Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.8)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.8)

 

V. MỘT TÍN HIỆU KHÔNG VUI
+ Xin mời anh chị em nghe tiếp đoạn Tin Mừng:
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca.
“Lúc ấy người con cả đang ở ngoài đồng.
Khi anh ta về đến gần nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.
Người ấy trả lời: “Em cậu đã trở về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy vẫn khoẻ mạnh”.
Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu năn nỉ.
Cậu trả lời cha: Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào con trái lệnh cha, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng.”
Từ ngoài đồng về, người con cả nổi giận, không chịu vào nhà, và người cha đã phải ra tận nơi để năn nỉ cậu.
Hai câu hỏi đặt ra ở đây:
– Cậu hai có vào nhà không?
– Vào hay không vào, đàng nào tốt hơn?
1. Giải pháp một: không vào nhà, để rồi lại bỏ nhà ra đi.
Có người cho rằng anh không chịu vào nhà.
Anh không chịu vào, vì anh không thể tha thứ cho người em.
Anh không chịu vào, vì sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm, bị chia sẻ.
Anh không chịu vào, vì anh không hiểu được tấm lòng của người cha.
Hơn nữa, anh còn kết án người cha.
Anh kết án cha bất công và keo kiệt.
Kết án cha bất công khi anh nói: Cha coi, thằng con của cha đó, một thằng ăn chơi đàng điếm trở về thì cha lại ăn mừng.
Kết án cha keo kiệt khi anh phàn nàn: Cha chẳng cho con lấy một con dê con để vui với bạn bè, còn giờ đây cha lại cho giết cả một con bê béo để mừng thằng con bất hiếu trở về.
Như vậy đủ lý do để chúng ta kết luận: Người con cả bỏ nhà ra đi.
Người con cả bỏ nhà ra đi,
nói lên “niềm vui của Thiên Chúa, hình như không có lúc nào được trọn vẹn.
khi ở giữa Dân Người”
Một kết thúc làm cho chúng ta suy nghĩ:
Thiên Chúa là như thế đó,
nỗi khỗ tâm của Thiên Chúa là như thế đó.
2. Giải pháp hai: Người con cả vào nhà và ở lại với người cha.
Một kết luận xem ra có hậu, nhưng thực sự có hậu không?
Chúng ta trở lại với người con thứ, người con hoang đàng trong dụ ngôn.
Từ khi người con hoang đàng trở về, mọi sự đều thay đổi.
Những người làm công yêu cậu chủ,
yêu cậu chủ rồi yêu luôn cả công việc cậu chủ giao phó.
Vì yêu cậu chủ, nên yêu luôn cả ông chủ, vì khám phá ra lòng nhân hậu của ông chủ mà suốt cả bao năm dưới quyền người con cả, họ không thấy được điều đó.
Từ đây, những người làm công có một cái nhìn so sánh giữa người con thứ và người con cả.
Họ càng thương người con thứ bao nhiêu thì lại càng hận người con cả bấy nhiêu.
Đứng trước tình cảnh đó, người con cả sẽ phản ứng ra rao?
Liệu anh có thể kiềm chế được tính ghen tương đã nằm sâu trong lòng cậu không?
Thật vô cùng khó!
Vì lúc đầu, chỉ có người cha vui mừng vì cậu em trở về mà anh đã tức điên lên rồi, phương chi, giờ đây người cha vui mừng không những vì cậu em trở về, mà cả những người làm công cũng trở thành những người con trong nhà, được hưởng những quyền lợi như một người con trong gia đình.
Như vậy, chắc chắn sự ghen tương sẽ bùng nổ và chúng ta biết hậu quả của ghen tương sẽ dẫn tới đâu.
Chuyện xảy ra vào thế kỷ 16 tại Ấn Độ:
Trong triều đình có hai viên quan, mỗi người một tính xấu.
Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.
Ngày kia, nhà vua có một sáng kiến để sửa đổi những tính xấu đó.
Nhà vua cho triệu hai viên quan vào triều đình, cho biết sẽ trọng thưởng họ vì đã phục vụ lâu năm.
Hai ông có thể xin gì tùy thích,
nhưng người đầu tiên mở miệng xin, chỉ được những gì mình muốn.
Còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.
Những giây phút nặng nề trôi nhưng không ai mở miệng trước.
Người tham lam nghĩ trong lòng rằng nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia.
Còn người ganh tị lý luận: thà tôi không được gì còn hơn mở miệng nói trước, để người kia được gấp đôi.
Vì thế không ai muốn lên tiếng trước.
Cuối cùng, nhà vua phải đề nghị người ganh tị nói trước.
Người ganh tị lẩm nhẩm: thà không được gì còn hơn để tên tham lam được gấp đôi, nên ông tâu với vua: tôi xin chặt đứt một cánh tay. Ông ta sung sướng với ý nghĩ: người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.
Thật là ngớ ngẩn! Hại ai không hại, lại hại chính thân mình. Kẻ ganh tỵ là như thế đó.

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 

Xem thêm

14-5-2024 9-11-49 PM

Lời Chúa – Thứ Tư Tuần VII Mùa Phục Sinh 15/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN