Đó là cách sống ẩn dật để sống cho Thiên Chúa. Lạ lùng lắm luôn!
Đó cũng là “điểm lạ” và cách sống ẩn dật của các tín nhân – những người theo Chúa luôn nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện. Liên quan việc cầu nguyện, Thánh Isaak Syria cho biết: “Đôi khi có người ước muốn một điều tốt lành, nhưng Thiên Chúa không giúp đỡ họ. Điều này xảy ra bởi vì ước muốn ấy nhiều khi do ma quỷ mà ra và gây hại chứ không sinh ích; hoặc vì ước muốn ấy vượt ngoài phạm vi khả năng của chúng ta, khi chúng ta chưa đạt đến một đời sống xứng hợp; hoặc vì điều ấy xa lạ với hình thức nỗ lực chúng ta đã chấp nhận; hoặc vì vẫn chưa đến thời gian để điều ấy được hoàn thành hoặc bắt đầu được hoàn thành; hoặc vì chúng ta không có đủ kiến thức và sức mạnh; hoặc vì những hoàn cảnh hiện tại vẫn chưa thích hợp. Tuy nhiên, ma quỷ lại dùng tất cả mưu mô của hắn để đặt công việc ấy vào một ánh sáng thuận lợi, mưu đồ kích động chúng ta, khuấy đảo bình an tâm hồn và làm hại thân xác chúng ta. Vậy chúng ta phải cẩn trọng suy xét cả những ước muốn tốt lành của mình. Tốt nhất là hãy làm mọi việc theo lời khuyên nhủ.”
Gioan Tẩy Giả là người giản dị nhưng vĩ đại, tín nhân cũng không thể khác được. Thánh Teresa Avila có nguyên tắc sống thế này: “Hiền từ với mọi người và nghiêm khắc với bản thân.” Lời ngắn gọn mà sâu sắc, giúp chúng ta sống giản dị để trở nên vĩ đại. Và “chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện.” (Bác học André-Marie Ampère, 1775-1836)
Có những thứ đơn giản mà rất quan trọng, cũng có những thứ đơn giản mà rất nguy hiểm: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền.” Thói quen nho nhỏ rất bình thường nhưng “lâu ngày dày kén,” nó có thể biến thành tính cách và tạo nên số phận.
Lạy Thiên Chúa, ngoài Ngài thì chẳng có ai cứu độ chúng con. (Is 43:11) Xin gia tăng tín lực cho chúng con (Lc 17:5) và soi sáng để chúng con luôn thi hành đúng Thánh Ý Ngài, nhất là những điều trái ý chúng con. Lạy Thánh Gioan Tẩy, xin giúp chúng con sống giản dị và cầu thay nguyện giúp để chúng con càng ngày càng nhỏ lại cho Chúa càng ngày càng nổi trội. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU