Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.CUỐI)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.CUỐI)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.CUỐI)

VI. SÁM HỐI TRỞ VỀ VỚI THIÊN CHÚA
Con người ngày nay càng mất dần ý thức về tội lỗi, bởi vì họ mất dần ý thức về Thiên Chúa.
Tội lỗi chỉ có ý nghĩa trong mối liên hệ với Thiên Chúa.
Tội lỗi trước hết là hành động xúc phạm tới Thiên Chúa, vi phạm luật Chúa, và nhất là từ chối tình thương của Ngài. Cho nên Sám Hối là nhận ra tội lỗi của mình rồi ăn năn sám hối, quyết tâm trở về với Chúa. Chính vì thế, Sám Hối là một chủ đề nổi bật trong Thánh Kinh. Giavê không ngừng đòi hỏi Dân Chúa phải luôn canh tân đổi mới cuộc sống và Giavê đã dùng đủ mọi cách đổi mới con tim Dân Người.
1. Điểm khởi động cho việc Sám Hối là thú nhận mình có tội.
Sự bất toàn của con người đã đưa con người đến phạm tội, và cũng chính sự bất toàn đó đã làm cho con người hay chối tội và cũng chính vì thế con người mau quên đi tội lỗi của mình.
Chối tội, tránh né luật đó là chuyện thường xảy ra nơi mỗi người chúng ta.
Câu chuyện hai đứa trẻ trốn học kể rằng:
Có hai cậu bé trong lớp học giáo lý ngày Chúa Nhật. Cả hai đều chán ngán, nên tính trốn học.
– Trốn học à?… nhưng bố mày sẽ tóm cổ mày và nện cho mày một trận
. Và bố tao cũng thế!
– Chúng ta đánh lại các ông ấy.
. Gì hử? Đánh lại bố? Mày có khùng không đấy?
Chúa dạy chúng ta tôn kính bố mẹ.
Bộ mày quên rồi sao?
– Ờ… hở… nhưng không sao.Tao đã có cách…
Này nhé, mày đánh bố tao, tao đánh bố mày.
Né tránh luật, không nhận tội rồi lại còn hay chữa mình: “tôi yếu đuối”,
rồi chúng ta mong chờ sự thông cảm với lý do “ai lại chẳng có tội”
và chúng ta an tâm với lý do “tôi còn ít tội hơn nhiều người khác”.
Tự dối mình và tránh né nhận mình có tội, đó là những điều chúng ta thường mắc phải.
Chúng ta có thể che giấu, phủ nhận, nhưng tội vẫn còn đó.
Chúng ta có thể né tránh, nhưng tội vẫn là tội.
2. Chúng ta hãy trở lại với người con hoang đàng và mặc lấy tâm tình của người con hoang đàng:
“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha thôi”.
2.1. Anh thực tâm nhìn nhận mình có tội.
Anh đã khước từ tình thương, sự bao bọc chở che của người cha và anh đã bỏ nhà ra đi.
Sau một thời gian ăn chơi phóng đãng, hết tiền, anh đã phải đi chăn heo cho một người ngoại giáo ở đất khách quê người. Đối với người Do Thái, đây là một công việc hèn hạ, vì heo là một con vật nhơ nhớp đối với Do Thái giáo. Chăn heo đã là một việc hèn hạ, mà ở đây đói quá, muốn được ăn những thứ heo ăn mà cũng không được. Điều này nói lên tất cả những gì là nhục nhã nhất, hèn hạ nhất mà anh đang phải chịu.
Anh thực tâm nhìn nhận tội lỗi mình. Thế rồi anh đứng dậy trở về cùng cha.
2.2. Anh đứng dậy trở về nhà cha.
Người con hoang đàng đứng dậy trở về nhà cha.
Đứng dậy là phải mất đi sự yên nghỉ,
là phải từ chối sự dễ dãi,
là chấp nhận sự nhục nhã.
Trở về có nghĩa là phải chia tay với những đam mê,
giã từ với những quen thuộc,
đoạn tuyệt với những lôi kéo.
Trở về đòi phải định lại hướng đi,
phải phấn đấu nhọc nhằn,
phải trung thành cất bước.
2.3. Sám Hối là trở về với Thiên Chúa và đổi mới mỗi ngày.
Trở về gặp cha, nhưng anh chưa nói hết câu, thì người cha đã ôm chầm lấy anh.
Rồi bảo các đầy tớ: Hãy mang áo đẹp nhất ra đây. Xỏ nhẫn vào tay cậu, xỏ giầy vào chân cậu. Mang giầy mới và áo mới mặc cho cậu. Đó là hình ảnh không phải là kẻ nô lệ, kẻ tôi tớ, vì nô lệ không được mang giầy dép, mà phải đi chân đất.
Tác động người cha trao nhẫn cho con, chính là hình ảnh của vua Pharaon,
khi cất nhắc Giuse làm tể tướng Xứ Ai Cập, được toàn quyền như đức vua,
vua cũng rút nhẫn từ tay mình mà trao cho Giuse.(St 4, 42; Est 3,10. 8,2).
Thay quần áo, trang phục, nói lên giờ đây anh đã trở thành con người mới, qua đó, cũng nói lên việc thay đổi cách sống, đổi mới cuộc đời.
Giờ đây,
Anh luôn ở bên cha, phục vụ cha.
Anh sát cánh bên cạnh những người làm công.
Anh yêu thương nâng đỡ những người làm công.
Anh giúp những người làm công tìm được niềm vui trong công việc.
Anh thực lòng chia sẻ số phận của những người làm công.
Nhất là anh cảm hóa và biến đổi những người làm công
trở thành những người con thực sự trong gia đình của người cha.
3. Còn người con cả như thế nào?
Anh luôn tự hào :
“Suốt bao năm trời con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh cha”.
Anh đã phạm một tội rất nặng mà anh không biết.
Tội lớn nhất của anh là phạm tội mà không biết mình phạm tội.
Phạm đến cha mà cứ tưởng mình vô tội.
Làm khổ cha mà vẫn vênh vênh tự đắc.
3.1. Tội của anh là tội vô ơn.
Anh đã vô ơn không hiểu được lời của cha :
“con ơi, con luôn ở bên cha, mọi sự của cha đều là của con”.
Anh đâu có biết rằng 2/3 tài sản còn lại là của anh (Đnl 21,17).
Tài sản của anh gấp hai lần tài sản của đứa em.
Thế mà anh không nhận ra để rồi cám ơn cha.
3.2. Tội của anh là tội trách móc cha mình.
Anh trách móc cha mình là bất công, là keo kiệt.
Trách móc cha bất công khi anh nói: Cha coi thằng con cha đó, một thằng ăn chơi đàng điếm trở về thì cha lại ăn mừng.
Trách móc cha keo kiệt khi anh phàn nàn: Cha chẳng cho con lấy một con dê con để vui với bạn bè, còn giờ đây cha lại cho giết cả một con bê béo .
3.3.Tội của anh là tội cứ khăng khăng đòi loại người em ra khỏi tình thương của người cha.
Anh chỉ nghĩ đến mình, đến quyền lợi của mình, nên anh dễ dàng cắt đứt tình máu mủ ruột thịt với đứa em của mình.
3.4. Tội của anh là tội nhất định không làm hòa với cha.
Người cha đã phải ra tận nơi năn nỉ,
như muốn làm hòa với con, mà con không làm hòa,
nhất định không vào dự tiệc với cha.
Chính vì thế anh đã dừng lại ở ngay bước khởi đầu của Sám Hối,
đó là không nhận ra tội lỗi của mình.
Phạm đến cha mà cứ tưởng mình vô tội.
Làm khổ cha mà vẫn vênh vênh tự đắc.
4. Tội cứng lòng, không biết sám hối trở về với Thiên Chúa.
Người con thứ nhẹ tội hơn người con cả, lại chân thành sám hối và muốn làm hòa với cha.
Người con cả nặng tội hơn :
trong khi vô ơn, kết án cha thì người cha lại muốn đến với con, xin làm hòa với con:
“con ơi, con hằng ở bên cha, mọi sự của cha đều là của con”. Nhưng người con cả quyết tâm không làm hòa với cha.
Trong cuốn “Ơn Trở Về”, Đức Cha JB. Bùi Tuần
có nói đến những người tội lỗi cứng lòng,
mà những người ngay chính cũng cứng lòng nữa.
Tôi tự nghĩ, người con hoang đàng là hình ảnh của người tội lỗi,
còn người anh có thể là hình bóng của những người ngay cứng lòng.
Người tự coi mình là công chính, đạo đức mà cứng lòng và tự mãn thì thật khó trở về.
Và Đức cha JB. Bùi Tuần đã kể lại câu chuyện như sau:
Trong một phòng khách của Đức Giáo Hoàng,
tôi thấy có một bức tượng thánh Phêrô bằng đồng đen, đặt trên bệ cao.
Có lần tôi tò mò lại gần xem, thì thấy tay ông thánh Phêrô cầm một chùm hai chìa khóa.
Tôi tự hỏi: mở cửa thiên đàng thì một chìa là đủ, sao lại phải hai chìa ?
Và đột nhiên một ý tưởng thoáng qua trả lời rằng:
Chùm này là để mở lòng người.
Kẻ tội lỗi cứng lòng thì một chìa là đủ.
Còn người công chính cứng lòng, thì hai chìa chưa chắc đã mở được. [1]

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 


[1] JB.Bùi Tuần, Ơn Trở Về, p.81

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG